Vietnam – Cali Today News – Sáng ngày 23/11/2017, một phái đoàn hỗn hợp gồm các phóng viên, Cảnh sát môi trường đã ập tới bắt quả tang một doanh nghiệp sản xuất, tái chế bao bì của Trung Cộng đang xả nước thải chưa qua thanh lọc ra môi trường. Điều đáng nói hơn, dòng kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải chiếm đóng vai trò vô cùng quan trọng thuộc loại bậc nhất ở miền Bắc Việt Nam.
Phái đoàn công tác thuộc Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) của Bộ Công an đã bắt quả tang xả thải xảy ra trên địa bàn xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên). Từ những nguồn tin mà chúng tôi thu thập được, doanh nghiệp Trung Cộng đã thuê lại nhà xưởng của công ty Trách nhiệm hữu hạn bao bì Thái Hà Hưng để làm nơi sản xuất và tái chế phế liệu.

Theo các đánh giá sơ khởi của phía công an, ống xả thải được doanh nghiệp Trung Cộng xả trực tiếp xuống hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Sau khi công an kiểm tra, cả doanh nghiệp này không hề có hệ thống để thanh lọc nước thải trước khi xả ra môi trường. Việc này nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư cho doanh nghiệp.
Theo ông trung tá CSVN Lưu Thế Kỳ-đội trưởng phòng 5 (C49) cho biết, kênh hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho 4 tỉnh, thành gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội. Trước việc doanh nghiệp Trung Cộng xả lượng nước thải độc hại ra môi trường chẳng khác nào đầu độc người dân miền Bắc. Vì nước trên kênh Bắc Hưng Hải được dùng để tưới tiêu, phục vụ cho sản xuất, thực phẩm sẽ được bán ra cho người dân. Chất độc hại cũng theo đó mà đi vào cơ thể con người.
Trong buổi làm việc với công an, ông Lê Xuân Kiều-giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn bao bì Thái Hà Hưng cho biết, trong hợp đồng thuê nhà xưởng, việc để chất thải độc hại xả ra môi trường thuộc về trách nhiệm của phía doanh nghiệp Trung Cộng.
Ông Kiều còn cho biết thêm, trước đây đã có đến 3 doanh nghiệp Trung Cộng thuê nhà xưởng của ông để tái chế, sản xuất phế liệu, nhưng trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp này liên tục vi phạm về vệ sinh môi trường nên Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Hưng Yên yêu cầu muốn hoạt động phải bảo đảm môi trường.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Kiều nói:
“Chúng tôi đã không cho các doanh nghiệp Trung Quốc thuê từ cuối tháng 8/2017, sau đó chúng tôi cho một số doanh nghiệp thuê lại nhà xưởng”.
Theo ông Kiều, việc vi phạm xả thải là do doanh nghiệp trong nước chứ không liên quan gì đến doanh nghiệp Trung Cộng.
Trong khi đó, trên Đài truyền hình kỹ thuật số VTC lại nói rằng, doanh nghiệp đã xả thải đổ ra kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải là Trung Cộng. Hiện nay, lực lượng cảnh sát môi trường đang tiến hành củng cố hồ sơ để điều tra hành vi hủy hoại môi trường của doanh nghiệp này.
Vấn đề ô nhiễm ở Việt Nam đang ngày càng trở nên nhức nhối. Từ khi xảy ra thảm họa môi trường do Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa xảy ra tại Hà Tĩnh vào tháng 4/2016, rất nhiều cuộc biểu tình phản đối, yêu cầu chính quyền phải bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống. Đáp trả lại, hàng chục người đã bị chính quyền bắt nhốt, đánh đập, đe dọa vì đã dám cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, tất cả các nhà máy khi được xây dựng đều chọn gần biển, gần sông. Vì như vậy chủ đầu tư sẽ thuận tiện hơn trong việc xả chất thải chưa qua thanh lọc ra thẳng môi trường, làm cho doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đầu tư cho hệ thống thanh lọc chất thải. Chính quyền Việt Nam dù biết rất rõ những chiêu trò của các công ty này, nhưng để kêu gọi đầu tư họ đành phải bán môi trường để lấy lợi ích kinh tế.

Dọc theo bờ biển, Việt Nam cho xây dựng một loạt nhà máy điện than. Tất cả những nhà máy này đều sử dụng công nghệ, máy móc của Trung Cộng. Đó là những công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng mà ngay tại nước bản xứ, chính quyền Trung Cộng đã nghiêm cấm sử dụng. Theo các con số mà chúng tôi có được, có đến 21 nhà máy điện than hiện đnag hoạt động tại Việt Nam. Cứ mỗi năm tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than và thải ra hơn 16 triệu tấn tro xỉ. Đến năm 2017 đã có đến hơn 40 triệu tấn tro xỉ và chính quyền CSVN đang đau đầu vì không biết sử dụng tro xỉ vào mục đích gì, cũng như không biết đổ bỏ đi đâu.
Bấm vào đây để xem những videos cần xem
Vào tháng 4/2015, tại Bình Thuận, trước tình trạng nhà máy điện than Vĩnh Tân để bụi tro xỉ bay mù mịt làm ảnh hưởng đến đời sống, hàng ngàn người đã làm một cuộc bạo động để phản đối. Sau đó, chính quyền CSVN đã phải mạnh tay đàn áp mới dập tắt được. Khoảng gần chục người dân chất phác sau đó đã phải ngồi tù do bị chính quyền trả thù.
Không phải doanh nghiệp Trung Cộng mới xả chất độc trên dòng kênh Bắc Hưng Hải, mà doanh nghiệp của họ còn đầu độc người dân Việt Nam khắp cả nước. Ngay tại Vĩnh Tân (Bình Thuận) lượng hải sản sống gần bờ dường như đã không còn nữa, do lượng nước đen từ nhà máy điện than thải ra. Người dân ở đó cũng không dám đi tắm biển.
Một viễn cảnh tăm tối đang bao vây đất nước Việt Nam mà kẻ gieo rắc nỗi kinh hoàng không ai khác chính là người bạn vàng của chính quyền CSVN.
Nguoi Quan Sat