Cali Today News – Vào chủ nhật rồi, nhà báo Mặc Lâm ra mắt tác phẩm Bàng Bạc Gấm Hoa tại San Jose, do nhật báo Cali Today và thân hữu tổ chức. Gần 200 người yêu văn chương và mến mộ tác giả đã đến tham dự. Khoảng trên 150 cuốn sách đã được người tham dự đón nhận. Mặc Lâm nói trong xúc động: “Tôi không tin vào mắt mình nữa. Một hang người xếp hang mua sách và chờ tác giả ký kỷ niệm.” Có nhiều diễn giả nói chuyện như Đinh Quang Anh Thái (từ Nam Cali), Ls Nguyễn Hoàng Duyên (San Jose), Định Nguyên (từ Boston), Huỳnh Lương Thiện (từ San Francisco) và Nguyễn Xuân Nam. Buổi ra mắt sách rất thành công, để lại nhiều kỷ niệm khó quên cho Mặc Lâm. Dưới đây là bài phát biểu của Định Nguyên. Qúy vị có thể vào mục Văn Nghệ của baocalitoday.com để xem lại video buổi ra mắt sách nói trên.
Thưa……………………………
– Những vị khách quí
– Những thân hữu
– Những bạn học ngày xưa ở phố Khánh
– Và, với anh Mặc Lâm
Trên tay quí anh chị là tác phẩm BBGH của nhà văn, nhà báo ML. Đây là những bài viết được chọn lọc từ những bài viết trong hơn 10 năm phụ trách tạp chí VHNT cho đài RFA của tác giả; chia thành 4 chủ đề: Tác giả-Tác Phẩm; Văn Hóa dân gian; Sắc màu cuộc sống và Nét đẹp Việt. Riêng chủ đề Nét đẹp Việt, toàn bộ nội dung chủ đề nầy thuộc phạm trù hội họa, lẽ ra có thể xếp vào chủ đề “Tác giả-Tác phẩm”, lại được tách riêng như một gởi gấm nào đó của tác giả.
Ở mỗi chủ đề tác giả vận dụng một thủ pháp riêng. Từ cách tiếp cận vấn đề đến cách diễn giải.

Ở “Tác giả – Tác phẩm”, ML hoàn toàn sử dụng cách cầm cọ của họa sĩ chứ không phải cách cầm bút của nhà văn. Hay nói khác đi, tác giả vẽ chứ không viết. Mà ở đây là ký họa. Hãy nhìn bức ký họa mà ML vẽ cho Mai Thảo. Cái góc nhìn để tạo nên chân dung MT, ML chọn một góc nhìn hẹp, nếu không muốn nói là khuất: “Ta nhìn hình ta những miếu đền”, một tập thơ cuối đời của nhà văn MT. ML không chọn góc “Đêm giã từ Hà Nội”, hay “Bầy thỏ ngày sinh nhật”, hay hình ảnh chàng dũng sĩ với thanh kiếm sắc tư duy trên lưng con ngựa “Sáng Tạo”, toàn là những bóng sáng rực rỡ, để vẽ MT. Tôi nghĩ rằng, đây là một cách nhìn mới. Nhưng không phải lúc nào ML cũng thành công. Đó là khi anh tạo nét cho bức ký họa Nguyễn Đức Sơn. Tác giả chỉ thuần sử dụng kỷ thuật mô phỏng, chính xác hơn, tác giả áp dụng kỷ thuật nghề mực hơn là nghề sơn. Nét vẽ nầy đã không chuyển tải nỗi những góc cạnh đậm nhất của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Kẻ lòn núi trồng thông cho đời.
Ở chủ đề “Văn hóa dân gian” thủ pháp của ML cũng không ngoài là vẽ. Nếu ở “Tác giả – Tác phẩm” anh ký họa, ở đây anh đã vẽ theo lối đặc tả. Hát Xoan, Chầu văn, Hô Bài chòi, Đờn ca tài tử hay Cải lương là những bức tranh được vẽ bằng chuỗi gam màu buồn, ảm đạm, dù tác giả đã cố tình điểm xuyết một ít gam màu tươi sáng nhưng cũng không thể nào không làm cho người đọc dấy lên một nỗi ngậm ngùi. Cái ngậm ngùi của “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Cái đau đáu nầy phải chăng chủ ý của ML, muốn lưu ý với chúng ta rằng: chúng ta từng đã có một nền VHDG như vậy? Hay ML không thừa nhận sự phai phôi của thời gian, đúng hơn, không thừa nhận sự phụ bạc của những con người mà từ hình hài đến nhân cách được dựng nên từ tinh hoa của dòng VHDG nầy.
Chủ đề “Sắc màu cuộc sống” có sáu bài. Tôi đặc biệt chú ý bài “Họ, những cánh bướm đêm dập dìu trong bóng tối”. Ở bài nầy ML trở về đúng nghề phóng sự của mình. Tôi gặp lại cái thông minh của người đặt câu hỏi. Hỏi mà không hỏi, chỉ thuần là động tác khêu tim đèn để ánh sáng tự lan tỏa. Mô tả chưa phải là làm phóng sự. Làm phóng sự phải đi cho tới cái ngóc nghách, cái phần chìm của sự kiện. Mặc lâm đã đưa cái ánh sáng tự khêu nầy soi rõ cái ngóc nghách, cái phần chìm của sự kiện để mọi người cùng thấy rõ. Rồi tự nó trở thành mũi dao bén ngót khoáy sâu vào nỗi lòng người đọc; khoáy sâu vào khối u thâm căn đã tồn tại vài mươi năm nay trong tinh thần tự trọng của người dân Việt. Và, cũng chỗ nầy, người đọc dường như nhận ra cái chừng mực của anh. Cái chừng mực có thể cần mà cũng có thể không. Không với những ai chuộng tư duy Cao Bá Quát.
Chủ đề “Nét đẹp Việt” ngoại trừ hai bài: “Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại” của Huỳnh Hữu Ủy, là một chuyên khảo về nghệ thuật tạo hình; và “Nghệ thuật Trúc Chỉ” đề cập tới nghệ thuật làm giấy như một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là sản phẩm để phục vụ cho nghệ thuật của họa sĩ Phan Hải Bằng. Và, hai bài: Tranh Đông Hồ, Tranh Hàng Trống tác giả xếp chung vào chủ đề nầy, lẽ ra nên ở chủ đề VHDG, mà tôi không rõ lý do. Cùng phạm trù hội họa chăng? Kỳ dư những bài khác đều tập trung vào các nhà tạo hình cận đại, trong đó có những người đã góp phần tạo nên diện mạo nghệ thuật tạo hình của Miền Nam Việt Nam, nói riêng, và VN nói chung, như cặp đôi họa sĩ Hồ Thành Đức – Bé Ký.
Trong con người của ML tồn tại song song hai con đường: Một con đường cầm bút và một con đường cầm cọ. Ở mảng diễn đạt tác giả văn chương anh cầm cọ; ở mảng cần biểu cảm bằng những đường cọ khoáng đạt đối với những nghệ sĩ tạo hình anh lại cầm bút.
Ngòi bút của anh kết hợp với con mắt người trong nghề dẫn đến những nhận định sâu về tranh của những họa sĩ nầy. Có thể sẽ gây khó cho những người “ngoại đạo” nhưng khá cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu bộ môn nầy. Nhưng ở chuyên mục nầy anh cũng không quên cây cọ của mình. Người ta thường mượn tác giả để giải kiến tác phẩm. Ở đây, ML mượn tác phẩm để đổ những bóng sáng tối, tái hiện sắc nét khuôn mặt của tác giả ngay chính trong tác phẩm của họ, làm cho người đọc vỡ ra. Ồ! Ông tổ của phái Coula Việt Nam là người nầy, là chồng của họa sĩ Bé Ký.
Thêm nữa, anh, con người cầm bút chuyên làm phóng sự, đã tận dụng cơ hội để khái quát hóa lịch sử của bộ môn tạo hình của Việt Nam.
Thưa quí vị,
“Bàng bạc” theo từ nguyên là “rộng khắp, tràn đầy, mênh mang” nhưng không định hình, khó nắm bắt. Hàn Mặc Tử đã từng vọng:
“Bàng bạc khắp sơn khê.” (Hàn Mặc Tử)
Và, “Gấm hoa” là cách nói hình tượng ngợi ca vẻ đẹp của cuộc sống.
Cuốn sách mang tên “Bàng bạc gấm hoa” không còn là một cách nói tượng hình nữa do những vấn đề mà quyển sách đề cập. Khi đặt tên cho tác phẩm của mình, hẳn ML muốn gởi gấm một chuyện gì đấy cho những ngày sắp tới. Liệu Gấm Hoa của dân tộc chúng ta, hiện nay như “lộ thảo đầu phô”, có còn không khi đang có chủ trương tiêu diệt nó của những kẻ dã tâm trong sự thờ ơ của chính chúng ta.
Phải không? Ở trang cuối ML đã đặt dấu chấm hỏi vô hình nầy!
Câu trả lời xin nhường lại cho những ai đang cầm trên tay Bàng bạc gấm hoa của chính mình trong nội hàm Dân Tộc.
Xin kính chào quí vị.
Định Nguyên