Monday, March 20, 2023
spot_img

Dân Việt phản ứng gay gắt trước câu nói của bà Nguyễn Thị Kim Ngân

Cali Today News – Đã hơn mười ngày trôi qua nhưng những bức xúc, những bàn tán thậm chí cả phản ứng gay gắt của người dân Việt Nam từ sinh hoạt mạng lẫn công khai ngoài đời về câu nói của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo: “Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước?” vẫn chưa chấm dứt…

Một lời nói khiến người dân phản ứng gay gắt…

Ngày 23/7/2016, tức là một ngày sau khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân đắc cử chức danh Chủ tịch Quốc hội sau cuộc bỏ phiếu lần hai, bà Ngân đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan báo chí để chia sẻ nhiều vấn đề “nóng bỏng” hiện nay ở Việt Nam. Một trong những vấn đề “nóng bỏng” ấy có vấn đề “bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Chia sẻ với báo chí, nguyên văn câu nói của bà Ngân như sau: “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình”. Sau khi câu nói này được báo chí, truyền thông đăng tải thì ngay lập tức gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân Việt Nam, một số Blogger, Facebooker đã không tiếc lời bày tỏ sự khó chịu đối với câu nói của bà Ngân trên cộng đồng mạng. Cụ thể như từ một status đăng trên tường Facebook Tú Ân Mai có tựa đề “Bạn đã làm gì cho đất nước”, đại khái người viết nói bà Ngân không xứng đáng hỏi câu hỏi đó, đây là câu hỏi ngu ngốc và hãy đem câu hỏi này đến với những kẻ như bà để họ trả lời, tức là những kẻ “Chỉ thấy mưa rơi trên màu cờ đỏ” và bà Ngân hiện tại với trai trò “Tứ trụ triều đình” của những kẻ này. Đi kèm với status này là những bình luận như:

“Bà (chủ tịch Ngân) đã làm gì đất nước? Và đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay? Bà làm gì?- bình luận của Facebooker Bông Chíc.

Hay Facebooker Daiduong Nguyen thì bình luận: “Bà nói đi, tôi còng lưng đóng thuế nuôi bà để đại diện cho tôi, câu hỏi đó dành cho tôi hỏi bà mới phải.”

Và thêm một bình luận nữa là của Facebooker Măm Nguyên: “Khôn ngoan đối đáp giặc Tàu đi Bà”
Tại sao câu nói của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại khiến dư luận khó chịu, phản ứng gay gắt đến vậy? Nó đã đụng chạm hay xúc phạm đến ai? Do câu nói của bà Ngân liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam nên nó có liên hệ đến lòng yêu nước của người dân là điều khó tránh khỏi. Từ Hà Nội, cô giáo Đỗ Thanh Vân đã chia sẻ với Cali Today:

“Theo tôi thì việc mọi người phản ứng gay gắt vì đa phần bạn bè của tôi trên mạng Facebook đều là những người tham gia các hoạt động xã hội dân sự. Họ thấy lòng yêu nước của họ bị tổn thương, lòng tự trọng bị tổn thương, việc đánh đồng lòng yêu nước của họ.”

Ngoài lòng tự trọng bị tổn thương và lòng yêu nước của người dân bị đánh đồng qua câu nói của bà Ngân, theo cô giáo Vân thì mọi người dân đều nói với nhau rằng lòng yêu nước chẳng do ai xúi giục, chẳng bao nhiêu tiền để đánh đổi được cho nên câu nói của bà Ngân ngay cả bản thân cô giáo Vân cũng thấy mình bị xúc phạm nên chuyện người dân phản ứng gay gắt là điều dễ hiểu.

Anh Phùng Chí Kiên, cũng là công dân sinh sống ở Hà Nội cho rằng lời của bà Ngân vi phạm quy tắc tranh luận bình thường. Anh chia sẻ;

“Bà ấy (Chủ tịch Ngân) vi phạm ngay một quy tắc tranh luận bình thường. Trước khi tranh luận thì chúng ta phải khái niệm thế nào là có đóng góp cho đất nước? Thế nào là đất nước?Thế nào là đóng góp? Vậy chúng ta có thể hỏi ngược lại là tất cả người dân sinh sống và đóng thuế bình thường thì họ (Chủ tịch Ngân và những người cùng hàng ngũ) đã làm gì cho đất nước này? Ở cương vị của họ liệu có làm tốt hơn những người dân bình thường hay không?

Anh Kiên chia sẻ thêm, bà Ngân đã nói một chiều coi như bà Ngân tự đóng cửa tự nói một mình.
“Mà tôi nghĩ ở đất nước mình, ta không có quyền hỏi những câu như thế nên họ (Chủ tịch Ngân và những người cùng hàng ngũ) cứ nói một chiều như vậy thôi. Quan trọng là mình chưa thống nhất các khái niệm và bà (Chủ tịch Ngân) ấy nói một chiều điều đó coi như bà ấy đóng cửa tự nói một mình.”

Bác bỏ những gì tốt đẹp từ các cá nhân và tổ chức dân sự đem lại
Cũng nói về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh đạo Quốc hội khóa XIV cho biết Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài PCA tại Hà Lan đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách “Đường lưỡi bò chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Cũng cần phải nói thêm, từ trước giờ và cụ thể là trong mấy năm gần đây hễ khi Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, bắt giết ngư dân Việt Nam trên biển Đông thì trái ngược với sự im lặng hay phản ứng yếu ớt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, các cá nhân, tổ chức đặc biệt là các tổ chức dân sự như; No-u, Hội Anh Em Dân Chỉ, Con Đường Việt Nam, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam…đã đồng loạt lên tiếng phản đối, kêu gọi hành động yêu nước và xuống đường tuần hành phản đối tội ác của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.

Theo dõi và quan tâm đến những hoạt động của các cá nhân, tổ chức dân sự trong nước, cô giáo Vân thừa nhận không chỉ vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo mà các cá nhân, tổ chức này còn không quản ngại trước những khó khăn, thử thách để đóng góp rất nhiều cho đất nước và xã hội Việt Nam thông qua những hoạt động thiết thực, đúng đắn và tốt đẹp. Cô giáo Vân nói:

“Họ (các cá nhân, tổ chức dân sự) đóng góp nhiều lắm chứ, riêng việc họ lên tiếng, phản đối hay ủng hộ mọi người xuống đường đó cũng cho thấy họ có đóng góp rồi. Ví dụ tổ chức Con Đường Việt Nam chẳng hạn, bạn bè mình tham gia thì đánh đổi rất nhiều thứ từ công việc kể cả những vị thế họ đi làm để đứng lên nói tiếng nói của họ.”

Bản thân cô giáo Vân cũng cho biết mình và người chồng cũng không thể ngồi yên trước công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo đang kêu gọi:

“Mình tham gia phản đối Trung Quốc từ năm 2011 và từ sau lần ấy thì tất cả những lần nào có lời kêu gọi xuống đường phản đối Trung Quốc là mình và chồng mình đều tham gia hết. Việc bị bắt bớ, những ảnh hưởng trong công việc lẫn trong cuộc sống mình đều trải qua rồi…”

Mặc dù những việc làm của các cá nhân, tổ chức dân sự chưa làm thay đổi tình hình biển đảo cũng như hiệu quả chứng nhận từ phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhưng nó cũng đã góp phần thức tỉnh nhiều người dân đang còn vô tâm trước hiện tình đất nước, phá vỡ phần nào thế bưng bít thông tin từ bấy lâu nay của nhà cầm quyền.

“Tôi nghĩ các tổ chức dân sự này rất quan trọng vì họ đóng góp một phần vào việc đánh thức dân trí, dân trí của mình bị ru ngủ quá lâu, sống trong một môi trường giáo dục một chiều. Bây giờ các tổ chức dân sự có thể chưa giải quyết được ngay những vấn đề lớn như thay đổi một thể chế, một chính sách hay một văn bản luật nào đó nhưng nó nhắc cho người dân biết rằng những cái đó có thể là sai, không phải răm rắp tuân lệnh như ngày xưa nữa.”
Anh Kiên nói những cuộc biểu tình có tác dụng rất lớn như; biểu tình bảo vệ cây xanh, biểu tình phản đối Formosa sau đó nhà cầm quyền đã hoảng hốt, đàn áp nhưng về sau vô hình lại công nhận những cuộc biểu tình ấy là đúng. Anh Kiên tiếp:

“Tôi không hiểu họ (nhà cầm quyền) sẽ giải quyết vấn đề đàn áp như thế nào? Những cuộc biểu tình đó, xã hội dân sự chỉ cần làm một việc thức tỉnh coi như họ đạt được nhiệm vụ của mình rồi, còn những gì về sau thì lịch sử sẽ phán xét.”

Cũng như anh Kiên, cô giáo Vân không phủ nhận những hoạt động của các tổ chức, cá nhân dân sự ít nhiều gì cũng đã đóng góp rất nhiều điều tốt đẹp cho người dân và đất nước chứ không đến nổi như lời bà Ngân nói đầy “cạn tàu ráo máng” là chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình.

Yêu nước là phải thể hiện bằng hành động, trước mắt chấn hưng dân trí
Mặc dù cùng là phái nữ, lại giữ cương vị là một trong 4 chức vụ đứng đầu bộ máy quyền lực ở Việt Nam nhưng với phát ngôn như đã nêu trên, bà Ngân không được sự cảm thông của nhiều người và cô giáo Vân cũng vậy.
“Không. Mình không có lời nào để cảm thông cho bà Kim Ngân bởi vì Quốc Hội là do dân bầu, nếu ở đúng đất nước có tam quyền phân lập mà bà đứng lên đại diện cho dân mà nói như thế, từ xưa đến giờ mọi chiến thắng đều có dân, không có dân thì làm sao bà ấy làm được. Tại sao bà ấy lại phát ngôn như thế? Tư tưởng của bà ấy vẫn còn quá nặng nề với những người có ý kiến đối lập, ở cương vị nào mình cũng không thể thông cảm cho bà ấy được kể cả việc cùng là phụ nữ”.

Một chính quyền có biểu hiện xa rời dân, xem thường tiếng nói của người dân và đàn áp lòng yêu nước của người dân vậy với cương vị Chủ tịch Quốc hội như hiện tại bà Ngân có bao giờ tự hỏi tổ chức Đảng mà bà đang theo, những “đồng chí” đang đứng cùng hàng ngũ của bà đã làm gì cho đất nước? Đây là câu hỏi của rất nhiều người dân mong đến tai bà Ngân, từ Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, Hoàng Sa cho đến Trường Sa đã mất, rồi các vấn đề đất nước tụt hậu, ô nhiễm môi trường, văn hóa- giáo dục xuống cấp, tham nhũng, trộm cắp tràn lan…đất nước Việt Nam hôm nay xấu tệ là do ai? Cô giáo Vân đau đáu nỗi niềm và có lời nhắn gửi:

“Mình muốn mọi người quan tâm nhiều hơn những vấn đề này bởi vì những Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc…xưa kia là của mình nhưng sau vì những thỏa ước, thỏa thuận nào đấy mà không còn nên mọi người cần quan tâm, mỗi tấc đất cha ông để lại là có biết bao mồ hôi xương máu, tiêu tốn bao sinh mạng con người. Phải dùng cái đầu để mà phân tích, thể hiện bằng hành động phải làm sao cho thấy mình vẫn còn quan tâm đến quê hương, đất nước dù có đi đâu hay về đâu thì mình vẫn là người con của Việt Nam.”
Còn anh Kiên thì gửi gắm tương lai đất nước vào thế hệ trẻ:

“Tôi nhắn đến giới trẻ rằng cuộc sống này rất đa dạng, mình cứ nhìn thẳng về phía trước và nắm chắc những giá trị, những giá trị đích thực.”

Để thế hệ trẻ có một đường đi đúng đắn hơn trong tương lai thì những người của thế hệ hôm nay phải nề vai gánh vác trách nhiệm truyền đạt và hướng dẫn. Những hiểm họa của đất nước đang hiện diện là do ở sự im lặng của người dân, sự thờ ơ trước cái ác nhưng lỗi không hẳn thuộc về người dân, do người dân đã bị nhà cầm quyền ru ngủ quá lâu, phải làm sao thức tỉnh dân, ngay bây giờ phải chấn hưng dân trí. Anh Kiên đặt kỳ vọng rất nhiều vào các cá nhân, tổ chức dân sự bất chấp sự đàn áp của nhà cầm quyền mà kiên định con đường đấu tranh cho dân cho nước được tốt đẹp hơn vào ngày mai.

“Ta dùng những xã hội dân sự để thức tỉnh họ dần dần vì bây giờ chúng ta đang còn rất yếu ớt và đơn độc, bản thân nhà cầm quyền họ không thiếu hành động để đập tan những mầm mống này và họ đã đạt giới hạn gần trăm năm nay rồi, bây giờ họ đang bắt đầu hoảng sợ bởi không còn được như ngày xưa nữa, thế giới vận động mức độ khác. Chúng ta hãy nhận thức một cách mở mang nhất, hãy bỏ qua những nề nếp cũ đi và đây cũng là cách chấn hưng dân trí, cần nhất bây giờ.”

THIÊN HÀ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT