Thursday, March 28, 2024

Đứt gãy chuỗi cung ứng: Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phải chịu trách nhiệm

Mai Lan

(VNTB) – Để đứt gãy chuỗi cung ứng trong thị trường, làm người sản xuất đặc biệt là nông dân thiệt hại khốn đốn và người dân không được cung cấp đầy đủ các nhu cầu thiết yếu, cũng là trách nhiệm của ông bộ trưởng công thương.

Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ nên có tên trong danh sách giám sát từ Bộ Tài chính quốc gia này. Ảnh minh họa: Minh Hoàng.

Ghi nhận từ các nhóm kết nối lương thực thực phẩm ở TP.HCM, đang có lời cậy nhờ “giải cứu” 40 tấn khoai tây Đà Lạt của một nhà vườn đang vào mùa thu hoạch với giá bán sỉ giao hàng tại nhà là 17.000 đồng/kg. Tương tự, nhà vườn ở tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết địa phương đang cần “giải cứu” các loại rau ăn lá với số lượng 1.000 kg trở lên, cước vận chuyển về TP.HCM là 1.000 đồng/kg. Theo đó, đậu bắp giá 8.000 đồng/kg, mồng tơi 8.000 đồng/kg, bồ ngót 7.500 đồng/kg, cải nhún 7.000 đồng/kg, dưa leo 9.000 đồng/kg, mướp 9.000 đồng/kg.

Để dễ hình dung về mức giá nói trên, khi thử vào mua ở hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh tại TP.HCM, sẽ nhận ra giá bán lẻ đến tay người dùng lại ‘đội lên trời’ với giá đậu bắp 33.000 đồng/kg, mồng tơi 34.000 đồng/kg, cải nhún 35.000 đồng/kg, tức là cao hơn gấp 4 lần.

Một chủ vựa rau củ tại Đà Lạt thông tin: Giá các loại rau ăn lá như xà lách, tần ô, bó xôi, rau cần… đã làm sạch giá chỉ có 3.000 – 4.000 đồng/kg, giá trước đây là 6.000 – 8.000 đồng; bắp cải, cà rốt, lơ xanh… 7.000 – 8.000 đồng/kg, cà chua 4.000 – 5.000 đồng/kg (trước 8.000 đồng/kg). Nếu tính luôn giá cước vận chuyển, rau củ Đà Lạt chở về TP.HCM, giao tận nhà bao gồm cước phí rồi cũng chỉ 6.000 – 11.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ tại TP.HCM lên đến 30.000 – 40.000 đồng/kg, cao gấp 4 – 5 lần.

Theo phân tích của giới logistics, thì giá bán lẻ – đơn cử như mặt hàng rau Đà Lạt đến tay người tiêu dùng TP.HCM tăng gấp 5, gấp 10, thực tế là từ khâu bán lẻ ‘ăn dày’ chứ chưa phải do phí vận chuyển.

Dẫn chứng, cước chở rau từ Đà Lạt về miền Tây và TP.HCM tăng gấp đôi, từ 1.500 đồng/kg lên 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, rau mua tại vườn quá rẻ, nên giá bán cũng thấp hơn trước nhiều. Trong mùa dịch, nhà vườn kiếm được người mua hàng đã khó nên họ chấp nhận bán giá thấp khi vào vụ.

“Chúng tôi là ‘con buôn’, dân bán thấp, mình bán thấp vì muốn bán được nhiều hàng. Nhưng thấy giá bán lẻ tại TP.HCM như vậy là rất khó chấp nhận. Mỗi ký xà lách người trồng và người vận chuyển chia nhau 6.000 – 7.000 đồng, một ký bắp cải cũng chia nhau trong 10.000 đồng, trong khi người mua về ăn giá 35.000 – 40.000 đồng. Giả sử trừ thêm các phí vận chuyển nội thành 10.000 đồng/kg thì người bán vẫn lãi 20.000 – 25.000 đồng một ký xà lách. Mức lãi khủng khiếp quá!” – một chủ vựa nhận định.

Trong báo cáo “Khuyến nghị chính sách tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách trong đại dịch Covid-19” do nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thực hiện cho biết với lệnh hạn chế đi lại mỗi khu vực và địa phương, trên thực tế đã được thực hiện mỗi nơi một kiểu, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất và nhiều doanh nghiệp không phản ứng kịp khi thiếu lao động, thiếu nguyên vật liệu… Quan niệm “hàng thiết yếu” mỗi nơi mỗi khác nên gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa.

Chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến, chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh, như TP.HCM. Chuỗi cung ứng ngành ôtô có bị ảnh hưởng, tuy nhiên, nguyên nhân không phải do Covid, mà nguyên nhân là do hạn chế thương mại của Mỹ đối với các nhà sản xuất chip, vật liệu bán dẫn ở Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản bị gián đoạn do lao động bị cách ly, giãn cách, lưu thông đình trệ. Việc nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch mà không có đầu ra và khó vận chuyển gây ra đứt gãy. Chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do lao động bị giãn cách, điều kiện sản xuất “ba tại chỗ”, hay “một cung đường, hai hoặc ba điểm đến” chưa phù hợp với tất cả các địa phương khác nhau và bối cảnh giãn cách theo Chỉ thị 16+.

Covid-19 là phép thử với sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Hậu Covid-19 và xa hơn là trong tương lai, chuỗi cung ứng hàng hóa cần phải được tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng để giảm thiểu tốt nhất những chấn thương bất ngờ. Đồng thời, để tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng của chuỗi cung ứng.

Vai trò quan trọng bậc nhất cho những yêu cầu nêu trên từ vấn đề quản lý giá cho tới logistics, đó là khả năng điều hành của người đứng đầu Bộ Công thương, bộ trưởng đương nhiệm Nguyễn Hồng Diên.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img