Thursday, March 28, 2024

Cà Mau: Ngành tôm, cá bị thiệt hại nặng liên quan giấy đi đường  

Người mua, thợ kéo lưới và người nuôi tôm, cá giống ở Cà Mau bị thiệt hại nặng nề bởi những khó khăn, bất cập từ các quy định của tờ giấy đi đường hiện được nhà chức trách áp dụng ở thời điểm giãn cách xã hội để phòng-chống dịch COVID-19…

Nhiều hộ nuôi tôm cá giống ở Cà Mau đã phản ánh với truyền thông Pháp Luật Online của CSVN là họ đang gặp rất nhiều khó khăn và thiệt hại bởi những quy định cứng ngắt của tờ giấy đi đường hiện được nhà chức trách áp dụng ở thời điểm giãn cách xã hội để phòng-chống dịch COVID-19.

Một hộ nuôi tôm siêu thâm canh ở P.Tân Thành, TP.Cà Mau chia sẻ với phóng viên rằng, vào ngày 30/8/2021 vừa qua do thấy tôm nhà có hiện tượng bất thường nên đã liên hệ với thương lái để thu hoạch sớm. Tuy nhiên, thương lái sau đó từ chối vì lý do không tìm được đội kéo tôm thu hoạch.

Để tránh tôm nhà bị chết nhiều nên chủ hộ đã huy động thành viên của gia đình tự thu hoạch. Thu hoạch xong, chủ hộ phải đi xin giấy đi đường và chờ xe tải luồng xanh đến đưa tôm đi bán. Do thời gian kéo dài kèm theo nhiều công đoạn nên chất lượng tôm bị ảnh hưởng kéo theo giá bán cũng bị ảnh hưởng theo. Ví dụ như ban đầu giá tôm bán ra là 90.000 đồng/kg loại tôm 40 con /kg nay cũng loại tôm này bán ra chỉ còn 38.000 đồng/kg, với 3 tấn tôm nuôi chủ hộ bị thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

Một chủ trại cá giống ở P.Tân Xuyên, TP.Cà Mau chia sẻ với phóng viên rằng, do không xin được giấy đi giao cá và nhiều bạn hàng cũng không thể đến thu mua cá như bình thường do khó xin được giấy đi đường, có trường hợp bị phạt 2 triệu đồng vì không có giấy tờ đi lại hợp lệ, hết hạn và chỉ được cấp 1 lần. Trước những khó khăn chỉ vì tờ giấy đi đường nên chủ trại cá gần như đóng cửa. Nhiều hộ nuôi cá còn đối diện với tình trạng khó kiếm nguồn thức ăn cho cá nên đang đối diện với những thiệt hại.

Không chỉ người nuôi mà các doanh nghiệp thu mua tôm cá ở Cà Mau cũng gặp không ít khó khăn. Một doanh nghiệp thu mua tôm ở Phường 6, TP.Cà Mau chia sẻ với phóng viên rằng từ khi địa phương áp dụng đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 lần 2, từ ngày 24/8/2021 doanh nghiệp không hoạt động được vì không có giấy đi đường nên không thể đi thu mua tôm của bà con được.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp này còn chia sẻ thêm, ngoài khó khăn do không xin được giấy đi đường thì doanh nghiệp còn đối diện với khó khăn khác nữa không có người kéo tôm.

Nhà chức trách tỉnh Cà Mau hiện quy định các lao động như nghề kéo tôm phải test âm tính mới cấp giấy đi đường và trên giấy phải có giờ và địa điểm đi, đến. Mỗi giấy chỉ được đi một lần. 

Lao động kéo tôm được trả công khoảng 250.000 đồng/ngày, test nhanh khoảng 300.000 đồng. Trong khi không phải ngày nào cũng có việc làm. Hơn nữa, nếu đi trễ hoặc sớm hơn khung giờ trên giấy (thường là 2, 3 giờ đồng hồ) là bị phạt. Từ đó, nhiều lao động đã chọn cách ở nhà chờ hết dịch mới đi làm lại. 

Như đã nói trên, vào ngày 24/8/2021 vừa qua, tỉnh Cà Mau tiến hành đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 lần thứ 2. Các biện pháp hạn chế người ra đường liên tục được thắt chặt bằng việc hạn chế cấp giấy đi đường, ai không có giấy đi đường thì bị xử phạt hành chính.

 

Tính từ ngày 19/7/2021 đến nay, Cà Mau đã phạt hành chính các vi phạm phòng chống dịch COVID-19 khoảng 10 tỉ đồng, trong đó nhiều trường hợp phạt vì không có giấy đi đường.

Phát biểu tại diễn đàn “Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn CSVN tổ chức vào ngày 31/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ông Lê Văn Sử phát biểu.

“Thật ra, khi áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch, người dân, doanh nghiệp kêu rất nhiều. Có những trường hợp rất đáng thương. Nhưng việc mở ra cũng phải căn cứ tình hình, vì nếu mở ra mà gây dịch bệnh tràn lan và vượt tầm kiểm soát thì mọi hoạt động đều không có ý nghĩa gì”, ông Sử nói./.

 

THIÊN HÀ (tổng hợp từ PLO)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img