Vietnam – Cali Today News – Tiếp nối việc sử dụng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí ở Cai Lậy (Tiền Giang), từ nhiều ngày qua, tại trạm thu phí Quốc lộ 5 (tỉnh Hưng Yên) rất đông các tài xế xe tải, xe khách đã sử dụng tiền có mệnh giá thấp, như: 200, 500, 1000 để chi trả khi qua trạm. Việc làm này là nhằm phản đối việc thu phí quá cao và bất hợp lý.
Đến ngày 6/9/2017 đã là ngày thứ ba liên tiếp các tài xế sử dụng tiền lẻ để trả phí khi qua trạm thu phí trên đường Quốc lộ 5. Trong hai ngày trước đó, số lượng xe khách, xe tải dùng tiền có mệnh giá thấp để trả phí đã gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài trong nhiều giờ. Trước tình trạng đó, chủ đầu tư đã phải xả trạm để không xảy ra việc tắc nghẽn.
Mọi việc cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết, giữa chủ đầu tư và cánh lái xe vẫn chưa có tiếng nói chung cho vấn đề này. “Cuộc chiến tiền lẻ” đang trở thành bài toán nan giải cho cả chủ đầu tư lẫn chính quyền sở tại. Trong khi đó, việc sử dụng tiền lẻ đang là biện pháp hữu hiệu để phản đối việc lạm thu, hút máu người dân của các chủ đầu tư được sự bảo kê của các lãnh đạo.

Những người phản đối việc đặt trạm thu phí trên đường Quốc lộ 5 cho rằng, không thể gọi những kẻ đặt trạm là chủ đầu tư, vì con đường Quốc lộ do chính quyền xây. Phía Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam- VIDIFI (chủ đầu tư, quản lý trạm thu phí Quốc lộ 5) không hề bỏ tiền ra để xây dựng. Tuy nhiên, VIDIFI lại đặt trên tuyến đường này đến những 2 trạm thu phí là điều không thể chấp nhận.
Mặt khác, con đường Quốc lộ 5 vô cùng nham nhở, xấu. Cánh lái xe rất bất bình về việc chính quyền lại bỏ mặc cho chủ đầu tư tha hồ rút tiền của dân mà không hề có biện pháp trừng trị thích đáng. Đó là chưa nói, có những người nhà ở gần trạm thu phí chỉ đi khoảng một vài kilomet nhưng phải trả tiền cho cả chặng đường là bất hợp lý.

Về phía mình, chủ đầu tư cho biết, sở dĩ đặt 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5 là nhằm nhanh chóng hoàn vốn nhanh chóng cho đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Điều này vô cùng khó hiểu, vì xây dựng đường ở đâu, lý ra phải thu tiền ở đấy. Đằng này xây cao tốc Hà Nội-Hải Phòng lại muốn rút tiền ở Quốc lộ 5 (Hải Dương).
Chủ đầu tư không hề muốn hạ giá phí khi qua trạm, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Hơn nữa, việc thu phí là đã được sự chấp thuận dưới sự chỉ thị của Bộ Giao thông vận tải. Trước tình trạng tài xế dùng tiền lẻ để phản đối, chủ đầu tư yêu cầu chính quyền phải mạnh tay xử lý những tài xế sử dụng tiền lẻ, vì họ đã gây ủn tắc giao thông, làm ảnh hưởng đến doanh thu.
Thời buổi truyền thông xã hội phát triển, cánh tài xế đã biết sử dụng Facebook để nối kết nhau, đồng loạt sử dụng tiền lẻ khi qua trạm để phản đối nhằm đạt được mục đích cho mình. Trên Facebook, tài xế đã lập ra trang Page “Phản đối trạm BOT Quốc lộ 5 để cùng nhau chia sẽ tin tức, bài báo và hẹn nhau sử dụng tiền lẻ để phản đối khi qua trạm. Việc làm này đã bị chính quyền để mắt đến. Chỉ trong vòng vài ngày sau khi được thành lập, trang Page trên đã bị mất quyền kiểm soát. Nhưng ban quản trị vẫn không từ bỏ, họ quyết tâm thành lập trang khác để kêu gọi mọi người cùng vào cuộc với mình.
Cho đến nay, lời kêu gọi phản đối trạm thu phí Quốc lộ 5 không chỉ được sử hưởng ứng chỉ từ giới tài xế, mà ngay cả người dân địa phương sống gần đó cũng tích cực ủng hộ. Bằng chứng là trong những ngày gần đây, rất đông người dân đã tụ tập phản đối, bao vây trạm thu phí.
Trong một diễn biến khác, công an tỉnh Tiền Giang đã cho mời những tài xế sử dụng tiền lẻ khi qua trạm thu phí tại Cai Lậy lên làm việc. Mặc dù họ biện minh rằng, chỉ kêu lên nhắc nhỡ không được kích động, quậy phá làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nhưng đó cũng là một động thái nhằm đe dọa cánh tài xế khi sử dụng tiền lẻ khi đi qua nơi này.
Cũng tương tự như vậy, tại Khánh Hòa, một tài xế sau khi dùng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí Ninh An (Ninh Hòa, Khánh Hòa) cũng đã bị công an triệu tập lên làm việc. Đây rõ ràng là một việc làm nhằm khủng bố tinh thần, ép buộc người dân phải ngoan ngoãn nộp phí đầy đủ khi qua các trạm thu phí.