Friday, March 29, 2024

Lễ Tình Yêu: Trump điện đàm với Quang để ‘siết nợ’?

Phạm Chí Dũng

Vietnam – Cali Today News – Đúng vào ngày Lễ Tình Yêu 14 tháng Hai năm 2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như muốn bày tỏ “tình yêu” đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam bằng cử chỉ “siết nợ” thông qua nội dung “hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề thương mại và cam kết sẽ tăng cường, mở rộng mậu dịch song phương công bằng và đối ứng” (VOA).

 

Cuộc điện đàm giữa Donald Trump và Trần Đại Quang – chủ tịch nước Việt Nam – cũng đề cập đến “tái khẳng định cam kết chung trong việc tăng cường Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam” và “thảo luận về môi trường an ninh trong khu vực và mối quan hệ quốc phòng song phương đang phát triển giữa hai nước, trong đó có chuyến thăm sắp tới của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới Đà Nẵng vào tháng 3”.

Cuộc điện đàm trên, cùng những nội dung được nêu ra, cho thấy Tổng thống Mỹ dường như muốn dành mối quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn những gì đã biểu hiện giữa hai quốc gia trong năm 2017 – năm đầu tiên và mang tính khởi động trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Trong nửa đầu năm 2018, một điểm nhấn lớn của quan hệ Mỹ – Việt rất có thể là sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tại Đà Nẵng, chứ không phải tại quân cảng Cam Ranh.

Trước đó, những chuyến đi con thoi của hai bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và James Mattis giữa hai nước là một động tác phục vụ quan điểm “tăng cường hơn nữa sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông” nhằm đối trọng với những sức ép đang gia tăng không ngừng và có thể kích động chiến tranh từ phía Trung Quốc. Đồng thời, rất có khả năng Hoa Kỳ muốn triển khai hàng không mẫu hạm ở vùng biển Đà Nẵng để bảo vệ ExxonMobil và mỏ Cá Voi Xanh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang rời cuộc họp báo tại Phủ chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 12 tháng 10, 2017.
Ảnh: VOA

Mỏ này có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối – nơi mà tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ đã được giới quan chức Hà Nội bật đèn xanh cho việc chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh.

Có thể xem mỏ Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam. Dự kiến khai thác khí ở mỏ này sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.

Nhưng lại đang có những dấu hiệu cho thấy ExxonMobil phải tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh do sức ép của Trung Quốc. Kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình.

Trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, một khả năng có thể đã xảy ra Hà Nội một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ.

Song việc Trump không quên nhấn mạnh vào “công bằng thương mại” giữa hai nước đã cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu sức ép của Mỹ về điều chỉnh cán cân thương mại, đặc biệt là giá trị xuất siêu của hàng hóa việt Nam vào Mỹ trong năm 2018.

Theo Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, mức thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Việt Nam trong năm 2016 là 32 tỉ đôla, nhưng đến năm 2017 đã tăng đến 38,3 tỉ đôla.

Hiển nhiên Việt Nam đang quá muốn có được đầu tư và buôn bán thương mại nhiều hơn với các nước phương Tây, đặc biệt là được xuất siêu càng nhiều càng tốt vào Mỹ và châu Âu để hầu cân bằng với giá trị khổng lồ phải nhập siêu hàng năm từ Trung Quốc – hơn 30 tỷ đô la theo đường chính ngạch và 20 tỷ đô la theo đường tiểu ngạch.

Vào tháng 3/2017, tức không bao lâu sau khi nhậm chức, Trump đã yêu cầu các cơ quan của chính phủ phải rà soát lại toàn bộ tình hình nhập siêu của Mỹ, để sau đó đã đưa ra một quyết định hiếm thấy: liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại kinh tế” cho Mỹ và đe dọa sẽ có thể mạnh tay trong “chế tài”.

Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân”, đồng thời ngưng trệ vô thời hạn Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm, khiến chân đứng kinh tế của chế độ độc đảng càng thêm rệu rã.

Dù APEC Đà Nẵng 2017 là “thành công tốt đẹp” như căn bệnh cường điệu mãn tính vô giới hạn của giới lãnh đạo Việt Nam, chuyến đi Đà Nẵng của Tổng Thống Trump về thực chất là là một chuyến “siết nợ” với bài diễn văn “Chúng tôi sẽ không để cho Hoa Kỳ bị lợi dụng nữa”. Trong đó có những đoạn vừa trực diện vừa quyết liệt:

“Nhưng trong lúc chúng tôi giảm rào cản thị trường thì những quốc gia khác lại không mở cửa thị trường với chúng tôi….

Chúng ta không dung thứ cho những hành động lạm dụng thương mại lâu dài này nữa, và chúng ta sẽ không dung thứ cho họ…

Từ hôm nay trở đi, chúng tôi sẽ cạnh tranh trên nền tảng công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để cho Hoa Kỳ bị lợi dụng nữa…”

Một trong những biện pháp chế tài mà Trump có thể làm đối với Việt Nam trong thời gian tới là “rút thẻ” đối với hàng hải sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ – tương tự hành động Liên Minh Châu Âu (EU) phát thông cáo báo chí về việc “rút thẻ vàng” đối với hàng xuất khẩu hải sản Việt Nam – một biện pháp chế tài kinh tế vào Tháng Mười, 2017.

Hiện thời, giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào Mỹ khoảng 1,4 tỷ đô la/năm. Với cá tính mạnh mẽ và bất thường của Trump, không loại trừ khả năng vị tổng thống này sẽ bỏ qua thao tác “thẻ vàng,” mà có thể rút thẳng “thẻ đỏ” đối với hàng hải sản Việt Nam – lặp lại việc thẳng tay ban lệnh cấm người nhập cư vào Mỹ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img