Fox News – Phụ nữ Ả Rập Saudi không nên bị ép buộc mặc abaya (áo choàng đen trùm kín người) khi đi đến chỗ công cộng, một giáo sĩ cao cấp tuyên bố.
Sheikh Abdullah al-Mutlaq, một thành viên của Hội đồng các Học giả Cao cấp, nói rằng phụ nữ nên ăn vận khiêm tốn nhưng không nhất thiết phải mặc abaya – hiện đang là bắt buộc theo luật ở quốc gia có đa số theo Hồi giáo dòng Sunni này.
Lời tuyên bố của vị giáo sĩ, đến khi vương quốc đang cố gắng hiện đại hóa và nới lỏng một số hạn chế, được cho là tiên phong của vấn đề này trong vòng 30 năm qua.
Sheikh Mutlaq cho biết hôm thứ Sáu: “Hơn 90% phụ nữ đạo hạnh Hồi giáo trên thế giới không phải mặc abaya. Vì vậy chúng ta không nên ép buộc phụ nữ nước mình phải mặc abaya.”
Kế hoạch cải cách xã hội của Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman, đã cho phép phụ nữ Ả Rập Saudi lái xe, đi xem đá bóng tại sân vận động tại một số thành phố trong vương quốc.
Trong những năm gần đây, một số phụ nữ Ả Rập Saudi đã mặc những abaya màu sắc, để phản đối abaya truyền thông chỉ có màu đen tuyền; hoặc mặc những abaya ngắn hơn thông thường.

Năm ngoái, một người phụ nữ đã bị cảnh sát thẩm vấn vì đăng một tấm ảnh mình mặc váy ngắn và áo lửng lên Snapchat. Cô này sau đó đã được thả và không bị buộc tội gì.
Phụ nữ Ả Rập phải đối mặt với nhiều hạn chế. Họ phải có sự đồng ý của một thành viên nam trong gia đình để có thể đi học, du lịch và tham gia những hoạt động khác.
Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên của chế độ quân chủ vào 1932, nhiều chuẩn mực khác nhau được áp dụng và phụ nữ không cần phải mặc abaya hoặc mạng che mặt khi đến những nơi công cộng. Một bác sĩ nhi khoa đang ở độ tuổi 70 tại Riyadh cho biết: “Hầu hết chúng tôi đi đến nơi công cộng mà không cần che mặt. Việc ngồi chung với một người đàn ông trong nhà hàng dù bạn đang độc thân? Không có vấn đề gì, miễn là bạn hành xử đúng đắn. Và rồi, thay đổi bắt đầu.”
Lời tuyên bố của Sheikh Mutlaq đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Một người sử dụng Twitter ở Ả Rập Saudi cho biết: “Sự thanh khiết và đạo đức không nên gắn liền với một miếng vải.”
Trong khi Mashari Ghamdi, một người dùng Twitter khác thì cho biết: “Abaya là vấn đề truyền thống, đã được áp dụng cho tất cả. Không phải là tôn giáo.”
Nam Phố (Theo Fox News)