Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today news – Chắc chắn là thấp hơn con số 9 tỷ USD.
Bởi 9 tỷ là kết quả thu hút đô la từ “kiều bào ta”, hay còn được đảng ví với cái tên mỹ miều là “khúc ruột ngàn dặm” vào năm 2016. Nhưng con số này lại giảm đến 33% so với kỷ lục 13,5 tỷ USD vào năm 2015. Sau 23 năm tăng trưởng gần như liên tục, đây là cú sụt giảm rất mạnh, khá bất ngờ và bằng vào một số phát ngôn của giới quan chức Việt Nam liên quan đến “công tác vận động kiều hối”, người ta có thể hình dung ra “đảng và nhà nước ta” đã thất vọng đến thế nào với kết quả này, đặc biệt trong bối cảnh sức sản xuất và kinh doanh của nền kinh tế ngày càng thảm hại và Việt Nam hầu như bị các tổ chức tài trợ tín dụng lớn nhất hành tinh đóng cửa cho vay.
Nhưng 9 tỷ USD chắc hẳn chưa phải “đáy kiều hối”. Sau 6 tháng đầu năm 2017, một dự báo của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ cho thấy kiều hối về Việt Nam năm 2017 chỉ có 5,4 tỷ USD. Nhiều trang mạng xã hội đã dồn dập dẫn lại tin tức đầy tính “biến cố” này.
Điều lạ lùng là bản phân tích kèm dự báo trên của Pew xuất hiện trong lúc cơ quan thống kê Việt Nam vẫn “quên” công bố số liệu kiều hối về nước này trong 6 tháng đầu năm 2017.
Như thể cố gỡ gạc thể diện, và cũng là một cách mà giới quan chức Việt Nam thường gọi là “chủ động thông tin đối ngoại”, mới đây Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM – ông Nguyễn Hoàng Minh – cho biết một tin tức khá lạc quan: trong 8 tháng đầu năm 2017, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM qua các kênh chính thức đạt 3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cách đây 2 tháng là 2,1 tỷ USD.
Một số tờ báo đảng cũng giật tít “Kiều hối về TP.HCM bất ngờ tăng mạnh”.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại kết quả kiều hối về Sài Gòn trong 8 tháng đầu năm 2016 thì cũng gần như tương đương với kết quả năm nay – khoảng 3 tỷ USD. Tức kiều hối về Sài Gòn không phải tăng mạnh, tăng đột biến, mà tăng theo quy luật nửa năm sau cao hơn nửa năm trước.
Vào năm ngoái, cũng ông Nguyễn Hoàng Minh đã dự báo kết quả kiều hối về TP.HCM có thể đạt đến 5,7 tỷ USD. Tuy nhiên đến cuối năm 2016, kết quả chỉ là 5 tỷ USD, chiếm khoảng 58% tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2016.
Với giá trị thu hút kiều hối 3 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2017, có khả năng lượng kiều hối cả năm 2017 cho Sài Gòn vẫn khoảng 5 tỷ USD.
Thế nhưng một hiện tương ngày càng lạ lùng là ngay cả khi ông Nguyễn Hoàng Minh hào hứng công bố về TP.HCM đạt được 3 tỷ kiều hối trong 8 tháng đầu năm 2017, các cơ quan trung ương thường thấy như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê lại vẫn tuyệt đối im lặng mà không công bố kết quả thu hút kiều hối của 6 tháng hay 8 tháng đầu năm 2017.
Không khí quá im ắng trên rất nhiều khả năng phản ánh một kết quả: trái ngược với “thị trường truyền thống” là Sài Gòn, tình trạng kiều hối sụt giảm trên nhiều địa phương khác ở Việt Nam vẫn tiếp tục, thậm chí có khả năng sụt đến mức “không còn gì để báo cáo”.
Trong cơ cấu của kiều hối về Việt Nam, thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với chiếm 60%, từ khu vực châu Âu là khoảng 19%. Việc kiều hối về Sài Gòn không mấy suy giảm cho thấy tính ổn định của người Việt hải ngoại khi gửi tiền về cho thân nhân của mình và đầu tư sản xuất ở thành phố này. Tuy nhiên lượng kiều hối từ châu Âu gửi về Việt Nam, vốn trước đó có đà sụt giảm, có thể càng giảm mạnh hơn sau vụ chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt và khiến môi trường chính trị lẫn đầu tư ở Việt Nam trở nên bất ổn hơn nhiều.
Tương lai cận kề dễ nhận ra là lượng kiều hối về Việt Nam năm 2017 gần như chắc chắn sẽ nằm dưới mức 9 tỷ USD của năm 2016, tuy có thể cao hơn đôi chút so với số dự báo chỉ có 5,4 tỷ USD của Trung tâm nghiên cứu Pew.
Hiện nay, thị trường tài chính ở Việt Nam đang xảy ra hai động thái trái chiều: trong khi lượng tiền đồng quá dư thừa trong hệ thống Ngân hàng nhà nước, Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần, lượng USD dành cho nhu cầu nhập khẩu và trả nợ nước ngoài lại bị thiếu hụt khá trầm trọng. Nếu kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế.