Thursday, March 28, 2024

Đằng sau ‘Việt Nam giàu lên nhanh nhất thế giới’ là cái gì?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Sau sự kiện “tự sướng” vào năm 2017 với “Việt Nam hạnh phúc thứ 4 trên thế giới” – kết quả được công bố bởi một tổ chức nghiên cứu bị dư luận nghi là đã nhận tiền của chính quyền Việt Nam, mới đây một số tờ báo nhà nước lại ồn ào khoa trương với thành tích “Việt Nam là quốc gia có tốc độ thịnh vượng tăng nhanh nhất trên thế giới trong một thập niên qua” – theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth đưa ra vào đầu năm 2018, được đài VOA dẫn lại.

Nghiên cứu của New World Wealth cho biết phần lớn sự phát triển này là do con số các cá nhân ‘siêu giàu’ ở Việt Nam tăng nhanh.

Trong thập niên qua, số những người siêu giàu ở Việt Nam tăng nhanh hơn so với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới, và trong thập kỷ tới đây, sẽ tiếp tục đà tăng kỷ lục này. Báo cáo Wealth Report của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank có trụ sở ở London, Anh, cho thấy Việt Nam có 200 cá nhân thuộc thành phần siêu giàu. Nhóm này tăng gấp 3 lần trong thời gian từ 2000 đến 2016, vượt Ấn Độ với mức 290% ở vị trí thứ 2, và Trung Quốc với 281% ở vị trí thứ 3. Con số các tỷ phú đô la của Việt Nam cũng tăng gấp đôi trong năm qua.

Phân tích của Knight Frank dự báo Việt Nam sẽ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về sự gia tăng số người siêu giàu với mức tăng 170% lên tổng số 540 người vào năm 2026.

Còn Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những người giàu nhất thế giới trong đó con số tỷ phú ở Việt Nam tăng từ 2 lên 4 người. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và là chủ nhân của tập đoàn bất động sản Vingroup, đang sở hữu khối tài sản trị giá 4,3 tỷ USD, và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, với khối tài sản 3,1 tỷ USD, Việt Nam đã có thêm 2 tỷ phú lọt vào danh sách này. Đó là Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương và Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long.

Việt Nam đứng đầu trong danh sách những nước giàu lên nhanh nhất thế giới trong 10 năm qua. Ảnh: VOA

Cũng theo Wealth Report, số lượng triệu phú USD ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng từ 14.300 hiện nay lên 38.600 trong 10 năm tới.

Tuy nhiên đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng của số người giàu và siêu giàu ở Việt Nam, khoảng cách giàu nghèo cũng tăng mạnh và đang đe dọa đến sự ổn định của Việt Nam.

Báo cáo này cũng cho thấy sự bất ổn trong xã hội Việt Nam tăng cao với tình trạng tham nhũng tràn lan, thị trường bất động sản bong bóng và nhiều cuộc biểu tình hơn…

Thống kê Việt Nam dối trá như thế nào?

Muốn biết “Việt Nam giàu và thịnh vượng” như thế nào, cách tốt nhất là nhìn từ tầng thượng của một cao ốc cao cấp ở trung tâm thành phố xuống các khu ổ chuột của dân nghèo. Cảnh như vậy nhan nhản ở Việt Nam.

Và căn cứ vào Gini.

Việt Nam lại khá tương đồng với Trung Quốc về lớp giàu mới nổi và tình trạng Gini. Cho tới nay, con số báo cáo kiên định của Việt Nam về Gini vẫn chỉ khoảng 0,4, tức ở mức “khá lý tưởng” – rất “đồng chí’ với các số liệu của chính phủ Trung Quốc đưa ra chỉ số Gini chỉ có 0,47 vào năm 2012.

Theo đánh giá cho điểm trong hệ số Gini, chỉ số 0 có nghĩa là hoàn toàn không có chênh lệch giàu nghèo và chỉ số 1 chứng tỏ chênh lệch giàu nghèo ở mức cao nhất.

Nhưng cũng vào năm 2012, một nghiên cứu của Trường đại học Bắc Kinh đã tính cả hệ số Gini về chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc lên đến mức báo động cao là 0,73.

Ở Việt Nam hẳn là tương tự, nếu không muốn nói là mức độ phân hóa giàu nghèo còn cao hơn Tung Quốc.

Cho tới nay, báo cáo thống kê so sánh 5% số người có thu nhập cao nhất với 5% số người có thu nhập thấp nhất ở Việt Nam vẫn dưới 10 lần.

Nhưng trước năm 2000, mức so sánh trên đã được một báo cáo độc lập chỉ ra là lên tới ít nhất 30 lần. Gần hai mươi năm sau, vào thời điểm này, nhiều chuyên gia đánh giá mức so sánh trên phải lên đến ít nhất hàng trăm lần. Khoảng cách này là tương xứng với thực trạng ở Trung Quốc, khi vào năm 2011, một nhà nghiên cứu phi chính phủ có tên là Vương Tiểu Lỗ đã công bố kết quả khảo sát cho thấy khoảng cách giữa 5% người giàu và 5% người nghèo lên đến chẵn 70 lần.

Vào cuối năm 2012, một nghiên cứu của Trường đại học Bắc Kinh công bố cho biết chỉ có 1% người giàu Trung Quốc đã kiểm soát đến hơn 30% của cải tại đất nước đông dân nhất hành tinh này. Trong khi đó, 25% số gia đình ở tận cùng xã hội chỉ có được khoảng 1% của cải đất nước.

Cuối năm 2012 cũng là thời điểm mà một nghiên cứu khác cho tiết lộ có đến gần 20.000 quan chức Trung Quốc đã chạy sang các nước phương Tây, mang theo ít nhất 20 tỷ USD.

Trong những năm gần đây, làn sóng “ra đi tìm đường cứu nước” của giới quan chức và người giàu Việt Nam có nhiều dấu hiệu tăng vọt. Theo hồ sơ Panama, chỉ riêng trong năm 2015, lượng ngoại tệ từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài đã lên tới 19 tỷ USD.

“Chủ nghĩa xã hội hài hòa” ở Trung Quốc thật ra chẳng có ý nghĩa gì lớn, nếu quy chiếu về tỷ lệ 0,73 của hệ số bất bình đẳng xã hội Gini. Trong thực tế, 0,73 là mức bất bình đẳng quá lớn, và khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có độ phân hóa giàu nghèo khủng khiếp nhất trên thế giới. Thực trạng này có thể được dễ dàng kiểm chứng bởi các thông tin liên tiếp về số đại gia mới nổi trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản.

Dù chỉ là nước sinh sau đẻ muộn trên thương trường thế giới, Trung Quốc lại sở hữu đến gần 300 tỷ phú đô la. Chỉ qua vài ba đợt tăng giá chứng khoán và nhà đất tại Bắc Kinh và khoảng 70 thành phố lớn tại quốc gia này, các đại gia đã bỏ túi một số tiền khổng lồ mà có thể so sánh với GDP quốc gia – hiện tượng rất tương đồng với giới siêu giàu “đi lên từ đất” ở Việt Nam.

Nguồn lợi nhuận khổng lồ từ đầu cơ đất đai không hề mang lại thặng dư cho nền kinh tế, mà chỉ chuyển từ túi người này vào túi kẻ khác.

Trong khi đó, căn bệnh báo cáo dối trá về “tăng trưởng GDP” và “công bằng xã hội” vẫn là nguồn cơn ung thư đang hủy hoại những giá trị đạo đức cuối cùng của xã hội Trung Quốc và Việt Nam – hai quốc gia được xem là “hai đảng anh em” và “đồng chí tốt”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img