Friday, March 29, 2024

KHI HOA KỲ HẠ GỤC TƯỚNG SOLEIMANI CỦA IRAN

 

Vào đêm khuya đầu ngày thứ Sáu vừa qua, Thiếu Tướng Qassem Soleimani, một vị tướng tư lệnh lợi hại nhất của Ba Tư (Iran) với một tiểu sử ly kỳ và hào quang sáng giá nhất trong thế giới Hồi-giáo theo phe Shiite, đáp xuống phi trường quốc tế ở thủ đô Baghdad của Iraq sau một chuyến bay có lẽ cất cánh từ nước Lebanon.

Có lẽ vì quá quen thuộc với đường đi nước bước xuyên qua rất nhiều chuyến công tác ở những vùng khói lửa trong hai thập niên qua và vững tin với tình hình chiến lược hiện nay, ông tướng này cảm thấy đây là một vùng đất tương đối an toàn nên không cần phải được bảo vệ chặt chẽ hoặc phải che giấu hành tung dù biết rằng quân đội Mỹ vẫn đang có một lực lượng tinh nhuệ cùng với bộ máy quân sự tối tân nhất thế giới hiện diện ngay tại Iraq sau cuộc đổ bộ tiến chiếm Baghdad vào năm 2003 dưới thời TT Bush Con.

[Tướng Soleimani là người chỉ huy Lực Lượng Quds của quân đội Iran, một thành phần tinh nhuệ nhất thuộc Quân đoàn Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo (IRGC), đã giúp rất tích cực cho Iraq trên nhiều mặt trận vào năm 2014 khi Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS đã xua quân ồ ạt tấn công và chiếm nhanh gọn nhiều thành phố lớn ở Iraq và lăm le tiến về thủ đô Baghdad. Do đó, ông được coi như là khách quí và một trong những vị cứu tinh lớn của chính quyền Iraq. Trong một nghịch cảnh trớ trêu của lịch sử, Tướng Soleimani và lực lượng Quds cũng là đồng minh đắc lực với Hoa Kỳ khi tấn công chính quyền Taliban tại A Phú Hãn (Afghanistan) vào năm 2001 và sau này cũng gián tiếp giúp Hoa Kỳ tấn công hữu hiệu Tổ chức Hồi-giáo khủng bố cực đoan ISIS tại hai chiến trường Iraq và Syria.]

Sau khi rời khỏi chiếc phi cơ tại phi trường Baghdad, ông Soleimani đã leo lên một chiếc xe hơi đang chờ sẵn trong đoàn công-voa để chạy vào trung tâm thành phố. Cùng có mặt trong đoàn xe này là Abu Mahdi a-Muhandis, thủ lĩnh của tổ chức Kataeb Hezbollah và cũng là Tư lệnh phó của Lực lượng PMF bao gồm tất cả những tổ chức dân quân (militias) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính quyền và quân sự tại Iraq. Vào năm 2014 khi Tổ chức ISIS tấn công như vũ bão để chiếm phần lớn Iraq, tổ chức Kataeb Hezbollah này đã hoà nhập cùng với hơn một chục tổ chức dân quân khác theo phe Shiite để thành lập nên Lực lượng PMF nhằm chống trả khối ISIS với sự trợ lực hữu hiệu của Tướng Suleimani và Iran, để rồi sau đó lực lượng PMF được sáp nhập thành một bộ phận của quân đội Iraq.

Ngay lúc đó, sau khi nhận được lệnh của TT Trump, quân đội Mỹ đã thực hiện một cuộc không kích chớp nhoáng và chính xác để bắn đúng vào những chiếc xe hơi này, khiến cho người và xe phanh thây thành những mãnh vụn khó thể nhận diện được. Hình ảnh đưa ra từ hãng thông tấn Tasmin ở Iran cho thấy một bàn tay đẫm máu có đeo chiếc nhẫn to với viên ngọc bích hình bầu dục, vốn là chiếc nhẫn quen thuộc nhiều người thường thấy đeo trên ngón tay của ông Soleimani trong những tấm hình chụp được nơi công cộng. Các viên chức của Iraq nói rằng chiếc nhẫn đó là bằng chứng để giúp họ có thể xác nhận tướng Solaimeini đã bị thiệt mạng.

Tuy hầu như mọi người đều chưng hửng trước bản tin về vụ không kích giết chết tướng Soleimani của Iran nổ ra khá bất ngờ, nhưng thật ra tình hình tại Iraq trong những ngày trước đó cũng đã có những biến cố đụng độ giữa Hoa Kỳ và các tổ chức dân quân khác tại Iraq, và từ đó mới dẫn đến vụ ám sát này.

Trong bản thông báo đưa ra từ Ngũ Giác Đài, phía Hoa Kỳ cáo buộc rằng ông Soleimani là người trong những tháng gần đây đã phối hợp những cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác trong liên minh quốc tế chống ISIS. Bản thông cáo nói rằng ông Soleimani là người “tích cực đề ra những kế hoạch tấn công nhắm vào các viên chức ngoại giao cũng như quân nhân Mỹ tại Iraq cũng như nhiều nơi khác trong vùng Trung Đông”.

Vụ hạ sát ông Soleimani rõ ràng là một diễn biến to lớn kết thúc một tuần lễ đầy những cuộc đụng chạm nổ ra liên tiếp rất nhanh chóng sau khi tổ chức Kataeb Hezbollah mở một cuộc tấn công bằng hoả tiễn nhắm vào căn cứ không quân M-1 ở tỉnh Kirkuk tại phía bắc Iraq vào ngày 27/12 vừa qua, khiến cho một nhân viên dân sự của Mỹ bị thiệt mạng cùng với 2 nhân viên an ninh của Iraq, và 4 quân nhân Mỹ bị thương.

Phía Hoa Kỳ cho rằng thủ phạm là tổ chức Kataeb Hezbollah, một phần tử trong Lực lượng Dân Quân PMF được Iran yểm trợ trước đây đã chiến đấu chống lại ISIS nhưng lại không hoàn toàn tuân thủ theo chính quyền trung ương ở Baghdad. Mỹ cho rằng đây là cuộc tấn công lần thứ 11 của tổ chức này trong những tuần vừa qua. Để trả đũa, hai ngày sau đó, phía Mỹ đã thực hiện 5 phi vụ (3 tại Iraq và 2 tại Syria) để tấn công vào các căn cứ huấn luyện của Kataeb Hezbollah khiến cho hơn 30 tay súng của tổ chức này bị thiệt mạng.

Những toán dân quân ủng hộ cho Hezbollah tại Iraq liền trả đũa bằng cách thực hiện một cuộc tấn công bao vây Toà Đại Sứ Mỹ tại thủ đô Baghdad nhằm tìm cách đe doạ và phá hoại ngay ngày đầu Năm Mới, dù rằng đây là một toà đại sứ to lớn, kiên cố và được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Hoa Kỳ. Nhưng cuộc bao vây này sau đó đã được lệnh giải tán, khiến cho nhiều viên chức bên trong toà đại sứ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi tình hình bỗng trở nên căng thẳng trở lại dữ dội hơn nữa với cuộc không kích giết chết Tướng Soleimani.

Bản thông cáo của Ngũ Giác Đài cáo buộc rằng Tướng Soleimani là người chuẩn thuận cho kế hoạch bao vây tấn công toà đại sứ Mỹ tại Baghdad và trong số những kế hoạch đối phó do bộ tham mưu quân sự Mỹ đưa ra, TT Trump đã lựa chọn kế hoạch táo bạo nhất là tiêu diệt người đầu nào là Soleimani để nhằm răn đe và ngăn chặn những cuộc tấn công có thể nổ ra trong tương lai. (Theo một nguồn tin được tường thuật trên tờ New York Times, quyết định lựa chọn của TT Trump đã khiến cho mọi người trong bộ tham mưu quân sự đều chưng hửng vì không ai nghĩ rằng kế hoạch đó sẽ được chọn lựa. Thông thường, các sĩ quan tham mưu đều đệ trình lên tổng thống đủ kế hoạch khác nhau từ nhẹ tới nặng, trong đó có cả kế hoạch táo bạo và ghê gớm nhất với những hậu quả khó lường. Nhưng không ai nghĩ rằng nó sẽ được lựa chọn vì mục đích của họ khi đề ra là muốn cho thấy nó quá nguy hiểm so với những kế hoạch khác đã được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.)  

Hầu hết mọi người đều nhìn nhận rằng vụ ám sát tinh vi và hữu hiệu này là một hành động táo bạo nhất của Hoa Kỳ đối phó với Iran kể từ sau cuộc cách mạng Hồi-giáo bùng nổ tại quốc gia này vào năm 1979, chẳng khác gì như là một hành động tuyên chiến. Phản ứng đầu tiên của TT Trump được xem như là khá cẩn trọng và khiêm tốn, vốn là điều khó thấy với một vị tổng thống thường hay thích khoe khoang quá lố các thành tích của mình, khi ông chỉ bắn ra một mẩu tuýt với hình lá cờ của Hoa Kỳ. Ông giành phần trả lời chi tiết cho các viên chức của Ngũ Giác Đài với một bản tin ngắn nói rằng cuộc không kích này là “một hành động tự vệ dứt khoát” nhằm bảo vệ sinh mạng của người dân và lính Mỹ đang sinh sống ở hải ngoại.

Các viên chức của Hoa Kỳ sau đó còn nói thêm rằng việc hạ sát tướng Soleimani là điều cần thiết vì họ biết được những tin tức cho thấy là ông này đang sửa soạn thực hiện những chiến dịch tấn công và trở thành “một mối nguy cận kề” (imminent danger) cho sinh mạng của nhiều nhân viên và quân nhân Mỹ tại vùng này. Tuy vậy, các chuyên gia đều nhận định rằng phía Mỹ không đưa ra được những hình ảnh hoặc bằng chứng cụ thể về những lời cáo giác này. Lập luận của Hoa Kỳ và TT Trump cho rằng vụ ám sát này không phải là để gây chiến mà là nhằm ra tay trước để dẹp bớt một mối hiểm nguy để giảm bớt nguy cơ chiến tranh bùng nổ lớn.

Tuy nhiên, vụ không kích để hạ sát tướng Soleimani rõ ràng là một hành động leo thang chấn động và bất ngờ trong cuộc xung đột giữa hai bên Hoa Kỳ và Ba Tư, và trớ trêu thay, lại có thể dẫn đến những hậu quả trái ngược lại để biến tình hình càng căng thẳng hơn nữa. Mọi người đều tiên đoán rằng phía Ba Tư chắc chắn sẽ trả đũa một cách khốc liệt không kém, dù là trực tiếp đối đầu hoặc gián tiếp qua các vụ tấn công của những lực lượng đàn em hay tay sai được uỷ nhiệm như Hezbollah tại Lebanon và Syria, Houthis tại Yemen và hàng chục tổ chức dân quân khác có mạng lưới rộng lớn khắp vùng Trung Đông.  

Có thể nhiều người rất ngạc nhiên trước quyết định có phần táo bạo này của TT Trump, nhất là cách nay vài tháng ông đã ra lệnh ngưng cuộc tấn công vào Iran vào những giây phút chót. Người ta tự hỏi liệu vụ không kích này sẽ khiến cho Hoa Kỳ cảm thấy nhẹ nhàng dễ thở hơn, hay là sẽ căng thẳng và khiến người ta phải lo ngại nhiều hơn?

Hầu hết các chuyên gia và các cựu tướng lãnh đều cho rằng tình hình chỉ có thể căng thẳng hơn trong những ngày sắp tới. Riêng những phụ tá của TT Trump thì dĩ nhiên phải có những lời lẽ để ca ngợi quyết định này của sếp lớn với những lập luận biện minh có tính cách tâng bốc ông Trump như là một lãnh tụ cứng rắn, dám nói dám làm một cách quyết liệt để chứng tỏ cho mọi quốc gia đối thủ khác trên thế giới phải e dè và khiếp sợ v.v. Dĩ nhiên lịch sử và những gì sẽ diễn ra trong những ngày tháng tới sẽ là câu trả lời chính xác nhất để mọi người nhìn thấy rõ vấn đề hơn.

Thật ra tình hình tại vùng Trung Đông, và đặc biệt là tại Iraq, trong những ngày gần đây đã trở nên căng thẳng hơn nhiều, và do đó đã khiến cho ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng của Hoa Kỳ, phải huỷ bỏ chuyến đi sang thủ đô Kyiv ở Ukraine để lo giải quyết tình hình căng thẳng tại Iraq, đặc biệt là việc Toà Đại Sứ Mỹ tại thủ đô Baghdad trước đó đã bị nhiều tổ chức dân quân Hồi-giáo bao vây và tìm cách phá hoại.

Trong cuộc nói chuyện trên chương trình “This Week” của đài ABC vào ngày Chủ Nhật vừa qua, ông Pompeo nói rằng “thế giới này giờ đây trở nên an toàn hơn” sau khi thủ lĩnh Soleimani vừa mới bị hạ sát”. Ông Pompeo giải thích rằng Tướng Soleimani này là chất keo chính kết hợp các hoạt động khủng bố chống lại Hoa Kỳ, và do đó việc quân đội Mỹ hạ sát ông ta là đã giảm đi được nhiều mối rủi ro.

Nhưng theo nhận định của nhà báo Robin Wright trong một bài phân tích trên tạp chí The New Yorker, điều trái khoáy là ngay sau khi thông tin về cái chết của Tướng Soleimani được loan báo, tất cả các toà đại sứ và căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, và hàng ngàn nhân viên ngoại giao và quân nhân Mỹ phục vụ khắp các quốc gia ở Trung Đông và Nam Á bỗng nhiên trở thành những mục tiêu của các tổ chức Hồi-giáo nguy hiểm quá khích.

Thật vậy, ngay trong ngày thứ Sáu hôm sau cuộc không kích, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ra lệnh cho mọi công dân Mỹ tại Iraq hãy lập tức rời khỏi quốc gia này. Và Ngũ Giác Đài cũng ra lệnh tăng cường khoảng 3,500 quân nhân Mỹ (phần lớn thuộc Sư Đoàn 82 Nhảy Dù) từ nội địa bay sang trú đóng trong vùng Trung Đông để chuẩn bị đối phó cho những tình hình căng thẳng sắp tới. Những diễn biến đó cho thấy rõ ràng là tình hình chẳng có gì gọi là an toàn hơn như lời trấn an của Ngoại trưởng Pompeo, nếu không muốn nói là còn căng thẳng hơn và đầy ắp lo âu cho những ngày tháng sắp tới.

NHÂN VẬT SOLEIMANI ĐẦY HUYỀN THOẠI

Trên hầu hết các diễn đàn truyền thông đều có những bài viết phân tích về con người của Tướng Soleimani, không những là một trong những tướng lãnh quan trọng của Iran mà dường như cũng là một nhân vật có nhiều huyền thoại được ca ngợi bởi rất nhiều người dân tại Iran và Iraq.

Tuy là một kẻ thù đáng ngại và nguy hiểm đối với Hoa Kỳ, nhưng đối với đại đa số người dân Iran, Tướng Soleimani được rất nhiều người tôn sùng và mến mộ, gần như chỉ đứng sau có vị giáo chủ tối cao là Ali Khameini mà thôi. Vì thế nên Iran đã cử hành quốc tang cho ông trong 3 ngày, với hàng triệu người dân đổ ra đường phố tại thủ đô Tehran để tỏ lòng tiếc thương cho một người được xem là “tử vì đạo”, đồng thời cũng biểu lộ lòng thù hận đòi trả thù với “đế quốc Mỹ”.

Cả rừng người xuống đường tại thủ đô Tehran để trong tang lễ tưởng niệm Tướng Soleimani (hình AP)

Trong một bài phân tích mới nhất trên tạp chí The New Yorker, nhà báo Isaac Chotiner đã phỏng vấn giáo sư Vali Nasr thuộc Đại học Johns Hopkins chuyên giảng dạy về bang giao quốc tế, và trước đây từng là cố vấn cao cấp ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dưới thời TT Obama. Vị giáo sư này kể rằng tiểu sử của ông tướng Soleimani này rất ly kỳ, như là một vị chỉ huy đã từng hoạt động sâu rộng với tất cả các tổ chức dân quân phe Shia trong hơn hai thập niên qua. Ông ta từng là bạn thân của tướng Massoud của A Phú Hãn nổi danh trong cuộc chiến chống lại chính quyền Taliban ở A Phú Hãn, đã cùng hợp tác với Liên Minh Bắc Phương để chống lại phe Taliban ngay cả trước khi chính quyền Bush Con quyết định tấn công A Phú Hãn vào cuối năm 2001 để tiêu diệt Al Qaeda và Osama bin Laden.

Nhưng sau khi Hoa Kỳ tiến chiếm Iraq vào năm 2003, chính Tướng Soleimani là người chủ động thiết lập các toán dân quân tại Iraq để giàn xếp những cuộc thoả thuận chính trị giữa các phe nhóm thành lập các chính phủ lên nắm quyền. Nhưng cũng chính ông và Lực lượng Quds đã góp phần tích cực trong việc huấn luyện các nhóm kháng chiến quân tại Iraq lúc bấy giờ để chế tạo các loại bom dã chiến (IED) nhưng rất hữu hiệu để có thể xuyên lủng các xe thiết giáp của quân đội Mỹ và khiến cho hàng trăm quân nhân Mỹ phải bị thiệt mạng.

Tướng Soleimani cũng là vị chỉ huy trưởng các tổ chức dân quân phe Shia với khoảng 50,000 tay súng đã góp mặt cùng chiến tuyến với quân đội thân với TT Assad tại Syria và nhờ đó đã giúp cho chế độ này tiếp tục cầm quyền cho đến nay. Đặc biệt là sau khi Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) tiến chiếm nhiều phần đất tại Iraq và Syria vào năm 2014, các tổ chức dân quân dưới quyền của Soleimani (với sự hỗ trợ gián tiếp của Nga) cũng đã chiến đấu hữu hiệu với quân đội Assad để chống lại ISIS, mặc nhiên trở thành đồng minh tích cực với Hoa Kỳ trong cuộc chiến tiêu diệt tổ chức khủng bố khét tiếng ISIS.

Vị tướng này cũng là người phối hợp chiến lược hợp tác với tổ chức Hezbollah tại Lebanon, giúp đỡ và tiếp tế các loại phi đạn và hoả tiễn của Iran để có thể tấn công Do Thái bất cứ lúc nào. Ông ta cũng là người điều hành chiến lược vũ trang cho nhóm kháng chiến Houthis tại Yemen để chống lại chính quyền thân Saudi Arabia và Hoa Kỳ.

Có thể nói, hầu hết các viên chức cao cấp và tướng lãnh của phương Tây đều biết đến Tướng Soleimani kể từ sau năm 2003. Không ai phủ nhận vai trò của ông là một tướng lãnh đối nghịch mà Hoa Kỳ coi như là chủ động của các tổ chức được xếp hạng là khủng bố. Nhưng trong một chừng mực nào đó, họ cũng tôn trọng ông ta như là một đối thủ đáng nể và có bản lãnh chứ không phải chỉ là một thủ lĩnh khủng bố chuyên gây kinh hoàng cho mọi người như Osama bin Laden của Al Qaeda hoặc là Abu Bakr al-Baghdadi của ISIS.

Theo tờ The Economist, trong thời gian chiến tranh tại Iraq sau năm 2003, TT Bush Con đã không cho phép các toán biệt kích Mỹ vượt biên giới sang Iran để tấn công tổ chức Vệ Binh Hồi Giáo IRGC và tướng Soleimani. Ngay cả phía quân đội Do Thái cũng có nhiều cơ hội để ám sát ông này nhưng cũng đành xếp lại vì áp lực của phía Hoa Kỳ. Mặt khác, phía Do Thái cũng biết rằng việc ám sát những vị chỉ huy như Soleimani hoặc Nasrallah của Hezbollah (được xem như là những lãnh tụ có hiểu biết và lý luận) sẽ không hoàn toàn tiêu diệt được đối phương mà chỉ dẫn đến một hậu quả xấu đáng lo ngại khác: đó là sẽ có những lãnh tụ mới lên thay thế, và những tay này có thể là những kẻ điên cuồng và quá khích hơn nữa). 

Câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là Ba Tư sẽ trả đũa ra sao. Trong một bài phân tích mới nhất được đăng trên tạp chí Foreign Affairs, ông Ilan Goldenberg, một cựu chuyên viên Trưởng Nhóm đặc trách về Iran thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ, nói rằng dựa theo những hành động của chính quyền Ba Tư trong những tháng vừa qua, cũng như xuyên qua lịch sử trong nhiều năm dài trước đó, người ta nghĩ rằng có lẽ Ba Tư sẽ không cần phải vội vã để trả đũa. Ngược lại, Ba Tư sẽ nghiên cứu cẩn thận và nhẫn nại ngồi chờ cơ hội thuận tiện nhất để ra tay và lựa chọn một phương thức được xem là hữu hiệu nhất, có nghĩa là gây thiệt hại to lớn nhất cho Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng tránh gây ra một cuộc đối đầu trực tiếp với quân đội Mỹ vốn quá hùng mạnh và dễ dàng đè bẹp ngay lúc đầu trong một cuộc chiến trực diện.

Tuy vậy, những diễn biến dồn dập nổ ra trong những ngày vừa qua cho thấy tầm mức rủi ro khá cao của những sự tính toán vội vã và có thể tính sai nước cờ. Ông Soleimani rõ ràng không nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ leo thang cuộc xung đột này một cách táo bạo đến mức đó. Vì thế nên ông và các phụ tá mới di chuyển một cách gần như công khai và thiếu phòng vệ như vậy (khi biết chắc là hệ thống tình báo của Hoa Kỳ có thể theo rõi bất cứ hành tung và những cuộc di chuyển của các đối phương trong vùng cũng như khắp nơi trên thế giới).

QUYẾT ĐỊNH CỦA TT TRUMP GÂY NGẠC NHIÊN CHO MỌI NGƯỜI

Nhiều chuyên gia đã phân tích rằng thật ra các tướng lãnh và viên chức cao cấp ở Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng không phải là những người chủ trương đường lối cứng rắn để tấn công Iran vào lúc này. Thật ra, ngay chính TT Trump cũng thường nói với mọi người rằng ông không hề là một lãnh tụ nôn nóng gì trong việc khởi động một cuộc chiến mới tại vùng Trung Đông.

Về phía Hoa Kỳ, ngay chính TT Trump cũng thường nói với mọi người rằng ông không hề là một lãnh tụ nôn nóng gì trong việc khởi động một cuộc chiến mới tại vùng Trung Đông. Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump đã chê bai kịch liệt cựu TT Bush Con là người đã khiến cho Hoa Kỳ bị sa lầy vào cuộc chiến tiến chiếm Iraq vào năm 2003 với cái giá quá mắc về nhân mạng và tiền bạc. (Trước khi cuộc chiến Iraq lần thứ nhì nổ ra, nhiều viên chức của Mỹ cho rằng phí tổn của nó sẽ vào khoảng 80 tỷ Mỹ-kim và thiệt hại nhân mạng không đáng kể do bởi chiến dịch tấn công thần tốc nhờ vào kỹ thuật tân kỳ của quân lực Mỹ sẽ khiến cho đối phương phải bàng hoàng tê liệt (Shock and Awe).)

Thế nhưng thực tế đã chứng minh cuộc chiến này đã kéo dài gần 10 năm với hơn 8,000 quân nhân Mỹ và những nhân viên dân sự làm việc cho quân đội phải bỏ mạng tại chiến trường. Về tiền bạc, đa số các chuyên gia đều cho rằng cuộc chiến này đã khiến cho Hoa Kỳ phải tiêu tốn ít nhất từ 2,000 đến 3,000 tỷ Mỹ-kim, khiến cho nền kinh tế nước Mỹ bị thiệt hại nặng và tình trạng nợ công tăng vọt đến mức không biết bao giờ mới giải quyết được.

Và lần này nếu như Hoa Kỳ phát động cuộc chiến tấn công Iran, có lẽ sẽ không có quốc gia đồng minh nào muốn nhập cuộc ủng hộ, nhất là sau khi các lãnh tụ của họ đã bị TT Trump chê bai và dè bĩu nhiều lần trong 3 năm qua. Vì thế nên cũng chẳng có gì lạ khi tờ The Guardian đã tường thuật việc Ngoại trưởng Pompeo đã không giấu sự thất vọng của mình khi nói rằng phản ứng của ba nước lớn ở Âu Châu là Đức, Pháp và Anh đã không hề giúp đỡ chút nào cho Hoa Kỳ trong vụ này so với thái độ ủng hộ mạnh mẽ của các nước đồng minh trong vùng (như Do Thái, Saudi Arabia và Tiểu Vương Quốc Ả Rập).

Trong một bài viết trên diễn đàn Politico, bà Ellie Geranmayeh, một chuyên gia kỳ cựu về Trung Đông và Bắc Phi thuộc viện nghiên cứu The European Council on Foreign Relations, nói rằng vụ ám sát tướng Soleimani lần này có nghĩa là những tiên đoán và lo sợ tồi tệ nhất của các nước Âu Châu được đưa ra trước giờ đây có thể sắp trở thành hiện thực: đó là các chính phủ của Anh, Đức, Pháp đã từng nhiều lần cảnh cáo Hoa Kỳ rằng quyết định của TT Trump cứ đòi rút khỏi Hiệp ước JCPOA về ngăn chặn hạch tâm ở Ba Tư được ký kết vào năm 2015 sẽ dẫn đến một hậu quả tai hại là tình trạng leo thang căng thẳng với quốc gia này trong tương lai gần.

Ngay cả trong bộ tham mưu cao cấp của TT Trump, có lẽ chỉ có một người duy nhất là mong muốn thấy Hoa Kỳ tấn công Ba Tư, đó là cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton, nhưng ông này cũng đã bị TT Trump cách chức ê chề không kém như nhiều phụ tá cao cấp khác chỉ vì ông Trump không bằng lòng với chủ trương hiếu chiến của ông Bolton.

Ấy vậy mà rồi giờ đây mọi người đang thấp thỏm lo âu tự hỏi liệu chúng ta có phải đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh sắp sửa nổ ra tại Trung Đông hay không. Và nếu xảy ra lần này, mọi người đều nhìn nhận rằng nó sẽ khó khăn và tốn kém cùng với những thiệt hại gấp nhiều lần hơn cuộc chiến Iraq vừa qua.

NHỮNG TÌNH HUỐNG NÀO CÓ THỂ SẼ XẢY RA?

Theo chuyên gia Ilan Goldenberg, điều đầu tiên Hoa Kỳ phải lo đối phó là vấn đề an toàn cho các nhân viên làm việc tại các toà đại sứ Hoa Kỳ trong vùng cũng như các quân nhân đang trú đóng tại các căn cứ quân sự vì nhiều tổ chức hoặc các phần tử quá khích có thể thực hiện những vụ nổ bom cảm tử để gây thiệt hại cho người Mỹ. Chiến trường Iraq sẽ là nơi dễ xảy ra nhất vì quân nhân Mỹ và các nhân viên làm việc tại toà đại sứ vẫn còn hiện diện nơi đây.

Vấn đề khó khăn kế tiếp là sự hiện diện của quân đội Mỹ trong tương lai có thể sẽ khó khăn hơn nữa. Không những chỉ có vấn đề bảo đảm an ninh cho nhân viên dân sự và các quân nhân Mỹ tại đây, chính quyền Trump còn phải đối phó với một vấn đề khác là chính quyền và quốc hội Iraq có thể đòi xét lại thoả thuận cho phép Hoa Kỳ đặt các căn cứ quân sự tại đây vì cho rằng việc ám sát này đã vi phạm vào chủ quyền quốc gia của Iraq khi Hoa Kỳ đơn phương ra tay mà không thông báo cho nước chủ nhà biết.

Nếu như Hoa Kỳ vội vã rút quân ra khỏi Iraq thì cũng dẫn đến nhiều mối nguy khác trong tương lai. Đầu tiên là cuộc chiến chống lại tổ chức ISIS, vốn đang được thực hiện khá thành công từ nhiều năm qua tại Iraq, từ nay có thể sẽ bị tạm gác lại, vô tình giúp cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo này có thể lớn mạnh trở lại chứ không hề hoàn toàn bị tiêu diệt như lời khoe khoang của TT Trump.

Nhưng khó khăn cho Hoa Kỳ không phải chỉ giới hạn ở Iraq. Phe Hezbollah tại Lebanon, vốn rất thân thiện cũng như được sự trợ giúp đắc lực của Iran, có thể sẽ mở những cuộc tấn công vào các mục tiêu và cơ sở của Mỹ tại nước này. Cho dù Iran không phát động một cuộc chiến trực diện tại Lebanon vì không muốn đối đầu với hoả lực hùng hậu của Do Thái và Hoa Kỳ, nhưng tổ chức Hezbollah có chân rết khắp vùng Trung Đông và do đó có thể mở những cuộc tấn công tại nhiều nơi khác vào bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, Iran cũng có thể mở các cuộc phóng phi đạn nhắm vào các căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại Saudi Arabia và Tiểu Vương Quốc Ả Rập, hoặc là các mỏ dầu trong vùng Vịnh Ba Tư. Việc Iran đã phóng phi đạn thành công để bắn hạ một phi cơ do thám không người lái rất tối tân của Hoa Kỳ vào tháng Sáu, rồi sau đó là tấn công vào giàn lọc dầu Abquaia của Saudi Arabia (vào tháng 9 vừa qua) đã khiến cho nhiều chuyên gia đều kinh ngạc trước mức độ chính xác và sự tiến bộ rất nhanh của hoả lực quốc gia Hồi-giáo này, khiến cho Hoa Kỳ không thể xem thường được.

Sau cùng, Iran chắc chắn là sẽ đẩy mạnh chương trình phát triển hạch tâm của mình để có thể đi đến mục đích sau cùng là chế tạo được vũ khí hạch tâm. Và đó có lẽ là nỗi lo ngại lớn nhất mà Hoa Kỳ và thế giới có thể phải đối phó sau này, cho dù lúc đó ông Trump có thể không còn ngồi ở Toà Bạch Ốc nữa nhưng những người đi sau và cả thế giới đều phải lo giải quyết vấn nạn mà ông để lại làm di sản cho mình.

 

MAI LOAN

Houston, Texas, ngày 9 tháng Giêng/2020

anhtuantaberd74@gmail.com

 

Tái bútLiền sau vụ không kích, TT Trump đã giữ thái độ “khiêm cung” hiếm thấy, nhưng liền sau đó không lâu đã trở về với cung cách hung hăng “con bọ-xít” như thường lệ. Ông bắn ra những mẩu tuýt để hăm doạ rằng nếu như Iran trả đũa, ông sẽ ra lệnh tấn công dữ dội hơn vào 50 mục tiêu ở Iran, bất kể đó là những đền đài truyền thống hay địa danh văn hoá lâu đời. Điều này khiến cho nhiều người, kể cả phía Mỹ, đều đồng loạt chỉ trích và lên án đó như là một “tội ác chiến tranh”.

Nhưng phía Iran vẫn cho bắn khoảng một chục đợt hoả tiễn vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, chỉ gây thiệt hại vật chất nhưng không có thương tích hay thiệt mạng cho lính Mỹ. Lần này TT Trump bỗng nhiên lại dịu giọng, với lý do rằng những đợt phóng hoả tiễn đó không gây thương tích nào cho lính Mỹ hay lính Iraq.

Để biện minh cho quyết định hạ sát Tướng Soleimani vì để ngăn chặn “mối nguy cận kề” (imminent danger), TT Trump mấy ngày sau nói rằng ông Soleimani là người chủ động tấn công vào 4 toà đại sứ Mỹ ở nhiều nơi.

Tuy nhiên trên chương trình Face the Nation của đài CBS vào ngày 12 tháng Giêng, Tổng Trưởng Quốc Phòng Mark Esper lại trả lời rằng ông ta thấy “không có bằng chứng nào về một kế hoạch của Iran nhằm tấn công 4 toà đại sứ Mỹ”. Nhiều chuyên gia sau đó đã bình luận rằng có lẽ ông Esper này sẽ sớm nhận được mẩu tuýt của TT Trump để về nhà “đuổi gà cho vợ”.

 
 
 
 
 
 
Attachments area
 
 
 
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img