Vietnam – Cali Today News – Người dân trong nước chưa hết bàng hoàng khi ông Nguyễn Linh Ngọc-thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cho đổ xuống biển 1 triệu m3 chất thải xuống biển, thì mới đây, Tổng Công ty phát điện 3 cũng đã cho biết đã hoàn tất thủ tục để xin Bộ này xả xuống biển Bình Thuận 2,4 triệu m3 chất thải nữa.
Chưa bao giờ vấn đề môi trường sống ở Việt Nam lại trở nên nhức nhối như hiện nay. Từ việc Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra thảm họa môi trường, cho đến chính quyền thành phố Đà Nẵng dung túng cho bọn tư bản “đỏ” cày xới nát cả bán đảo Sơn Trà, làm ảnh hưởng đến khu bảo tồn sinh trưởng. Đến nay là việc Bộ Tài nguyên-Môi trường bắt tay với các nhà máy điện than tại Bình Thuận biến vùng biển nơi này thành bãi rác khổng lồ.
Tại Bình Thuận hiện nay có đến 5 nhà máy điện than. Điều đáng nói hầu hết các nhà máy này đều sử dụng công nghệ của Trung Cộng. Trong đó, nhà máy điện than Vĩnh Tân 1 có đến 95% vốn là của Trung Cộng, chỉ còn 5% là vốn góp của chính quyền CSVN.
Theo báo Thanh Niên cho biết, với việc cấp phép cho nhà máy điện than Vĩnh Tân 1 xả 1 triệu m3 chất thải xuống biển trên diện tích 30ha là bằng cả diện tích, lượng xả của cả thế giới hiện nay.
Từ phía ông Nguyễn Linh Ngọc-thư trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường việc xả chất thải xuống biển là hoàn toàn hợp pháp.
Điều đó không khiến cho dư luận ngạc nhiên. Vì nếu có trái luật thì nhà cầm quyền CSVN vẫn chấp thuận cho xả thải như thường, hoặc họ sẽ thay đổi luật để hợp pháp hóa việc xả thải. Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2005, việc đổ chất thải xuống biển bị nghiêm cấm. Nhưng đến năm 2014, nhà cầm quyền Cộng sản đã hợp pháp hóa việc biến biển Việt Nam thành bãi rác bằng cách cho phép việc ‘nhấn chìm, đổ thải ở biển’ miễn là không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái gây ra những tác động có hại đến các loài sinh sống dưới biển.

Với 1 triệu m3 chất thải đổ xuống biển thì toàn bộ hệ sinh thái ở tầng đáy sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Điều đáng nói hơn, toàn bộ diện tích rộng 30ha mà Bộ Tài nguyên-Môi trường cho phép xả chất thải xuống nằm sát Khu bảo tồn Hòn Cau. Trong một tương lai không xa, nếu việc đổ chất thải được tiến hành Khu bảo tồn này sẽ không còn tồn tại, vì chẳng rùa nào đến đây để sinh sản.
Cách đây 8 tháng, khi thảm họa môi trường do Tập đoàn Formosa gây ra vẫn còn đang nóng hổi, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường đã khẳng định rằng: “Không thể đổ chất thải xuống biển” sau khi nhận được thủ tục từ nhà máy điện than Vĩnh Tân 1. Đến nay, do sợ “há miệng mắc quai”, ông Hà đã đá trái bóng trách nhiệm sang cho thuộc cấp của mình là thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc.
Rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối, còn người dân thì bàng hoàng chưa biết nói sao với quyết định của Bộ Tài nguyên-Môi trường. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã “buông súng” đầu hàng. Vào ngày 7/7, khi đã nhận được lệnh từ Trung ương, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã mở cuộc họp để bàn về cách phối hợp trong việc để nhà máy điện than Vĩnh Tân 1 đổ 1 triệu m3 chất thải xuống biển.
Nhà máy điện than Vĩnh Tân 1 hiện nay đang là nỗi ác mộng đối với người dân ở nơi này. Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường bằng khói bụi xả suốt ngày đêm, nơi này còn làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh nhai của người dân. Vào tháng 4/2015 người dân Vĩnh Tân đã gây ra cuộc bạo loạn khi xuống đường chống lại chính quyền, yêu cầu phải dẹp nhà máy Vĩnh Tân 1 do bụi xỉ từ các bãi của nhà máy bay mù trời, làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Cuộc bạo loạn diễn ra trong nhiều ngày khiến đường Quốc lộ 1A liên tục bị tắc nghẽn.
Trước tình hình đó, nhà máy ngày nào cũng cho công nhân tưới nước các bãi bụi xỉ để không bị gió cuốn đi. Nhưng đó là nước họ hút từ biển lên. Lượng nước tưới quá nhiều, tràn xuống các đám đất người dân canh tác gây ra thúi rễ, rụng lá. Nhiều hecta cây ăn trái, cây mũ trôm, hoa màu của người dân bị thiệt hại nặng nề do nước bị ngập mặn. Chính quyền khuyến cáo người dân không được uống từ các giếng nước. Những thiệt hại đó nhà máy điện than Vĩnh Tân vẫn chưa bồi thường.
Chưa hết, dòng nước đen xì từ nhà máy đổ ra bãi biển khiến các loại hải sản sống gần bờ chết sạch, không thể sinh sản. Người dân Vĩnh Tân hiện nay phải đi đánh bắt xa bờ, vì không thể khai thác nguồn hải sản gần bờ nữa.

Những ảnh hưởng từ các nhà máy điện than ở Bình Thuận sử dụng công nghệ của Trung Cộng là vô cùng lớn. Tuy nhiên, trong các bản đánh giá tác động môi trường khi trình lên cơ quan có trách nhiệm lại vô cùng sơ sài. Chỉ cần dúi cho quan chức một cục tiền, mọi chuyện sẽ được êm thắm, các tác hại về sau sẽ do người dân gánh chịu.
Biển Bình Thuận trở thành bãi rác cho các ông chủ Trung Cộng. Họ biến nơi này thành bãi rác sau khi chính quyền Trung Cộng khai tử các nhà máy điện than ở ngay bản xứ vì môi trường quá ô nhiễm.
Còn chính quyền CSVN, sau khi đã bán hết tài nguyên thiên nhiên, bây giờ họ bán luôn cả môi trường, bán luôn cả tương lai con cháu miễn sao duy trì được chế độ, thu vét được nhiều của cải.
Nguoi Quan Sat