Thursday, March 30, 2023
spot_img

Các điểm bán hàng chỉ bán cho người Trung Quốc có dấu hiệu trốn thuế ở Việt Nam

 

Cali Today News – Báo chí Nhà nước Việt Nam mấy ngày nay đưa tin một số cửa hàng ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chỉ bán cho người Trung Quốc, trong khi khách Việt bước vào, bảo vệ cửa hàng chặn lại từ xa với lý do “không phải khách theo đoàn của công ty quen biết đã đặt trước đó”. Từ những điều tra cho thấy các cửa hàng này đã có sự liên kết với một số công ty du lịch ở Trung Quốc tổ chức các tour du lịch lữ hành sang Việt Nam giá “0 đồng”…
Liên kết với “tour 0 đồng”, qua mặt khách hàng

Tờ vnEpress trích lời của nhân viên bảo vệ ở một trong các cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc nói tại Quảng Ninh rằng;
“Cửa hàng này chỉ đón khách Trung Quốc còn khách Việt Nam, Nga, Nhật… không được vào. Bên trong bán các loại hàng như chăn, ga, gối, đệm… giá rất cao, không có tiền mà mua đâu”, bảo vệ này còn cho biết thêm chủ cửa hàng là người Trung Quốc.
Cũng tờ vnEpress cho biết, tại một điểm bán hàng ở phường Hùng Thắng (Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), người giới thiệu sản phẩm là người Trung Quốc, “nhiều sản phẩm giá hơn 100 triệu đồng nên không bán cho người Việt”.

Một điểm bán hàng chuyên phục vụ du khách Trung Quốc tại chợ Vườn Đào, Bãi Cháy (Quảng Ninh). (ảnh; báo Lao Động)

Theo ước chừng thì có khoảng 10 điểm bán hàng theo kiểu “phân biệt” như thế này ở thành phố Hạ Long. Hầu hết khách hàng là người Trung Quốc đi theo “tuor 0 đồng” đến Hạ Long của Việt Nam, tức là các công ty du lịch lữ hành Trung Quốc tổ chức các tour du lịch sang Việt Nam với giá rẻ, giá khuyến mãi đến mức 0 đồng. Khi các “tour 0 đồng” này đến Việt Nam, các công ty lữ hành Trung Quốc sẽ chuyển giao hoặc bán sang cho các công ty lữ hành ở Việt Nam, rồi sau đó các công ty lữ hành Việt Nam sẽ đưa khách tour đi thẳng đến các điểm bán hành của người Trung Quốc để mua sắm các mặt hàng với giá rất cao để trích phần lợi nhuận bù chi phí cho việc tổ chức các “tour 0 đồng”.

Chưa dừng, tại các điểm bán hàng của người Trung Quốc khi khách “tour 0 đồng” được dẫn đến thì sẽ được nhân viên các điểm bán hàng phát cho một tấm thẻ. Trong mỗi tấm thẻ có những ký hiệu riêng để nhận biết khách tour thuộc lữ đoàn nào dẫn đến đặng sau này tính phần chia hoa hồng, khách đi riêng lẻ sẽ khó lọt vào bên trong để mua hàng được. Bởi vì tại các điểm bán hàng của người Trung Quốc thường ngoài bảo vệ thì còn có thêm mấy người cầm bộ đàm, khi thấy có người lạ thì lập tức liên lạc nhau và việc đón khách gần như dừng lại. Mọi cách thức tổ chức của các điểm bán hàng thế này đều rất kín kẽ để qua mắt các cơ quan chức năng.

Cali Today hỏi thạc sĩ quản trị kinh doanh ông Bùi Quang Thắng ở Hà Nội để biết hình thức kinh doanh tại các điểm bán hàng của người Trung Quốc như nói trên có tác động gì đến nền kinh tế Việt Nam hay không? Ông Thắng cho biết;
“Việc này phải xem doanh nghiệp của Trung Quốc là loại hình gì? Có phải FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) hay có được ưu đãi gì không? Và bán hàng hóa gì? Rõ ràng ở đây có gì đó bất thường.”

“Liệu có vấn đề trợ giá của Chính phủ Trung Quốc đằng sau các “tour 0 đồng” này không? Theo tôi biết Chính phủ Trung Quốc vẫn trợ giá xuất khẩu cho các doanh nghiệp Trung Quốc khi xuất hàng vào Việt Nam. Và nếu các doanh nghiệp bán hàng cho khách du lịch với giá cao kia là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài thì có thể họ sẽ được ưu đãi về thuế. Sẽ có vấn đề về thất thu thuế ở đây”

Cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc cùng các cửa hàng tương tự đã bị Ủy ban thành phố Hạ Long cấm cửa (ảnh; báo Dân Trí)

Tờ báo Lao động vào ngày 15/03/2017 có đăng bản tin “Bí mật sau những cửa hàng “chỉ bán cho người Trung Quốc” có nêu điển hình một số hóa đơn thanh toán nội bộ của một số điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc tại Hạ Long, với những khoản thu và chia lợi nhuận khá lớn.

Cụ thể, đơn thanh toán gần đây nhất của một điểm bán hàng cho thấy: Chỉ một đoàn 26 khách đã mua tới 334 triệu đồng tiền hàng. Số tiền trên được chia như sau: Công ty đưa khách đến: Trên 77 triệu đồng và gần 3,4 triệu đồng cho việc dẫn 26 khách đến dù khách có mua hàng hay không (gọi là tiền đầu khách); lái xe: Hơn 10 triệu đồng và 70.000 đồng/đầu khách; Hướng dẫn viên (HDV) hơn 53,5 triệu đồng. Số còn lại – khoảng 190 triệu đồng thuộc về điểm bán hàng.

Trong đơn thanh toán của một điểm khác, tháng 2.2017, doanh thu từ một đoàn 27 khách đạt trên 245 triệu đồng thì phải trả cho Cty cung cấp khách trên 46,7 triệu đồng cùng trên 3,5 triệu đồng tiền đầu khách; trên 49 triệu đồng cho hướng dẫn viên và trên 7,3 triệu đồng cho lái xe…Trong khi đó, tại hầu hết các cửa hàng, lượng xe ra – vào nườm nượp, với những điểm đón hàng chục đoàn khách/ngày.

Thêm một câu hỏi mà Cali Today đặt ra là vậy các điểm bán hàng của người Trung Quốc có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không? Ông Thắng đáp;

“Có khả năng vi phạm luật cạnh tranh về giá 0 đồng. Cái này cần có sự vào cuộc của Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương. Và nếu doanh nghiệp Trung Quốc là FDI thì thường sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm mới đầu tư, có thể họ sẽ tận dụng cái này để trốn thuế.”

Một người có quan tâm, tìm hiểu luật là ông Trần Văn Đạt, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn đã chia sẻ với Cali Today rằng, lấy lý do giá bán các sản phẩm rất cao, người Việt không có khả năng mua rồi các điểm bán hàng của người Trung Quốc tiến đến không bán sản phẩm cho người Việt, điều này là vi phạm luật thương mại chứ không phải luật hình sự. Ông Đạt nói;

“Đó là vi phạm luật thương mại chứ không phải luật hình sự. Có thể xem đó là vi phạm về giá hàng hóa dịch vụ theo qui định tại Điểm D, Khoản 1 Điều 320 Luật thương mại năm 2005. Hành vi cho rằng sản phẩm giá cao người Việt không mua nổi ở đây là mập mờ, vi phạm về giá hàng hóa, họ có bán hàng thì phải niêm yết giá, hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ. Chỉ cần dựa vào đây là xử lý hành chính các doanh nghiệp Trung Quốc này được rồi.”

“Hành vi trên bản chất là nó bán hàng trốn thuế, tour phục vụ cho nhóm công ty của Trung Quốc. Vấn đề là cơ quan chức năng nhà nước có dám làm hay không? Hoặc vì thu lợi cá nhân nào đó rồi im lặng”.

“Cách bán hàng không có giá, chỉ nói giá cao người Việt không mua nổi là dấu hiệu cơ bản để xem là vi phạm luật thương mại. Mà không rõ ràng dẫn đến thất thu về thuế. Mặc khác đây cũng có thể là hàng nhập lậu, trốn thuế.”

Thạc sĩ kinh doanh Bùi Quang Thắng cho biết hình thức kinh doanh như trên của những điểm bán hàng người Trung Quốc khiến các doanh ở Việt Nam hoạt động cùng ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng.

“Đương nhiên sẽ mất khách hàng về tay các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung. Theo quan sát của tôi tại Hà Nội thì thấy lượng khách du lịch Trung Quốc tăng ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề trật tự giao thông, đô thị. Ví dụ khu vực tham quan các buổi sáng xe đưa khách du lịch vào đông gây ùn tắc nghiêm trọng.”

Hiện tại ở tỉnh Quảng Ninh nói chung và thành phố Hạ Long nói riêng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã giao Ủy ban tỉnh Quảng Ninh xác minh, xử nghiêm các vi phạm liên quan hành vi chỉ bán hàng cho người Trung Quốc.
Năm 2016, một cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc ở Quảng Ninh đã bị phạt 500 triệu đồng vì hành vi niêm yết giá hàng hoá bằng nhân dân tệ và USD.

Năm 2015, tại Đà Nẵng có một Showroom của công ty TNHH Thương mại và du lịch Tuệ Dân (số 148 Xuân Thủy, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) do người Trung Quốc làm chủ, theo như người dân và báo chí phản ảnh Showroom này chỉ bán cho người Trung Quốc. Các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng sau đó vào cuộc làm rõ thì người quản lý Showroom cho biết, không phải là không bán cho khách Việt mà bán cho tất cả, không có cấm./.

THIÊN HÀ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT