“Nói về hiệu quả công việc lúc này thì quá sớm bởi các bạn đã biết, việc một nhà nước độc Đảng đang cai trị thì tiếng nói một người như tôi hay một vài nhóm hoạt động xã hội không phải là vấn đề quá lớn đối với họ. Vì lợi ích nhóm, cá nhân tham nhũng đã bất chấp đến môi trường, hậu quả lâu dài mà sự vô tâm vì lòng tham của họ gây ra.”

Khu sinh thái Sơn Trà ở Đà Nẵng bị phá nát bởi những dự án bê tông, cọc thép khiến người dân phẫn nộ. Hàng ngàn trái tim yêu quý Sơn Trà đang làm tất cả những gì có thể để cứu Sơn Trà, lãnh đạo Đà Nẵng làm gì để xoa dịu lòng dân trong hoàn cảnh Sơn Trà thực tại? Thế nhưng, một vài người cảm thấy rất khó chịu khi đã lên tiếng trước công luận rằng; bản thân bị Công an, An ninh Đà Nẵng gây khó khăn trong các hoạt động hướng về Sơn Trà…
Một công dân lên tiếng vì bị Công an, An ninh cưỡng bức làm việc
Sự bình yên của Đà Nẵng trong thời gian gần đây bỗng nhiên bị phá vỡ, các bản tin thời sự liên quan đến Đà Nẵng làm nóng trên các báo đài, truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Từ chuyện chiếc siêu xe của một doanh nghiệp tặng cho Thành ủy Đà Nẵng để làm xe công, cho đến khối tài sản kếch xù của Chủ tịch thành phố Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ bị phanh phui và mới đây là Khu sinh thái Sơn Trà bị phá nát bởi những dự án bê tông, cọc thép của các doanh nghiệp làm du lịch, cụ thể cái tên được báo đài Việt Nam nhắc đến nhiều nhất là Công ty Biển Tiên Sa (số 07- 09 đường Yết Kiêu, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng).
Các báo Nhà nước Việt Nam loan tin, Công ty Biển Tiên Sa đã san ủi hàng ngàn m2 đất rừng tại Khu sinh thái Sơn Trà để làm những dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa. Trước sự việc này, ngày 18/03/2017, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ cùng các liên ngành vào cuộc kiểm tra và xử lý những dự án sai phạm đang xây dựng ở Khu sinh thái Sơn Trà.
Kết quả kiểm tra đã báo cho các cấp lãnh đạo ở Đà Nẵng biết là có 40 dự án của công ty Biển Tiên Sa xây dựng không phép hiện có những dự án đang xây ở phần móng.
Ngày 19/03/2017, đích thân ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu dừng ngay việc thi công các dự án sai phạm và đồng thời tiến hành bổ sung các thủ tục rồi mới được tiếp tục thi công.
Ngày 20/03/2017, Ủy ban quận Sơn Trà ra quyết định xử phạt công ty Biển Tiên Sa 40 triệu đồng vì đã xây dựng các dự án không phép.
Không chỉ báo đài của nhà nước Việt Nam mà các báo đài không thuộc nhà nước Việt Nam cũng như các trang mạng xã hội liên tiếp mấy tuần qua đưa các bản tin liên quan đến vụ dự án phá nát Khu sinh thái Sơn Trà.
Ngày 21/03/2017, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng ông Huỳnh Tấn Vinh gửi tâm thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét lại quyết định quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Sơn Trà.
Một chiến dịch cứu Sơn Trà do những người yêu Sơn Trà phát động được đông đảo người dân tham gia hưởng ứng.
Chia sẻ với Cali Today, anh Lê Trung Hiếu là một cư dân sinh sống tại Đà Nẵng cho biết ngay sau khi những tin tức “nóng bỏng” được đăng tải trên các báo đài và mạng xã hội thì ngay lập tức anh Hiếu đã cũng những người bạn tích cự làm những hoạt động để hưởng ứng chiến dịch cứu Sơn Trà. Những hoạt động anh Hiếu có thể làm là;
“Dùng mạng xã hội để truyền tài thông điệp và hình ảnh Sơn Trà đến với người dân Đà Nẵng cũng như cả nước. Chia sẻ các bài viết, hình ảnh về Sơn Trà, tham gia hưởng ứng dã ngoại lên Sơn Trà dù bị ngăn cản.”
Với những hoạt động của mình đã và đang làm để góp tay cứu lấy Khu sinh thái Sơn Trà, anh Hiếu cũng cho Cali Today biết nếu bây giờ nói đến tính hiệu quả thì quá sớm, cần làm nhiều việc hơn nữa. Bởi, trong một đất nước mà tiếng nói đối lập chưa được công nhận thật sự, đang còn bị nhiều thành kiến, nhiều nguy hiểm thì để những kiến nghị, nguyện vọng thiết thực của người dân được nhà cầm quyền đáp ứng tức thời là một điều không phải dễ. Anh Hiếu nói;
“Nói về hiệu quả công việc lúc này thì quá sớm bởi các bạn đã biết, việc một nhà nước độc Đảng đang cai trị thì tiếng nói một người như tôi hay một vài nhóm hoạt động xã hội không phải là vấn đề quá lớn đối với họ. Vì lợi ích nhóm, cá nhân tham nhũng đã bất chấp đến môi trường, hậu quả lâu dài mà sự vô tâm vì lòng tham của họ gây ra.”
Khó khăn phải đối diện nhưng theo anh Hiếu, việc cứu được Sơn Trà, cứu thảm thực vật, động vật ở Sơn Trà, cứu một môi trường sống chung cho toàn Đà Nẵng thì bản thân anh Hiếu và người dân Đà Nẵng cần phải làm và làm, phải bắt tay ngay bây giờ chứ không thể chần chờ thêm được nữa, tình hình rất nguy cấp.
“Bởi thế, chúng ta cần chung tay phổ biến rộng rãi đến các tổ chức bảo vệ động vật, thiên nhiên hoang dã trên thế giới về sự nguy cấp đối với loại Vooc Chà Vá chân nâu, hiện nay nằm trong sách đỏ cần đặc biệt quan tâm và bảo tồn.”

Theo các số liệu lấy từ các trang mạng, Khu sinh thái Sơn Trà có quy mô diện tích là 4.298ha, rừng tự nhiên là 2.810ha, thảm thực vật và động vật rất phong phú như; có 985 loại thực vật bậc cao, 111 loại động vật. Voọc Chà vá chân nâu được xếp vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) và vào Danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới.
Ngoài ra, Khu sinh thái Sơn Trà có vị trí chiến lược quốc phòng vô cùng quan trọng ở miền Trung, là nơi có thể theo dõi cả một vùng Biển Đông rộng lớn.
Vì vậy, việc bảo tồn và giữ cho bằng được Sơn Trà là một việc làm vô cùng quan trọng, cần thiết và gặp rất nhiều khó khăn. Ngay bản thân những người hưởng ứng chiến dịch cứu Sơn Trà như anh Hiếu cũng có những khó khăn gặp phải không vì yếu tố bản thân mà vì ở phía Công an, an ninh ở Đà Nẵng. Anh Hiếu cho biết, hôm 25/03/2017, anh đã đến Tòa nhà hành chính Đà Nẵng phản đối việc bức hại Sơn Trà nhưng không thành.
“Phản đối tại tòa nhà hành chính Đà Nẵng nhưng bất thành, bị lực lượng an ninh Hải Châu, Thanh Khê và Thành phố cưỡng bức làm việc trong ngày 25/03/2017”
“Vì tham gia các hoạt động của xã hội và bảo vệ môi trường, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều anh chị em tại Đà Nẵng đã bị sách nhiễu, ngăn cản và buộc phải làm việc với lực lượng Công an một cách phi pháp.”
Người dân Đà Nẵng đã mất đi một Bà Nà hoang dã nay có hay không các cấp cầm quyền ở Đà Nãng để mất luôn Khu sinh thái Sơn Trà? Thông tin mà Cali Today mới nhận được là nhiều câu hỏi đặt ra về việc xử lý vụ phá nát Sơn Trà hiện Thành ủy Đà Nẵng vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo. Về phía người dân, làm sao để một Khu sinh thái Sơn Trà không bị phá thêm? Thật khó cho người dân bởi người dân không muốn Khu sinh thái Sơn Trà bị phá nhưng cũng không phải là người quyết định phê duyệt chuyện cho hay không cho dự án bê tông, cọc thép vào.
“Việc làm của tôi và rất nhiều người tại Đà Nẵng hiện nay được rất nhiều người ủng hộ, quan tâm, chia sẻ và động viện cũng như đồng hành. Nhưng để được kết quả như mong muốn quả là một chặng đường rất dài. Rất mong các đài báo và ngoài nước chia sẻ rộng rãi thông tin.”. Anh Hiếu chia sẻ ý kiến cá nhân./.
THIÊN HÀ