Sunday, May 28, 2023
spot_img

Yêu cầu FBI giao thông tin về thỏa thuận Uranium One

NBC News – Các công tố viên Bộ Tư Pháp yêu cầu FBI giải thích các bằng chứng họ tìm thấy trong cuộc điều tra về thỏa thuận Uranium, có dính dáng tới Bill và Hillary Clinton, theo lệnh của Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions.

Quan chức Bộ Tư Pháp cho biết việc này là một phần trong nỗ lực thực hiện lời hứa của Phụ tá của Tổng Trưởng Tư pháp trước Quốc Hội vào tháng trước để kiểm tra lại những tình tiết của thỏa thuận Uranium One.

Thỏa thuận này diễn ra vào năm 2010, chính quyền Obama cho phép bán quyền khai thác các mỏ Uranium cho công ty năng lượng nguyên tử của Nga. Bà Hillary Clinton lúc đó đang giữ chức vụ Ngoại Trưởng. Bộ Ngoại Giao là một trong chín cơ quan đồng ý thỏa thuận này, sau khi xem xét là nó không gây đe dọa an ninh quốc gia.

Một quan chức thực thi pháp luật cấp cao, người đã có thông tin về cuộc điều tra đầu tiên của FBI, trình báo rằng có tham nhũng diễn ra để chính phủ nhanh chóng thông qua thỏa thuận. Nhưng không có cáo buộc nào được đưa ra.

Tờ New York Times đưa tin vào tháng 4 năm 2015, một số người liên quan đến thỏa thuận này đã đóng góp hàng triệu Mỹ kim cho Quỹ Clinton. Ông Bill Clinton đã được ngân hàng đầu tư Nga có liên quan đến giao dịch trả 500,000 Mỹ kim cho một bài diễn thuyết tại Moscow.

Bà Hillary Clinton nói rằng mình không can thiệp đến quyết định của Bộ Ngoại Giao Mỹ về thỏa thuận, và chính viên chức của Bộ này cũng xác nhận như vậy. Nhưng điều này không ngăn Đảng Cộng Hòa, kể cả Tổng thống Trump, cho là thỏa thuận này bị nhũng nhiễu, kêu gọi điều tra gia đình Clinton.

Bà Hillary Clinton . Photo Credit: NBC

Phụ tá của Bộ Trưởng Tư Pháp về các vấn đề lập pháp Stephen Boyd, gửi thư cho Dân biểu Bob Goodlatte (Cộng Hòa – Virginia) – Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện – cho rằng các luật sư của Bộ Tư Pháp phải khuyến nghị ông Sessions nên bắt đầu hoặc mở rộng những cuộc điều tra về các vấn đề mà Đảng Cộng Hòa quan tâm.

Trong những tuần qua, công tố viên của Bộ Tư Pháp đã yêu cầu nhân viên FBI đang thụ lý cuộc điều tra này giải thích về kết quả họ tìm được. Họ cũng được hỏi liệu có bất kỳ thế lực nào muốn ngăn cản cuộc điều tra này hay không.

Các quan chức cao cấp của Bộ Tư Pháp cho biết các câu hỏi này là một phần của nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cuộc điều tra gây nhiều tranh cãi này, và vì Đảng Cộng Hòa cho rằng vụ này được giải quyết không thỏa đáng.

Phát ngôn nhân của FBI từ chối bình luận.

Vào 08/06/2010, Uranium One tuyên bố đã ký thỏa thuận bán đa số cổ phần cho công ty khai thác mỏ Rosatom, một cơ quan năng lượng hạt nhân của Nga.

Lúc đó, hai mỏ được cấp giấy phép khai thác của Uranium One ở Wyoming chiếm 20% tổng sản lượng Uranium được khai thác ở Mỹ. Con số này sau đó đã giảm.

Do Uranium có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân, vì thế thỏa thuận này phải được Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc xem xét về những nguy cơ cho an ninh quốc gia.

Theo tờ New York Times, Chủ tịch Uranium One, ông Ian Telfer, đã sử dụng quỹ của gia đình mình để quyên góp 4 lần cho Quỹ Clinton, trị giá 2,35 triệu Mỹ kim. Quỹ Clinton đã không công khai những khoản quyên góp này, mặc dù quỹ này có hứa sẽ công khai tất cả các nhà tài trợ. Quỹ này sau đó đã nhận là họ làm sai.

Những người khác có liên quan đến Uranium One cũng quyên góp cho Quỹ Clinton.

Thượng Nghị Sĩ John Barrasso (Cộng Hòa – Wyoming), phản đối thỏa thuận này, vì lý do nó sẽ “cho phép chính phủ Nga kiểm soát một phần đáng kể khả năng sản xuất Uranium của Mỹ.”

Đại sứ Mỹ tại Kazakhstan cũng nêu những lo ngại với Bộ Ngoại Giao rằng Rosatom chỉ là bình phong cho cơ quan tình báo quân đội Nga GRU, để khai thác mỏ Uranium sau khi Nga bị hạn chế nhập cảng từ những nước khác.

Tuy nhiên, theo báo cáo công khai, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã thông qua thỏa thuận này bằng cách bỏ phiếu. Bà Clinton, trong vài trò Ngoại Trưởng, chỉ là một thành viên của CFIUS, 8 thành viên còn lại đến từ Kho bạc, An ninh Quốc gia, Thương mại, Quốc phòng, Năng lượng, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Văn phòng Khoa học và kỹ thuật và Bộ Tư pháp.

Những người ủng hộ thỏa thuận này lập luận rằng Nga không có giấy phép xuất cảng Uranium ra khỏi Mỹ và Ủy ban Điều tiết Hạt nhân không thấy nguy cơ với an ninh quốc gia.

Tổng thống Trump đã tweet về vấn đề này như sau: “Dưới sự giúp đỡ của Clinton và chính quyền Obama làm ngơ, thỏa thuận Uranium với Nga là câu chuyện lớn nhất mà Tin Giả không theo đuổi!”

Nam Phố (Theo NBC News)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT