Thursday, March 28, 2024

CÓ DÂN CHỦ XÃ HỘI Ở MỸ HAY KHÔNG?

 

Đầu tiên, trước khi bước vào bài bình luận của hôm nay, tôi xin trả lời thật ngắn gọn đến câu hỏi của bài bình luận hôm nay: “Có dân chủ xã hội ở Mỹ hay không?”, câu trả lời rất rõ ràng: “”.

Và tôi muốn nhấn mạnh rõ rằng, “Dân chủ xã hội” không phải là “chủ nghĩa xã hội dân chủ“, đây là điều mà khá nhiều người lầm lẫn. Để giải thích ngắn gọn trước khi bàn sâu vào chi tiết, tôi muốn nói rằng: “Dân chủ xã hội” là cho phép thị trường phát triển mạnh mẽ nhưng sử dụng các chính sách thuế và chi tiêu để tài trợ cho các loại chính sách về xã hội tại Hoa Kỳ đang được chính phủ Biden tiến hành như giáo dục miễn phí, hỗ trợ nuôi con, nghỉ phép có lương, chăm sóc y tế và sức khỏe toàn dân.

 

Kế hoạch này sẽ đạt được thông qua các khoản tín dụng thuế thay vì trợ cấp trực tiếp như được sử dụng ở phần lớn các nước Bắc Âu – đây thực sự được xem là một thay đổi tích cực lớn của nước Mỹ về công thức “dân chủ xã hội“.

 

Còn “Chủ nghĩa xã hội dân chủ” là một triết lý chính trị ủng hộ nền dân chủ chính trị trong nền kinh tế thuộc sở hữu của xã hội.

 

Nhiều người Mỹ với sắc tộc, màu da khác nhau, người da màu, da nâu và da vàng, tức người Mỹ gốc Việt, đa số họ hay lầm lẫn khi nói những từ ngữ ít được nghe nói đến như “dân chủ xã hội” là một trường phái chủ nghĩa, một triết lý chính trị ủng hộ nền chính trị dân chủ, hay khi nói đến “chủ nghĩa xã hội” là một trong ba ý thức hệ chính trị lớn hình thành trong thế kỷ 19 bên cạnh chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo thủ , hoặc là “chủ nghĩa cộng sản” là một hình thức kinh tế xã hội và hệ tư tưởng chính trị ủng hộ việc thiết lập một xã hội phi chính phủ, không giai cấp, tự do, bình đẳng, nhưng nhiều người luôn quy chung các trường phái chủ nghĩa, chủ thuyết và học thuyết này về một mối duy nhất, cho nó một cái tên chung và đó là “cộng sản“.

Đây là những nhận định hoàn toàn sai lầm, nên để làm rõ những sự khác nhau, và theo đề nghị của một số thính giả muốn tìm hiểu nhiều hơn về những lầm lẫn, ngộ nhận, hôm nay Việt Linh xin gởi đến quý vị thính giả bài viết nói riêng về trường phái “dân chủ xã hội” tại Mỹ và các nước Bắc Âu cũng như các quốc gia dân chủ tại lục địa Châu Âu, và trong những ngày tới, Việt Linh sẽ viết tiếp một bài khác nữa để chúng ta cùng tìm hiểu và nhận định rõ hơn sự khác nhau giữa những trường phái chủ nghĩa và học thuyết, chủ thuyết chính trị của “dân chủ xã hội” và “chủ nghĩa xã hội” khác nhau thế nào, tuy nhiên, kiến thức là vô biên, vô hạn, nên nếu có gì thiếu sót, cần góp ý, xin quý thính giả cứ thẳng thắn đóng góp quan điểm hay đưa thêm ý kiến cá nhân riêng để mọi người và bản thân Việt Linh có dịp học hỏi thêm, mở mang kiến thức vốn hạn hẹp của mình.

Sống ở Mỹ, ai cũng biết đến hai con người đặc biệt, người thứ nhất có tên Bernie Sanders, một Thượng Nghị Sĩ độc lập có thâm niên lâu nhất tại Thượng Viện, người tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ và được cho là người tạo ảnh hưởng đến sự chuyển hướng của Đảng Dân Chủ kể từ chiến dịch tranh cử Tổng Thống năm 2016 của ông.

Là người ủng hộ các chính sách dân chủ và tiến bộ xã hội, ông được biết đến với vai trò phản đối bất bình đẳng kinh tế và chủ nghĩa tự do. Về chính sách đối nội, ông ủng hộ quyền lao động, chăm sóc sức khỏe toàn dân và nghỉ phép cho cha mẹ được trả lương, giáo dục Đại Học miễn học phí và một tham vọng tạo nhiều công ăn việc làm để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Về chính sách đối ngoại, ông ủng hộ việc giảm chi tiêu quân sự, theo đuổi ngoại giao và hợp tác quốc tế nhiều hơn, đồng thời nhấn mạnh hơn đến quyền của người lao động và người thứ hai là bà Alexandria Ocasio – Cortez, là một đảng viên của đảng xã hội dân chủ của Mỹ (gọi tắt là DSA) theo định hướng xã hội chủ nghĩa và lao động, mặc dù không phải là một đảng chính trị, nhưng bà vẫn tham gia tranh cử, vào tháng 11.2018, bà Alexandria Ocasio-Cortez, đã được bầu vào Hạ Viện với tư cách là đảng viên Dân Chủ.

Hai người mà tôi vừa nói ở trên, Bernie Sanders và Alexandria Ocasio-Cortez là hai nhân vật khác thường so với những nhà lập pháp khác bởi quan điểm chính trị của họ.

Các quốc gia ở phía Bắc Châu Âu, mà chúng ta thường gọi là các nước Bắc Âu gồm có Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan với những chính sách nếu gọi cho đúng thì phải gọi là các quốc gia dân chủ xã hội, tương tự như Hoa Kỳ chứ không phải là dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Còn Hoa Kỳ, thực chất vẫn đúng là một nền dân chủ xã hội, nhưng không phải là một nền dân chủ tuyệt vời. Vâng, đúng như vậy, nhưng tại sao tôi nói các nước Bắc  Âu và một số quốc gia trong lục địa Châu Âu có một hệ thống “dân chủ xã hội” tương tự như Hoa Kỳ?

Vì Hoa Kỳ thực sự cũng có các chương trình bảo hiểm công cộng hay các chương trình phúc lợi của chính phủ, đây chính là những đặc điểm cốt lõi của nền dân chủ xã hội. Dù cả Hoa Kỳ và các nước Bắc Âu đều có cùng một hệ thống an sinh xã hội, nhưng vấn đề khác nhau nằm ở phạm vi ảnh hưởng riêng lẻ, ngắn hạn hay dài hạn, thực hiện ở một vài địa phương hay toàn diện và sự hào phóng của các chương trình bảo hiểm công hay các chương trình phúc lợi.

Nói một cách khác, Hoa Kỳ có những thứ có thể đủ điều kiện để trở thành một nền dân chủ xã hội tuyệt vời hay thậm chí hoàn hảo hơn cả các nước Bắc Âu vì là một quốc gia giàu có bậc nhất thế giới, nhưng có những thứ khác mà Hoa Kỳ lại không thể làm được như các nước Bắc Âu, đó là lý tưởng của nền dân chủ xã hội.

Có những điều thật sự mâu thuẫn nếu nói đến hai thứ mà Hoa Kỳ không có, đó chính là chương trình bảo hiểm y tế toàn diện do chính phủ chi trả và chính sách nghỉ phép có lương của cha mẹ. Còn những thứ mà Hoa Kỳ đã có thì mức độ hào phóng lại không có, hay có thể nói là hơi keo kiệt và đối tượng nhận được các chương trình phúc lợi xã hội bị gạn lọc gắt gao và ít người có tiêu chuẩn được nhận, trong khi Hoa Kỳ là nước giàu có hơn các nước Bắc Âu.

Bây giờ, chúng ta nói đến vấn đề bảo hiểm y tế. Đa số người Mỹ đều có bảo hiểm y tế, tôi dùng chữ đa số nhưng không phải tất cả, và đây chính điều khác biệt giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Bắc Âu, khi đất nước của họ với tỷ lệ 100% người dân đều có bảo hiểm y tế và được chính phủ chi trả toàn bộ chi phí từ việc đi khám bác sĩ, cho đến khám và chữa các bệnh nặng như mổ tim, gan, óc thì người dân không phải trả một xu nào.

Hoa Kỳ có một chương trình lương hưu công cộng, an sinh xã hội cho người hưu trí, nhưng điều đáng nói là nó không hoàn toàn hào phóng như ở một số quốc gia khác, chính phủ cấp tiền chủ yếu thông qua Medicaid – để chăm sóc người cao tuổi. Nhưng nếu so mức độ được chăm sóc thì không thể so bì với các nước Bắc Âu.

Một thí dụ khác, Hoa Kỳ có thực hiện một số chương trình giáo dục sớm – chăm sóc trẻ em và mầm non – nhưng điều này chỉ được thực hiện ở một số tiểu bang hay một vài thành phố riêng lẻ. Trong khi đó, đối với các nước Bắc Âu và Châu Âu, đây là một chương trình Y Tế, giáo dục với tầm cỡ quốc gia và tất cả trẻ em mới chào đời trở lên  đến 17- 21 hoặc 25 tuổi tùy theo quốc gia đều được hưởng quyền cơ bản này. Điều này ở Hoa Kỳ hoàn toàn không có.

Vì vậy, để định nghĩa rõ nét về chủ nghĩa tư bản dân chủ xã hội, có nghĩa là chủ nghĩa tư bản cộng với những chương trình phúc lợi xã hội rộng lớn và đầy đủ với sự bảo đảm một người đi làm được trả lương xứng đáng đi kèm với bảo hiểm toàn diện và một chính sách trả tiền thất nghiệp dài hạn tương đương với 70% từ mức lương khi còn công việc, và sau khoảng 2 đến 3 năm tuỳ theo quốc gia, thì mức tiền thất nghiệp xuống còn 50%, nhưng dù là 70% trong 2 hay 3 năm sau khi bị thất nghiệp hay còn 50% sau 3 năm trở đi, thì đây không phải là vấn đề, vì nếu người này không đủ tiền để sống với mức 70% hay 50%, họ đều được chính phủ các nước Bắc Âu hay như Pháp, Đức, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Italy, Austria trợ giúp để mức sống được bảo đảm.

Một điều mà người Mỹ cần biết để so sánh, rằng tại sao các nước Bắc Âu hay các nước trong Liên Hiệp Châu nằm ở trung tâm của Europe như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy lại không có thấy những người homeless như bên Mỹ? Cũng không khó để giải thích với quý vị, ngay cả khi một người bị mất việc làm ngắn hạn hay dài hạn, người này vẫn được chính phủ trợ cấp hàng tháng đủ tiền để trả tiền nhà, tiền ăn, tiền quần áo, tiền điện, tiền nước, chỉ là không có dư dả, rủng rỉnh tiền dư  nhiều để đi disco, ăn nhà hàng thôi, chứ ăn uống bình thường hàng ngày thì đủ, và người thất nghiệp này cũng được chính phủ cung cấp bảo hiểm y tế toàn diện, không tốn một xu nào, khi đau bệnh cần mua thuốc hay cần vào bệnh viện mổ xẻ gì đó, có nhà để sống, có tiền để ăn, đau bệnh không phải lo, như vậy làm sao lại có người homeless được?

Một đứa trẻ sinh ra tại các nước Bắc Âu và một số nước giàu có trong lục địa Châu Âu, vừa mở mắt chào đời thì mỗi tháng đã được chính phủ chi trả trung bình khoảng $220 tiền trẻ em, ở Phần Lan gọi là tiền lapsilisä, ở Đức gọi là tiền Kindergeld, bất kể cha mẹ đứa bé là những người giàu có, có nhà riêng, của ăn của để hay cha mẹ đang là người làm công, ở nhà mướn, những đứa bé đều có mức tiền ngang nhau, được nhận đến 17 hay 21 tuổi tuỳ theo quốc gia, và nếu đến lúc đó, vẫn còn ở chung với cha mẹ và học cao lên nữa thì vẫn còn hưởng tiền này đến 25 tuổi.

Tại sao một quốc gia giàu có nhất thế giới như Hoa Kỳ lại không thể có được hệ thống an sinh xã hội cho toàn dân trong dài hạn mà chỉ có thể chi ra hàng ngàn tỷ cho các dự luật chi tiêu, giúp đỡ người dân nhưng chỉ trong ngắn hạn, vài ba tháng hay 1 năm rồi hết? Trong thời gian đại dịch Covid-19, người dân Mỹ đã nhận được những lần trợ cấp, nghe số tiền thì rất nhiều, $600, $900, $1400, nhà 3 hay 4 người cộng thêm trẻ nhỏ, được mấy ngàn Mỹ kim, nghe nhiều thiệt, nhưng, chỉ một hay vài lần rồi không còn nhận được nữa, còn các quốc gia Bắc Âu, các quốc gia giàu có trong lục địa Châu Âu như Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, tại sao chính phủ của các quốc gia này không có những gói cứu trợ để gởi cho người dân vài trăm EUR, thực sự không cần thiết, vì có đại dịch hay không có đại dịch, có việc làm hay đang thất nghiệp hay mới bị thất nghiệp trong thời gian đại dịch, thì người dân ở các quốc gia này đều nhận được đầy đủ tiền trợ cấp hàng tháng, tôi muốn nhấn mạnh hai chữ “hàng tháng” có nghĩa là người dân ở Châu Âu và Bắc Âu hàng tháng vẫn có đầy đủ tiền để sống, để trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, nên có thể nói, hầu như những người dân đang sống tại các nước Bắc Âu và Châu Âu không cần đến tiền trợ cấp thêm nếu có. Đây chính là ưu điểm của các nền dân chủ xã hội đúng nghĩa, chăm sóc cho toàn dân với chương trình phúc lợi hoàn hảo nhất.

Các chính sách phúc lợi của các nước Bắc Âu nói riêng dồi dào, hào phóng và rộng rãi hơn các nước trong lục địa Châu Âu như Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Áo, nhưng nói chung họ có cùng một chính sách phúc lợi với tầm cỡ quốc gia và có tính cố định liên tục không thay đổi, tuỳ theo tình hình kinh tế hay lạm phát trong quốc gia hay trên thế giới, nhưng hầu như là chỉ có thêm chứ không bớt các mức tiền trợ cấp, tiền cho trẻ em, tiền sinh hoạt, ăn uống, tiêu dùng cho đời sống, đây là điều mà Hoa Kỳ không thể có dù ý thức hệ chính trị gần như tương đương nhau, cùng là các quốc gia có chiều hướng dân chủ xã hội và tự do dân chủ..

Liệu các chương trình phúc lợi lớn của chính phủ trong một nền dân chủ xã hội hiện đại có làm giảm động lực, giảm sự đổi mới, và làm chậm tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài hay không? Và sau khi tìm hiểu, tôi đã có các bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng, ở các quốc gia Bắc Âu và lục địa Châu Âu, vấn đề phúc lợi xã hội hào phóng không hề ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế quốc gia trong trong dài hạn, nhưng ngược lại, nếu Hoa Kỳ chỉ việc tăng thêm 10% GDP để có thể thông qua một loạt các chương trình bảo hiểm công cộng, các chương trình phúc lợi và các chương trình hỗ trợ người thất nghiệp với thời gian kéo dài và cố định như các nước Bắc Âu thì sẽ có hại cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, vẫn có một vài quan điểm khác, họ cho rằng các quốc gia Bắc Âu, Châu Âu dân số ít hơn, dễ thực hiện các chương trình phúc lợi toàn dân, còn Hoa Kỳ với dân số 330 triệu, không dễ để thực hiện.

Tôi không đồng ý với nhận định này, vì thực hiện được các chương trình phúc lợi toàn dân, chăm lo cho người dân đầy đủ chu đáo không bị ảnh hưởng bởi dân số của một quốc gia mà phụ thuộc bởi chính sách và hiến pháp của một nước, đặc biệt người Mỹ cái gì cũng dựa vào tu chính án thứ nhất để chống đối, đòi hỏi, yêu sách để giữ lấy khư khư quan điểm và ý muốn riêng, người Mỹ có quyền mua súng như mua một bó rau ngoài chợ, sống ở Mỹ, nếu ngày nào chúng ta không nghe tiếng còi hụ của xe cảnh sát rượt đuổi tội phạm, tiếng súng nổ, tin bắn người trên báo, thì có lẽ ngày đó là một ngày thực sự hạnh phúc đối với người Mỹ, còn người dân sống tại lục địa Châu Âu, các nước Bắc Âu, hiếm khi thấy cảnh rượt đuổi giữa cảnh sát và tội phạm, tiếng còi hụ của xe cảnh sát chạy trên phố, hay những vụ bắn giết nhau vì súng và vì đủ thứ lý do.

Người Châu Âu không cần một tu chính án thứ nhất như người Mỹ vì họ đã có tự do đầy đủ và chấp nhận được trong quốc gia của họ, người Châu Âu không thể mua súng dễ như mua một bó rau như bên Mỹ và người Châu Âu biết lắng nghe và tin tưởng vào chính phủ, và về mặt chính trị, quốc gia nào cũng có nhiều đảng phái khác nhau chứ không như nước Mỹ, chỉ có hai đảng chính trị Dân Chủ và Cộng Hòa thay nhau lãnh đạo và tranh giành quyền lực gay gắt.

Người Mỹ cảm thấy lo lắng xen lẫn hoài nghi về ý tưởng sẽ như thế nào nếu chúng ta tiến gần hơn đến gói chính sách “dân chủ xã hội” như các nước Bắc Âu hay như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha. Người Mỹ nghĩ thật đơn giản, cứ cái gì, điều gì làm cho nhiều người, cho một số đông, dù đó là những quyền lợi chính đáng thì họ cứ cho đó là “chủ nghĩa cộng sản“, người Mỹ đánh đồng “dân chủ xã hội“, “chủ nghĩa xã hội“, tất cả đều là “chủ nghĩa cộng sản” nhưng lại không hiểu rằng nước Mỹ chính là một nền “dân chủ xã hội” đúng nghĩa chỉ khác ở trường phái chính trị khi so với các nước dân chủ xã hội khác.

Một vấn đề mà người Mỹ mới chứng kiến đây thôi, khi chính phủ Joe Biden gởi tiền trợ cấp hào phóng cho người bị mất việc, thì có khá nhiều người không muốn đi tìm việc, làm biếng đến độ chính phủ  và các tiểu bang phải đe dọa cắt bớt hay cắt hẳn tiền trợ cấp để người thất nghiệp cố gắng đi làm lại, không nên ỷ y sống dựa vào tiền trợ cấp của chính phủ tiểu bang và liên bang, nhưng tại sao tại các nước Bắc Âu và một số nước Châu Âu, chính sách trợ cấp đầy đủ cho người mất việc với mức đủ sống tương đối về mọi mặt lại không xảy ra tình trạng người dân ỷ y vào sự trợ cấp của chính phủ, đây chính là sự khác biệt văn hóa.

Người Châu Âu có đạo đức văn hóa làm việc, trách nhiệm của một người còn khả năng làm việc và muốn cống hiến cho xã hội trong khi những chính sách phúc lợi, trợ cấp lúc nào cũng sẵn sàng cho họ, họ vẫn tham gia vào sinh hoạt, đời sống và việc làm để chủ động kinh tế, dĩ nhiên là dồi dào hơn, nhiều tiền hơn là nằm nhà lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp, nhưng người Mỹ không có những chương trình phúc lợi dài hạn và ổn định, nên đôi khi, thảm họa xảy ra, chính phủ gửi tiền trợ cấp mạnh tay, người Mỹ cảm thấy ở nhà nhận tiền trợ cấp thoải mái, không phải đi làm cực khổ, vậy thì ngu sao đi kiếm việc, ngu sao đi làm?

Và với lập luận này, sẽ khiến rất nhiều người Mỹ ngừng làm việc và về lâu dài, điều đó có hại cho tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ.

Khi những người như Bernie Sanders, Alexandria Ocasio-Cortez nói về Scandinavia tức các quốc gia Bắc Âu, hay nói về các quốc gia Châu Âu giàu có như Đức, Pháp, Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha, những gì họ nói có thể không hoàn toàn đúng, một thí dụ, hai nhà lập pháp này cho rằng Hoa Kỳ nên có những chương trình phúc lợi xã hội hào phóng hơn cho người dân Mỹ và lấy lại bằng cách buộc các tập đoàn lớn, các công ty lớn ăn nên làm ra, các người giàu, nhưng trong thực tế, đó không phải là cách mà các nước Bắc Âu và một số nước Châu Âu sử dụng để có tiền lo cho những chương trình phúc lợi xã hội dài hạn của họ.

Vì ở các nước Bắc Âu, tất cả mọi người đi làm, các công ty lớn nhỏ đều phải trả thuế công bằng vài fair play trong thu nhập, làm ra tài sản, thu nhập cao, đóng thuế cao, làm ra tiền của ít, thu nhập thấp, đóng thuế ít hơn, không có con hay một đứa con, đóng thuế cao hơn người có gia đình và có nhiều con, và từ khoản đóng thuế này, chính phủ luôn trích ra một khoản cố định và liên tục để đóng vào các chương trình phúc lợi xã hội của chính phủ để luôn sẵn sàng có thể giúp đỡ người nghèo và người bị thất nghiệp, người bị khuyết tật, ốm đau hay người già mất sức lao động. Các nước trong lục địa Châu Âu cũng hoạt động theo hình thức đóng thuế tương tự như các nước Bắc Âu.

Thêm một điều nữa, đó là ở Hoa Kỳ, không có công bằng xã hội và nhiều bất bình đẳng về thu nhập hơn. Nên không thể so sánh với chiến lược đánh thuế của các nước Bắc Âu, họ có tỷ lệ hoặc hệ thống thuế sòng phẳng và công bằng hơn ở Hoa Kỳ và toàn bộ người dân đều ủng chính sách thuế công bằng này của chính phủ đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị rộng rãi hơn, vậy tại sao Hoa Kỳ không thể áp đặt mức thuế sòng phẳng, công bằng đến tất cả mọi người như tại các nước Bắc Âu? Không thể được, vì phân phối thu nhập trước thuế của chính phủ Mỹ không bình đẳng, thiếu sự công bằng và hài hòa giữa các đối tượng đóng thuế.

Đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ dường như đang quan tâm đến các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân, nghỉ phép có lương nhưng tôi dám cam đoan với quý vị, có cố gắng cách mấy và thời gian trong tương lai dưới thời bao nhiêu vị Tổng Thống thuộc đảng Dân Chủ có cởi mở, cấp tiến đến đâu vẫn không thể nào xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội hoàn hảo cho 330 triệu người Mỹ khi hệ thống chính trị quá khác biệt và đơn độc, khắc nghiệt luôn đối đầu nhau như nước với lửa, bảo thủ với cấp tiến, chủ trương lừa dối, bạo lực với thiện ý và hòa bình, một phần ở Mỹ người lao động không có được sự bảo vệ, che chở bởi công đoàn, nhưng ở các nước Châu Âu và Bắc Âu, họ có, ngành nghề nào cũng có công đoàn riêng của ngành nghề đó, và họ là những thế lực đáng nể khi cần đấu tranh với chính quyền về bất kỳ chính sách, dự luật mất công bằng xã hội, thiệt thòi cho người lao động và gần đây nhất là sự trỗi dậy của cái gọi là chủ nghĩa dân túy chống người nhập cư của đảng bảo thủ Cộng Hòa cực đoan.

Quý vị có nghĩ rằng đại dịch Covid-19 hiện tại đang vô tình tạo ra một khoảnh khắc tuyệt vời hiếm có để kêu gọi mở rộng chế độ nghỉ có lương, người Mỹ giờ đây mới nhận thấy tầm quan trọng của việc những người ở nhà nghỉ làm khi ốm đau mà vẫn được trả lương.

Nhưng những đòi hỏi cho sự công bằng xã hội liệu có trở thành sự thật và đạt được thành công hay không khi tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ hiện đang tăng nhanh như hỏa tiễn đã được phóng ra, bay càng lúc càng nhanh, không thể dừng lại, có lẽ người Mỹ chỉ có thể khoanh tay đứng nhìn những thành tựu của các nước Châu Âu, các nước Bắc Âu với một chương trình phúc lợi toàn dân thực sự hoàn hảo, một chế độ tuyệt vời cho người lao động vẫn có lương đầy đủ khi bị ốm đau phải ở nhà, một chế độ thai sản cho người đàn bà khi sanh con được ở nhà một năm trông con nhưng vẫn có lương đầy đủ, một hệ thống chu cấp tiền trẻ em hàng tháng cho trẻ em từ lúc lọt lòng đến năm 17 hay 21 tuổi tuỳ theo quốc gia, một hệ thống y tế cho toàn dân khiến không ai phải lo lắng gì khi được đưa vào bệnh viện để mổ tim, gan, phèo phổi, một đời sống bảo đảm để không phải có bất cứ một người homeless nào sống ngoài đường phố, dưới gầm cầu, những điều tuyệt vời mà tôi vừa nói, nước Mỹ sẽ không thể nào đạt được ngay cả khi nước Mỹ là quốc gia giàu có nhất thế giới, là một cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới, nhưng còn nhiều cái nhất khác mà nước Mỹ không có và không thể có.

Nước Mỹ cũng là một nước dân chủ xã hội như các nước giàu có trong lục địa Châu Âu hay các nước Bắc Âu, nhưng nước Mỹ lại không phải là một quốc gia có nền dân chủ tuyệt vời theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen nếu so với các nước Châu Âu và các nước Bắc Âu.

Việt Linh

………………………………………………………..

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img