Thursday, March 28, 2024

Cử tri Cộng Hòa chọn trung thành với đảng và lãnh tụ thay vì quốc gia và Hiến Pháp

CALI TODAY NEWS – Phát biểu trước ủy ban điều tra của Hạ Viện vào ngày 29 tháng 9, Ginni Thomas, vợ của Thẩm phán Tòa án Tối cao Clarence Thomas, đã đứng lên phản đối và cho rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã bị đánh cắp. Ginni Thomas và những người khác ủng hộ Trump, nghe theo những thuyết âm mưu Qanon, nghi ngờ tính hợp pháp của kết quả bầu cử, chỉ tin vào ” Lời nói dối lớn “, một hình thức tuyên truyền của Trump và đảng Cộng Hòa.
Ví dụ nổi tiếng nhất thế giới là lời nói dối lớn của Đức Quốc xã về người Do Thái sau Thế chiến thứ nhất, nhằm biện minh cho cuộc thảm sát Holocaust. Bộ trưởng Tuyên truyền của Đế chế Đức Joseph Goebbels giải thích rằng: “Nếu bạn nói dối đủ lớn và tiếp tục lặp lại nó nhiều lần, mọi người cuối cùng sẽ tin vào điều đó.”
Chính xác là Donald Trump đã thuộc bài từ Joseph Goebbels, Trump đi đâu gặp ai, trong cuộc biểu tình chính trị nào, hay trong buổi vận động cho các ứng cử viên Cộng Hòa, trên nền tảng riêng Truth Social luôn miệng kêu ca về bầu cử gian lận, bị tước đoạt chiến thắng, và có rất nhiều người Mỹ, rất nhiều người Việt gốc MAGA đã tin sái cổ về những lời của tên nói láo số 1 nước Mỹ này.
Truyền thông Mỹ đã liên tục ví von về chiến lược của lịch sử trong thế chiến thứ hai này với những nỗ lực của Donald Trump nhằm gieo rắc nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc bầu cử năm 2020 với hy vọng lật ngược kết quả của nó. Họ cho rằng điều này đe dọa khả năng tồn tại của nền dân chủ Mỹ nhưng đây đâu chỉ là một mối đe dọa duy nhất?

Một mối đe dọa khác thậm chí còn lớn hơn đối với nền dân chủ từ lâu là chủ nghĩa siêu đảng phái – khi mọi người chọn lòng trung thành với đảng và lãnh tụ bất chấp một lãnh tụ bất xứng, rối loạn nhân cách hay đường lối, chủ trương của đảng là phát xít bạo lực.
Donald Trump là một triệu chứng của vấn đề đảng phái và lãnh tụ, là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ từ ngày lập quốc đến nay.
Chủ nghĩa từ chối bầu cử thực sự đã không bắt đầu từ Donald Trump. Ở Mỹ, chủ thuyết từ chối và lật lọng này có từ những ngày đầu của nền cộng hòa. Quý vị có thể cùng tôi quay về lịch sử Hoa Kỳ để thấy rằng, Donald Trump chỉ đơn giản là cố gắng hoàn thành những gì George W. Bush đã khởi xướng vào năm 2000 khi Tòa án Tối cao chỉ đơn giản tuyên bố ông Bush là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Nhưng đó là nói về những kẻ khởi xướng, nhưng nếu không có sự sùng bái lãnh tụ và vì lòng trung thành với đảng phái của những thành phần cuồng tín đến độ mất lý trí, không suy xét thật giả, thì một mình George W. Bush hay Donald Trump sẽ không thể làm được gì, những con cừu mất lý trí đã tung hê những gì Bush và Trump phun ra và khiến nó trở nên bình thường hóa.
Thật vậy, các đảng viên Cộng Hòa bảo thủ truyền thống và những công dân Hoa Kỳ chân chính, hiểu biết, có nhận thức, họ nhận ra rằng họ đang sống ở một đất nước mà họ biết tổng thống của họ bị gián tiếp điều khiển bởi giới tinh hoa chính trị và những người quyền lực.
Một điều mỉa mai ngay bên trong chính đảng Cộng Hòa, đó là những đảng viên Cộng Hòa bảo thủ truyền thống, những người trong dự án Lincoln, bà Liz Cheney, Mitt Romney, họ là những người đã bảo vệ toàn diện cho nhiệm kỳ tổng thống bất hợp pháp của George W. Bush, họ cũng chính là những người đã tạo ra những nhịp cầu đầu tiên cho “lời nói dối lớn” của Trump, thúc đẩy bầu không khí hoài nghi chính trị và giờ đây họ nhận ra sai lầm trong muộn màng và can đảm đứng lên chống lại một kẻ tệ hại.
Sự hoài nghi về quá trình bầu cử này trở nên tồi tệ hơn với chủ nghĩa thuyết âm mưu và tin tức giả mạo về phân biệt chủng tộc, khẳng định Barack Obama không phải là người Mỹ thực sự và thực tế đã được sinh ra ở Kenya. Loại cáo buộc phân biệt chủng tộc này đã được đưa ra về người da màu trong nhiều thế kỷ ở đất nước này, và khiến việc ứng cử của Obama dễ bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng phân biệt chủng tộc của cử tri. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, các đảng viên Cộng Hòa đã liên tục tìm kiếm, chứng thực và sau đó từ chối chấp nhận giấy khai sinh của Obama từ tiểu bang Hawaii là hợp pháp.
Hơn nữa, các chính sách tân tự do chủ nghĩa của Obama đã khiến mọi người chống lại Đảng Dân chủ, đảng Dân Chủ đã mất gần hơn 900 ghế tại Quốc Hội và các cơ quan lập pháp tiểu bang trên toàn quốc trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Thất bại, Clinton và bộ máy của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ đã mượn từ vở kịch của Đảng Cộng Hòa, và hợp lý hóa sự thua lỗ của mình bằng những suy đoán và sai lệch hoàn toàn. Không giống như đảng Dân Chủ đã bác bỏ kết quả một cách đúng đắn vào năm 2000, bà Clinton và đảng Dân Chủ đã dành 4 năm để truyền bá những lý do sai lầm và vô căn cứ để biện minh cho thất bại của họ, đổ lỗi cho những tiếng nói tiến bộ như Bernie Sanders, sự can thiệp của Nga và tin tức giả mạo trên mạng xã hội để “đánh cắp” cuộc bầu cử, hoặc ít nhất là ảnh hưởng đến kết quả.
Tuy nhiên, chính phương tiện truyền thông tại Mỹ mới là những kẻ đã tạo ra những điều xấu xí thực sự có ảnh hưởng lớn đến cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016.
Điều này dẫn đến sự hoài nghi bầu cử nhiều hơn với quan điểm cho rằng, người Mỹ chỉ cần tôn trọng kết quả bầu cử nếu đảng và ứng cử viên ưa thích của họ chiến thắng, còn nếu người họ ghét của đảng đối lập thắng cử, tức là có gian lận.
Trong những tháng trước cuộc bầu cử năm 2020, Trump tung tin đồn sẽ có gian lận bầu cử trong khi Đảng Dân chủ thì khuếch đại cảnh báo rằng Nga và Trump đang làm việc cùng nhau để đánh cắp cuộc bầu cử. Có nghĩa là cả hai đảng, ít nhiều đều dựa vào những thuyết âm mưu để tấn công nhau, vô hình chung chủ trương của cả hai đảng ngày càng tạo thêm sự hoài nghi lên công chúng Mỹ về bất cứ điều gì liên quan đến chính trị.
Năm 2016, bà Clinton chính thức nhượng bộ, chấp nhận thua, chúc mừng đối thủ nhưng vẫn tiếp tục công khai phủ nhận kết quả bầu cử.
Năm 2020, Trump khai thác chủ nghĩa hoài nghi kết quả bầu cử và không chịu nhượng bộ, truyền cảm hứng cho những người ủng hộ ông ta xông vào Điện Capitol của Mỹ trong nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử.
Đành rằng, các đảng viên Dân chủ đã không làm những điều xấu xí như Trump và đảng Cộng Hòa cùng những người ủng hộ ông ta đã làm trong ngày 6 tháng 1 năm 2021 nhưng tình trạng siêu đảng phái sẽ vẫn tiếp tục leo thang chủ nghĩa từ chối bầu cử trong tương lai?
Việc chấp nhận thất bại nhưng từ chối kết quả bầu cử đã bắt đầu từ phía đảng Dân Chủ trong năm 2016, và năm 2020, tình hình chỉ khác một chút nhưng hậu quả xấu hơn rất nhiều đó là Trump không thừa nhận thất bại và cũng không chấp nhận kết quả bầu cử.
Nhận thức của công chúng Mỹ về bầu cử giờ đây đầy rẫy sự hoài nghi, từ những cử tri của cả hai đảng chính trị.
Vấn đề hiện tại và tương lai của hệ thống bầu cử của nước Mỹ và nhận thức của cử tri Mỹ sẽ không thể tốt hơn khi chính trị phân cực ngày càng gay gắt, nặng nề hơn, cử tri không còn chọn trung thành với quốc gia và lý tưởng dân chủ, thay vào đó họ chọn trung thành với đảng chính trị và lãnh tụ đảng.
Gần một nửa nước Mỹ chỉ nhìn về bên phải, trung thành với một lãnh tụ bất xứng nhưng họ bất cần, chỉ vì họ muốn khám phá một nhà nước chuyên quyền sẽ hấp dẫn như thế nào và hy vọng một nhà độc tài sẽ khiến tương lai của họ và đám con cháu sẽ sung túc, thịnh vượng hơn đến cở nào.
Và hơn một nửa nước Mỹ chỉ đơn giản muốn giữ lấy nền dân chủ lâu đời và những gì họ đã từng có và đang có.
Khi một số không ít người Mỹ chọn lòng trung thành với đảng thay vì kết quả thực nghiệm để xác định kết quả bầu cử, thì chắc chắn nền cộng hòa dân chủ sẽ không thể trường tồn.
Việt Linh 
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img