Thursday, March 28, 2024

Chu Kỳ Thịnh Suy Của Lịch Sử

Nguyễn Minh Tâm  dịch

Cali Today News – Ông Tập Cận Bình sinh ra tại Bắc Kinh vào năm 1953, và từng sống những ngày thơ ấu trong gia đình danh gia vọng tộc của thành phần ưu tú trong Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Cha của ông, cụ Xi Zhongxun (Tập Triều Đông) là một trong những anh hùng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hết lòng tận tụy với lý tưởng Cộng sản. Ông đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khi một bộ phận tranh chấp trong đảng Cộng Sản đòi chôn sống ông cụ. Sau này Tập cận Bình kể lại với bạn bè rằng ông nghe đầy cả hai lỗ tai những câu chuyện anh hùng về thời cách mạng Cộng Sản Trung Hoa đến nỗi tai của ông đóng vảy. Nhưng cùng lúc đó, ông cũng từng nếm mùi gian khổ khi bị mất hết quyền hành. Vào năm 1962, khi họ Tập mới lên chín, cha của ông bị mất vai trò lãnh đạo, và bị làm nhục trong một cuộc thanh trừng nội bộ đảng. Người trong gia đình trông thấy ông ngồi một mình trong xó tối ở nhà, với nét mặt vô cùng sầu thảm. Vừa đúng bốn năm sau thì Mao Trạch Đông lại tung ra cuộc Cách Mạng Văn Hóa, và hành hạ gia đình họ Tập nặng hơn. Một nhóm Hồng Vệ Binh đến bao vây trường học của họ Tập, một nhóm khác thì đòi giết Tập. Theo tài liệu chính thức ghi lại thì người chị gái cùng cha khác mẹ của họ Tập bị đánh đập, hành hạ đến chết. Khi được 15 tuổi, họ Tập rất mừng vì được chuyển đến sống trong một làng quê nhỏ. Trong một lần họp thảo luận với cơ quan truyền thông quốc gia, ông ta kể lại rằng lúc đó tình hình ở thủ đô hết sức hỗn loạn, nếu như cậu Tập còn ở lại Bắc Kinh không hiểu cậu ta có sống sót hay không. 

Sau cả một giai đoạn trường kỳ tranh đấu, và cố gắng leo từng bước trong bức thang quyền lực, họ Tập đạt đến mức cao nhất trong Đảng Cộng Sản Trung Hoa vào năm 2012. Cơ quan tuyên truyền của nhà nước nói rằng họ Tập đã được tôi luyện qua những năm gian khổ của thời thơ ấu. Nhưng mười năm sau, ý đồ xây dựng một nước Trung quốc độc tài toàn trị là hậu quả của những tì vết in sâu trong đầu họ Tập về “sức mạnh”, về “sự  yếu đuối”, về “đức tin”, và về “trật tự”. Rất nhiều người cũng từng trải qua giai đoạn khốn khổ vì cuộc Cách Mạng Văn Hóa, họ rút ra bài học cho rằng Trung Hoa cần có một chế độ lập hiến, và thượng tôn luật pháp, nhưng họ Tập thì ngược lại. Ông khẳng định rằng không nên làm điều này. Ông nói với giáo sư Joseph Torigan, chuyên gia về tình hình chính trị Trung Quốc ở trường đại học American University: “Không được, chúng ta cần một con quái vật Leviathan. Chính quyền phải là một con ngáo ộp dữ dằn để khiến cho bọn lê dân phải khiếp sợ.”.

Trong bài diễn văn quan trọng đọc tại Bắc Kinh hôm tuần trước, nói về tương lai của nước Trung Hoa, được sửa chữa cẩn thận để trả lời câu hỏi từ xa xưa rằng: “Liệu người Cộng Sản có thể hoàn tất được mục đích mà ngày xưa các vị hoàng đế Trung Hoa không thể làm được: Đó là thoát khỏi cái “chu kỳ của lịch sử gồm giai đoạn ổn định và rồi bất ổn, hưng thịnh và suy tàn”. Đó là điều quái ác, gây tai hại cho đất nước Trung Hoa trong nhiều thế kỷ. Vâng, ông ta giả thích thêm: Muốn tránh được thảm họa này chúng ta “phải tự làm cách mạng” loại trừ tất cả “những luồng gió lươn lẹo, xấu xa” hay những “mối nguy hiểm tiềm ẩn trong nội bộ Đảng, trong guồng máy nhà nước, và trong quân đội.”. Đảng Cộng Sản phải đứng ra làm cuộc vận động chống lại ảnh hưởng của Tây phương, chống lại vấn đề đối lập chính trị, và tham nhũng chính trị. Họ Tập khẳng định: Đảng Cộng Sản sẽ không bao giờ thay đổi bản chất, niềm tin, và thái độ hành xử của mình.”.

Họ Tập đọc bài diễn văn tại Đại Sảnh Nhân dân, trước sự hiện diện của hơn hai nghìn đảng viên và thành phần lãnh đạo ưu tú trong Đảng Cộng Sản. Đại Hội Đảng Cộng Sản được triệu tập năm năm một lần. Đại hội kỳ này là Đại Hội Đảng thứ 20, đánh dấu năm cuối của 10 năm họ Tập giữ chức Tổng Bí thư. Nếu đúng theo quy định về chức Chủ Tịch nước của hiến pháp năm 1982 thì ông không còn được phép tiếp tục làm thêm nhiệm kỳ nữa. Nhưng năm 2018, ông đã tìm cách sửa đổi điều hạn chế này. Để ngăn chặn có thể bị mất chức, từ nay với điều sửa chữa này, họ Tập, bây giờ được 69 tuổi, có thể làm Chủ Tịch nước suốt đời.Ông ta đã mượn ý tưởng làm Chủ tịch nước suốt đời của người bạn là Vladimir Putin. Vì thế ông sửa lại việc hạn chế nhiệm kỳ của Chủ tịch nước. Song Putin ký đạo luật cho phép ông ta làm Tổng thống chỉ đến năm 2036 thôi. 

Chưa hết, ngoài việc hủy bỏ điều khoản giới hạn làm việc trong hai nhiệm kỳ, họ Tập còn cứng rắn hơn trong việc tiêu diệt tất cả những âm mưu đe dọa đến quyền hành của ông. Nhà nước thiết lập cả một hệ thống theo dõi, canh chừng người dân bằng máy chụp hình, bằng sensor, và bằng thông minh nhân tạo để ngăn chặn tất cả những cuộc tụ tập trong dân chúng mà không được phép của nhà nước, hay của chính quyền địa phương. Kỹ thuật theo dõi người dân hết sức thô bạo ở trong vùng Tây An, nơi có nhiều người Ngô Nhĩ, và sắc dân thiểu số khác bị tù đày. Tại nhà của người dân gốc Ngô Nhĩ đều gắn code điện toán QR liệt kê tên những người đang sống trong căn hộ, và bất cứ người đang đi bộ nào tình cờ liếc mắt vào điện thoại để xem kinh Quran đều có thể bị công an mời lên thẩm vấn. Lấy lý do cần diệt trừ tham nhũng, nhà nước Trung Cộng đã  điều tra 4.7 triệu người, và bắt những người này phải thay đổi chỗ ở. Theo ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Úc, một người am tường về Trung cộng, thì họ Tập đã áp dụng một “chế độ khủng bố tàn bạo” đối với những người bất đồng chính kiến. Ông ta còn tiếp tục tỏ ra cứng rắn hơn trong việc áp dụng ý thức hệ cộng sản, và tuyệt đối cấm bất cứ cuộc thảo luận nào có tính chất bài bác, bất kính đối với Đảng Viên Cộng Sản. Các cuộc biểu tình chống đối hầu như rất hiếm xảy ra. Vào ngày sắp sửa khai mạc Đại Hội Đảng, một biểu ngữ được treo trên cầu ở Bắc Kinh kêu gọi họ Tập hãy từ chức, về vườn đi. Biểu ngữ này được quốc tế chú ý rất nhiều. 

Mặc dù họ Tập tỏ ra tự tin nhiều vào sức mạnh của Trung Hoa, cũng như quyền bính ông nắm trong tay, tuy nhiên, thực tế cho thấy có những dấu hiệu cho thấy tình hình không được viên mãn như ông ta nghĩ. Chính sách “zero COVID” của nhà nước Trung Hoa nhằm mục đích tránh số  người chết quá đông, nhưng nó cũng làm tê liệt nhiều hoạt động vì bị phong tỏa,“lockdown”, và khiến dân chúng hết sức bất mãn. Nhiều quan sát viên cầu mong họ Tập hãy suy nghĩ xa một chút, cho phép dùng thuốc chủng ngừa của nước ngoài, nhưng họ đều thất vọng vì thái độ cứng rắn đến độ ngoan cố của chính quyền. Chính họ Tập chứng kiến rằng năm ngoái nền kinh tế Trung Hoa tăng gấp đôi về kích thước, ở mức $17.7 trillion đô la, nhưng trong vài tháng gần đây, mức độ phát triển đang bị đứng khựng lại. Ông kêu gọi cần phải phát động “sự thịnh vượng chung”, nhưng Đảng Cộng Sản chỉ có thể đưa ra vài giải pháp cứu chữa không mấy hiệu nghiệm bởi vì khoản nợ công của chính phủ quá lớn, số dân lao động bị thu nhỏ lại vì dân chúng già nua ngày càng đông, và tỷ lệ thất nghiệp ở người còn trẻ tuổi ngày càng cao. Ngân Hàng Thế giới dự phóng rằng nếu chiều hướng này cứ tiếp tục, nền kinh tế Trung Hoa sẽ có mức phát triển thấp hơn các nước Á châu khác. Lần đầu tiên kể từ năm 1990 đến nay mới có hiện tượng này. 

Số thống kê trong nước còn đi đôi với thái độ của Trung quốc đối với nước ngoài. Họ Tập đã cho tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, tương đương với hai trăm tỉ đô la, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, ông ta còn hứa sẽ là đối tác “không hạn chế” với Putin trong việc nước Nga xâm lăng Ukraine. Và có lẽ nếu nghiên cứu kỹ bài diễn văn của Tập Cận Bình đọc tại đại hội Đảng tuần trước, người ta thấy họ Tập có ý định muốn đánh chiếm Đài Loan khi ông ta nói: “Bánh xe lịch sử đang quay hướng về phía một nước Trung Hoa thống nhất.”. Ông ta nói thêm: “Trung quốc ưa chuộng hòa bình, nhưng dành cho mình cái quyền chọn lựa biện pháp nào thấy là cần thiết.”.

Bắc Kinh đã tự ý từ bỏ hình ảnh là một quốc gia hiền lành, yêu chuộng sự lớn mạnh trong hòa bình, và hình ảnh về nước Trung Hoa đã thay đổi hẳn trong cái nhìn của thế giới. Theo cuộc thăm dò của tổ chức Pew Research Center kết quả cho thấy:  Hồi năm 2012, chỉ có 42% người Mỹ không ưa Trung quốc, ngày nay có tới hơn 80% người Mỹ không ưa Trung quốc. Mức độ suy giảm này cũng được nhận thấy ở nhiều nước khác, như ở Nam Hàn và Anh quốc.  Nếu thái độ không ưa Trung Hoa xảy ra, lẽ ra họ Tập phải tìm cách cải thiện mối ác cảm đó. Ngược lại, ông ta không hề tỏ ra có ý định thay đổi chiều hướng trong chính sách của Trung Hoa. Để khống chế Đảng Cộng Sản trong nước, ông ta cương quyết sẽ tránh không để rơi vào chu kỳ lịch sử ngàn xưa của các hoàng đế Trung Hoa. Những triều đại bị thối nát vì tham nhũng, phiêu lưu quá đáng, những cuộc nổi dậy chống chính quyền, và cuối cùng thay thế cả triều đại của hoàng đế. Nhưng theo Geremie Barme, một chuyên gia về Trung Hoa ở Tân Tây Lan ghi nhận xét như sau: “Điều trớ trêu là chính ông ta, qua những hành động ông đang làm, muốn mình trở thành một người lãnh đạo tối cao, lại là hành vi lập lại những gì từng xảy ra trong cái chu kỳ thịnh suy của lịch sử.”.

Điều vừa nói ở trên chính là mối nguy hiểm có từ bấy lâu nay trong tình hình chính trị Trung quốc. Ông Tôn Dật Tiên, người có công lật đổ triều đại quân chủ cuối cùng, đưa ra nhận xét trước ngày ông qua đời năm 1925: Ông nhận thấy rằng thậm chí còn có một số đồng chí đi làm cách mạng nhưng vẫn “còn mơ đến một ngày trở thành hoàng đế.”. Ông lo sợ rằng cái tham vọng muốn trở thành hoàng đế sẽ đem đến sự tàn phá. Tôn Dật Tiên nói rõ: “Tất cả những thời kỳ hỗn loạn, vô chính phủ mà đất nước từng trải qua đều bắt nguồn từ tham vọng muốn chiếm đoạt ngai vàng.”.

Bài phân tích của Evan Osnos trên THE NEW YORKER  31/10/22

Nguyễn Minh Tâm  dịch

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img