(Twitter) – Sinh viên tốt nghiệp trường đại học Southern California Gary Lee hầu như chẳng đăng gì trên trương mục Twitter của mình, nhưng những mẩu tweet đầu tiên của anh kể câu chuyện cảm động và sâu sắc về nguồn gốc Đại Hàn đã lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Chỉ trong một ngày, tên tuổi chàng thanh niên gốc Nam Hàn trở nên nổi tiếng trên Twitter. “Tôi chưa từng lên Twitter trước đây, nhưng tôi nghĩ hôm nay sẽ là ngày tốt đẹp để khởi sự,” Lee mở đầu câu chuyện trên Twitter vào ngày 13 tháng Giêng.
“Tổng thống Trump trong tuần này đưa ra nhiều lời nhận xét gây buồn phiền, giận dữ, trong đó có cả: “Cô từ quốc gia nào tới? một câu hỏi làm nhiều người Mỹ gốc Á kinh sợ,” mẫu tweet thứ hai đăng kèm đường dẫn bản tin Lee đọc được. Anh tâm sự, cảm hứng chia sẻ tâm tình trên Twitter sau khi đọc bài báo của NBC News trước đó một ngày.
Theo NBC News, một nữ nhân viên phân tích tình báo chuyên về chính sách con tin lần đầu tiên được gặp Tổng thống để báo cáo vắn tắt cho ông biết tình hình một gia đình người Pakistan bị bắt giữ lâu ngày sắp được thả. “Cô từ đâu tới?” Tổng thống đột ngột cắt ngang. “Từ New York,” người phụ nữ đáp. Ông Trump tỏ ra chưa thoả mãn với câu trả lời, liền hỏi lại lần nữa, theo hai nguồn tin biết rõ sự việc. Nữ chuyên viên một lần nữa giải thích, cũng giống như thành phố quê nhà của Tổng thống là Manhattan, nhưng quả thực đây không phải những gì ông Trump muốn biết. Tổng thống muốn biết, cô từ nước nào tới. Sau khi biết nhân viên là người gốc Đại Hàn, ông Trump đã quay sang cố vấn cho rằng, sắc tộc sẽ xác định con đường sự nghiệp của cô. Rồi ông hỏi, tại sao “người phụ nữ Đại Hàn xinh đẹp” lại không đại diện chính phủ đàm phán với Bắc Hàn.

Lee tiếp tục, “Câu chuyện này đánh trúng tâm sự của tôi không chỉ vì là người gốc Đại Hàn mà còn là vì tôi từng làm việc trong Toà Bạch Ốc cho Tổng thống Obama. Tôi rời Toà Bạch Ốc vào năm 2011 sau khi lấy được học bổng Fullbright ở Nam Hàn. Tổng thống Obama biết tôi ra đi để học hỏi thêm về văn hoá và ngôn ngữ mẹ đẻ.”
“Vào ngày làm việc cuối cùng, tôi đến phòng Bầu dục, Tổng thống đã đến bắt tay và chào: “안녕하세요” – Xin chào bằng tiếng Hàn. Tôi thật may mắn vì được nhiếp ảnh gia Pete Souza dùng máy ghi lại khoảnh khắc này.
Rồi Lee kể duyên nào đã đưa anh đến Toà Bạch Ốc làm việc 4 năm trời, “Tôi muốn làm việc trong lãnh vực công, một ước mơ cuộc đời được làm việc trong chính phủ nhưng tôi không quen biết ai trong giới chính trị.” Theo lời Lee, sau khi rời Phòng Bầu dục với tâm trạng lâng lâng, anh tình cờ gặp nhân viên Toà Bạch Ốc Kal Penn trên sảnh văn phòng West Wing. Anh kể cho đồng nghiệp nghe những gì vừa xảy ra, Penn bắt đầu rơi nước mắt. “Tại sao anh lại khóc,” Lee hỏi.
“‘Nghĩ về những gì anh mới kể,’ tôi nhớ Penn đã nói vậy. ‘Thật kinh ngạc làm sao. Vào ngày làm việc cuối cùng ở Toà Bạch Ốc, sau chừng đó năm làm việc, vị tổng thông Mỹ gốc Phi đầu tiên chào anh bằng tiếng mẹ đẻ của anh.’ Nghe Penn nói tôi cũng bắt đầu khóc.
Trong những mẩu tweet kế tiếp, Lee kể về hoàn cảnh gia đình. “Bố mẹ tôi có thể chẳng bao giờ hiểu thấu đáo ý kiến này. Mẹ tôi sang Mỹ khi 18 tuổi, bố tôi 26 tuổi. Họ làm việc tối mặt, nhiều công việc toàn thời gian và bán thời gian khác nhau, mở được một cơ sở thương mại, cũng có lúc chỉ có $20 trong trương mục ngân hàng,” và “Họ đã hy sinh để các con có được cơ hội mà họ không bao giờ có, họ hy sinh để chúng tôi đạt được những gì chúng tôi muốn. Họ chưa bao giờ có thể tưởng tượng con trai cả của mình có ngày được vào làm việc tại Toà Bạch Ốc.”
“Chuyện này có thể xảy ra ở đất nước nào? Ở quốc gia nào bạn được phép mơ, và mặc dù ước mơ điên khùng, được phép theo đuổi và biến ước mơ thành hiện thực? Ở đất nước nào một đứa trẻ mũm mĩm, thế hệ Hip hop thập niên 90, yêu thích R&B lại có thể làm việc cho Barack Obama?” Lee viết tiếp. “Thật là một quốc gia tươi đẹp, lạ thường của những người di dân như đất nước chúng ta.” Cuối cùng, Lee viết, “Chúc mừng Ngày của người Mỹ gốc Đại Hàn và cuối tuần Martin Luther King. Như ông King nói, ‘Tăm tối không thể ra khỏi tăm tối, chỉ có ánh sáng mới làm được việc đó. Thù nghét không thể ra khỏi thù ghét, chỉ có tình yêu mới làm được việc đó.’Hết.”
Câu chuyện sâu sắc của Gary Lee nhận chỉ trong hai ngày đã nhận được hơn 163.000 lượt người bấm “thích,” gần 58.000 lượt đăng lại, và hơn 5000 ý kiến yêu thích.
Hương Giang (Theo Twitter)