Cali Today News – Chính quyền CSVN đã nhận đủ số tiền 500 triệu Mỹ kim mà phía tập đoàn Formosa chấp nhận bồi thường cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Trong khi đó, ngư dân tại miền Trung được chính quyền hỗ trợ bằng loại gạo mốc meo chẳng thể ăn được.
Chiều ngày 30/8/2016, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường cho báo giới biết rằng, trong sáng cùng ngày, phía tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã chuyển 250 triệu Mỹ kim còn lại cho chính quyền CSVN. Như vậy, khoản tiền 500 triệu Mỹ kim phía Formosa hứa đền bù cho ngư dân miền Trung đã chuyển xong.
Theo báo chí trong nước cho hay, việc chuyển tiền đền bù của Formosa cho ngư dân Việt Nam chia làm 2 đợt:
Đợt 1, vào ngày 28/7, Formosa chuyển 250 triệu Mỹ kim
Đợt 2, vào sáng 30/8, Formosa chuyển 250 triệu Mỹ kim còn lại.
Vào ngày 29/8, ông Trương Hòa Bình cũng đã ra thông báo về việc triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại từ việc Formosa hủy hoại môi trường. Theo như công văn này, chính phủ CSVN cho phép 4 tỉnh ảnh hưởng trực tiếp lùi thời hạn phải nộp bản phúc trình thiệt hại đến ngày 15/9.

Thảm họa cá chết ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung. Ảnh: Internet
Cùng với đó, ông Trương Hòa Bình đã đồng ý bổ sung thêm một số ngành nghề vào danh mục được hỗ trợ đền bù thiệt hại, như: chủ tàu và người làm thuê trên tàu có công suất từ 90CV trở lên; các chủ cơ sở và người lao động thu mua thủy sản có kho đông, kho lạnh, các cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm, các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải dừng sản xuất do nguồn nước bị ô nhiễm tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.
Song song với việc triển khai công tác đền bù cho người dân, chính quyền Trung ương cũng đã yêu cầu địa phương khuyến khích người dân ra khơi đánh bắt trở lại. Cùng với đó, chính quyền cũng đã công bố 3 vùng biển không thể đánh bắt vì nước biển ở đó bị nhiễm độc cực nặng. Đó là vùng biển ở hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh) cách bờ 1,5km, với diện tích 300km2; vùng biển Nhật Lệ (Quảng Bình) cách bờ 1,5km với diện tích 330km2 và vùng biển ở hòn Sơn Chà cách bờ 1,5km với diện tích 160km2.
Nhưng tâm lý của người dân miền Trung cho đến nay vẫn e ngại chuyện ra khơi đánh cá. Rất nhiều người dân cho biết, ngoài việc họ không ra khơi đánh cá vì đánh bắt về cũng chẳng ai mua, mà còn là vấn đề đạo đức. Biết hải sản nhiễm độc mà đánh bắt về để bán là đầu độc người dân mình. Tuy vậy, do cuộc sống quá khó khăn, nhiều người vẫn liều mình đi đánh bắt và hải sản của họ bán rẻ cho thương lái, những người này mang đi bán ở những thành phố lớn.
Song, vấn đề mà dư luận quan tâm nhất là liệu số tiền 500 triệu Mỹ kim có thực sự lọt vào tay người dân, hay rơi vào túi quan tham?

Dù đã nhận trước 250 triệu Mỹ kim, nhưng chính quyền CSVN vẫn hỗ trợ cho dân loại gạo mốc không thể ăn được. Ảnh: Rfa
Mới đây, tại Kỳ Hà (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) những người dân được nằm trong diện hỗ trợ gạo cứu đói đã phải ngửa mặt lên trời mà khóc. Bởi vì 15kg gạo mà chính phủ hỗ trợ cho họ mỗi tháng toàn là gạo mốc, thứ gạo mà chỉ có thể nấu cho heo ăn. Qua hình ảnh đó, cùng với truyền thống chuyên ăn chặn của lãnh đạo địa phương, dư luận không thể tin tưởng tiền hỗ trợ sẽ đến được túi người dân một cách trọn vẹn.
Người Quan Sát