Mạng xã hội Việt Nam xuất hiện không ít những lời tranh luận từ phía dư luận Việt Nam trước phát biểu của một cán bộ CSVN công tác tại Sài Gòn rằng: “Cử tri phải tự đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay” ngay trước thềm bầu cử Quốc hội khóa XV, liệu điều này có trái với Hiến Pháp cũng do chính CSVN đặt ra…
Mạng báo Việt Nam cho biết, vào ngày 18/4/2021 vừa qua Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Sài Gòn và Đài truyền hình Sài Gòn tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và Đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026”. Ngày Bầu cử toàn quốc được ấn định là vào ngày 23/5/2021.
Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Sài Gòn ông Nguyễn Văn Vũ có đoạn “…mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu Đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu Đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay. Trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri.
Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào thùng phiếu. Nếu cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.”.
Trước đó, vào ngày 5/4/2021, mạng báo VTV có đăng bài “Vạch trần luận điệu xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng với công tác bầu cử” có trích dẫn lời chia sẻ của ông Vũ Đức Trường, kiều bào Ukraine rằng: “Về những ý kiến không thiện chí cho rằng bầu cử tại Việt Nam là không dân chủ thì với những câu nói ấy với người dân Việt Nam là bằng thừa. Thông qua những gì đang diễn ra ở thế giới thì người dân Việt Nam đến 99,9% tin rằng bầu cử như vậy là phù hợp. Họ cần sự ổn định, họ cần tìm ra tiếng nói của người đại diện cho họ nhưng lại phù hợp với điều kiện của đất nước Việt Nam chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN và những gì chúng ta đã làm, đang làm, đang tiến hành bầu cử từ cấp cơ sở đến Quốc hội như vậy là phù hợp”.
Với hai phát biểu trên, dư luận Việt Nam đã xuất hiện không ít những tranh luận trái chiều được đăng tải trên các mạng xã hội. Đặc biệt với phát biểu của Phó Giám đốc Sở Tư pháp Sài Gòn ông Nguyễn Văn Vũ là cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay. Vậy bầu cử là quyền hay là nghĩa vụ ? Liệu đây có phải trái với Hiến Pháp cũng do chính CSVN đặt ra là Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định. Điều này có nghĩa là Công dân đủ điều kiện như Hiến Pháp quy định thì có quyền bầu hoặc không bầu, không mang tính chất bắt buộc như nghĩa vụ vì đây là quyền công dân.
Mỗi kỳ Đại hội có công tác miễn nhiệm hoặc tín nhiệm cán bộ nhân sự chủ chốt thường xuất hiện những đồn đoán và kết quả thường cho kết quả chính xác 100%. Đơn cử như kỳ Đại hội Đảng CSVN lần thứ XIII, danh sách “tứ trụ” triều đình được dư luận Việt Nam đoán biết từ trước mấy tháng. Điều này cho thấy như có sự giàn xếp trước, bầu bán là hình thức hợp hóa, Đảng đã chọn đại biểu nào thì đại biểu đó phải trúng cử.
Chính vì vậy, người dân Việt Nam có không ít tư tưởng không muốn đi bầu cử, không biết không bầu, hoặc vì lý do nào đó muốn người thân quen đi bầu cử thay cho xong chuyện.
Tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, ở một số địa phương của Việt Nam xuất hiện trường hợp cử tri không muốn đi bầu cử thì cán bộ địa phương đó bao gồm cả công an cũng có thể do bệnh thành tích đã đến tận nơi ở của cử tri “kiên trì vận động” cử tri đi bầu cử cho bằng được. Một vài cử tri bực tức quá đã xé phiếu bầu.
Từ việc cử tri đi bầu không như ý muốn, nên kết quả bầu cử thường cũng không thể hiện hết quan điểm, nguyện vọng của cử tri.
Đó là chưa nói, nhân dân bầu cử Đại biểu Quốc hội thì Đại biểu Quốc hội phải tổ chức những buổi tiếp xúc cử tri. Thế nhưng ở Việt Nam, đa phần các Đại biểu chủ yếu đi gặp mấy lãnh đạo địa phương, đến ngày đi bỏ phiếu nhiều cử tri thậm chí còn không biết mặt đại biểu mình bầu là người như thế nào, mặt mũi ngoài đời có gì khác hơn với hình ảnh chụp lại và những dòng khai lý lịch đăng dán tại các địa điểm bỏ phiếu hay không ?./.
THIÊN HÀ