Thursday, March 28, 2024

Đoàn người mất mát hay cơ chế nó là thế!

Ánh Liên
Bà Lê Thị Nga uất ức: ‘Nếu tôi tố cáo sai, cứ đem tôi bắn bỏ. Tại sao không có quyết định mà lại đập phá nhà tôi? Tại sao lại phải phun thuốc vào nhà khiến chồng tôi nhập viện liên tục mấy năm nay? Tài sản của gia đình tôi bị mang đi hiện nay đang ở đâu?’.
 
Một đoạn trích dẫn trong bài viết mang tên ‘Thủ Thiêm – Một tương lai của hai thế hệ bị bỏ lỡ’ được đăng trên trang tin Viettimes.
 
Những người dân oan Thủ Thiêm có cả bộ đội, những người từng hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân để gây dựng nên thể chế hiện nay.
 
Dân oan Thủ Thiêm bị tàn phá 20 năm đằng đẵng vì các quyết định lợi ích nhóm, còn những kẻ lợi ích nhóm thì ăn chơi phè phỡn và chờ đợi một cú hích mang tên: hạ cánh an toàn.
Thủ Thiêm với những lợi ích nhóm chằng chịt đã cướp đạt thời gian của 2 thế hệ người dân ở đây.
Tất Thành Cang, hay những lãnh đạo quận 2 được người dân tế sống bằng liễng hoa tang. Nhưng đối với những lãnh đạo ‘vô thần’ và vô liêm sỉ, thì ‘tang sống’ cũng không là điều gì đó khiến họ bận tâm.
 
Khi Tất Thành Cang bị kỷ luật, nhiều quan điểm hồ hở cho rằng, Tất Thành Cang hiện nay bị như vậy là ‘quả báo’. Nhưng thứ ‘quả báo’ này lại đến quá muộn, và thực sự là ‘quả báo hời’ cho đội ngũ quan chức quan liêu, tham nhũng.
 
Thủ Thiêm vẫn ngổn ngang sau cơn cuồng nộ của dư luận xã hội, nhưng trật tự bên trong bộ máy chính quyền lại đang nhộn nhịp sắp xếp lại cho ‘phù hợp với tình hình mới’. Một cách đối phó tạm thời với dư luận, và khi Tất Thành Cang bị kỷ luật, cũng chỉ là cách xoa dịu cảm xúc dư luận ở một điểm nào đó.
 
Biệt thự, tài sản ngầm, những tháng ngày phè phỡn trên xương máu và sự nhọc nhằn của dân Thủ Thiêm vẫn sẽ tồn tại và mãi sẽ tồn tại.
 
Nhiều người bảo: ấy, cơ chế nó là thế.
 
Cơ chế nó thế, nên xử lý một hay mười Tất Thành Cang cũng không thể trị dứt điểm nỗi tham nhũng quyền lực lẫn nỗi oan của người dân mất đất.
 
Điều 62 Luật đất đai là một điều khoản máu, một máy chém treo lơ lửng trên đầu người dân, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng.
 
Mới đây, 200 căn nhà, trị giá 200 tỷ đồng của người dân ở vườn rau Lộc Hưng (quận Tân Bình, Tp. HCM) bị xóa sổ. Đảng nói, về khía cạnh pháp lý, việc cưỡng chế hoàn toàn phi pháp, bởi nó ‘không đúng trình tự pháp luật theo quy định về Thu hồi đất, hoặc Cưỡng chế tháo dỡ’, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc trong trao đổi với VOA cho biết.
 
Cưỡng chế vẫn cứ diễn ra, với đội ngũ vũ trang, bán vũ trang,… Theo dõi, bắt bớ, dập tắt mọi phản ánh bằng thông tin. Tất cả tạo ra một không gian ‘bố ráp’ tưởng chừng có trong những bộ phim… chống khủng bộ.
 
Tuyệt nhiên, mọi vi phạm liên quan đến thu hồi đất đai đều xuống phát từ một tuyên ngôn rất đẹp đẽ và có phần đáng sợ: nhân danh quyền lực nhà nước CHXHCN Việt Nam.
 
Mỗi năm, lực lượng dân oan tiếp tục được bổ sung một cách tự nhiên, bằng thứ quyền lực vô quyền lực ấy.
 
 Nhiều người bảo: ấy, cơ chế nó là thế.
 
Nhiều người ví Lộc Hưng như một Tiên Lãng, nhưng với người viết, nó giống như hầu hết các vụ cưỡng chế khác trên đất nước này trên hình chữ S (Dương Nội, Văn Giang, Thủ Thiêm, Cồn Dầu,…), bởi nó tước đoạt đất đai và cuộc sống của người dân.
 
Lộc Hưng tạo một điểm nhấn quan trọng ở chỗ, sự kiện này được tiến hành trước Tết Nguyên đán, trong lòng Tp. HCM. Một chút gì đó liên tưởng vào cái Tết Mậu Thân năm 1968 tại cố đô Sài Gòn.
 
Người dân cần sự tôn trọng pháp luật, người dân cần đối thoại, người dân không bao giờ muốn súng, xe càn đập nát căn nhà họ.
 
Và đoàn người từ bỏ ánh nắng phương Nam để nằm dầm dề ngoài Hà Nội, để tìm kiếm thứ gọi là: công lý.
 
Nhiều người chẹp miệng bảo: xa xỉ lắm, thôi bà con về đi. Cơ chế là thế!
 
Đoàn người vẫn lầm lũi, sống không tương lai, không thanh xuân, không sức khỏe,… hoàn toàn vô sản tại thủ đô nước CHXHCN Việt Nam. Và tại góc chếch của tại quãng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội), một khẩu hiệu chữ vàng, nền đỏ vẫn tồn tại đầy ngạo nghễ: CHXHCN Việt Nam muôn năm. ĐCSVN Quang vinh muôn năm.
 
Thể chế này sẽ trường tồn cùng dân tộc – như một quan điểm bất di bất dịch từ ông TBT Nguyễn Phú Trọng. Và những đoàn dân oan sẽ nhiều lên của hàng đoàn thế hệ mất mát, cùng với dân tộc – như một quy luật bất di bất dịch của lịch sử đen tối dân tộc.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img