Hạ viện thông qua dự luật trần nợ, đem chiến thắng cho Kevin McCarthy và Toà Bạch Ốc 

0
1218

(CaliToday) – Hạ viện Hoa Kỳ vào tối thứ Tư bỏ phiếu đông đảo đồng tình đình chỉ trần nợ quốc gia trong 2 năm, ngăn chặn kịp thời một vụ vỡ nỡ gây thảm khốc về mặt kinh tế, và đem lại một chiến thắng cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.
Dự luật được thông qua với số phiếu 314-117, sau khi 165 nhà lập pháp Dân chủ đứng về phía 149 nhà lập pháp Cộng hoà, và cho phép McCarthy ngăn chặn một cuộc nổi loạn từ một số thành viên trong nội bộ đảng. Kết quả cuối cùng có 71 Dân biểu Cộng hoà bỏ phiếu chống lại dự luật, đa số từ nhóm bảo thủ cứng rắn, và 46 Dân biểu Dân chủ chống.
Dự luật bây giờ đang được chuyển sang Thượng viện bỏ phiếu, trước khi được chuyển sang cho Tổng thống Joe Biden ký thành luật có hiệu lực trước thời hạn vỡ nợ vào ngày 5 tháng 6.
“Tôi chứng kiến sự chia rẽ trong Hạ viện này. Nhưng tối hôm nay, chúng tôi có thể cùng nhau làm điều rất lớn cho quốc gia,” McCarthy nói trong bài phát biểu trên sàn Hạ viện trước khi bỏ phiếu diễn ra.
Chủ tịch Hạ viện vào cuối tuần thông báo đã đạt được thoả thuận với Toà Bạch Ốc đình chỉ trần nợ cho đến năm sau bầu cử tổng thống 2024. Thoả thuận hạn chế chi tiêu liên bang trong 2 năm, đẩy nhanh thủ tục cấp giấy phép cho các dự án năng lượng, cắt tài trợ mới cho Sở Thuế, và đưa thêm điều kiện công ăn việc làm đối với tem phiếu thực phẩm, và những chương trình trợ cấp xã hội khác.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cảnh báo, chính phủ sẽ cạn tiền, và không thể chi trả các nghĩa vụ vào ngày 5 tháng 6, nếu trần nợ không được tăng vào lúc đó.
Sau nhiều lần thương lượng bất thành, McCarthy và Toà Bạch Ốc vào tuần trước tỏ ra rất lạc quan về việc thông qua dự luật, thậm chí ngay cả khi nhiều tiếng nói chỉ trích dự luật từ cả hai phía.
Cánh hữu gồm các nhà lập pháp Cộng hoà bảo thủ cứng rắn công kích thoả thuận không cắt giảm chi tiêu nhiều hơn. Cánh tả, những nhà lập pháp cấp tiến, trong đó có Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez và Pramila Jayapal, chỉ trích Tổng thống Joe Biden chấp nhận đầu hàng những đòi hỏi của Cộng hoà.
Dự luật cũng sẽ đối mặt với sự phản đối từ các nhà lập pháp lưỡng đảng tại Thượng viện, mặc dù bỏ phiếu ở Hạ viện luôn được xem có nguy cơ rủi ro cao hơn. Thượng nghị sĩ cấp tiến Bernie Sanders vào thứ Tư bày tỏ phản đối mạnh mẽ. Ông cho biết không thể “thực lòng” bỏ phiếu cho dự luật vì cắt giảm chi tiêu mà không tăng thuế đối với những người giàu có.
Lãnh tụ Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hoà – Kentucky) vào thứ Tư bày tỏ “hãnh diện được hậu thuẫn” thỏa thuận “không chậm trễ” khi được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện.
Lãnh tụ Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân chủ – New York) cho biết sẽ đưa ra dự luật ra bỏ phiếu “càng sớm càng tốt,” và kêu gọi các đồng nghiệp “chuẩn bị nhanh chóng thông qua dự luật này khi đến lượt Thượng viện hành động.”
Dự luật sẽ đình chỉ giới hạn vay nợ $31,4 nghìn tỉ Mỹ kim cho đến tháng 1 năm 2025, và sẽ cắt giảm thâm hụt liên bang $1,5 nghìn tỉ trong 10 năm, theo ước tính từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội.

Hương Giang (Tổng hợp)