Friday, March 29, 2024

Lam Sơn 719: Mỹ muốn VNCH hy sinh đến người lính cuối cùng qua cuộc HQ  Hạ Lào 1971? « LS 719#1» -Đào Văn

Đào Văn

✱  Ông  Thiệu  tán thành một cách không chính thức về một cuộc tiến công vào Tchepone, trong khi Kissinger  dành ưu tiên cho chiến dịch ở Hạ Lào.

✱ Tướng Lãm phản đối: Trong khi lập kế hoạch tấn công, các đại diện của Lực lượng Không quân 7 đề nghị sử dụng B-52…, sau đó dùng  máy bay vận tải thả những quả bom nặng 15.000 pound  để dọn bãi đáp trong rừng rậm. Tuy nhiên, bị Tướng Lãm phản đối, Ông  ta muốn …
✱ TT Thiệu từ chối đề nghị của Mỹ kéo dài thời gian hành quân tại Lào.
✱ Việt Nam hóa chiến tranh chẳng qua là  Hoa Kỳ muốn miền  Nam Việt Nam phải hy sinh đến người lính cuối cùng.

Cali Today News – Cuộc hành quân Hạ Lào năm 1971  tuy đã diễn ra trên 50 năm, nhưng vẫn có nhiều bài viết được loan tải kể lại nội tình bởi các tác giả thuộc đơn vị  tham gia vào  cuộc hành quân, đồng thời đặt ra câu hỏi về mục đích của cuộc hành quân, và rằng phía Mỹ hay Việt  đã đề xuất mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 này. Phần tóm lược trình bày sau dựa vào tài liệu  của  Tòa Bạch Ốc được NARA giải mật  và được phổ biến trên thư viện online của  Bộ Ngoại Giao (bàn thảo kế hoạch hành quân), của Cơ quan Truyền thông Bộ Quốc Phòng (diễn tiến cuộc hành quân ), và  tài liệu của cơ quan CIA giải mật và phổ biến tài liệu vào các năm 2016 và 2017 (dự báo về khả năng phản công của  địch). Đặc biệt là báo chí  Mỹ loan tải các cáo buộc  CIA về “thất bại tình báo” đối với cuộc hành quân Lam Sơn 719,  khiến  Giám đốc cơ quan CIA phải gửi thư đến Tòa Bạch Ốc… Hy vọng  qua loạt bài này sẽ trả lời phần nào cho thắc mắc liên quan đến cuộc hành quân Hạ Lào năm xưa, nhưng trước hết là  diễn tiến cuộc hành quân và vấn đề Không quân Hoa Kỳ yểm trợ cuộc chiến. Bài viết sau  tóm lược trích đoạn theo tài liệu được phổ biến bởi Cơ quan Truyền thông Bộ Quốc Phòng.

DIỄN TIẾN CUỘC HÀNH QUÂN HẠ LÀO 1971

Theo bản văn của Cơ quan Truyền thông Bộ Quốc Phòng (Media Defense Gov. – 24.9. 2010) – Kế hoạch hành quân Lam Sơn 719  bắt đầu được thảo luận vào tháng 11 năm 1970, một chiến dịch không chỉ kiểm tra kỹ năng và sự kiên trì của  quân nhân  thuộc QLVNCH,  và những người lãnh đạo của họ, mà còn  kiểm nghiệm về  chính sách Việt Nam hóa chiến tranh. Đô đốc Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham Mưu Liên quân, bắt đầu tìm kiếm ý kiến của Đô đốc McCain, Tổng tư lệnh Thái Bình Dương, về các hoạt động ở Đông Nam Á, bao gồm cả  kế hoạch mở cuộc  hành quân qua Hạ Lào đang được chuẩn bị, có thể diễn ra những tháng  đầu của năm 1971. McCain đã trả lời  “có thể thực hiện được” và những ̣điều “ mong muốn có thể đạt được, hoặc có thể không đạt được bởi những hạn chế về chính trị và giới hạn thời gian.”

Ý tưởng về một cuộc tấn công của Nam Việt Nam vào một thời điểm nào đó trong mùa khô, thời gian từ tháng 11 năm 1970 đến tháng 5 năm 1971, đã được gửi đến Tiến sĩ Henry Kissinger. Theo  Tiến sĩ  Kissinger Cố vấn  TT Nixon về các vấn đề an ninh quốc gia, ông ta đã nhận xét  rằng một hoạt động như vậy có thể giúp bảo vệ an toàn cho lực lượng bộ binh Mỹ đồn trú tại miền Nam Việt Nam , đồng thời  ngăn chặn một cuộc tấn công của Bắc Việt vào vùng cao nguyên hoặc xuyên qua khu phi quân sự. Kissinger tin rằng một cuộc tấn công của Nam Việt Nam ở Campuchia có triển vọng thành công tốt hơn là cuộc tấn công vào Đường mòn Hồ Chí Minh/HCM vì nơi này được bảo vệ nghiêm ngặt hơn.

Tuy nhiên, Đô đốc McCain coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào Campuchia cũng là một đòn tấn công vào Lào, khiến Đô đốc Moorer đề xuất khả năng lấy Hạ Lào làm mục tiêu chính thay vì Campuchia.  Vì có sự  khác biệt về quan điểm nên Kissinger cử phụ tá của ông là Tướng  Alexander M. Haig, Jr.  đến Việt Nam  tìm hiểu tình hình và tìm phản ứng của các đại diện Mỹ  tại Việt Nam và về ý kiến của chính quyền Việt Nam.

  • Tướng Haig họp với TT Thiệu và viên chức Mỹ tại Sài Gòn

Tại Sài gòn tướng Haig đã họp mặt với Tướng Abrams, chỉ huy cao cấp của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, Ellsworth Bunker, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam, và Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống miền Nam Việt Nam.  Theo báo cáo của Tướng Haig rằng nhà chức trách ở Sài Gòn ủng hộ đường lối táo bạo hơn, mở một cuộc tấn công vào Đường mòn Hồ Chí Minh, con đường tiếp tế chính của kẻ thù  thay vì chống lại lực lượng cộng sản ở Campuchia.

Ý tưởng tấn công vào  Hạ Lào  không phải là mới,  nó bắt nguồn từ Tướng Westmoreland đã đề xuất , người tiền nhiệm của Tướng Abrams. Đường mòn Hồ Chí Minh đã phát triển thành một huyết mạch giao thông chính. Việc mở rộng mạng lưới đường bộ, là mục tiêu mà Westmoreland   đã đề xuất trước đây với quân đội Mỹ, với Nam Việt Nam, và có thể cả với Thái Lan. Các lựa chọn thay thế mà ông cân nhắc bao gồm một lực lượng tiến  về phía Tây từ Khe Sanh và làng Lang Vei gần đó  nhằm chống lại khu liên hợp dự trữ khí giới  tại ngôi làng Tchepone thuộc  Lào bị bỏ hoang.  Sự thất thủ Lang Vei và quyết định tiếp theo rút khỏi Khe Sanh, cùng với việc áp dụng chính sách Việt Nam hóa và  việc quân đội Mỹ  rút lui, đã khiến Westmoreland và Abrams gác lại khái niệm này, mặc dù Tchepone vẫn là một mục tiêu đầy cám dỗ. Chẳng hạn, vào mùa xuân năm 1970, theo  ước tính tình báo chỉ ra rằng khoảng một nửa số hàng tiếp liệu dành cho lực lượng cộng sản ở miền Nam Việt Nam đã phải đi qua con đường này và qua các điểm trung chuyển gần đống đổ nát của ngôi làng đó.

Cuộc xâm lược Campuchia vào tháng 4 năm 1970, ít nhất là tạm thời cắt đứt đường tiếp tế  từ cảng Sihanoukville đến các kho chứa gần biên giới Nam Việt Nam. Do đó, đến mùa hè năm đó, kẻ thù càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc di chuyển hàng hóa đi qua Đường mòn Hồ Chí Minh qua Tchepone  để chuyển vào miền Nam Việt Nam và Campuchia. Mỹ và các nhà lãnh đạo Việt Nam đều nhận ra giá trị của một cuộc đột kích nhằm làm gián đoạn giao thông trên Đường mòn Hồ Chí Minh và phá hủy các nguồn cung cấp. Bên cạnh việc khơi dậy sự quan tâm của Đô đốc McCain ở Hawaii và Tướng Abrams tại Sài Gòn, về việc phát động một cuộc tấn công như vậy trong mùa khô 1970 – 71  cùng với sự đồng tình của Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn I của Nam Việt Nam, người từng nói với cố vấn Thủy quân lục chiến, Chuẩn Tướng Edwin H. Simmons, ông ta từng phục vụ trong một đơn vị thuộc quân đội Pháp đã tham gia tấn công về phía Tây dọc theo Đường số 9 trong cuộc chiến chống Việt Minh trước đây, và nay  hy vọng sẽ  khởi động lại  chiến dịch tương tự. Ngay cả Tướng Cao Văn Viên,  Tổng TMT quân lực miền Nam Việt Nam, đã có nửa chục năm chủ trương một chiến lược bao gồm cô lập kẻ thù ở miền Nam Việt Nam khỏi các nguồn cung cấp và chi viện từ  miền Bắc vào miền Nam.

  • TT Thiệu đồng ý mở cuôc tấn công vào Tchepone, Hạ Lào

Tổng thống Thiệu chấp nhận khái niệm mở một cuộc tấn công chính ở  Hạ Lào và một nỗ lực thứ yếu ở Campuchia. Trong một cuộc trò chuyện vào ngày 7 tháng 12 năm 1970, ông ta nói với Bunker và Abrams rằng hoạt động tại Campuchia sẽ chủ yếu nhằm giảm bớt áp lực của cộng sản đối với thị trấn Kompong Cham, trong khi cuộc tấn công vào Lào sẽ lên đến đỉnh điểm khi chiếm được Tchepone, cách biên giới  khoảng bốn mươi cây số, phá hủy các nguồn cung cấp của cộng sản cho cả miền Nam Việt Nam và Campuchia. Một  khi lực lượng xung kích đã cho nổ tung hàng hóa được tích trữ gần làng này thời bắt đầu rút lui có trật tự.

Theo như Tổng thống Thiệu và các Tướng Viên và Lãm nhận định, quân đội của họ sẽ phải tấn công trước khi mùa gió Đông Bắc kết thúc vào tháng 5 năm 1971. Vì các tháng sau đó những cơn gió xoay vòng thổi từ hướng Tây Nam, những trận mưa lớn sẽ trút xuống Hạ Lào, vừa cản trở sự hỗ trợ của không quân và cản trở sự di chuyển trên mặt đất. Hơn nữa, để có được lợi thế tối đa , miền Nam Việt Nam cần phải tấn công trước khi kẻ thù cải thiện thêm Đường mòn Hồ Chí Minh . Cuối cùng, một cuộc tấn công đánh phá mục tiêu  như Tchepone đòi hỏi phải có viện trợ đáng kể của Mỹ, nhưng Mỹ đang dần dần rút lực lượng rời khỏi Việt Nam.  Nếu  chờ đợi cho đến mùa khô 1971–72, kèm theo việc các lực lượng của Mỹ tiếp tục rời Việt Nam, sẽ  dẫn đến nguy cơ thiếu  sự hỗ trợ thiết yếu từ phía Mỹ  cho cuộc hành quân.

  • Kế hoạch  tập kích vào Tchepone với 4 giai đoạn

Người Mỹ cũng ủng hộ một cuộc tấn công trong mùa khô và họ muốn  tấn công Hạ Lào vào mùa xuân năm 1971. Với  một cuộc tập kích vào Tchepone có lợi thế rõ ràng so với các cuộc chiến tiếp tục ở Campuchia, một khi  phá vỡ  kho chứa hàng tiếp liệu  của Bắc Việt có thể vô hiệu hóa mọi mối đe dọa đối với vùng cao nguyên miền Trung, đồng thời buộc đối phương phải chuyển hướng sang phòng thủ  đường mòn HCM. Ông  Thiệu tán thành một cách không chính thức về một cuộc tiến công vào Tchepone, Kissinger  nhấn mạnh Hoa Kỳ dành ưu tiên cho chiến dịch ở Hạ Lào, và giảm mức độ ưu tiên thấp hơn cho bất kỳ hoạt động nào ở Campuchia.

Vào tháng 12 năm 1970, bắt đầu việc lập kế hoạch cho cuộc tập kích vào Tchepone và cho các cuộc tấn công thứ cấp chống lại kẻ thù cố thủ gần đồn điền Chup ở Campuchia. Vì tính cách táo bạo và phức tạp, nên cuộc xâm lược Lào đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, sớm nhất là bắt đầu ngay sau khi Thiệu bàn bạc với Bunker và Abrams về ý định tấn công  Tchepone vào tháng Hai,  điều này làm tăng tính cấp bách đối với các nhà hoạch định Mỹ và Nam Việt Nam.

Cùng với Viên, người đứng đầu Bộ Tổng Tham Mưu miền Nam Việt Nam, Abrams đã trao  quyền cho một Bộ phận  lập kế hoạch tổng hợp, nhưng các bộ phận tham mưu của Bộ Chỉ huy Hỗ trợ Quân sự Hoa Kỳ đã làm việc gần như độc lập với Nam Việt Nam trong việc đưa ra một khái niệm tác chiến bao gồm bốn giai đoạn riêng biệt:

– Giai đoạn I, các lực lượng Mỹ sẽ bảo đảm và chuẩn bị các con đường, sân bay và các căn cứ cần thiết ở miền Nam Việt Nam để khởi động và duy trì cuộc tiến công qua biên giới.

– Giai đoạn II bao gồm cuộc tấn công vào Lào và đánh chiếm Tchepone.

– Giai đoạn III bao gồm việc phá hủy các vật liệu  dự trữ xung quanh làng

– Giai đoạn IV và cuối cùng, quân xung kích sẽ rút lui,

Vì tu chính án Cooper-Church cấm sử dụng lực lượng mặt đất của Mỹ  tham dự vào cuộc xâm lược Lào, nên Hoa Kỳ đã dựa vào sự yểm trợ của không quân, cộng với hỏa lực pháo binh tầm xa từ bên trong miền Nam Việt Nam.  Mặc dù Không quân Nam Việt Nam có thể đóng một vai trò nào đó trong các hoạt động , nhưng lực lượng này lại thiếu số lượng và chủng loại máy bay thích hợp để có thể tránh  vũ khí phòng không của địch  tại Tchepone. Lực lượng không quân Việt Nam hóa ra không thể đáp ứng các yêu cầu của chiến dịch đã đề ra, nhưng Tướng Abrams đã điều trực thăng Lục quân và máy bay chiến đấu ném bom và máy bay B-52 của Lực lượng Không Quân để đánh quân phòng thủ của địch một khi khi lực lượng đặc nhiệm Nam Việt Nam tấn công về hướng Tây.

  • Thời tiết ảnh hưởng đến cuộc hành quân.

Vào tháng Hai và tháng Ba, thời điểm được chọn để hoạt động, mây che phủ có xu hướng chiếm ưu thế ngoại trừ khoảng thời gian có lẽ từ bốn đến sáu giờ vào giữa ngày. Đầu giờ sáng và cuối giờ chiều,bầu trời thay đổi từ 2.500 feet ở khu vực lân cận Khe Sanh đến 1.000 feet trên vùng núi xung quanh Tchepone. Đám mây che phủ khu vực   ngăn cản các cuộc tấn công của máy bay chiến đấu. Ngược lại, máy bay trực thăng thường bay ở những độ cao thấp, nhưng các nhà hoạch định kế hoạch đã không nhận ra rằng những đám mây bao phủ các đỉnh núi ở Hạ Lào buộc các trực thăng phải đối phó với  hỏa lực chết người từ các loại vũ khí phòng không hạng nhẹ và súng máy của địch.

Người Mỹ lúc đầu gọi toàn bộ Chiến dịch là Dewey Canyon II, trong khi  phía VNCH chọn tên Lam Sơn 719 để chỉ về  lực lượng tiến công dọc đường 9 từ biên giới  Việt Nam đến Tchepone. Trong các hoạt động trước đây,  các quan chức miền Nam Việt Nam có xu hướng coi thường  sự bảo mật của cuộc hành quân, đã dẫn đến những đồn đoán  lan truyền khắp Sài Gòn, nên Abrams  áp đặt một lệnh cấm  tiết lộ tin tức về cuộc tấn công. Tuy nhiên, lệnh cấm được chứng minh là không thể thi hành vì các nhà báo nước ngoài, những người không bị ràng buộc bởi lệnh cấm. Hơn nữa, một số phóng viên Mỹ  đã đưa ra tin đồn về một cuộc xâm lược Lào sắp xảy ra.  Tiến sĩ Kissinger thấy sự vô ích của nỗ lực kiểm duyệt, cho rằng điều này sẽ khuyến khích báo chí suy đoán … Do đó, lệnh cấm loan tin về cuộc hành quân chỉ kéo dài đến ngày 4 tháng 2, tức là bốn ngày trước khi lực lượng đặc nhiệm Nam Việt Nam vượt biên xâm nhập vào đất Lào.

  • Phi cơ yểm trợ cuộc hành quân quá chậm

Bất chấp việc soạn thảo kế hoạch một cách vội vã  các lực lượng vận tải của Lực lượng Không quân đã  chuyển vận  người, vũ khí và vật liệu cần thiết cho cuộc tấn công Tchepone. Gần 600 phi vụ của C-130 và một tá của loại C-123 đã chuyển 12.000 quân (bao gồm cả Sư đoàn 1 Nhảy Dù Nam Việt Nam, hoạt động như bộ binh) và 4.600 tấn hàng hóa đến các sân bay ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, tất cả đã không diễn ra suông sẻ. Các radar tiếp cận kiểm soát mặt đất tại thành phố Đông Hà và Quảng Trị bị hỏng và các phụ tùng thay thế rất khó kiếm.

Do lệnh cấm quân Mỹ phục vụ trên bộ  tiến vào đất Lào, các bên kiểm soát đường không chiến thuật của Lực lượng Không quân không thể tháp tùng quân Nam Việt Nam đang tiến quân, mặc dù các kiểm soát viên không quân tiền phương sẽ túc trực . Tu chính án  Cooper- Church  cũng cấm các cố vấn Quân đội tại các đơn vị mà họ đã phục vụ tham dự cuộc hành quân.

Trường hợp  khi Chiến dịch Lam Sơn 719 gặp phải sự kháng cự dữ dội,  Trung tâm Hỗ trợ Phòng không Trực tiếp V giao trách nhiệm liên lạc cho các kiểm soát viên không quân tiền phương, các kiểm soát viên này  được hỗ trợ bởi thông dịch viên bay cùng, nhưng các cấp  chỉ huy Nam Việt Nam bên trong  nước  Lào không thể liên lạc nhanh chóng và đáng tin cậy với các phi công Mỹ yểm trợ cho mình. Tướng Đống không hài lòng với các thủ tục về việc liên lạc  yêu cầu hỗ trợ trên không. Tư lệnh Sư đoàn Dù Nam Việt Nam cho rằng cơ chế hoạt động quá chậm, cần đến 36 giờ khi có yêu cầu,  gây khó khăn cho việc phối hợp các cuộc không kích dành cho một chỉ huy sư đoàn, khi phải phụ thuộc vào một trung tâm hoạt động chiến thuật ở xa cuộc giao tranh.

Sư đoàn 101 Nhảy Dù, chứ không phải là Quân đoàn XXIV, điều khiển  hoạt động các trực thăng tham gia Lam Sơn 719 và một số ít trực thăng VNCH tham gia vào cuộc hành quân. Các yêu cầu trực thăng yểm trợ của chỉ huy một sư đoàn hoặc đơn vị chủ lực khác của Nam Việt Nam được gửi đến BTL Sư đoàn Dù Mỹ, nơi đây  đáp ứng ngay lập tức nếu có máy bay. Chỉ khi cần thiết phải đặt ưu tiên vì có nhiều đơn vị yêu cầu, Quân đoàn XXIV mới can thiệp.

  • Các đơn vị tham gia cuộc hành quân  Hạ Lào

Quân đoàn I của Nam Việt Nam ngoài việc thiết lập bộ chỉ huy hậu cứ tiếp tế cho Lam Sơn 719, còn thiết đặt  pháo tầm xa để cùng với các khẩu đội Mỹ tập trung bắn hỗ trợ cuộc tấn công. Lực lượng tấn công thực tế bao gồm sư đoàn Thủy quân Lục chiến Nam Việt Nam, Liên đoàn 1 Biệt động quân, Sư đoàn 1 Bộ binh được tăng cường, Sư đoàn 1 Nhảy dù chiến đấu như bộ binh, và Lữ đoàn 1 Thiết giáp, tổng cộng có 42 tiểu đoàn cơ động, trong đó có 34 tiểu đoàn đã vượt biên giới. Trong khi các xe tăng và thiết giáp chở quân của Lữ đoàn thiết giáp tiến dọc theo Đường 9, trực thăng Mỹ bay hỗ trợ  và chở  quân để thiết lập một loạt các căn cứ hỏa lực bảo vệ đoàn  thiết giáp và những chiếc xe tải chở đầy hàng tiếp liệu theo sau.

Tuy nhiên, mối đe dọa từ các lực lượng thiết giáp của Bắc Việt đã ảnh hưởng đến kế hoạch của Lam Sơn 719,  không đến mức đáng lẽ phải có. Vào thời gian trước cuộc tấn công, các báo cáo tình báo ghi nhận rằng Bắc Việt Nam có tới 200 xe tăng do Liên Xô thiết kế, biến thể của T54, thường là gắn súng 100 mm, hoặc PT-76, một phương tiện lội nước nặng chưa bằng một nửa T54 và  trang bị  súng 76 mm. Trong khi  Lữ đoàn thiết giáp của Nam Việt Nam dựa vào các xe tăng hạng nhẹ, với pháo 76 ly, với những phương tiện này, phối hợp  với các cuộc không kích và bệ phóng hỏa tiễn do bộ binh điều khiển, họ cho rằng có đủ sức để đối phó với bất kỳ mối đe dọa thiết giáp nào mà đối phương có thể tập hợp.

Bên cạnh việc phải nã rocket vào các xe tăng có thể can thiệp trong cuộc tấn công theo kế hoạch nhằm vào Tchepone, các trực thăng sẽ phải đối mặt với một hệ thống phòng không của địch nhiều  hơn bất kỳ lực lượng phòng không nào gặp phải ở Nam Việt Nam, và ðịch có thể di chuyển nhanh chóng – để bắn  các máy bay ðang hoạt ðộng trong  vùng Tchepone. Trên thực tế, vào thời điểm Lam Sơn 719 kết thúc, các phi công máy bay tiêm kích-ném bom của Lực lượng phòng không  báo cáo ðã phá hủy hơn một trăm súng phòng không của địch. Ngay từ đầu, các phi công Lục quân tin rằng bằng cách lướt qua các ngọn cây và sử dụng lớp phủ của các sườn núi hoặc các ngọn đồi, họ có thể bay nhanh tránh né các xạ thủ Bắc Việt Nam. Phía Bắc Việt, chúng đã chiến đấu chống lại các đơn vị máy bay của Quân đội kể từ chiến dịch Thung lũng Ia Drang năm 1965, nên chúng đã phát triển các chiến thuật chống lại máy bay trực thăng;  Vì thế trong suốt chiến dịch Lam Sơn 719, chúng  hiếm khi bắn vào chiếc tàu đang bay,  mà thay vào đó, chúng chờ cho đến khi các  trực thăng  chở quân đáp xuống, địch mới  sử dụng mọi thứ vũ khí  từ súng trường đến súng phòng không 37mm để tấn công vào máy bay.

  • Tướng Lãm phản đối kế hoạch thả bom dọn bãi đáp trực thăng

Trong khi lập kế hoạch tấn công, các đại diện của Lực lượng Không quân 7 đề nghị sử dụng B-52 để tấn công vào ban đêm các địa điểm đã chọn và địa hình xung quanh khu vực, tiếp theo sau là  các cuộc tấn công của máy bay chiến đấu-ném bom và dùng máy bay vận tải thả những quả bom nặng 15.000 pound  để dọn bãi đáp trong rừng rậm. Tuy nhiên, bị Tướng Lãm phản đối, Ông  ta muốn chiếm lấy một mục tiêu ngay từ đầu, nếu có thể, để quân đội có thời gian chuẩn bị cho cuộc phản công (… by transports dropping 15,000-pound bombs improvised to clear landing zones in dense forest. General Lam objected, however, to the timing of the attacks. He wanted to seize an objective at first light, if possible). Nhưng  đến khi chiến dịch Lam Sơn 719 bắt đầu và các trực thăng gặp phải hỏa lực chết người, thời các cuộc không kích đánh phủ đầu dọn bãi đáp đã trở nên quan trọng.

Để trấn áp hỏa lực phòng không bom dẫn đường bằng laser đã chứng tỏ là vũ khí nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Không quân. Các đơn vị bom chùm được sử dụng rộng rãi đã phóng ra các quả bom riêng lẻ có khả năng giết chết hoặc làm bị thương các cán binh của tổ súng, nhưng khó phá hủy vũ khí  như loại bom dẫn đường bằng laser. Loại bom nổ cao không có hệ thống điều khiển cho kết quả kém nhất, vì nó đòi hỏi phải bắn trúng trực diện để phá hủy súng hoặc giết chết một tổ súng, độ chính xác hiếm khi đạt được vì ngụy trang, che giấu  vũ khí của đối phương.

  • Số phi vụ yểm trợ cuộc hành quân Hạ Lào

Từ khi lực lượng đặc nhiệm Nam Việt Nam bắt đầu cuộc hành quân  vào ngày 8 tháng 2 cho đến ngày 27 tháng 3 là ngày kết thúc, các máy bay vận tải của Không quân đã bay hơn 2.000 phi vụ yểm trợ cho Lam Sơn 719, mang theo 21.000 tấn hàng hóa và gần 14.000 chiến binh. Hơn 1.100 phi vụ xuất phát  từ Khe Sanh; hoặc  từ Thành phố Quảng Trị, Đông Hà, Phú Bài hoặc Đà Nẵng. Việc  chuyển vận tăng cường quân số và tiếp tế cho Lam Sơn 719 do  Bộ Chỉ huy Không vận Quân sự  trách nhiệm, bằng những máy bay  Douglas C- 124, Lockheed C- 141 và Douglas C- 133 đến điểm xuất phát.

 Khi khoảng 6.000 người lính Nam Việt Nam tiến công trong thời tiết ảm đạm, do Sư đoàn Dù dẫn đầu, pháo binh Mỹ bắn từ các vị trí ở miền Nam Việt Nam, nhưng mây bay quá thấp trong khu vực hành quân đã  cản trở hoạt động trên không . Ví dụ, vào ngày 10 tháng 2, một lực lượng tiền phương  phát hiện ba xe tăng Bắc Việt Nam, cùng với pháo kéo, và yêu cầu không kích, nhưng vì có mây che phủ khiến  máy bay chiến đấu-ném bom của Không quân tuy xuất hiện trên đầu họ nhưng không thể can thiệp; vì các máy bay phản lực tấn công với tốc độ khoảng 350 hải lý / giờ, chúng cần có khoảng cách bay cao hơn mặt đất ít nhất 3.000 feet mới  xác định được vị trí để tấn công vào mục tiêu. Máy bay trực thăng quân đội có thể tấn công với khoảng cách ở độ cao  chỉ 1.000 feet, nhưng  các máy bay loại này lại không  trang bị vũ khí thích hợp.

  • Lập tiền đồn tại phía Bắc và Nam đường 9

Trong vài ngày đầu tiên, cuộc hành quân  Lam Sơn 719 di chuyển nhanh chóng tiến về phía trước bất chấp ảnh hưởng của thời tiết đối với hoạt động của máy bay chiến đấu. Đến ngày 12 tháng 2, lực lượng đặc nhiệm đã tiến từ biên giới đến giao lộ của Đường ̣9 với đường 92, đi về hướng Tây tiến về hướng Tchepone.Tại nơi giao nhau giữa hai con  lộ,  là ngôi làng bị bom đạn của người Mỹ tàn phá gọi là A Lưới đã trở thành nơi đóng quân của một căn cứ chính, và quân của Tướng Lãm đã lập bảy tiền đồn lớn khác để bảo vệ, bốn trong số đó ở phía bắc  Đường 9 – Biệt động quân đóng ở phía Bắc và phía Nam, cùng với các căn cứ hỗ trợ hỏa lực như đồi  30 và 31, và ba ở phía Nam là  Hotel, Delta, và Brown.

 Các cuộc thả bom của B-52 đã tạo ra những hố lớn trong vùng hoang dã trong tuần giao tranh đầu tiên và gây ra một số vụ nổ thứ cấp. Tuy nhiên, các cuộc đột kích không thể ngăn cản sự kháng cự của Bắc Việt Nam  đóng rải rác  xung quanh các căn cứ yểm trợ hỏa lực . Các khẩu pháo phòng không của địch di chuyển vào vị trí là mối quan tâm lớn gây trở ngại cho việc  trực thăng Mỹ chở quân và hàng hóa yểm trợ trong hành lang cuộc hành quân.

  • Tướng Mỹ lo ngại TT Thiệu thay đổi mục tiêu

Ngay từ ngày 13 tháng 2, Tướng Abrams đã bắt đầu lo ngại Tổng thống Thiệu có thể thay đổi  ý định tiến chiếm  Tchepone để  tiêu hủy các vật liệu  được cất giữ ở đó. Abrams nghĩ đến một số cân nhắc chiến thuật có thể thuyết phục Thiệu đốt giai đoạn, tránh Tchepone, và chuyển thẳng đến giai đoạn cuối,  rút quân qua  Thung lũng A Shau. Có lẽ  điều  làm Abrams lo ngại phía  lãnh đạo miền Nam Việt Nam sẽ thay đổi với  “cảm giác thận trọng” căn cứ vào số lượng các máy bay trực thăng của Mỹ  bị mất vì hỏa lực  địch quân, vì  tai nạn và hỏng hóc cơ khí, nhưng còn hơn một nửa lực lượng trực thăng tham gia  không bị hư hại. Một lo ngại khác , bộ ba Thiệu, Viên và Lãm có thể kết luận một cách đơn giản rằng các khu hầm  nằm dọc theo các lối tiếp cận đến Thung lũng A Shau chứa một kho vật liệu có giá trị hơn so với khu vực xung quanh Tchepone.

Sự miễn cưỡng ngày càng tăng của Thiệu phản ánh  các yếu tố quân sự và chính trị. Phía Bắc Việt đã gây áp lực dữ dội chống lại lực lượng  đang đóng quân  tại  các căn cứ yểm trợ hỏa lực ở phía Đông Bắc Bản Đông; nếu một khi toàn bộ 4  tiền đồn sụp đổ, kẻ thù có thể dễ dàng kẹp chặt và tấn công  bất kỳ cuộc tiến quân nào về phía Tchepone. Bằng cách thay đổi hướng, tổng thống Thiệu muốn duy trì  càng nhiều càng tốt lực lượng hành quân Lam Sơn 719,  đặc biệt là Sư đoàn 1 Nhảy Dù, nơi có hai trong số các căn cứ phía Bắc, với hy vọng một khi  trận chiến nổ ra, số  thương vong thấp, thời người dân miền Nam Việt Nam có thể chấp nhận được . Cũng như Nixon đã lo lắng về khả năng những tổn thất của Mỹ trong việc hỗ trợ cuộc tấn công có thể làm xói mòn thêm sự chấp nhận của công chúng đối với cuộc chiến. Thiệu nhận ra rằng thương vong lớn của Nam Việt Nam có thể làm suy yếu quyết tâm của quốc gia ông. Theo Kissinger, ý tưởng chuyển trục tấn công về phía Nam từ Bản Đông phản ánh suy tính của Thiệu rằng tổng số thương vong không được vượt quá 3.000.

  • Tướng Abrams thúc dục Tướng Viên tiến nhanh về phía Tchepone

Để thúc đẩy miền Nam Việt Nam hành động, Abrams đã nói chuyện với Viên, Tổng Tham mưu Trưởng tại Sài Gòn và thúc giục lực lượng hành quân Lam Sơn 719 tiến về Tchepone càng nhanh càng tốt. Vào ngày 16 tháng 2, Viên đến BTL Quân đoàn I tại Đông Hà, miền Nam Việt Nam, nơi ông  ta nói chuyện với Lãm và Sutherland. Ba vị tướng đồng ý thiết lập hai bãi đáp đổ bộ quân  ở phía Nam sông Xepon, thiết đặt pháo binh ở đó, và sau đó là đổ bộ các đơn vị  thuộc  Sư đoàn bộ binh số 1  vào  Tchepone.

Đúng  như Abrams đã nghi ngờ, Tổng thống Thiệu vẫn tỏ ra mâu thuẫn về việc tiến quân xa hơn về phía Tây. Trong cuộc gặp với Lãm tại thành phố Quảng Trị vào ngày 19 tháng 2, tổng thống đã nêu ra khả năng thay đổi lực lượng chính của Chiến dịch Lam Sơn 719 . Thiệu đề nghị rằng lực lượng đặc nhiệm xoay hướng đến  Tchepone và chuyển hướng về phía Nam,  theo Đường 92, trong vòng năm ngày để tìm kiếm các kho chứa  vật liệu dọc theo con đường chính dẫn vào Thung lũng A Shau. Nếu tổng thống quyết định sửa đổi hoạt động  bằng cách nào đó, hướng tấn công của Lam Sõn 719 sẽ không  nhắm vào  Tchepone mà nhằm  lối vào Thung lũng A Shau. Trong khi đó, cần chú ý sự nguy hiểm nếu lực lượng đặc nhiệm trú đóng quá lâu tại các căn cứ hỗ trợ hỏa lực của họ trước khi quay về phía Nam hoặc tiếp tục di chuyển về  hướng  Đông.  Dù lực lượng hành quân Lam Sơn 719 tiếp tục tiến đến Tchepone như Abrams và Sutherland đã mong muốn, hay quay về hướng Nam, các tướng lĩnh Mỹ đều coi việc Nam Việt Nam  tiến quân vào Lào là  phải cho đoàn quân  di chuyển liên tục là điều bắt buộc. Một khi  đoàn quân ngừng nghỉ trong vùng lân cận Bản Đông sẽ tạo cơ hội cho kẻ thù  tấn công vào các vị trí hiện tại của họ bằng xe tăng, và súng phòng không , hoặc bị  phục kích đoàn quân di chuyển  sau khi ngừng nghỉ. Sự di chuyển liên tục và nhanh chóng mới có thể khiến kẻ thù không có thời gian chuẩn bị tập kích. Khi không thể tiếp tục di chuyển, nhất là về hướng Tchepone, Lãm coi như đã nhận lấy thất bại.

  • Tư lệnh TQLC  Nam Việt Nam đã từ chối tham gia vào việc lập kế hoạch Lam Sơn 719

Tổng thống Thiệu không quên Tchepone và tầm quan trọng mà Abrams và Sutherland đã nhận định. Chắc chắn là do áp lực của Mỹ, trong khi ông ta đã tìm cách chuyển hướng về phía  Bắc Việt Nam để tránh cho  lực lượng hành quân không  bị đình trệ  vì hiện tại  chỉ dựa vào một căn cứ yểm trợ hỏa lực chính ở phía Bắc Đường 9, Thiệu nói với Lãm vào ngày 28 tháng 2  chuẩn bị việc di chuyển từ Bản Đông đến vùng phụ cận của Tchepone. Chỉ thị của tổng thống được coi là để Lãm giải cứu cho Sư đoàn Dù đã chịu nhiều thương vong trong cuộc giao tranh tại các tiền đồn phía Bắc, và nay  thay vào đó là lực lượng Thủy quân Lục chiến, được  trực thăng vận để tấn công Tchepone. Việc phụ thuộc vào Thủy quân Lục chiến đã đặt Lãm vào thế khó xử. Tư lệnh TQLC  Nam Việt Nam đã từ chối tham gia vào việc lập kế hoạch Lam Sơn 719 và sau đó giao quyền chỉ huy cho một đại tá , người nhận lệnh từ ông ta chứ không phải từ Lãm chỉ huy tham gia cuộc hành quân. Hơn nữa, lực lượng Thủy quân Lục chiến chưa bao giờ chiến đấu cấp  sư đoàn, thay vào đó họ hoạt động theo cấp lữ đoàn. Do đó, Lãm vội vã đến Sài Gòn, tại đây ông thuyết phục Thiệu cho phép ông thay đổi nhiệm vụ hành quân về  ba sư đoàn của mình.

  • TT Thiệu từ chối kéo dài thời gian hành quân

Nhờ hỏa lực áp đảo của cuộc tấn công bằng  trực thăng thành công, vào ngày 6 tháng 3 đã giúp cho quân Nam Việt Nam tiến đến khu vực đổ bộ Hope vùng lân cận Tchepone. Sau khi quân miền Nam Việt Nam lục soát các kho dự trữ xung quanh Tchepone, các Tướng Abrams và Sutherland đề nghị tăng cường hơn nữa để mở rộng khu vực kiểm soát đến tận đường mòn Hồ Chí Minh; Abrams  tuyên bố́ rằng việc  bổ xung  thêm một sư đoàn Nam Việt Nam và kéo dài cuộc hành quân  thêm  một tháng nữa sẽ giành được thắng lợi quyết định. (Abrams declared that one more South Vietnamese division and another month of fighting would win a decisive victory). Nhưng Tổng thống Thiệu từ chối lời đề nghị  này, thay vào đó, ông ta yêu cầu  phía  Mỹ gửi một bộ phận của họ sang Lào để chiến đấu cùng với quân đội VNCH, một hoạt động bị tu chính án Cooper- Church nghiêm cấm. Vào ngày 9 tháng 3, bộ chỉ huy cấp cao  gồm Thiệu, Viên và Lãm đồng ý thực hiện việc rút quân .

  • Việt Nam hóa chiến tranh chẳng qua là  Hoa Kỳ muốn miền  Nam Việt Nam phải hy sinh đến người lính cuối cùng

Vào thời gian máy bay trực thăng đang giải cứu những binh sĩ tháo chạy đến  bãi đáp Lolo, Tướng Haig đến thành phố Quảng Trị, theo Sutherland, rằng “Hoa Thịnh Đốn muốn QLVNCH ở lại Lào đến hết tháng Tư. ”  Vì ông ta tin rằng B-52 “đã thực sự gây tác hại cho kẻ thù trong khu vực Tchepone,”  trong khi Sutherland nghi ngờ rằng chiến dịch không  thể tiếp tục lâu như vậy.  Vì một khi  ở lại Lào, lực lượng hành quân phải  thay thế nhiều quân nhân và nhiều  đơn vị mới,  trong khi  quân đội Nam Việt Nam đã không còn khả năng gửi thêm các lữ đoàn hoặc sư đoàn mới vào mặt trận.

Về tổn thất nhân sự  của cuộc hành quân Lam Sơn 719, con số cuối cùng vượt quá 7.600 người thương vong, khoảng 1.500 người trong số họ thiệt mạng, 5.500 người bị thương và nhiều người còn lại mất tích.   Trước đây  Thiệu có ý định giữ cho mức tổn thất dưới 3.000, nhưng phía miền Nam Việt Nam đã phải chịu sự tổn thất gấp 2 lần . Khi đối chiếu với danh sách thương vong của Mỹ, làm dấy lên nghi ngờ về điều cho rằng Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận rủi ro thay cho một đồng minh. Tổn thất tồi tệ nhất đã xảy ra sau khi tổng thống miền Nam Việt Nam phải nhượng bộ theo ý của Abrams và Sutherland là tiến quân  từ Bản Đông đến Tchepone.  Thế nhưng trong  giai đoạn quan trọng đó, thời lính bộ binh Mỹ vẫn ở lại các căn cứ của họ ở biên giới phía Nam Việt Nam không tham gia vào cuộc hành quân. Và các cuộc biểu tình đã nổ ra ở miền Nam Việt Nam, cho rằng Việt Nam hóa chiến tranh chẳng qua là  Hoa Kỳ muốn miền  Nam Việt Nam phải hy sinh đến người lính cuối cùng – (Vietnamization simply meant that the United States would fight to the last South Vietnamese).[1]

Phải chăng “Hoa Kỳ muốn miền  Nam Việt Nam phải hy sinh đến người lính cuối cùng” để hoàn thành mục tiêu chiến lược trong chiến tranh Việt Nam? ( Chữ chiến lược theo tuyên bố của Tướng Westmoreland – Cali Today News 27.8.2022 ).  Phần trình  bày tiếp theo  dựa vào tài liệu của Tòa Bạch Ốc , được Cơ quan Văn khố quốc gia ̣(NARA) giải mật phổ biến trên thư viện online của Bộ Ngoại Giao liên quan đến cuộc chiến…

Còn tiếp

Đào Văn

Nguồn

[1] Media Defense Gov. (p.247-274/540): The South Vietnamese Invasion of Laos: Operation Lam Son 719.pdf

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img