Thursday, March 28, 2024

Chuyện buồn trong nhà…

Đã qua bao buổi sáng tôi vẫn còn thờ thẫn bàng hoàng…

Sau cữ cà phê sớm, ra sân sau khoảng 30 phút thể dục vận động tay chân kiểu quân trường ngày xưa, xong thường vội lo công việc đầu ngày lái xe đi thăm mẹ. Nhưng nay còn đâu nữa ! Mẹ đã lặng lẽ ra đi về cõi hư vô, bỏ Cõi Tạm để về một Cõi nào Vĩnh Cửu hơn chăng ? “Sinh Ký Tử Quy”, mất đi mới thực nghĩa trở về.

Mới 10 giờ sáng Thứ Năm 15/12/16, tôi còn ngồi bên cạnh, mẹ còn chập chờn trong giấc ngủ, thấy tôi mẹ mở mắt “sao cậu qua sớm thế !” tôi cười “muộn rồi mẹ ơi”. Vậy mà trong khuya này, cô Tuyết sát cạnh chăm sóc mẹ gần hai năm, gọi phone nức nở báo tin “anh qua ngay, cụ mất rồi…”. Bàng hoàng, sao có thể nhanh thế được ? Tự nhiên toàn người lạnh run mãi mới sỏ áo len đuợc qua khỏi đỉnh đầu, đã qua 3,4 lớp áo, trong nhà sao vẫn còn cóng, có lẽ lạnh từ trong lạnh ra…

Nhà tôi dành lái xe, hơn 12 giờ khuya, đường vắng tanh vắng ngắt, con đường bao năm qua, cả hơn nghìn lần, mỗi sáng tôi vẫn lái xe qua trò chuyện thăm hỏi cũng đôi khi ăn trưa với mẹ. Con đường tôi đã nằm lòng từng góc phố, từ Capitol đến Sierra quẹo trái, góc khu này trước vài năm còn đất trống cỏ hoang, nay Condos đã san sát. Ngay đoạn đầu Sierra, tới ngã tư 4 Way Stop Sign, tiếp Morrill cắt ngang, chờ đèn xanh đỏ hơi lâu, đến Piedmont, Apts Quail Hills dành cho Senior Citizens ngay góc này, mẹ dọn về đây từ 2002.

Mới VN qua, Mẹ ở chung với gia đình tôi 6 năm, sau với gia đình cô em, lúc nào mẹ cũng mong có housing dọn ra riêng. Cá tính mẹ, từ ngày bố mất, vẫn mạnh mẽ độc lập, không thích ở chung với con hay nhờ vả bất cứ ai…
Vào nhà, đã nghe cô em rấm rứt trong phòng, cô lay mẹ kể lể “chiều nay con còn ngồi bóp tay bóp chân cho mẹ, mẹ còn tỉnh táo, nói muộn rồi hai vợ chồng về ăn cơm, cô Tuyết còn cho mẹ ăn xong chén súp đầy, vậy sao giờ mẹ đã vội đi…”. Người mẹ còn nóng, ngay ngắn nằm ngửa suôi tay, mắt nhắm nghiền, tư thế vẫn như người đang nằm ngủ mỗi đêm. Cố nén cảm xúc, tôi cùng người em rể lo gọi 911, khoảng gần nửa tiếng sau, hai Cảnh Sát cao lớn bước vào, họ trao đổi vài câu cùng cô Tuyết, “Cô chăm sóc bà cụ bao lâu rồi ?”, “Lần cuối, cô làm gì cho cụ ? “, họ hỏi thêm vài ba chuyện trong giấy tờ mẹ tôi xuất viện gần 3 tuần trước, tên các loại thuốc uống hàng ngày, sau họ hoàn tất report, ghi ngày giờ mất “ 1 giờ 05 sáng Thứ Sáu Dec 16, 2016 “ và cho biết đó là ngày giờ chính thức (legal).….

Phải chờ gần 3 giờ sau hai nhân viên Nhà Quàn Oak Hill mới đến mang mẹ ra khỏi nhà. Nhà tôi, cô em, cô Tuyết nức nở khóc, riêng tôi lặng lẽ vịn đẩy thành xe giường mang mẹ, xe dọc hành lang ra khỏi cửa khu Apartments, quay vào mắt nhòa đẫm lệ đã lâu mà không hay….

Theo giấy tờ mẹ sinh 27 tháng 4 năm 1922 tại Hà Nội, như vậy mẹ đã thọ hơn 94 tuổi, tuổi ta 95.

Theo mẹ kể, ”mẹ góa chồng từ cuối năm 1946, ngày mẹ sinh cô Tùng mới được đâu vài tháng. Tháng Chạp năm Bính Tuất đó, cậu đạp xe từ Hà Nội về quê Bắc Giang để ăn Tết Đinh Hợi với gia đình, khi gần đến Từ Sơn cách nhà khoảng hơn 15 km, bị mấy du kích Việt Minh bắt đem đi mất tích “. “ Sao mẹ biết ? ”, mẹ tiếp “ một hôm đi chợ Tết, gặp 1 tá điền sau làm công an xã tên Thi mặc áo veste của cậu, mẹ túm áo hỏi “áo này của chồng tôi, vì tôi có thêu tên ở mặt túi phía trong” quả đúng có tên, sau tên Thi nói mua lại áo này của mấy tên du kích. Cuối nhờ lo lót tiền bạc, mẹ cũng dò ra manh mối, “cậu đã bị họ (Việt Minh) mang đi sát hại vì hoạt động cho VN Quốc Dân Đảng, cậu đã Viết, làm việc cho Báo “Tri Tân” ở Hà Nội, phỏng chừng mất vào ngày 10 tháng Chạp Ta và ngày này hàng năm mẹ đã làm giỗ cho cậu …“. Cũng từ đó, mẹ đã ở vậy lo buôn bán tần tảo chăm sóc nuôi con, nuôi Bà Nội.

Cùng năm này, cả nhà phải chạy ra hậu phương, mọi người thường xuyên sống trong loạn lạc, lo trốn chạy càn quét, bom đạn quân đội Pháp liên miên. Cho đến 1950, mọi nhà mới lại lục đục kéo nhau tản cư về quê cũ Bắc Giang, lúc này đã thuộc vùng Tề. Ba năm sau, 1953, Bà Nội mất, mẹ lại phải thu xếp rời khỏi quê Nội ngay, dọn gia đình về Hà Nội để lo chăm sóc Bà Ngoại lúc này cũng đã già yếu. Mẹ, con gái út trong nhà lấy chồng ở xa, nên bà Ngoại thường hay nhắc, nhớ mong…
Thưở đó, mẹ còn thanh xuân, còn rất trẻ, nhưng mẹ đã phải tập chai lì cứng rắn, mẹ như đã biết mình mang nghiệp nặng nên như đã bắt chước người Chinh Phụ xưa “ Ngọt bùi Thiếp đã Hiếu Nam. Dạy Con đèn sách Thiếp làm Phụ Thân..”
Nhà ông bà Ngoại 259 Phố Bạch Mai, có đường xe điện chạy ngang qua trước mặt, còi xe kêu leng keng suốt ngày. Ký ức tuổi thơ của tôi, đường xe điện này dẫn chúng tôi tới trường, tới rạp Cine Lửa Hồng, Đại Nam, ra bờ Hồ Hoàn Kiếm được mẹ cho ăn bánh tôm Mụ Béo, ăn Cà Rem cây Cẩm Bình…

Hà Nội, thưở nhỏ với tôi sao vẫn còn nhớ được khá nhiều kỷ niệm. Có lẽ do những tháng Hè, mẹ cho về Hà Nội ở với Bà Ngoại, chơi với các anh chị con bác Cả Cam. Cậu bé từ nhà quê ra tỉnh, thấy cái gì cũng lạ, ngồi trên xe Ca, cây cầu sắt Long Biên sao quá dài với kiến trúc sao quá tân kỳ. Lòng sông Hồng nhìn xuống, những mùa nước lũ đỏ ối phù sa cuộn về, tôi thường liên tưởng đến hình ảnh hai vợ chồng nghèo chèo xuồng đi vớt củi, sóng to gió lớn, xuồng lật chìm, người vợ buông tay chồng với lời dặn dò thống thiết “còn thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé, Anh phải sống…” Câu chuyện cảm động nghèo khổ đầu đời tôi đọc được của Khái Hưng đã ám ảnh theo tôi mỗi lần xe Ca ngang sông Hồng để về quê Ngoại…

Ăn xong Tết Ất Mùi 1955, bác Cả Cam tiễn gia đình tôi xuống Hải Phòng để di cư vào Nam. Bác dặn dò mẹ “ Thôi cô đi vào trong đó làm ăn lo cho các cháu, anh tự nguyện ở lại còn phải chăm lo hương hỏa tổ tiên, hơn nữa bà cũng quá già yếu, không đi đâu nổi nữa rồi…” Mẹ và chúng tôi bịn rịn chia tay Bà Ngoại, vợ chồng bác Cả Cam và các anh chị con bác cả tuần lễ, tôi còn nhớ đã ôm Bà Ngoại khóc rưng rức, bà cũng nghẹn ngào mấy lần xoa đầu tôi …

Chuyến xe lửa ngừng ga Đỗ Xá, trạm kiểm soát cuối cùng, trước khi xuống Hải Phòng. Ngày 14 tháng 4, 1955, chúng tôi rời căn nhà tạm trú nơi phố Cát Dài, đến phi trường Cát Bi, chuyến bay Dakota quân sự đã đưa chúng tôi vào Nam, buổi trưa bước xuống phi trường, Tân Sơn Nhất nắng chan hòa chói chang, nóng, nóng oi bức toát mồ hôi.….
Thời gian đầu Saigon, mẹ thuê nhà khu Bàn Cờ, nơi đây cũng đã có nhiều gia đình di cư đến trước, có lẽ tên Bàn Cờ do khu có nhiều con ngõ dọc ngang, có nhiều căn cho thuê giá rẻ. Mẹ sang gian hàng bán Chạp Phô nơi chợ Vườn Chuối, đường Phan Đình Phùng khu sát đường rầy xe lửa. Căn nhà thuê trong ngõ hẻm sâu, đầu hẻm một bên nhà thuốc Bắc Đại Từ Bi, một bên tiệm Hủ Tíu Tam Lợi.

Những năm đầu xa lạ dần cũng quen, hàng xóm một số là công chức, đa phần giới lao động. Tuy vậy cũng đã có khoảng 6,7 gia đình “Bắc Kỳ di cư”, chúng tôi nhờ vậy cũng có ngay 1 số bạn “đồng hương” đỡ bị những bạn địa phương trêu chọc bắt nạt. Nhưng chỉ khoảng năm sau, tất cả đã hòa đồng, thân thiện, cả lũ đã vô tư chơi chung vui đùa cùng nhau sau những buổi tan trường, chúng tôi không còn là “Bắc Kỳ ăn cá rô cây” nữa…..

Mẹ tôi vốn là chân đi, không thích ở lâu một nơi, sau theo mấy bà bạn tìm qua đất Lào buôn bán, ở nhà đã có người giúp việc trông nom chúng tôi. Cuộc sống tiếp nối, vài năm đủ vốn liếng, mẹ lại xoay qua buôn hàng chuyến lên vùng cao nguyên mạn ngược Ban Mê Thuột, An Khê, Pleiku, Kontum. Còn nhớ mỗi chuyến buôn hàng đi, hàng về như vậy mất cả tuần lễ, hai ngày đi tới nơi, mất 2 ngày xuống hàng, lấy tiền, rồi 2 ngày chở hàng địa phương về, những mặt hàng về như vỏ cây (để làm nhang), mật ong, măng khô, gỗ, củi… Ngày cận Tết còn chở cả Lá Dong gói bánh Chưng về bán, món hàng này luôn không đủ cho khách, những chuyến xe tải “velours” luôn đầy ních hàng. Ngày đó tôi đã thạo việc, thường mỗi cuối tuần đạp xe đạp vào chành Huê Huê, Chợ Lớn trả tiền và đặt mua hàng giúp mẹ, hàng toàn loại nhu yếu phẩm như gạo, đường, nước mắm, muối, nước ngọt, xá xị, beer ..vv..

Sau này, khi đã lo cho anh em chúng tôi lập thân, mẹ không còn thích ở Saigon nhiều nữa. Mẹ đã mua nhà, có cơ ngơi buôn bán tại Pleiku, một năm về Saigon đôi ba lần thăm họ hàng con cháu, rồi lại đi. Lúc này mẹ cũng đã có đông bạn bè buôn bán trên đó, vui hơn, thêm nữa sức khỏe mẹ luôn thích hợp với khí hậu mát mẻ cao nguyện hơn so với thời tiết nóng bức ở Saigon…
Biến cố tháng 4/75 ập đến, những ngày còn lênh đênh ngoài khơi, khoảng giữa tháng 3/75 nghe tin tức BBC, Quân Đoàn 2 di tản, quân dân hỗn loạn trên Liên Tỉnh lộ số 7 để rút về Tuy Hòa, dọc đường Việt cộng pháo kích liên tục, tôi thực sự lo lắng mỗi ngày, cầu cho mẹ kẹt lại Pleiku không đi chung trong đoàn người di tản. Ngày 23/4/75 vì trên chiến hạm có chở mấy quan tài của 1 số Sĩ Quan cấp tá tử trận, nên được lệnh rời vùng hành quân sớm để về Saigon, chuyến công tác sau gần ba tháng đằng đẵng ngoài khơi yểm trợ, tiếp tế cho các ghe dân di tản, mệt nhoài…

Chiều tối 29/4/75 chiến hạm theo lệnh Hạm Đội di tản ra Côn Sơn, mẹ tôi vẫn biệt vô âm tín, gia đình cô em kẹt lại vì vẫn hy vọng tòa Đại Sứ Mỹ sẽ bốc vào giờ chót không chịu đi theo. Ngày 13/5/75 tới Guam, một tuần lễ sau, tôi mới hay tin mẹ đã về tới Saigon an toàn ngày 2/5/75, đúng như tôi đã cầu mong, mẹ chậm chân, xe GMC cuối đầy người đã không cho mẹ lên. Mẹ hay tin tôi thoát mừng vô hạn, tiếp tục mẹ lại nghị lực phấn đấu lo buôn bán phụ giúp gia đình cô em với 7 đứa con còn thơ dại.
Cho tới tháng 7/91 tất cả mới qua Mỹ theo diện đoàn tụ.

Đã cố viết tóm lược về mẹ, về đôi ba chuyện chính trong đời, nếu viết hết cả những chi tiết hồi tưởng về mẹ, biết chừng nào cho xong ?

Từ ngày mẹ nằm xuống, nửa đêm về sáng, chợt thức giấc trằn trọc, lan man nghĩ nhớ mẹ, dòng sông ký ức lại bềnh bồng nổi trôi…Những ngày lon ton bà Nội nắm tay chạy loạn, ngôi trường Tiểu Học Mỹ Độ đầu đời thuộc Phủ Lạng Thương, Quận Mỹ Độ, Tỉnh Bắc Giang, mẹ dẫn đến xin học vỡ lòng. Sát cạnh trường có sân cỏ lớn, có những cây Bàng lá đỏ, chúng tôi những đứa trẻ ngày đó leo trèo, chạy đuổi đá bóng, vui đùa hồn nhiên, nào có lo biết gì cho ngày mai …Từ đó tới nay bao tang thương dâu biển, kẻ bên này, người bên kia, bao mất mát, chia lìa theo chiến cuộc…

Nghĩ mà buồn, thời gian sao vụt quá nhanh!

Nhìn lại tưởng như mới ngày qua, mẹ cùng con đã sống bao vất vả gian truân, bao vui buồn đây đó trong đời. Nhớ mấy tháng cuối, mẹ đã yếu, con càng cảm thấy quấn quit mỗi khi thăm mẹ. Linh cảm cho con biết ngọn đèn dầu đã đang leo lét, hỏi sức khỏe, mẹ vẫn muốn con an lòng “mẹ chẳng bệnh gì cả, không ho, không nhức đầu, vẫn ngủ được, không cần đi bác sĩ.…”. Mẹ luôn là như vậy, ngại phiền con, mà cũng đúng phần nào như mẹ nói, cả đời mẹ vẫn luôn khỏe mạnh bền bỉ, chưa bao giờ đau ốm nằm 1 chỗ quá 3,4 ngày, lúc nào cũng năng động.

Nhưng kiếp nhân sinh “ba vạn sáu nghìn ngày là mấy” !

Đã tới lúc mẹ ra đi, tuổi già suy thận suy tim, ngọn đèn leo lắt đã phụt tắt trong giấc ngủ, thật lặng lẽ an bình…Mẹ nằm suôi tay như trong giấc ngủ bình thường…

Mẹ mất, mái nhà che dựa tinh thần cho con cháu không còn, thế hệ con tiếp nối sẽ phải thay.
Vô thường, Vô thường….Rồi ra ai cũng sẽ phải tới cái đích cuối cùng….

Trịnh Như Toàn.
Dec 31, 2016.
Viết tưởng nhớ Mẹ cùng để cho các con cháu.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img