Friday, March 29, 2024

Chắt chiu vị Tết (phần 1

Bài & ảnh: Mẫn Thục, London

Cali Today News – Tôi nhớ ngày thơ ấu, mỗi lần cách Tết chừng tháng là trong nhà bắt đầu chộn rộn lên. Người lớn rảnh ra là ngồi quây quần suy tính, bàn bạc, phân công nhau bắt đầu chuẩn bị Tết, mà phải nói đúng hơn là gom góp Tết. Quanh năm dù không thiếu lúc vất vả túng thiếu, thì Tết đến vẫn phải tươm tất đủ đầy. Từ bình hoa, đĩa bánh, mâm ngũ quả hay những món ăn dâng trước bàn thờ thần phật tổ tiên, cho đến khay mứt đãi khách trên bàn trà hay cành hoa đào bày trong phòng khách, và cả tấm áo mới cho bầy trẻ, hoặc phong pháo Nam Ô, Bình Đà thật dài, thật vang đốt trong đêm giao thừa, hết thảy đều phải là những gì tốt nhất mà người nhà tận khả năng làm được, tìm được. Muốn vậy đương nhiên không dễ, nên Tết chính là kết quả của một thời gian dài chắt chiu, và của những ngày cả nhà ai nấy đều góp tay góp sức để có một cái Tết trọn vẹn, sáng sủa, thơm tho, ngon lành. Mọi người hay nói đùa rằng, Tết chính là một dịp khổ mà vui, chắc để phân biệt với đời sống thường nhật khổ nhiều hơn vui.

Sau này, khi ngoại tôi mất, ba mẹ tôi cũng già đi, bầy trẻ năm nào đã lớn lên, Tết đỡ “khổ” nhiều, bởi cái gì không muốn làm thì mua, việc gì không làm nổi thì thuê người làm. Tôi thấy như thế cũng không sao cả, với tôi cái hồn cốt của Tết căn bản không ở việc dốc vào đó bao nhiêu công sức của cải, mà ở cảm nhận được từ đó bao nhiêu ấm áp thân tình, bao nhiêu vui sướng hân hoan, và trải nghiệm những ngày đặc biệt hơn hẳn ngày thường.

Những năm tôi đón Tết ở London, không đến mức một thân một mình, nhưng cũng chỉ chia sẻ với vài người bạn tâm giao, hay hẹn với vài người đủ gần gũi, cái Tết của riêng tôi càng tùy hứng. Dĩ nhiên, tùy hứng không biến vị thành tùy tiện, hay giản tiện mà ngược lại, bởi vì được hoàn toàn thu xếp theo ý mình, Tết mỗi năm mỗi mới mẻ, và đáng mong chờ, bởi nó có thể thay đổi theo hoàn cảnh và tâm cảnh của tôi. Năm nhiều thời gian, thích làm đầy đủ thì lên lịch chuẩn bị đâu đó, thậm chí còn tự tay làm bánh nấu ăn cắm hoa. Năm nào quá bận rộn, chỉ cần đặt mua hầu hết. Tết nào cảm thấy thích bánh chưng thì trong tủ lạnh cất năm bảy cái, Tết nào thấy ngán thì khỏi, không câu nệ Tết phải có những gì. Nhưng cũng như ông bà, cha mẹ tôi xưa, tôi cũng hình thành thói quen tích cóp cho cái Tết của mình, sao cho dù ở đâu, trong điều kiện nào tôi cũng có được vài ngày thư thái dễ chịu nhất. Tôi chắt chiu từng chút một những tốt đẹp của tháng ngày, của mùa, để mình có thể thỏa thích bơi trong cái bể tốt đẹp đó vài ngày.

Năm nay, tôi rất vui được chia sẻ với quý vị độc giả nhật báo Cali Today một chút Tết của mình, như một người bạn phương xa, hơn là một người trong cộng đồng Việt ở xứ nào đó. Nếu quý vị cũng muốn chia sẻ cùng tôi phong vị Tết của riêng quý vị hay của gia đình, của nơi quý vị đang sống, xin hãy lưu lại ở phần bình luận hay gửi thư cho tòa soạn.

Thời gian và những câu chuyện

Bất kể có đang bận rộn đến đâu, tôi cũng thường đầu tháng Chạp đã nhìn lịch, đối chiếu lịch Âm và lịch Dương mà thu xếp công việc để ít nhất tôi phải có được một hai ngày nghỉ thực sự. Ngày nghỉ có thể là ngày không làm gì nếu muốn tận hưởng cảm giác lười nhác, nhưng cũng có thể là ngày luôn tay luôn chân làm một trăm loại chuyện chỉ vì thích làm. Việc để dành vài ngày cho riêng mình, dành một chút thời gian cho bản thân tự do phân phối đồng thời cũng là một chặng “ngừng lại và thở chậm” này giúp tôi điều tiết nhịp điệu tương đối gấp gáp của một năm mới với nhiều kế hoạch mới bắt đầu cách đó chưa lâu. Với mấy ngày tự “lì xì” cho mình, thường thì tôi dùng cho tiêu khiển – đọc sách, nghe nhạc, làm vườn, viết lách – hoặc dùng để trò chuyện với người thân và bạn bè, những người quanh năm tuy vẫn giữ liên hệ khăng khít nhưng thường vì vội vã bận rộn mà chỉ dừng ở mức thăm hỏi nhau và biết họ vẫn mạnh giỏi là được, Tết nhất có thể tâm sự nhiều hơn, hoặc thậm chí không tâm sự chi mà ôm điện thoại, laptop ngồi con cà con kê cả buổi, nói chuyện trên trời dưới đất, nhắc những ai còn ai mất, lôi chuyện xưa tích cũ từ thời Napoléon còn “cuổng trời” – hết thảy đều vui, có khi vui vì câu chuyện, có khi vui vì mình còn (nhiều) người để nói những chuyện đó.

Bên tách trà xuân

Tôi vốn thích trà, bởi vậy khi đến nước Anh, đất nước nơi trà là thứ thức uống được yêu thích nhất – không bàn cãi – ở đây, tôi nghĩ mình hẳn là đã chọn đúng nơi hạ cánh. Để dễ hình dung, thì mỗi người Trung Quốc hàng năm dùng uống trung bình 0.57 kg trà, con số đó là 0.2 kg với người Việt Nam, trong khi mỗi người Anh bình quân tiêu thụ 1.5 kg đến 1.9kg trà mỗi năm, và chưa bao giờ rơi khỏi top 5 những nước có lượng tiêu thụ trà bình quân đầu người nhiều nhất. Trừ buổi tối, người Anh có thể uống trà vào mọi thời điểm trong ngày, và có nhiều loại trà khác nhau để phục vụ nhu cầu uống trong những thời điểm, những dịp khác nhau, hoặc chỉ đơn thuần là chiều chuộng các loại sở thích của người uống.

Tôi từ nhỏ đã quen uống trà, là loại trà xanh trồng trên rẫy nhà ngoại tôi, hoặc trà mạn, hay trà mộc (không phải trà hoa mộc) được các dì, các chị tôi hái trong vườn, trong rẫy nhà tự tay sao khô, không tẩm ướp thêm hương liệu gì. Lớn thêm chút, tôi có thể chấp nhận vài loại trà hương ít ỏi, gồm trà nhài và trà sen tự ướp bằng hoa thật, mùi hương thanh nhã và rất nhẹ chứ không nồng hắc mùi hóa chất như những loại trà ướp hương liệu vẫn bán tràn lan.

Sang Anh, tôi đặc biệt thích trà Earl Grey, loại trà cũng luôn được yêu thích vào loại hàng đầu, nếu không nói là đặc trưng mỗi khi nhắc đến thói quen và sở thích dùng trà của người dân nước này. Trà Earl Grey được sản xuất với nguyên liệu chủ yếu là trà đen (nhưng cũng thường được gọi là hồng trà vì khi pha trà nước trà sẽ có màu đỏ thẫm trong vắt rất đẹp) trong đó nổi tiếng nhất là Kỳ Môn hồng trà từ huyện Kỳ Môn tỉnh An Huy (Trung Quốc) và trà Ceylon (Sri Lanka), có thể kèm thêm một số phối liệu với lượng rất nhỏ để tạo thành một số phiên bản khác, nhưng có một đặc trưng nhất thiết không thể thiếu mùi hương cam chanh tươi mát từ tinh dầu vỏ cam bergamot được tẩm ướp vào trà. Vị trà đắng vừa phải, không đậm đặc như trà mạn Việt Nam, không chát như trà xanh, có thể uống riêng hoặc uống kèm sữa tươi.

Mỗi khi về Việt Nam ăn Tết, tôi cũng thường mang theo vài hộp trà Earl Grey, dù hành động này hay bị người thân tôi trêu chọc là chở củi về rừng, nhưng dần dà ba mẹ tôi đều thích loại trà này, bởi nó rất vừa vặn – vừa đủ thơm, vừa đủ vị, không đậm đến mức gây mất ngủ cho những người lớn tuổi. 

Tết tới gần, tôi hay ghé tiệm chính của hãng Fortnum & Mason để mua trà, cũng để ngắm nghía những bộ trà cụ mới, chủ yếu là hàng sứ và bạc. Đại bản doanh của hãng tọa lạc trên phố Piccadilly, là một tòa nhà cổ kính bảy tầng bề thế bên ngoài, lộng lẫy bên trong, và kinh doanh đủ mọi mặt hàng thực phẩm cao cấp, hoa tươi, có trà thất riêng nổi tiếng vì ngày khai trương đã có sự hiện diện của Nữ hoàng Elizabeth II, nữ công tước xứ Wales và Nữ công tước Cambridge. Hãng cũng là hoàng thương (doanh nghiệp được chứng nhận chính thức là đơn vị cung cấp hàng hóa cho Hoàng gia Anh) ngành tạp hóa, thực phẩm và trà, với loại trà Smoky Earl Grey được Nữ hoàng Anh rất yêu thích. Loại trà này – trong khi vẫn mang đặc điểm của Earl Grey truyền thống – có xuất xứ từ  vùng núi Vũ Di, Trung Quốc (Vũ Di Sơn cũng là xuất xứ của danh trà Đại Hồng Bào, và các loại trà ô long khác) trong quá trình chế tác trà sẽ được xông khói lá thông và gỗ thông để thấm mùi khói phảng phất, và lá trà được vò theo phong cách chế trà ô long để cuộn thành từng viên tròn. Tôi thì vẫn trung thành với Earl Grey truyền thống, và mỗi lần đến sẽ mua đủ trà để uống chừng nửa năm.

Trà tôi mua một lần tiệm Fortnum & Mason

Ngoài Fortnum & Mason thì một hãng sản xuất trà tôi thích là Whittard of Chelsea cũng ở gần đó nên một chuyến đi mua trà có thể dễ dàng biến thành một chuyến ngoạn cảnh và mua sắm nhỏ ở khu trung tâm.

Tôi cũng là một người yêu thích sưu tầm đồ trà, nhưng chỉ gồm những món cơ bản như bình, tách, đĩa sứ phục vụ cho việc uống trà. Có lẽ một lúc nào đó đủ thời gian và hứng thú, Tết năm nào đó chẳng hạn, tôi sẽ chia sẻ tiếp về thú vui sưu tầm sứ xương (bone china) của tôi, và về những tách trà sứ xương tuyệt đẹp, mỏng và trong mờ, men sứ sáng bóng này.

Tách trà sớm mùa xuân

Hương, sắc xuân

Xuân đến, nếu đủ rảnh tôi sẽ đi tìm mua đủ mai “Mỹ” và đào (London). Nếu rảnh hơn nữa, tôi sẽ trồng vài chậu hoa, tính sao cho hoa nở kịp Tết. Nếu không đủ rảnh, tôi cũng vui lòng chơi trò xổ số với siêu thị gần nhà: có gì mua nấy, chỉ cần đủ hương đủ sắc là được.

Hoa mộc qua tôi trồng, thay cho hoa đào
Một bình hoa mùa xuân thơm ngát với thủy tiên, tulip, dạ lan hương, diên vỹ, và cỏ đồng tiền.

Nếu sắc xuân chủ yếu do hoa lá mang lại thì đã hẳn, thì hương mùa xuân trong nhà tôi không chỉ đến từ mỗi hoa tươi. Nếu có dư thời gian, tôi sẽ chạy đến khu chợ của người Trung Đông bên Whitechapel (phía Đông London) mà mua bó ngò (ngoài bắc gọi là rau mùi) già, đơm đầy hoa trắng về nấu nước xông nhà. Nếu không rảnh, thì nấu một nồi lá bạc hà và hoa oải hương khô tôi cắt trong vườn từ cuối mùa thu cũng có thể khiến cho không khí vương hoài một mùi hương dịu nhẹ. Và bởi vì tôi là một tín đồ trung thành của loại hương thơm thanh mát dễ mang lại cảm giác thư thái của cam chanh quýt, dù là hương từ hoa hay quả cho đến vỏ quả, nên trong nhà không chỉ loáng thoáng hương trà Earl Grey, mà thỉnh thoảng sẽ có mùi thơm êm ái sáng trong của hai loại nước hoa tôi thích, đều là Orange Blossom, một của Jo Malone, vốn là hãng nước hoa Anh về sau chuyển nhượng cho Estée Lauder, và một của Penhaligon’s, nhà chế tác nước hoa đặc Anh.

(Bài & ảnh: Mẫn Thục, London)

(Bài viết có sử dụng một vài thông tin và số liệu từ trang Wikipedia)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img