Cali Today News – Nó sinh ra và lớn lên trong một làng chài nhỏ ven biển miền trung. Biển gắn bó với nó trong từng hơi thở. Dân quê nó sống nhờ biển, chết cũng muốn nằm nhắm mắt xuôi tay trong nấm mồ quay về hướng biển.
Từ ngày quê nó mọc lên nhà máy Formosa, biển chết. Dân quê nó chủ yếu làm nghề đánh cá và chài lưới. Con tôm con cá như nuôi sống người dân nơi đây. Biển chết, tôm cá chết, cuộc sống người dân quê nó điêu đứng.
Ba nó buồn lắm. Cả mấy tháng trời không đưa thuyền ra khơi được, ông cứ đi ra đi vào, tối tối lại tụ tập cùng mấy người trong làng chài lai rai vài chén rượu để giải sầu. Nỗi buồn nỗi lo của ba nó cũng như những người dân chài khác trong xóm có lẽ chỉ có trời thấu, biển thấu. Thỉnh thoảng báo chí và đài truyền hình có cử người xuống quay phim làm phóng sự vài ngày để báo cáo lên chính quyền nhưng rồi cũng im bặt, không có cách nào giải quyết cho dân chài, cũng không có sự đề bù nào thỏa đáng cho người dân vùng biển. Biển chết, lòng dân chài như cũng chết. Có hôm ba nó cùng mấy người trong huyện vì cứ phải sống chờ đợi ngày qua ngày trong sự tuyệt vọng trước sự hủy hoại của biển ngày một nghiêm trọng nên đã tự tổ chức biểu tình để đòi chính quyền lên tiếng nhưng năm lần bảy lượt cũng không có kết quả.
Ăn Tết xong, qua rằm tháng giêng được vài hôm, thấy má nó cứ thở dài buồn lo, bỏ xứ đi nơi khác làm ăn sinh sống thì không đành mà cứ ở lại xóm chài nhỏ này thì không biết sống sao. Ba nó cũng đứng ngồi không yên, cả ngày cứ đi ra đi vào, đứng đưa mắt nhìn ra khơi xa xa rồi thở dài buồn rầu. Bao thế hệ gia đình nó cũng như những người dân trong huyện sống bám biển nơi đây gần cả thế kỷ, giờ bỏ đi sao đành? Ba nó dường như hiểu được nỗi lo âu trong ánh mắt đượm buồn của má, là trụ cột trong gia đình, ba nó đành lên tiếng:
– Nhà mình sống nhờ biển, mà mấy tháng nay biển chết, ô nhiễm nghiêm trọng, kiểu này biết sống sao đây? Thôi để ba cố gắng đi xa xa đánh bắt để có tiền đóng tiền học cho bốn đứa con.
Má nó nghe vậy cũng không căn ngản, bởi cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác cho cuộc sống mưu sinh.
Nói là làm. Ra giêng, khi tiết trời miền trung ven biển quê nó vẫn còn se lạnh, má nó lẳng lặng gom góp những đồng tiền còn lại của gia đình sau khi ăn Tết để đưa ba đi mua dầu để dong thuyền ra khơi. Ngày ba nó dong thuyền ra khơi, mấy má con nó đứng nhìn ba mà rưng rưng nước mắt, buồn không phải vì lần đầu chia ly đưa ba ra khơi trước những nguy nan của biển cả nhiều sóng gió mà vì buồn lo cho chuyến ra khơi xa lần này không biết có được đầy ắp cá tôm như cả nhà mong đợi hay không. Nó là đứa nhỏ nhất trong nhà. Từ ngày sinh ra đến giờ, không biết bao nhiêu lần nó đưa ba ra khơi nhưng chưa bao giờ nó thấy buồn như lần này. Rồi thuyền ba ra khơi, đi xa dần dần. Nhìn chiếc thuyền nhỏ bé đã nuôi sống gia đình nó bao năm qua giữa biển cả đã bị nhiễm độc nặng bao tháng qua, tự nhiên nước mắt nó tuôn trào. Nó khóc vì thương ba, ba đã không ngại gian khổ, quyết định dong thuyền ra khơi xa để bám biển mưu sinh nuôi sống gia đình nó. Nó khóc vì thấy biển quê mình đang chết dần, cá chết cứ trôi dạt vào bờ hàng tuần, nước biển ô nhiễm nặng, không còn màu xanh thẫm nối liền đường chân trời như trước mà thay vào đó là màu bùn, màu đỏ đất, có khi là màu đen xỉn. Nó khóc vì thương cho thân phận những người dân ở xóm chài quê nó, những người đã bám biển để mưu sinh, để sinh sống nhưng giờ đây biển đẫ chết, nó cũng như họ phải đứng trước sự lựa chọn, bám biển để sống hay bỏ xứ đi tha phương cầu thực.
Photo Courtesy: Internet
Ba nó ra khơi cả tháng trời mà vẫn biệt tăm Ngày nào mấy má con nó cũng ngồi trước cửa nhà ngóng ra biển, mong được nhìn cánh buồm quen trên thuyền của ba. Chiều nay, đang ngồi trước cửa nhà thấy người dân trong xóm đang khiêng xác một con cá to vào bờ chôn cất, nó buộc miệng nói:
– Ngày nào cũng thấy cá chết trôi vào bờ, mà ba đi hơn cả tháng nay chưa về. Không biết khi nào ba về hả má?
Má nghe xong tự nhiên ôm nó vào lòng rồi khóc nấc nghẹn ngào
– Má chỉ sợ ba con ra khơi xa gặp thuyền Trung Quốc, họ ác lắm.
Nghe má nói, nó chợt chạnh lòng nghĩ về thân phận những người ngư dân ở dải đất ven biển quê mình. Đã nhiều lần ngư dân Việt Nam ra khơi xa đánh bắt cá, khi họ bị bắn chết trên ngư trường trong hải phận Việt Nam, rồi mấy ngày liền nằm trong khoang đá lạnh lẽo, lênh đênh trên biển, được mấy người bạn ngư phủ chở về đất liền. Cứ mỗi lần như vậy, cả xóm chài lại kéo nhau ra bãi cát đứng trông ngóng, đâu đó trong tiếng khóc đau thương là nỗi cô đơn của người vợ mất chồng, của người con mất cha. Nó lại ầm nghĩ, nếu nó không mang kiếp người Việt Nam, gia đình nó không mưu sinh bám biển nơi đây mà ở một đất nước xa xôi nào đó, một đất nước mà có nhân quyền, dân chủ, tự do thì có lẽ mạng người ngư dân khi chết sẽ không bị đối xử đau thương như thế. Nếu là một ngư dân người Mỹ, thì sẽ có một chiến hạm tới, nhiều trực thăng kèm binh sĩ đến bao vây hiện trường, quần thảo cả vùng biển để truy lùng bọn bắn người ngư dân vô tội kia, rồi bác sỹ đến, đưa những ngư dân chung thuyền lên chiến hạm để trấn an tâm lý, còn xác người ngư dân đáng thương, một công dân vô tội của đất nước tự do Mỹ quốc sẽ được đặt trên băng ca phủ ga trắng muốt, đưa lên một chiếc trực thăng khác chở về đất liền giao cho gia đình và người thân. Vẫn là cái chết của một ngư dân nhưng mọi thứ hoàn toàn khác ở mảnh đất quê hương nó, nơi mà mạng người ngư dân bị coi rẻ mạt.
Trời tháng hai vừa sang xuân mà không biết sao mưa dữ dội. Mấy đêm liên gió thốc mạnh vào mái tranh trước hiên nhà, mấy chị em nó sợ, không dám ngủ, mấy má con ngồi ôm nhau vừa khóc vừa cầu trời khấn phật cho thuyền của ba quay về bình an. Có lẽ ông Trời đã động lòng nên che chở cho thuyền của ba nó bình an trở về. Quà cho nó, đứa con gái út nhỏ nhất nhà là con cá to nhất.
Nó ôm chầm lấy ba, nói trong tiếng nấc:
– Ba ác lắm, đi ra khơi xa lâu làm chi rồi cho con ăn cá thiệt to, con ăn con nghẹn chết!
Vina