Friday, March 29, 2024

Cấm nhạc lính Cộng hòa, cấm luôn nhạc lính Cộng sản

Cali Today News – Câu chuyện tưởng như đùa nhưng lại có thật xảy ra tại tỉnh Tiền Giang, Sở Văn hóa thông tin tại đây đã ra văn bản yêu cầu cấm bản nhạc “Màu hoa đỏ” của đại tá quân đội CSVN Thuận Yến, không cho phép được hát hay trình diễn tại bất cứ tụ điểm ca nhạc, phòng karaoke nào.


Cố đại tá quân đội CSVN (trái) tác giả bản nhạc “Màu hoa đỏ” bị Sở văn hóa thông tin tỉnh Tiền Giang cấm hát. Ảnh: Nhà quản lý

Văn bản mà Sở Văn hóa thông tin ra ngày 7/2/2017 nói rõ, trong vòng 30 ngày các phòng karaoke phải gỡ bỏ bản nhạc “Màu hoa đỏ” ra khỏi danh sách nhạc.

Sở dĩ có trường hợp lạ lùng này là vì trong thời gian vừa qua, dòng nhạc vàng Bolero lên ngôi. Rất nhiều chương trình truyền hình, gameshow âm nhạc trên khắp các tỉnh thành đua nhau hát Bolero. Trước tình cảnh đó, chính quyền CSVN phải nhanh chóng ra văn bản, cấm không cho hát những bản nhạc ca ngợi người lính.
Sự nhầm lẫn chết người nằm ngay ở đây. Mở đầu trong ca khúc “Màu hoa đỏ” có câu:

“Có người lính từ mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về”.

Ca từ không có gì đặc sắc nhưng vì liên quan đến “người lính”, lại còn thêm “mùa thu” và “mùa xuân” nên nó trở thành “nhạy cảm”. Điều này cũng xuất phát từ sự dốt nát của những người lãnh đạo ngành văn hóa thông tin của chính quyền Cộng sản tỉnh Tiền Giang. Trong tâm trí của họ, mùa thu gắn liền với hành động cướp chính quyền từ năm 1945; còn mùa xuân gắn liền với việc xâm chiếm miền Nam vào tháng Tư đen năm 1975. Tất cả hai từ “mùa thu” và “mùa xuân” không thể liên quan đến cái chết.

Còn nhớ, vào năm 2006 khi nhạc sỹ Phạm Duy lúc mới trở về Việt Nam để chuẩn bị cho đêm nhạc tại Sài Gòn, nhạc sỹ Nguyễn Lưu-một người mà chẳng ai biết đến tác phẩm âm nhạc của ông là gì đã từng viết một bài báo để đả phá nhạc sỹ Phạm Duy. Trong đó, ông Lưu chỉ ra rằng, bản nhạc “Mùa Thu chết” của nhạc sỹ Phạm Duy là “phản động”, dùng bản nhạc để “chống cộng”.

Với những người Cộng sản, mùa thu và mùa xuân phải thiêng liêng, cao quý. Vì nó đã gắn liền với hành vi cướp chính quyền, ngày thành lập đảng CSVN (3/2/1930) và còn cả xâm chiếm thành công miền Nam Việt Nam. Do đó, không lý gì phải “chết” hay “ra đi từ đó không về”.

Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ dòng nhạc Bolero, mặc dù bị cấm trình diễn, cấm hát trong tất cả phòng karaoke nhưng dòng nhạc lính ca ngợi người lính VNCH vẫn được ưa chuộng. Không những vậy, nó còn được rất nhiều phòng karaoke đưa vào danh sách nhạc vì quá nhiều lời yêu cầu phải có. Không để cho dòng nhạc ca ngợi người lính VNCH được phát tán, lấn át dòng nhạc đỏ kích động, xúi giục thanh niên cầm súng ra chiến trường bắn giết nhau, chính quyền đã làm mọi cách không để cho những bản nhạc của miền Nam trước đây được hiện hữu.

Ngày 11/3/2017, Cục nghệ thuật biểu diễn thuộ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ra quyết định cấm 5 bản nhạc của miền Nam Việt Nam trước đây, cho dù 5 bản nhạc đó đã được cấp phép biểu diễn. Đó là: Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú, con đường xưa em đi.

Nhạc phẩm “Con đường xưa em đi” bị cấm lưu hành sau khi đã được cấp phép trình diễn. Ảnh: Internet

Trả lời về việc cấm các nhạc phẩm nói trên, nhiều nhạc sỹ, quan chức âm nhạc của chính quyền CSVN nói rằng, “chiến trường anh bước đi” trong nhạc phẩm “Con đường xưa em đi” là chiến trường nào. Điều đó cho thấy, bất cứ bản nhạc nào có ca từ hàm ý ca ngợi người lính VNCH đều bị cấm.

Cấm thì cấm, nhưng làm sao có thể cấm được người hát. Chính quyền chỉ có thể cấm trên văn bản hành chính, nhưng những bản nhạc được sáng tác vào thời VNCH vẫn được người dân ưa chuộng. Điều này đã được minh chứng hùng hồn qua việc rất nhiều chương trình ca nhạc trên truyền hình thi hát Bolero.

Quay lại vấn đề cấm nhạc phẩm “Màu hoa đỏ”, lãnh đạo Sở Văn hóa thông tin tỉnh Tiền Giang cho biết, bản nhạc này bị cấm cũng hơn 350 nhạc phẩm khác, trong đó đại đa phần là những nhạc phẩm mang âm điệu Bolero của miền Nam trước đây, như: Xuân này con không về; Nó và tôi; Chiều Tây Đô; Giã từ vũ khí; Kẻ ở miền xa; Xin tròn tuổi loạn; Lá thư trần thế; Một mai giã từ vũ khí; Tình anh lính chiến; Lính trận miền xa; 24 giờ phép; Trên bốn vùng chiến thuật; Chuyện giàn thiên lý; Viết từ KBC; Bạc màu áo trận; Thư về em gái thành đô…Thật tội nghiệp cho bản nhạc “Màu hoa đỏ”, chỉ vì trong nhạc phẩm có vài ca từ liên quan đến người lính, mùa thu, mùa xuân nên cũng bị cấm luôn. Cho dù nó dùng để ca tụng bộ đội.

Qua việc cấm hàng loạt ca khúc được sáng tác trước năm 1975 cho thấy rằng, những người Cộng sản miệng thì nói “hòa giải” nhưng thực tế lại không phải như vậy.Chính quyền vẫn tìm mọi cách để cấm đoán những nhạc phẩm được sáng tác trước đây. Việc người dân, ngay cả người ở miền Bắc ngày càng xa dần những bản nhạc đỏ, mà chuyển sang nghe, hát những bản nhạc vàng cho thấy giá trị nghệ thuật của những bản nhạc được trả về đúng vị trí của nó.

Nhạc sỹ Nguyễn Lưu hay ông Nguyễn Thụy Kha từng cay cú, tức tối vì nhạc đỏ của ông không còn được công chúng yêu mến, thay vào đó dư luận lại tỏ ra bất bình vì nhạc phẩm “con đường xưa em đi” bị cấm hát, trình diễn phần nào cho thấy tâm lý mặc cảm, thua kém của mình. Còn về phần chính quyền, việc cấm các bản nhạc của miền Nam phần nào phơi bày sự không chính danh, cái tâm lý mặc cảm của một kẻ cướp.

Người Quan Sát

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img