Cali Today News – Không biết tự hồi nẫm nào mà các vị thuộc thế hệ thứ nhất biết chơi “i-meo” và biết tranh luận trên Net, nhưng với Sáu tui, thì hình như là cũng cỡ sau khi đến Mỹ diện H.O. 1 hai, ba năm gì đó, được ông em họ, đã ở Mỹ từ bẩy lăm, giúp cho mua một cái máy cũ xì, hư tới hư lui, phải ôm đi sửa hoài. Mà mấy ông thợ cũng là thợ mò, thợ vịn, nên vừa thấy cái máy được ôm tới, mẩy ổng khoái quá, banh ra, đập đập, gõ gõ, rồi nậy linh tinh… khiến cho người mang máy tới và chính cái máy cũng đau đớn, bầm dập thân thể! Có khi càng sửa càng hư.. Mới đầu thì hư nhẹ, nghĩa là máy lên chậm rì, sau khi sửa rồi thì chết đứng luôn, cái mò-ni-tơ đen thui như giữa đêm ba mươi vậy! Rồi dần dần, tậu được máy mới hơn một chút, nhưng vẫn là máy cũ sang lại mà cũng hổng có chữ Việt. Mãi đến 95, tui mới có khả năng mua một cái máy mới đang “seo” để tiệm đóng cửa, rồi mua thêm VNI để đánh dấu chữ Việt. Nói đến VNI lúc đó như một ông Thần cứu bồ cho dân Việt thích chơi còm-piu-tơ, ai muốn viết chữ Việt cũng phải nhờ đến ổng, nên cho dù tiền lương không bao nhiêu, dân H.Ô chúng tôi phải nghiến răng dành dụm mãi mới mua được một phiên bản. Từ đó, mà bà con đánh chữ líu lo, viết lách tưng bừng. Mà cũng không nhớ từ lúc nào mà nẩy ra cái cảnh tranh luận, nói đúng ra là cãi lộn trên mạng, ông nào cũng thích nói về mình, nói theo ý mình, “nghĩ sao viết vậy, người ơi”, sau khi mà thấy có ai đó nói không đúng ý mình, không theo lập luận của mình thì bắt đầu đả kích, uýnh liền một khi. Mà mấy cái lập luận này vì không được theo một sư phụ nào hướng dẫn cả nên lý luận cù nhầy, viết búa xua, tào lao thiên địa, miễn là có viết trên mạng là khoái rồi. Có nhiều vị chỉ viết được một câu xanh rờn rồi ngưng, giống như “chửi đổng” vậy!
Thiệt ra từ hồi có phong trào này, Sáu tui mỗi ngày phải xóa đi cả trăm cái meo-bẩn. Buồn quá, mới đi vấn kế thầy Tư Bôn Sa. Gặp Thầy Tư đang ngồi uống cà phê ở Phúc Lộc Thọ, Sáu tui hí hửng bước lại, kéo ghế ngồi ké, tự nhiên như người Hà Lội, kêu một ly cà phê đen, rồi tửng tửng hỏi về vụ tranh luận trên i-meo. Vừa nghe đến mấy chữ này, thầy Tư Bôn Sa bỗng tái mét mặt, lập cập nói:
-Tao phải dìa nhà! Có chiện gấp.
Rồi Thầy Tư bương bả dọt. Không có cách gì hơn, tui dọt theo về nhà. Tới nơi, đúng y chang là thầy Tư đang de xe vào sân nhà trước gara. Tui không chịu thua, theo thầy vô trong nhà rồi bám lấy thầy, không nhả cho đến khi thầy chịu mở miệng:
-Bộ mày muốn tao bị chúng nó dí uýnh chết sao mà mày dám hỏi chiện đó giữa chốn ba quân, sao mậy?
Sáu tui cười hì hì:
-Làm gì có chuyện ghê sợ đến vậy? Không lẽ nào mà phe ta uýnh phe ta?
Thầy Tư “hừ” một cái, rồi nhìn tui như nhìn thằng ngu vậy. Mãi sau, thầy mới thở dài, chịu ngồi xuống ghế và nói một hơi:
-Mầy có biết là i-meo là phương tiện giết nhau không? Nếu không thích ai đó, thì lập tức tung ra vài cái “độc chưởng”, thế là kẻ ấy chết nhăn răng vì khó cải chính. Mà càng cải thì càng lậm, kẻ nói ra, người tán vào.. dần dần thành ra loạn đả. Mới đầu thì chỉ có một người bị ăn đòn, sau rồi thì cả đám uýnh nhau vì thế nào cũng có kẻ bênh, người chống. Tao nghiên cứu kỹ thì thấy có hai cái loại chưởng mà thiên hạ ưa xài: “Beo Tài chưởng” và “Phéo chì chưởng!”
Tui giật mình:
-Trời! Sao lại có cái loại chưởng gì ghê vậy?
Thầy Tư cười hì hì:
-“Beo Tài Chưởng” tức là “Tai Bèo chưởng” nghĩa là “thằng cha này là Việt Cộng nằm vùng, ăng tên cộng sản, tay sai Cộng Sản…Con vợ thằng này mỗi năm về Việt Nam mấy lần, làm ăn buôn bán với Việt cộng.”, “Ông A này hồi còn ở trong tù, làm Trưởng toán gò rèn cho quản giáo…” Còn “Phéo Chì Chưởng” là “Chí Phèo chưởng”, loại chưởng này nói lung tung thiên, phóng cả vào gia tộc người ta, như “Thằng Cha này ngủ với con mẹ kia…” hoặc “Con mụ này dâm đãng, chuyên thay chồng và bồ như thay áo.” Đôi khi chưởng này có cả tiếng Đan Mạch nữa, y hệt như khi bỏ bom chùm vậy, nghĩa là chửi tá lả, không cần đầu đuôi, xuôi ngược mà chỉ cần ném chất dơ vào người đối phương mà thôi. Thiệt ra, không phải chỉ người ít học mới chơi trò dơ trên mạng mà có cả những vị mạng danh là trí thức cũng đôi khi rủa xả lẫn nhau y hệt như mấy tay anh chị, đứng bến. Mấy vị có chút trình độ thì tung “Tục thơ” lên, nghĩa là thơ có vần điệu đàng hoàng nhưng danh từ thì dơ lắm, phải nói là loại này ác liệt nhất, vì người đọc thấy rằng tác giả có trình độ mà dám viết vậy, chắc hẳn phải là sự thật. Loại “Phéo Chì chưởng” này hiện nay vẫn còn được xài trong các cuộc tranh luận về chính trị, như gần đây, vụ bầu cử cũng làm tung ra bao nhiêu chưởng, làm cả hai bên đều bị thương.
Sáu tui thắc mắc:
-Rồi, kết quả của những vụ tung chưởng là gì, thầy Tư?
-Kết quả à? Là những ai có tâm hồn muốn làm việc phục vụ cho cộng đồng thật sự, phục vụ cho đất nước thật sự, mà lỡ bị một kẻ nào đó ghanh tị, thì lập tức bị dính chưởng lực đối phương tối tăm mày mặt rồi đành bỏ của chạy lấy người, nghĩa là nói theo văn chương là “bỏ dở cuộc chơi”, hết dám chường mặt ra cộng đồng nữa. Thế là nhiều công trình phục vụ cộng đồng, nhiều tác giả chống Cộng thực tình sẽ biến mất. Không ai dám dính vô chuyện cộng đồng nữa. Rã đám hết!
-Chà chà! Tại sao lại có nạn đó, thầy Tư?
-Là những tác giả i-meo đó, thường thì không ai học về nguyên tắc tranh luận quốc tế. Khi tranh luận thì hai bên đối phương chỉ tấn công về lý luận của đối phương thôi, không ai tấn công cá nhân người đối lập với mình, không nói về đời tư đối phương, vợ con ra sao… Rồi một khi lý luận mình bị bẻ gẫy, không tranh luận thêm được nữa thì người tự trọng phải rút lui trong danh dự, nếu không chúc mừng đối phương thì cũng im lặng bắt tay “chào thua” rồi chấp nhận lý luận đối phương cho đến khi tìm được lý lẽ khác. Đó mới là tranh luận! Từ đó, xã hội mới văn minh hơn, mở mang kiến thức thêm, chứ còn chỉ biết uýnh nhau trên võ đài Internet thì mãi cũng không văn minh được.
-Vậy, i-meo là cái họa à?
-Hổng phải. I-meo là cái lợi lớn lắm. Người biết xử dụng i-meo một cách đứng đắn thì chuyển tải thông tin đứng đắn, làm mở mang trí thức cho nhau. Người chống Cộng thì dùng i-meo chuyển lửa vào trong nước. Người trong nước chuyển lửa ra ngoài nước. Nghĩa là i-meo có lợi rất lớn cho nhân loại nếu người ta sử dụng hợp lý.
-Cám ơn thầy Tư.
Chu Tất Tiến. Tháng 11/2016