Thursday, March 28, 2024

Giáo viên sợ học sinh quay lưng môn lịch sử

Cali Today news – Môn lịch sử từ lâu nay luôn là môn bị học sinh trung học phổ thông (THPT) ở Việt Nam quay lưng, đối xử “ghẻ lạnh” nay nó lại bị xếp vào môn học tự chọn dẫn đến việc nhiều giáo viên bộ môn này có tâm lý sợ viễn cảnh bị thất nghiệp

Bộ Giáo dục& Đào tạo Việt Nam cho biết Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới được áp dụng cho bậc THPT từ năm học 2022-2023. Theo đó, Chương trình Giáo dục này phân loại học sinh THPT học 12 môn, trong đó có 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn. 5 môn tự chọn được chia làm 3 nhóm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Những môn học tự chọn không có vấn đề gì ngoại trừ môn Lịch sử khiến nhiều giáo viên giảng dạy bộ môn này lo lắng bởi từ lâu nay học sinh THPT không mấy mặn mà chọn học thậm chí còn quay lưng, đối xử như “ghẻ lạnh”. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc giảng dạy của các giáo viên, nhiều giáo viên còn lo sợ viễn cảnh thất nghiệp vì khan hiếm người học.

Trang VTC News trích dẫn hai chia sẻ của hai giáo viên giảng dạy môn Lịch sử THPT và một Hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội  

-Cô giáo Phan Thanh Nhàn, giáo viên Lịch sử ở Hà Nội có thâm niên 10 năm dạy học lần đầu tiên lo lắng khi thấy viễn cảnh thất nghiệp vì hiệu trưởng trường thông báo sẽ cắt giảm giáo viên môn này khi áp dụng Chương trình Giáo dục THPT mới.

Một chia sẻ khác là của thầy giáo Mai Văn Long, giáo viên Lịch sử tại Sài Gòn cũng nhận định số học sinh đăng ký Lịch sử sẽ thấp nhất trong các môn tự chọn. Vật lý, Hóa học, Sinh học…học sinh đăng ký nhiều bởi đây là các môn thi đại học trọng điểm. Học sinh không có định hướng thi đại học sẽ chọn môn nhẹ nhàng như Âm nhạc, Thể dục… Số em còn lại lựa chọn Lịch sử phục vụ thi đại học (khối C). 

Theo một thống kê, lượng thí sinh chọn khối C chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học. Đồng nghĩa lượng học sinh chọn môn Lịch sử giảm đến 90% so với hiện nay. Hệ lụy dẫn đến một bộ phận giáo viên thất nghiệp vì thừa.

Một hiệu trưởng tại Hà Nội băn khoăn “Những người biên soạn chương trình GDPT mới cho rằng, học sinh lựa chọn môn học nhưng nhà trường phải tư vấn các em sao cho hợp lý. Nhưng nếu buộc học sinh chọn theo định hướng thì lại sai quan điểm, mục tiêu đổi mới giáo dục. Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần lưu ý câu chuyện này, không thể có tình trạng nhất bên trọng, nhất bên khinh được”.

Còn nhớ hồi tháng 4/2013, trên mạng xã hội xuất hiện một video dài khoảng hơn 2 phút quay cảnh hàng trăm học sinh THPT reo mừng xé đề cương môn lịch sử sau khi Bộ Giáo dục& Đào tạo Việt Nam công bố môn này không thi tốt nghiệp.

Trước đó nữa là vào năm 2011, tại kỳ thi Đại học- Cao Đẳng đã có hàng ngàn bài thi môn lịch sử đạt điểm “0”.

Dư luận quan tâm ở Việt Nam lâu nay vẫn thấy rằng nguyên nhân khiến môn Lịch sử trở nên kém hấp dẫn học sinh là do nó khô khan, ít có tiếng nói trong cuộc sống khi mà nó ít có cơ hội tìm việc làm. Thêm nữa là môn lịch THPT ở Việt Nam hiện tại có quá nhiều số liệu, phần lớn ca tụng chiến công của Đảng CSVN và Hồ Chí Minh khiến cho học sinh khó nhớ, khó phân biệt mình đang học lịch sử Đảng hay là học lịch sử dân tộc. Điều này cũng dẫn đến việc học sinh cũng ít nhận biết học sử là để hiểu biết truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, lòng tự hào-tự tôn dân tộc./.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img