Friday, March 29, 2024

Kiều hối về Việt Nam năm 2017 rớt thảm hại?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today news – Đã gần hết tháng Giêng năm 2018, ngoài con số kiều hối khoảng 5,2 tỷ USD về Sài Gòn, Tổng cục Thống kê vẫn hoàn toàn không công bố con số kiều hối toàn quốc như thói quen phô trương thường có trước đây.

Vào những năm trước, đặc biệt vào năm 2015 khi lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến mức kỷ lục 13,5 tỷ USD, Tổng cục Thống kê và hệ thống báo đảng đã công bố báo cáo kiều hối 2015 ngay khi năm 2015 còn chưa kết thúc.

Cũng vào những năm trước, Tổng cục Thống kê thường rất mau mắn công bố kết quả thu hút kiều hối ngay đầu tháng Bảy hoặc thậm chí trước khi kết thúc tháng Sáu hàng năm. Nhưng vào năm 2017, ngay cả báo cáo 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê đã chẳng có con số tổng hợp nào về “tình hình kiều hối trên cả nước”, thay vào đó chỉ là kết quả kiều hối về Sài Gòn – một thị trường được xem là “truyền thống”.

Kiều hối về Việt Nam năm 2017 rớt thảm hại?
Ảnh: Cali Today

Vào năm 2017, Sài Gòn vẫn thu hút lượng kiều hối đến 5,2 tỷ USD, thậm chí còn nhỉnh hơn một chút so với 2016. Điều này có thể dễ dàng được lý giải vì Sài Gòn có hơn 1 triệu gia đình có người thân đi định cư ở nước ngoài và chiếm đến 55 – 60% trong tổng kiều hối về Việt Nam hàng năm. Trong cơ cấu của kiều hối về Việt Nam, thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với chiếm 60%, từ khu vực châu Âu là khoảng 19%. Việc kiều hối về Sài Gòn không giảm cũng cho thấy tính ổn định của người Việt hải ngoại khi gửi tiền về cho thân nhân của mình và đầu tư sản xuất ở thành phố này.

Tuy nhiên, dấu hỏi rất lớn đang bật lên là tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 là bao nhiêu? Và vì sao cho đến giờ phút này các cơ quan kinh tế của chính quyền vẫn chưa công bố số liệu tổng hợp về nguồn ngoại tệ thu được từ “kiều bào ta”?

Có một cách thức để ước tính lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017: nếu vẫn dựa vào tỷ lệ chiếm đến 55 – 60% tổng lượng kiều hối của Sài Gòn, tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 sẽ vào khoảng 9 – 9,5 tỷ USD, tức bằng hoặc cao hơn lượng kiều hối 9 tỷ USD về Việt Nam trong năm 2016.

Nhưng nếu tỷ lệ 55 – 60% của Sài Gòn thay đổi theo chiều hướng tăng hoặc tăng vọt trong năm 2107, có nghĩa là kiều hối đổ về Việt Nam ngày càng tập trung về Sài Gòn trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác, thì sao?

Trong trường hợp đó, cần nhìn lại một dự báo của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ vào tháng Bảy năm 2017: kiều hối về Việt Nam năm 2017 chỉ có 5,4 tỷ USD.

Pew đã dự đoán kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng 3,6 tỷ USD. Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50% do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng USD 0% và FED tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng 5,4 tỷ USD, giảm 39,7% so với năm 2016.

Dù tới nay các cơ quan chính quyền Việt Nam vẫn chưa công cố con số kiều hối năm 2017, rất nhiều khả năng con số 9 tỷ USD kiều hối năm 2016 chưa phải “đáy kiều hối” mà đang khiến “đảng và nhà nước ta” thất vọng đến thế nào, đặc biệt trong bối cảnh sức sản xuất và kinh doanh của nền kinh tế ngày càng thảm hại và Việt Nam hầu như bị các tổ chức tài trợ tín dụng lớn nhất hành tinh đóng cửa cho vay.

Hiện nay, thị trường tài chính ở Việt Nam đang xảy ra hai động thái trái chiều: trong khi lượng tiền đồng quá dư thừa trong hệ thống Ngân hàng nhà nước, Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần, lượng USD dành cho nhu cầu nhập khẩu và trả nợ nước ngoài lại bị thiếu hụt khá trầm trọng. Nếu kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế.

Trong khi đó, một số người Việt hải ngoại cho biết nếu cách đây 5 – 6 năm, họ thường chọn phương án gửi tiền về Việt Nam để đầu tư, thì nay có đến 9/10 người hải ngoại chọn cách gửi tiền hoặc đầu tư ở nước ngoài. Nguyên do không chỉ là mặt bằng lãi suất gửi USD ở Việt Nam quá thấp, mà còn bởi do kinh tế suy thoái nên thị trường kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam sinh lời rất thấp. Một nguyên do khác không thể bỏ qua là tình hình chính trị ở Việt Nam đầy biến động, bất ổn và có thể gây rủi ro cao mà khó làm cho “kiều bào ta” yên tâm gửi tiền về…

Lượng kiều hối từ châu Âu gửi về Việt Nam, vốn trước đó có đà sụt giảm, có thể càng giảm mạnh hơn sau vụ chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt và khiến môi trường chính trị lẫn đầu tư ở Việt Nam trở nên bất ổn hơn nhiều.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img