Friday, March 29, 2024

Hãy Để Cho Lịch Sử Phán Xét  

Nguyễn Minh Tâm  dịch  

Cali Today News – Tuần trước từ điện Kremlin, Vladimir Putin đọc một bài diễn văn vừa cay đắng vừa mang đầy tính chất ảo tưởng. Hắn cho rằng Ukraine không  còn là một quốc gia, và người dân Ukraine không còn là con người nữa. Ngay sau đó, hắn ra lệnh thực hiện “một cuộc hành quân đặc biệt”. Hắn lên tiếng dạy đời rằng cuộc hành quân này nhằm mục đích “giải giới quân sự, và tiểu trừ bọn Quốc Xã -Nazi” trong nước ma quái, có 40 triệu dân, láng giềng của Nga.”.  Điều kỳ lạ là nước bị hắn tố cáo là theo Quốc Xã – Nazi- lại do một Tổng thống gốc Do Thái lãnh đạo, và được dân chúng bầu lên với tỉ lệ hơn 70%.   

Giống như nhiều nhà độc tài già nua khác, Putin ngày càng trở nên cô lập, chỉ còn một mình y. Càng ngày hắn càng tỏ ra tức tối, xa lánh mọi người, tàn bạo, và liều lĩnh hơn. Hắn điều hành công việc lãnh đạo một cách độc đoán, không nghe bất cứ một ý kiến chính trị trái chiều nào, không một ai dám lên tiếng khuyên can. Khi hội đàm với khách nước ngoài, hắn ngồi đối diện trong một cái bàn bầu dục dài tới 20 feet, hắn chửi mắng cận vệ trước ống kính truyền hình, không chút e dè. Hình ảnh của hắn là sự  tổng hợp cá tính của những nhân vật độc tài, bạo ngược, mô tả trong hai tác phẩm “Triumph of the Will” và “The Great Dictator”. Khi lãnh đạo đất nước, hắn tỏ ra cực kỳ lạnh lùng, không một chút khôi hài, dí dỏm. Trong lúc hắn gây đổ máu trên khắp nước Ukraine , đe dọa làm cả Âu châu trở nên bất ổn,tan nát, thì dân chúng Nga cảm thấy chính họ mới là những người bị mất mát nhiều nhất. Đồng tiền “Rúp” của Nga bị mất giá khủng khiếp, thị trường chứng khoán Nga tan vỡ. Nhưng Putin không thèm đếm xỉa đến những điều này. Đôi mắt cú vọ của hắn đang nhắm đến những điều viển vông, vĩ đại hơn là sự sống, sự an cư lạc nghiệp của người dân Nga. Putin tự hào rằng hắn đang nắm trong tay lực lượng quân sự hùng mạnh nhất Âu châu, và thỉnh thoảng hắn còn nhắc nhở cho cả thế giới biết là hắn còn có một kho vũ khí nguyên tử rất lớn. Trong đầu hắn, bây giờ chính là thời điểm để giúp hắn tạo được sự vinh quang trong lịch sử, bất chấp phải tốn phí bao nhiêu nhân mạng, sinh linh.  

Guồng máy tuyên truyền của Putin nói láo rằng Quân Đội Nga có sứ mạng ngăn chặn “một vụ diệt chủng” ở Ukraine . Chúng nói chính quyền Ukraine muốn tàn sát người dân nói tiếng Nga ở trong nước Ukraine . Lối tuyên truyền xảo trá, xuyên tạc của Nga vẫn thường thấy trong quá khứ. Đây không phải là ví dụ duy nhất trong lịch sử. Sau Đệ Nhất Thế Chiến, nhiều phần tử phản động Đức, và giới lãnh đạo quân phiệt, bị thua trận nhục nhã, vẫn lớn tiếng nói rằng, họ không hề thua trên chiến trường. Họ thua chỉ vì bọn khuynh tả, bọn phản bội, và những chính khách xảo quyệt lừa gạt họ, và kẻ có tội lớn nhất là bọn Do Thái, chúng đã xúi dục giới công nhân lao động gây xáo trộn cho ngành kỹ nghệ sản xuất vũ khí với mục đích làm suy yếu tiềm năng chiến tranh. Câu chuyện hoang tưởng này được Hitler tận dụng khai thác để làm suy đồi chế độ Cộng Hòa Đức lúc đó. Hitler đã dùng chiêu bài hài tội người Do Thái để tạo được sự ủng hộ của dân chúng cho phong trào phát xít của hắn, và chuẩn bị một cuộc chiến khác.   

Lịch sử bao giờ cũng có hai mặt trái, không bao giờ thỏa thuận về một lý lẽ đơn giản, hay chịu để yên.Tình hình chính trị của Mỹ cũng vậy, thường có những tranh cãi hết sức gay gắt về một số điều xảy ra trong quá khứ. Nhưng khi nhà độc tài dành độc quyền thuyết minh lịch sử để đưa vào văn khố quốc gia, khi đó lịch sử sẽ trở thành một thứ công cụ phụ thuộc của nhà độc tài, để ông ta biện minh cho chính sách độc đoán, và sự kiểm soát tàn bạo của ông ta.   

Lịch sử của nước Nga đã có khá nhiều trường hợp nói láo, xuyên tạc lịch sử xảy ra: Lịch sử được viết theo sự kiểm soát của nhà độc tài. Năm 1825, Sa Hoàng Nicholas đệ Nhất đập tan cuộc nổi dậy của nhóm “Phản Loạn tháng 12.”. Sau đó, ông tìm cách bôi xóa hẳn vụ này này trong tài liệu sử  chính thức, vì sợ rằng vụ phản loạn có thể tái diễn sự nổi dậy. Dưới thời cai trị của Đảng Cộng Sản, các học giả chỉ có một chút tự do thôi. Vậy mà trong Hội Nghị Các Nhà Sử Học Marxist Toàn Liên Bang, họ đã đưa ra tuyên bố nói rằng nhà sử học quan trọng nhất của Liên Bang Xô Viết chính là Josef Stalin. Ông là tác giả của cuốn sách giả tưởng “Kratki kurs” tạm dịch là “Tóm Lược Lịch Sử”, trong đó ông miêu ta lịch sử con người đã biến hóa ra sao để rồi đi đến cuộc cách mạng vinh quang, và lập ra Đảng Cộng Sản. Ông cho rằng những tên Bôn sê vích chống lại ông chỉ là bọn “Vệ Binh Trắng heo lợn, hạng muỗi nhép.”. Tác phẩm “Tóm Lược Lịch Sử” là cuốn sách giáo khoa duy nhất được chấp thuận cho dùng, không một cuốn sử nào khác được phép sử dụng.  

Năm 1956, Nikita Khrushchev can đảm phục hồi lại sự thật của lịch sử. Trong bài diễn văn được coi là bí mật đọc trước ban Lãnh Đạo Đảng Cộng Sản, ông chỉ trích Stalin đã thực hiện một cuộc thanh trừng trong Đảng để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Đức Quốc Xã. Stalin đã tàn ác trục xuất, và sát hại nhiều người thiểu số. Mặc dù bài diễn văn của Khrushchev được giữ bí mật, song nó đã giúp hóa giải tình trạng căng thẳng, quá khích trong đảng Cộng Sản lúc bấy giờ, và hàng ngàn tù nhân chính trị trong Liên Bang Xô Viết đã được phóng thích.   

Nhưng phải đợi mãi cho đến khi ông Mikhail Gorbachev lên cầm quyền, khi đó nhà lãnh đạo ở Điện Cẩm Linh mới thực sự nghiêm chỉnh thảo luận về lịch sử, về những gì xảy ra trong quá khứ. Nam 1987, nhân dịp kỷ niệm hàng năm Cuộc Cách Mạng Tháng Mười, ông Gorbachev nói: “Thậm chí cho đến nay, chúng ta vẫn còn gặp phải những cố gắng nhằm bôi nhọ sự thật, hay im lặng làm ngơ trước sự thật của lịch sử. Chúng ta không thể đồng ý với thái độ này. Làm như vậy tức là chúng ta đã bỏ qua sự thật của lịch sử, không tôn trọng ký ức của những người từng bị đàn áp.”.  

Bài diễn văn của ông Gorbachev thật là thông minh, và đem lại sự thay đổi. Ông Gorbachev báo trước rằng thời điểm đã đến để chúng ta xem xét lại lịch sử của Liên Bang Xô Viết, kể cả một “hiệp ước bí mật” mà Stalin đã ký kết với Hitler mở đường cho việc sáp nhập các quốc gia trong vùng Baltic vào Liên Bang Xô Viết, cũng như sự chinh phục tàn bạo để chiếm nước Ba Lan. Chì trong vòng một đêm, dân chúng Nga Xô Viết biết rõ hành vi xâm lăng Budapest , ở Hung Gia Lợi xảy ra vào năm 1956, xâm lăng thủ đô Prague của Tiệp khắc năm 1968, và chiếm Kabul của Afghanistan năm 1979. Một trong những điểm mốc đánh dấu thời đại mới do Gorbachev lập ra là tổ chức “Memorials” – “Tưởng Niệm”. Đây là một tổ chức được giao trách nhiệm nghiên cứu lại lịch sử Xô Viết và tìm hiểu trong văn khố những gì liên quan đến lịch sử đã bị làm ngơ, hay bỏ sót. Xây dựng lại nguyên tắc Thượng Tôn Luật Pháp, và Bảo Vệ Nhân Quyền. Chế độ do Putin lãnh đạo tìm mọi cách để chống lại việc xây dựng một xã hội dân sự. Y nói rằng tổ chức Memorials chẳng qua chỉ là “tay sai của ngoại bang”, Putin ra lệnh phải đóng cửa tổ chức này.   

Putin thống trách Gorbachev là người đã làm ô uế tiếng tăm, và sự ổn định của Liên Bang Xô Viết. Còn Boris Yeltsin, người kế nhiệm Gorbachev, đã dâng Xô Viết cho Tây Phương, và ông Yeltsin đã thất bại trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương- NATO. Nếu phải viết lại lịch sử, Putin sẽ tìm cách sửa lại cho đúng, và ông ta sẽ làm điều này. Là một nhân vật xuất thân làm sĩ quan tình báo trong cơ quan KGB, ông ta luôn luôn có ý nghĩ trong đầu cho rằng âm mưu của ngoại bang chính là căn nguyên của tất cả các vụ biểu tình, phản đối nổi tiếng. Trong những năm gần đây, ông ta xem những cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ xảy ra ở thủ đô Kyiv, nước Ukraine hay ở Mạc Tư Khoa, thủ đô Nga đều là do bàn tay của CIA hay Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Vì thế những cuộc biểu tình phản đối đó cần phải bị đàn áp, đập tan. Cuộc chiến tranh vô nghĩa và tàn bạo hiện nay đánh nước Ukraine chính là sự mở rộng, nối dài của dòng tư tưởng trên. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu, ý nghĩa về lòng tin tưởng đã được thể hiện trọn vẹn. Việc Putin đem quân sang tấn công một nước có chủ quyền không những đã giúp phương Tây đoàn kết lại với nhau, mà còn khiến cho dân chúng Ukraine cực kỳ căm phẫn, và họ đoàn kết lại để chống lại kẻ xâm lăng. Điều sẽ làm cho Putin phải sợ hãi không phải là vũ khí người dân Ukraine có trong tay, mà là lòng yêu tự do của người dân Ukraine . Cuộc xâm lăng của Putin vào nước Ukraine đưa đến sự chối bỏ thẳng tay của người dân Ukraine đối với một hệ thống cai trị độc tài, đàn áp của Nga, và càng làm cho người dân Ukraine yêu tự tự do hơn, sẵn sàng chiến đấu để đòi hỏi một chế độ dân chủ, tự do bên ngoài biên giới nước Nga.  

Trong lúc đó, ông Volodymyr Zelensky, Tổng thống nước Ukraine đã xử sự với sự tự tin và nhân cách đáng kính nể mặc dù ông biết rằng ông có thể bị bắt giữ, hay bị trừng phạt nặng hơn, như bị ám sát, hay giết chết. Ý thức rằng ông đang bị guồng máy tuyên truyền của Nga  xuyên tạc bằng đủ điều gian dối, ông đã xuất hiện thẳng trên đài truyền hình, nói bằng tiếng Nga, kêu gọi dân chúng Nga hãy đứng lên đòi hỏi sự thật. Nhiều lần ông đã ứng khẩu nói trực tiếp, không cần soạn trước. Hôm thứ Năm, chủ bút Dmitry Muratov, của tờ báo độc lập Novaya Gazeta từng đoạt giải Nobel Hòa Bình, tuyên bố rằng trong số báo tới, ông sẽ cho đăng bằng hai thứ tiếng: Tiếng Nga và tiếng Ukraine. Ông thú thât: “Chúng tôi cảm thấy vừa xấu hổ, vừa đau lòng. Bây giờ chỉ có phong trào chống chiến tranh ở Nga mới có thể cứu được cuộc sống trên hành tinh này.”. Mới gần đây, nhiều cuộc biểu tình chống lại cuộc chiến tranh của Putin đã nổ ra trên hàng chục thành phố lớn nhỏ ở Nga. Những người lãnh đạo của tổ chức “Memorials”- “Tưởng Niệm”- mặc dù đã bị cấm đoán, giải thể, song chúng tôi vẫn nghe được ý kiến của họ như sau: “Cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine sẽ đi vào lịch sử như một chương sử nhơ nhớp, đáng xấu hổ của lịch sử nước Nga.”.  

Bài nhận định của  David Remnick trên THE NEW YORKER  ngày 7/3/2022  

Nguyễn Minh Tâm  dịch  

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img