Friday, March 29, 2024

LẤY LẠI TÊN SÀI GÒN- CHIỀU NHẠC TRẦN CHÍ PHÚC CẢM ĐỘNG ĐẦY Ý NGHĨA

  Dương Thạch Thành

Lúc 2 giờ chiều Chủ nhật 24-4-2022, tại Hội trường NT Dance Studio của thành phố Westminster, nhiều đồng hương đã đến dự Chiều Nhạc Trần Chí Phúc- Lấy Lại Tên Sài Gòn, thưởng thức 15 ca khúc chủ đề Sài Gòn và các bài hát về vượt biển, đấu tranh quê hương của tác giả.

Trong lời tâm tình mở đầu, nhạc sĩ Trần Chí Phúc nói rằng nỗi buồn thành phố Sài Gòn đã mất tên, nỗi tiếc nhớ một thời đất nước tự do, một thời tuổi trẻ hoa mộng với tình yêu tha thiết, ước mơ một ngày thành phố hồi sinh; những ý tưởng này quyện vào nhau để tạo cảm hứng nồng nàn cho tác giả viết 18 ca khúc chủ đề Sài Gòn trong 43 năm qua; mở đầu là Sài Gòn Em Ở Đó ( 1979 ) và mới nhất là Sài Gòn Lá Me Bay ( 2022 ).

 Ông nói rằng thành phố Saint Petersburg bên nước Nga đã bị đổi tên thành Leningrad năm 1924 và năm 1991 đã trở lại tên xưa; cho nên người dân Việt Nam có thể phải chờ một thời gian lâu dài như vậy để Sài Gòn lấy lại tên cũ.

Đồng ca Lấy Lại Tên Sài Gòn : Đoàn Cẩn, Ái Liên, Lâm Dung, Thy An, Ngọc Quỳnh, Phong Dinh, Trần Chí Phúc

Mở đầu là bản đồng ca Sài Gòn Lấy Lại Tên với Đoàn Cẩn, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên, Phong Dinh, Thy An, và tác giả với cây đàn ghi ta, làm không khí hội trường trở nên sinh động. Bài hát chia làm bốn đoạn, ý nhạc phong phú từ tông thứ chuyển sang tông trưởng rồi sang tông thứ rồi trở lại tông trưởng. “Ta quyết lấy lại tên Sài Gòn dù cho năm tháng biết bao đổi thay “.

Mời nghe ca khúc Sài Gòn Lấy Lại Tên : https://www.youtube.com/watch?v=Rng_cRzQLBI

Hoa hậu San Diego Nhật Hân tặng hoa tác giả

Kế tiếp là Sài Gòn Em Ở Đó- Thanh Vũ ca- bài hát được coi là hay nhất trong dòng nhạc Sài Gòn cả nhạc lẫn lời. Lời ca đặc biệt “ Em dáng yêu đôi vai gầy, làn tóc ngát hương say, mắt xanh nay u hoài, cuộc sống không ngày mai, không một bóng tương lai, trong ngục tù chủ nghĩa, trong ngục tù giai cấp, ôi ngục tối đêm dài.”

MC Phong Dinh,đến từ Canada, trình bày Sài Gòn Hát Vang nhịp điệu rộn ràng  “Này em có biết ai đã thay tên Sài Gòn. Từ trăm năm trước tên đã có bao người quen. Dù bao thay đổi nhưng lòng vẫn không nhạt phai. Vẫn tin vẫn mơ hát vang tên yêu Sài Gòn.”

MC Phong Dinh

Tiếng hát Nam Trân dịu dàng bản Sài Gòn Mơ Ngày Hội Ngộ điệu Valse chậm, buồn xen lẫn ước mơ “ Một ngày anh sẽ về bên em. Anh sẽ về vàng sắc cờ bay. Thành đô bao người say đêm nay. Nâng chén tương phùng tay nắm tay.”

Giọng ca Yên Bình đến từ San Diego với Sài Gòn Yêu Mãi “ Sài Gòn thành phố yêu thương. Sài Gòn hồn mãi vấn vương. Một ngày mưa tan nắng ấm, một ngày Tự Do nở thắm, đón anh trở về vòng tay quấn quýt tình ta ngát hương.”

Trân Trân tiếng hát trẻ nhất, nhí nhảnh trong Sài Gòn Chiều Mưa “ Sài Gòn chiều mưa mong ước người về, Sài Gòn chiều mưa vương vấn lời thề, một ngày người đi nói câu yêu em…”

Thanh Lan hát Sài Gòn Lá Me Bay

Thái Hoàng trầm ấm bản Hát Cho Em Nghe Bài Hát Sài Gòn “ Này em hát cho em nghe bài hát Sài Gòn. Để nhớ về thành phố đã xa…”

Đồng Thảo đến từ San Jose trình bày bản Sài Gòn Một Thoáng 30 Năm- bài hát viết năm 2005- được 3 đài BBC, VOA, RFA phát thanh ngày 30-4-2005 qua tiếng hát tiếng đàn Trần Chí Phúc “ Ơi Sài Gòn một thoáng ba mươi năm, anh về đây tóc đã hoa râm, ta ngậm ngùi giây phút trùng phùng.”

Bản Xác Em Nay Ở Phương Nào- ca khúc vượt biển nổi tiếng của Trần Chí Phúc được diễn tả với Khả Minh- làn hơi mạnh mẽ và đầy cảm xúc làm khán giả xúc động. Cô sinh trưởng tại California, là người Mỹ chính hiệu, nhưng vẫn thích hát nhạc Việt Nam. Câu hát mở đầu : Biển ơi trả cho ta, biển ơi trả cho ta, xác em yêu, xác em yêu” được Khả Minh chuyển lời Anh “ Oh Gods of the sea. Please bring back to me, the one I love, the one I love.”  Nhạc sĩ Trần Chí Phúc mời Khả Minh hát nhạc phẩm này vì muốn có thế hệ trẻ tiếp nối hát dòng nhạc đấu tranh quê hương trong cộng đồng Việt Nam. Quả nhiên, tiết mục này là điểm sáng của chương trìnhmột số người không cầm được nước mắt khi nghe ca khúc này.

Thân hữu dự chiều nhạc

Giọng ca điêu luyện của Đào Tâm bản Sài Gòn Một Thoáng 20 Năm viết năm 1995 “ Tôi trở lại Sài Gòn, thành phố đã thay tên, bỗng thấy mình lạc loài, người khách trên quê hương.”  Ngày 30-4- 1995 đài VOA đã phát thanh ca khúc này với tiếng hát tiếng đàn Trần Chí Phúc.

Đào Tâm hát Sài Gòn Một Thoáng 20 Năm

Trần Chí Phúc hát Sài Gòn Nhớ Bolero “ Điệu hát Bolero, bài hát Bolero, bài hát ta từng ca. Bài hát nghe thật lâu, chợt nhói lên niềm đau, Sài Thành đổi tên rồi, rượu cay uống say.”

Đồng Thảo trở lại với Sài Gòn Một Thoáng 45 Năm sáng tác năm 2020 : “ Khi em mới sinh ra, anh đã xa Sài Gòn, khi em lớn lên thành phố đổi chủ thay tên. Một ngày cuối Tháng Tư anh từ giã quê hương, bao đau thương và bao mất mát…”

Yên Bình hát Sài Gòn Em Vẫn Còn Đây sáng tác năm 1998 vẽ hình ảnh Sài Gòn : “ Đây Bến Thành chợ đông người qua, khu bùng binh Nguyễn Huệ xôn xao, Bến Bạch Đằng dòng sông xuôi nước, những con tàu đi mong ngày trở lại. Nhà Thờ Đức Bà xem lễ Giáng Sinh, Chùa Xá Lợi đêm rằm nghe kinh, sân đại học chờ em tan lớp, nhớ những chiều mưa ta đón đưa nhau.”

Đồng Thảo hát Sài Gòn Một Thoáng 30 Năm

Người Lính Nhảy Dù, bác sĩ, võ sư Phạm Gia Cổn năm nay 80 tuổi nhưng làn hơi còn mạnh để thổi kèn Saxo bản Sài Gòn Em Ở Đó, nét nhạc quyến rũ được khán giả tán thưởng.

Nhạc sĩ Ngọc Trọng- người bạn ca nhạc gắn bó với Trần Chí Phúc từ năm 1980 ở thành phố Calgary Canada, hát một nhạc phẩm do anh sáng tác Sài Gòn Niềm Nhớ.

Tiết mục nổi bật của chiều nhạc là sự góp mặt của danh ca Thanh Lan với ca khúc mới nhất là Sài Gòn Lá Me Bay. Nữ ca sĩ tâm sự rằng vì thương Sài Gòn lắm và bài hát mới dễ thương nên nhận lời dù trong thời gian mấy ngày mà phải tập và phải thuộc lòng lời ca. Nhạc sĩ Trần Chí Phúc tức là nhà báo Trần Củng Sơn- kể rằng thập niên 1990, một bài viết trong báo Xuân phát hành trong nước nêu tên bốn người đẹp nổi tiếng của Sài Gòn năm xưa là Cô Ba Trà, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga và Thanh Lan.

Bài hát Sài Gòn Lá Me Bay tông thứ buồn rồi chuyển sang tông trưởng cao vút- điệu Swing rộn rã: “ Anh yêu Sài Gòn chiều mưa sáng nắng, con đường hẹn hò hàng me lá bay, cám ơn Sài Gòn đã cho chúng ta, tình yêu lứa đôi, tháng năm hoa mộng.”

Mời xem nghe ca khúc Sài Gòn Lá Me Bay : https://www.youtube.com/watch?v=ROvaeurjEkQ

Ca sĩ Thanh Lan đã hát Chiều Winnipeg- một ca khúc nổi tiếng của Trần Chí Phúc trong cuốn DVD Trung tâm Asia 14.

Thanh Vũ hát Sài Gòn Em Ở Đó

Trân Trân trở lại sân khấu với ca khúc Anh Yêu Em Nên Yêu Sài Gòn tình tự lãng mạn: “ Anh yêu em nên yêu Sài Gòn, anh yêu em nên yêu thành phố, xanh mãi ước mơ ngày ấy người về.”

Tam ca Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên diễn tả bài hát Anh Đi Về Quê Hương sáng tác năm 1981 trong bối cảnh lòng người hải ngoại bừng khí thế đấu tranh kháng chiến : “ Anh đi về quê hương vì núi sông đang chờ, dân ta hằng đau thương vọng ngóng anh vô bờ. Anh đi vượt trùng dương, nghìn ánh sao soi đường cùng chí lớn can trường, người anh thương.”

Bài hát cuối chương trình là đồng ca bản Cờ Vàng Bay Trên Thành Phố Ta Hôm Nay vẽ nên hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay ở những nơi có người Việt Nam sinh sống tại hải ngoại. Lá cờ là biểu tượng của cộng đồng Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ khác với chế độ Cộng Sản độc tài tham nhũng ở trong nước.

Tiếng đàn ghi ta của Trần Chí Phúc và Ngọc Trọng thích hợp với không khí chiều nhạc nhớ Sài Gòn, mang nét sinh hoạt cộng đồng, vào cửa tự do.  Một số bài hát với tiếng đàn Keyboard của Trần Việt làm phong phú âm sắc chiều nhạc. Tập nhạc gồm 16 ca khúc Sài Gòn của Trần Chí Phúc, ấn loát trang nhã, là tâm huyết một đời sáng tác của tác giả được giới thiệu trong buổi này.

Yên Bình hát Sài Gòn Yêu Mãi
Thái Hoàng Hát Cho Em Nghe Bài Hát Sài Gòn

Khán giả thú vị nghe Sài Gòn Một Thoáng 20 Năm ( 1995 ), Sài Gòn Một Thoáng 30 Năm ( 2005 ), Sài Gòn Một Thoáng 40 Năm ( 2015 ), Sài Gòn Một Thoáng 45 Năm (2020 ) để cảm nhận sự thay đổi nét nhạc trong thời gian dài và sự không thay đổi của cảm xúc Trần Chí Phúc về thành phố Sài Gòn. Vẫn là cà phê quán cóc, chiều mưa Sài Gòn bất chợt, con đường hẹn hò có lá me bay, ước mơ và niềm tinh mãnh liệt về một ngày Sài Gòn sẽ hồi sinh lấy lại tên xưa.

Khán giả là người từng sống nhiều năm ở Sài Gòn cảm thấy xúc động nghe những bài hát Sài Gòn chứa chan kỷ niệm. Trần Chí Phúc tâm sự rằng anh viết 18 ca khúc Sài Gòn là để làm mới, làm sống lại ký ức về Sài Gòn, hát lên để nhiều người nghe mà nhớ về một thành phố dấu yêu đã mất tên.

MC nam Thanh Vũ đến từ San Jose chất giọng Sài Gòn trầm ấm, kinh nghiệm dẫn dắt chương trình. MC nữ Phong Dinh đến từ Canada, chất giọng Cần Thơ ngọt ngào, giới thiệu các bài hát ngắn gọn mà đầy đủ. Với khuôn mặt tự nhiên không son phấn đứng trên sân khấu , Phong Dinh gợi nhớ nét duyên dáng của cô thôn nữ đồng lúa xanh tươi, sông rạch của Miền Hậu Giang- từng được gọi là Tây Đô.

Trân Trân hát Sài Gòn Chiều Mưa

 Trong mùa Quốc Hận 30 Tháng Tư năm 2022, Chiều Nhạc Trần Chí Phúc- Lấy Lại Tên Sài Gòn gợi nhớ đồng hương nỗi buồn mất quê hương và khơi dậy niềm tin một ngày hoa tự do nở thắm trên quê nhà. Chính vì ước vọng đó mà truyền thông báo chí Quận Cam- nơi được gọi là Thủ đô Tị Nạn của Cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã đến đông đủ để quay phim đưa lên trên Facebook và Youtube và viết bản tin tường thuật.

Tấm phông màn trên sân khấu có hình Chợ Bến Thành và hình Trần Chí Phúc vác đàn làm tỏa sáng căn phòng khán giả tham dự. Tác giả cảm thấy vui vì đồng hương và báo giới đã đến ủng hộ chiều nhạc đầy ý nghĩa và cảm động này.

 Trần Chí Phúc đã từng thực hiện các buổi ca nhạc mùa Quốc Hận 30-4 tại San Jose năm 1995, năm 2000, năm 2005, năm 2010 tại San Jose và tại Quận Cam năm 2015. Lẽ ra thực hiện năm 2020 nhưng vì dịch cúm nên dời lại năm nay 2022. Anh cám ơn các bằng hữu nghệ sĩ đã yêu mến dòng nhạc Trần Chí Phúc mà trình bày tha thiết các ca khúc Sài Gòn- đây là những bài hát mới đối với họ cho nên phải tập nhiều lần để thuộc lời và dĩ nhiên có những khoảnh khắc sót chữ trên sân khấu.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc vượt biển định cư Canada 1979, sang San Jose Hoa Kỳ năm 1985 và ở đây 30 năm. Dời xuống Quận Cam, anh đã thực hiện  các đêm nhạc Sài Gòn Một Thoáng 40 Năm Thứ Bảy 18-4- 2015, rồi đêm nhạc Biển Đảo Cao Nguyên Thứ Bảy 16-1-2016, đêm nhạc 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân Thứ Bảy  20-7-2019 và bây giờ là Chiều Nhạc Lấy Lại Tên Sài Gòn Chủ nhật 24-4-2022.

Hỏi rằng năm 2025 kỷ niệm Sài Gòn Một Thoáng 50 Năm, Trần Chí Phúc có thực hiện một chương trình ca nhạc nữa hay không, thì tác giả nói rằng hi vọng mình còn sức khỏe, còn sống sót để tiếp tục.

 Mời xem nghe Chiều Nhạc Trần Chí Phúc – Lấy Lại Tên Sài Gòn : https://www.youtube.com/watch?v=oQulMxidGTg

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img