Thursday, March 28, 2024

Kẻ nào mất ăn khi ‘bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975’?

Thường Sơn

(VNTB) – Liệu chủ trương này có được Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện nghiêm, hay cơ quan này vẫn tiếp tục trò ‘hành là chính’ và ‘làm tiền’ đối với các công ty phát hành băng đĩa?

Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh nói về ‘bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975’.

Vào ngày đầu tiên sau tết nguyên đán 2019, báo chí nhà nước đưa tin “Chính phủ đã đồng ý với một số đề xuất xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 79, như bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, chỉ đưa ra quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng thì sẽ bị cấm”. 

“Bỏ cấp phép cho ca khúc nghĩa là ca khúc sáng tác ở thời gian, không gian nào cũng bình đẳng như nhau, không có khoanh vùng đặc biệt để cấp phép. Trước hay sau 1975 đều như nhau” – Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh giải thích.

Lần đầu tiên kể từ năm ‘giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’, đảng CSVN bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, đồng nghĩa với cơ chế mặc nhiên chấp nhận nhiều ca khúc mà trước đó bị xem là ‘nhạc vàng’, ‘nhạc ngụy’ và ‘ca khúc phản động’, cũng đồng nghĩa với tương lai Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mất mát một giấy phép con chủ chốt và do đó ‘mất ăn’.

Trong lịch sử tồn tại của mình, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã nhiều lần ‘quản không được thì cấm’ và ‘vẽ’ ra nhiều thủ tục bắt các doanh nghiệp phát hành ca khúc trước 1975 phải xin phép cục này. Quá nhiều dư luận đã phát sinh đầy bức bối về cách ‘làm tiền’ lộ liễu và trơ trẽn của cơ quan này nhân danh công cuộc bảo vệ ý thức hệ cộng sản và ‘bài trừ tàn dư văn hóa Mỹ – ngụy’.

Vào đầu năm 2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gây ra một scandal thuộc loại rất vớ vẩn và tạp nham khi ra thông báo tạm thời dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước 1975 “để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu về ca từ với bản nhạc gốc”. Đó là các ca khúc: Cánh thiệp đầu xuân của tác giả Lê Dinh – Minh Kỳ, Rừng xưa và Chuyện buồn ngày xuân của tác giả Lam Phương, Đừng gọi anh bằng chú của tác giả Diên An, và Con đường xưa em đi của tác giả Châu Kỳ – Hồ Đình Phương.

Từ California, nhạc sĩ Lam Phương, tác giả của hai bài hát vừa bị chính quyền Việt Nam đình chỉ lưu hành cho đài VOA biết: “Họ cấm là chuyện dĩ nhiên rồi! Đó là hai bài tôi viết trong chế độ đó. Chuyện gì họ cũng cấm hết. Không sao, tôi còn cả mấy trăm bài, cấm có hai bài đâu có ăn thua gì. Chuyện này mình biết trước rồi. Tôi biết thế nào họ cũng cấm nhiều bài nữa. Mình viết tân nhạc mà trái với đường lối thì họ cấm. Chuyện dĩ nhiên mà. Hổng có chuyện gì buồn hết. Nghịch với đường lối của họ thì họ làm. Còn tình cảm sáng tác thì mình vẫn giữ thôi. Họ để thì để, họ không để thì cấm thôi. Đường của mình thì mình đi, đường của họ thì họ đi.”

Nhạc sĩ Vinh Sử ở Sài Gòn cho biết nhận xét của ông về lệnh hoãn lưu hành 5 ca khúc được sáng tác trước 1975: “Vấn đề này là cái tào lao của bên Sở Văn Hóa. Nếu mà trong bài mà mình chỉnh “lính” thành lại “bộ đội” thì không cho phép, bởi vì khi ca lên sửa cái lời dù liên quan đến bộ đội nhưng người ta vẫn hiểu là Việt Nam Cộng Hòa rồi. Cái này không cho là đúng. Các sáng tác cá nhân, nếu đứa con của mình không hoàn hảo thì có thể sửa cho hoàn hảo đứa con này, đó là quyền của tác giả.”

Trong khi những nhạc sĩ hải ngoại gần như không còn cảm thấy bất ngờ vì lối cấm cản ca khúc trước 1975 của chính quyền Việt Nam, thì tình thế với các công ty phát hành băng đĩa trong nước lại khác hoàn toàn. Việc các ca khúc bị hoãn lưu hành đã gây thiệt hại cho các công ty này và ảnh hưởng đến công chúng yêu nhạc trước năm 1975. Khi đó, một số tờ báo nhà nước đã đưa ra kiến nghị: “Thay vì cấp giấy phép phổ biến lẻ tẻ cho từng ca khúc xưa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thể ra một văn bản nêu rõ những ca khúc loại nào không được phép phổ biến”, và “Về mặt quản lý nhà nước, cần đơn giản hóa những thủ tục hành chính, loại bỏ triệt để các loại giấy phép con mà những quyết định cho phép phổ biến các sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam hay sáng tác của người Việt Nam sinh sống và định cư ở nước ngoài là một loại giấy phép con cần bỏ.”

Nhưng phải đến hai năm sau đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn mới chịu ‘tiếp thu’ những đề xuất trên.

Tuy nhiên, kế hoạch ‘bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975’ của chính quyền Việt Nam lại đang gây ra mối nghi ngờ lớn về tính thành thật của nó. Liệu đây chỉ là động tác ‘đơn giản hóa thủ tục hành chính’ nằm trong chủ trương tiết giảm giấy phép con của chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của Thủ tướng Phúc, hay còn nhắm đến một ý đồ nào khác? Liệu chủ trương này có được Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện nghiêm, hay cơ quan này vẫn tiếp tục dựa vào quy định “những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức” sẽ bị cấm để tiếp tục trò ‘hành là chính’ và ‘làm tiền’ đối với các công ty phát hành băng đĩa?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img