Theo như Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục& Đào tạo có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 cho biết, học sinh THPT từ lớp 10 phải học về Luật An ninh mạng. Đây là một trong những nội dung học nằm trong môn giáo dục quốc phòng và an ninh …
Mạng báo Việt Nam cho biết, Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục& Đào tạo được áp dụng đối với các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp trung học phổ thông và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đặc thù của môn Giáo dục quốc phòng và an ninh là: năng lực nhận thức các vấn đề quốc phòng, an ninh và năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng quân sự đã học vào cuộc sống. Luật An ninh mạng là một trong những nội dung học của môn giáo dục quốc phòng và an ninh.
Học sinh phải đạt được các yêu cầu là: Nêu được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; Hiểu rõ nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng; Bảo mật được thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng.
Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội không chỉ tác động đến đời sống của học sinh mà toàn thể xã hội. Mặt tích cực của mạng xã hội đem lại cho con người và xã hội là quá rõ nhưng mặt tiêu cực cũng không ít.
Vào 1/1/2019, Luật An ninh mạng 2018 của Việt Nam có hiệu lực dù trước đó đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của đông đảo người dân và trí thức trong nước lẫn quốc tế. Cụ thể một trong những điều mà người dân và trí thức Việt Nam không chấp nhận ở Luật An ninh mạng 2018 là doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam và các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin người dùng để Bộ Công an phục vụ điều tra. Người dân và trí thức Việt Nam cho rằng Luật An mạng 2018 có những điều khoản còn mập mờ đã vi phạm Hiến Pháp Việt Nam, bịt miệng quyền bày tỏ chính kiến, tự do ngôn luận của người dân Việt Nam./.