Các trạm thu phí trải tràn khắp các con đường ở Việt Nam đã thực sự đè nặng lên cuộc sống của người dân. Từ cuối năm 2015 cho đến nay, rất nhiều vụ biểu tình, chặn trạm thu phí để phản đối mức phí quá cao diễn ra thường xuyên. Mới đây, người dân hai xã Lê Thiện và Đại Bản (huyện An Dương, Hải Phòng) đã cho xe hơi, xe tải chặn trạm thu phí để phản đối mức phí “cắt cổ”.
Liên tiếp trong hai ngày 15,16/8/2016, người dân hai xã Lê Thiện và Đại Bản đã dùng xe hơi, xe tải chặn trạm thu phí để phản đối mức phí quá cao khiến đời sống của người dân ở nơi đây đảo lộn.
Sự việc bắt đầu từ ngày 15/8 khi có thông tin đoàn kiểm tra của Tổng cục đường bộ Việt Nam sẽ xuống trạm thu phí số 2 trên Quốc lộ 5 trên địa bàn. Người dân ở hai xã đã đồng loạt đưa xe cộ ra chặn trạm thu phí để gây sức ép.

Những người dân ở đây cho biết, trước ngày 1/4, trạm thu phí chỉ có giá 10 ngàn đồng/lượt. Đó là mức phí mà người dân có thể kham nổi. Nhưng sau đó, trạm thu phí đẩy mức giá lên 45 ngàn đồng/lượt (tăng gấp 4,5 lần) khiến cho đời sống của họ chao đảo. Rất nhiều người trong xã đã phải bán xe hơi vì không chịu nổi mức phí qua trạm.
Nông dân ở trong xã cho biết, từ khi trạm thu phí số 2 nâng mức phí, giá nông sản của họ bị giảm sút nặng nề. Vì thương lái cũng phải tính đến mức xe qua lại trạm thu phí. Người dân hai xã Lê Thiện và Đại Bản vốn nghèo, đa phần là nông dân và lao động chân tay. Với việc mọc lên trạm thu phí, lại tăng phí gấp 4,5 lần đã thực sự đè nặng lên đôi vai mưu sinh của họ.
Trả lời báo Thanh Niên, anh Nguyễn Văn Huy (30 tuổi, xã Đại Bản) người có xe tải chở vật liệu xây dựng bất bình nói: “Mức phí cũ 10 ngàn đồng/lượt là chấp nhận được, chứ chúng tôi chỉ đi vài kilomet đến Lê Thiện, Tân Tiến là hai xã cùng huyện rồi lại quay về mà lần nào cũng phải mua vé 45 ngàn đồng thì thà bỏ nghề còn hơn”.
Không phải chỉ riêng anh Huy, mà nhiều lái xe tải chở vật liệu xây dựng cũng gặp phải những bất bình nói trên. Một chiếc xe cát xây nhà có giá 130 ngàn đồng, nhưng với việc cõng thêm 45 ngàn đồng/lượt cho trạm thu phí khiến họ không thể cạnh tranh với những xã không có trạm thu phí.
Không chỉ người lớn, mà ngay đến trẻ con cũng bị ảnh hưởng. Nếu trước đây, bố mẹ chở con cái đi đến trường bằng xe hơi. Thì nay với giá thu phí “cắt cổ”, bố mẹ đành bán xe hơi và đưa rước con cái bằng xe máy.
Chính quyền không đứng về phía người dân, cho dù họ biết việc thu phí như vậy là bất hợp lý, làm đảo lộn đời sống của người dân. Người dân địa phương cho hay, trên những con đường từ ngoại ô vào nội thành, chính quyền đã cho xây dựng các chướng ngại vật nhằm không cho xe hơi, xe tải có thể né trạm. Tất cá các con đường tránh đều gặp phải điều tương tự.

Rất đông người dân kéo đến trụ sở để phản đối với Tổng cục đường bộ. Ảnh: Hải Phòng
Người dân xã Đại Bản, Lê Thiện rất nhiều lần gửi kiến nghị lên xã, rồi xã cũng thay mặt người dân gửi lên cấp cao hơn nữa. Nhưng từ đó đến nay cái mà họ nhận được chỉ là sự im lặng. Người dân hai xã Đại Bản và Lê Thiện chỉ còn biết móc túi để nuôi trạm thu phí số 2.
Phía đại diện Tổng cục đường bộ cho biết đã tiếp thu ý kiến của người dân, sẽ gửi ý kiến đó lên các bộ ngành liên quan để Chính phủ CSVN có hướng giải quyết. Tuy nhiên, cái mà người dân cần không phải là việc Tổng cục đường bộ tiếp thu ý kiến, mà là khi nào họ mới được giảm phí qua lại, được chế độ ưu đãi khi qua trạm thu phí.
Người dân xã Đại Bản, Lê Thiện cho biết, nếu không có hướng giải quyết thỏa đáng họ sẽ còn tiếp tục chặn trạm thu phí.
Nguoi Quan Sat