Friday, March 29, 2024

Tuổi trẻ và lý tưởng

Mấy ngày qua tôi hay nghĩ về cô, người phụ nữ 25 tuổi và là nhân chứng trẻ nhất trong số những người đã ra điều trần trước Ủy ban điều tra cuộc bạo loạn có võ trang và chết người tại cái nôi của dân chủ là tòa nhà Quốc hội Mỹ, hay Điện Capitol, vào ngày 6 tháng Giêng năm ngoái, 2021. Cuộc bạo loạn vô tiền khoáng hậu kể từ cuộc Nội Chiến trên 160 năm trước, do những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump thực hiện nhằm ngăn chặn buổi họp hiến định của lưỡng viện Quốc hội chính thức công nhận ông Joe Biden đã đắc cử tổng thống trong kỳ bầu cử ngày 3 tháng 11, 2020, chỉ vì họ tin lời ông Trump vu cáo là đã có gian lận bầu cử lớn khiến chiến thắng của ông bị “đánh cắp” dù không hề có bằng chứng.
Tính tới hôm nay, sau nhiều tháng làm việc và cả ngàn cuộc phỏng vấn, Uỷ ban điều tra cuộc bạo loạn 6/1, gồm bẩy thành viên đảng Dân chủ và hai của đảng Cộng hoà, đã tổ chức tổng cộng sáu buổi điều trần công khai. Các buổi điều trần nhằm trình bầy bằng chứng cho thấy ông Trump chính là người đứng đằng sau cuộc bạo động có tổ chức từ nhiều tuần trước, không khác gì một cuộc đảo chánh cướp chính quyền, không phải do bột phát như nhiều người ủng hộ ông đã lên tiếng bênh vực.
Các bình luận gia đã so sánh các cuộc điều trần về cuộc bạo loạn Điện Capitol này với vụ bê bối Watergate vào đầu thập niên 1970 đã khiến Tổng thống Cộng hoà Richard Nixon phải từ chức để tránh bị luận tội. Song khác với vụ Watergate chỉ liên quan tới một biến cố nhỏ mà TT Nixon có dính líu song cố tình dấu qua các nỗ lực cản trở điều tra, các buổi điều trần cho thấy các diễn biến dẫn tới cuộc bạo loạn Điện Capitol có tầm vóc quan trọng hơn nhiều, và có thể dẫn tới tội phiến loạn và âm mưu phản quốc. Như một số người tham gia biến động tại Điện Capitol đã bị kết tội là có âm mưu phiến loạn.
Các nhân chứng, hầu hết là thuộc đảng Cộng hoà, gồm các viên chức từ liên bang tới tiểu bang có liên quan tới các cuộc vận động của ông Trump và phe nhóm nhằm cản trở buổi họp lưỡng viện ngày 6 tháng 1 công nhận sự đắc cử của đương kim TT Biden. Những vận động này đã bất thành, vì không có bằng chứng là cuộc bầu cử tổng thống đã bị gian lận; do đấy đã dẫn tới vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng, 2021, khiến năm người chết hôm đó (và thêm 4 người thiệt mạng những ngày kế vì thương tích hoặc tự vẫn do chấn thương tâm lý) và Điện Capitol đã bị phá hoại. Song, dưới quyền chủ tọa của Phó TT Mike Pence, buổi kiểm phiếu công nhận ứng viên Biden là tổng thống đã diễn ra và kết thúc như hiến định.
Các nhân chứng này là những người thuộc phe bảo thủ và quan tâm tới nền dân chủ. Họ tôn trọng pháp luật, không chấp nhận làm điều khuất tất, chưa kể là phạm pháp nữa. Qua các buổi điều trần về những vụ việc đã diễn ra mà cao điểm là cuộc tấn công Điện Capitol của các thành phần cực hữu, họ đã cung cấp vô số chứng cớ đáng kể cho cuộc điều tra tìm sự thật đàng sau biến cố bạo loạn 6/1, góp phần vào việc bảo vệ nền dân chủ mong manh đã và đang bị đe dọa trầm trọng, đồng thời đóng góp vào kho dữ liệu lịch sử quốc gia.
Song, một cách có ý thức hay vô thức, các nhân vật nhiều tuổi đời và dầy dạn kinh nghiệm chính trường này cũng còn có nhu cầu lưu lại trong văn khố quốc gia cho lịch sử các lời chứng về sự ngay thẳng không cong mình trước áp lực bất chính, và thái độ kiên quyết duy trì tư cách công dân và các giá trị tinh thần của họ nữa.
Cô Cassidy Hutchinson tuyên thệ trong buổi điều trần công khai ngày 28 tháng Sáu, 2022, trước Ủy ban Điều tra Cuộc Tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng, 2021. (Ảnh PBS/Newshour)
Cô Cassidy ngưỡng mộ và tin tưởng nơi vị tổng thống đại diện đảng mình, như mọi người bao quanh ông, sẵn sàng bỏ qua những khuyết điểm cá nhân và cả hàng chục ngàn lời dối trá của ông, ngày nào ông còn giúp đảng duy trì quyền lực tại Nhà Trắng.
Cho tới buổi trưa ngày 6 tháng 1, 2021 khi Điện Capitol bị tấn công và đám phiến loạn xông tới đánh nhau với cảnh sát, phá cửa tràn vào toà nhà biểu tượng của dân chủ, đi tìm để treo cổ Phó TT Mike Pence, người đã từ chối làm theo kêu gọi của ông Trump. Và ông Trump đã gửi ra một cái tweet không phải để kêu gọi đám phiến loạn giải tán, ra về có trật tự, mà để chỉ trích viên chức đã hết lòng tuân phục tận tụy phục vụ mình trong suốt nhiệm kỳ bốn năm qua, là “thiếu can đảm”. Vì ông Pence đã cuối cùng chọn trung thành với Hiến Pháp và đất nuớc.
Trên, hình chụp tweet của TT Donald Trump chỉ trích Phó TT Mike Pence vào lúc 2:24 trưa ngày 6 tháng 1, 2021 ngay sau khi nghe tin nhóm phiến loạn có vũ trang, khích động bởi chính ông Trump, tràn vào Điện Capitol, đi tìm ông Pence để treo cổ. Trong tweet, ông Trump đã gửi ra một cái tweet không phải để kêu gọi đám phiến loạn giải tán, ra về có trật tự, mà để chỉ trích viên chức đã hết lòng tuân phục tận tụy phục vụ mình trong suốt nhiệm kỳ bốn năm qua, là “thiếu can đảm”. Vì ông Pence đã cuối cùng chọn trung thành với Hiến Pháp và đất nuớc.
Trên, hình chụp từ trang Web của USA Today: Cô Cassidy Hutchinson trong buổi điều trần ngày 28 tháng 6 vừa qua trước Ủy ban điều tra cuộc tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng, 2021. Khi được hỏi cô nghĩ sao khi thấy cái tweet của ông Trump chê vị phó của ông là “không có can đảm làm cái điều lẽ ra cần làm”, cô Cassidy trả lời: “Với tư cách là một công dân Mỹ, tôi cảm thấy ghê tởm. Đấy không phải là yêu nước. Đó không phải là hành xử của một công dân Mỹ. Chúng ta đang thấy tòa Capitol bị bôi nhọ chỉ vì một lời dối trá…”
Cô Cassidy lên tiếng vì cảm thấy lý tưởng của mình về một “nuớc Mỹ vĩ đại” đang bị xúc phạm, và giấc mơ phục vụ đất nước của mình đang bị thực tế làm rạn nứt.
Cassidy Hutchinson là ai?
Bốn năm trước, khi còn theo học tại trường Christopher Newport University thuộc tiểu bang Virginia, khi biết mình được chọn vào chương trình nội trú hè 2018 tại Nhà Trắng với chính quyền Trump, cô sinh viên Cassidy Hutchinson 21 tuổi đã “ứa nuớc mắt” vì sung sướng, theo tờ Newport News của CNU.
“Đóng góp nhỏ này của tôi vào công cuộc duy trì sự thịnh vượng và ưu việt của nuớc Mỹ sẽ là một kỷ niệm mà tôi sẽ gìn giữ như một trong những vinh dự của đời tôi,” Cassidy nói trong bài tường thuật việc cô trúng tuyển duới tựa đề rất kêu, “Viên thuyền trưởng trong ‘Toà Nhà của Nhân Dân’” (The Captain in the ‘People’s House’).
Truớc đó, Cassidy, sinh viên môn khoa học chính trị, cũng đã từng tập sự trong các dịp hè tại văn phòng ở thủ đô Washington, D.C., của một số dân biểu và nghị sĩ đảng Cộng hoà vây cánh với ông Trump, nên sinh hoạt tại Quốc hội không xa lạ gì với cô. Chính trong thời gian này cô nhận ra công quyền là ngành cô muốn theo đuổi. Nay cô lại có dịp có thêm kinh nghiệm trong Toà Nhà Trắng.
Giáo sư chính trị học Andrew Kirkpatrick, và là thầy đậy Cassidy tại nhiều lớp tại CNU, cho biết ông có nhiều học trò xin nội trú (intern) hè tại Quốc hội, nhưng thường chỉ một lần. Xin nội trú tới ba lần thì phải kể là “một điều đặc biệt”, nói lên cái đam mê chính trị nơi cô sinh viên này.
Tại Nhà Trắng, do kinh nhgiệm hai kỳ nội trú trước với ngành Lập pháp, Cassidy làm việc trong văn phòng Legislative Affairs. Cô kể là cô thường xuyên tham dự các buổi lễ ký luật của TT Trump. Sau khi hoàn tất việc học, cô trở lại Nhà Trắng xin vào làm việc cũng tại văn phòng này.
Nhờ tính chịu khó, nhận xét tinh tế, nhanh nhẹn và bặt thiệp, Cassidy mau chóng được Chánh văn phòng Mark Meadows tin nhận vào làm cố vấn cho ông đồng thời là phụ tá đặc biệt cho TT Trump. Cô hiện diện thường xuyên bên ông Meadows tại mọi buổi họp, lặng lẽ ghi chép, và được coi như một thứ “người canh cửa” của viên chánh văn phòng của tổng thống.
Theo lời tự giới thiệu khi được yêu cầu trong buổi điều trần, với giọng từ tốn, luôn giữ sự bình tĩnh, tự chủ, mắt nhìn thẳng, tập trung, cô Cassidy kể: “Khi tôi thuyên chuyển tới văn phòng chánh văn phòng Nhà Trắng làm việc cho ông Meadows khi ông trở thành viên chánh văn phòng thứ tư, thật khó mà mô tả một ngày tiêu biểu. Tôi giữ chức phụ tá đặc biệt cho tổng thống và là cố vấn cho ông chánh văn phòng. Mỗi ngày diễn ra tùy theo tổng thống làm gì trong ngày đó, và thời khoá biểu của tôi tùy thuộc vào đó.”
Do đấy, cô Cassidy cho biết cô liên lạc thường xuyên với các vị dân cử bên Quốc hội và các thành viên trong Nội các chính phủ về các vấn đề liên quan tới chính sách. Đồng thời cô cũng phải phối hợp với bộ phận an ninh tại Nhà Trắng liên quan tới việc bảo vệ tổng thống và chánh văn phòng.
Tóm lại, từ vị trí có tính cách giao liên và phối hợp đó, cô Cassidy trở thành như một máy thu hình những gì diễn ra bên trong Nhà Trắng, đặc biệt xung quanh TT Trump và viên chánh văn phòng Meadows, trong cái ngày định mệnh 6 tháng Giêng ấy.
 
Tiết lộ của cô Cassidy quan trọng như thế nào
Năm buổi điều trần đầu trình bầy các nỗ lực của ông Trump và tập đoàn nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử mà ông là kẻ thua cuộc, một điều mà một người kiêu ngạo, tự phụ, vị kỷ, nhỏ nhen như ông không thể chấp nhận được. Và ông bất chấp luật chơi và luật lệ.
Trước hết, theo Ủy ban 6/1, ông và đồng bọn tạo nên là một cốt chuyện (narrative) từ đó làm bàn đạp cho các nỗ lực kế đó; và câu chuyện biện minh cho ông Trump được tung lên: sở dĩ ông thua là do có gian lận bầu cử, như chính ông đã từng tuyên bố trước cả ngày bầu cử. Từ đấy có khẩu hiệu “Stop the Steal”, Chặn Ngay Sự Gian Lận.
Từ nền tảng bầu-cử-gian-lận-nên-mới-bị-thua, cùng với niềm tin như khắc trên đá của các cử tri tín-đồ của ông, ông Trump và đồng bọn phát động một chiến dịch nhằm thay đổi kết quả bầu cử. Như đòi đếm lại phiếu tại một số tiểu bang mà ông Trump tin là mình phải thắng mới đúng, qua truớc sau tổng cộng trên 60 vụ kiện tụng nhưng không có bằng cớ nên bị thua hoặc bị ác toà án bác bỏ, hoặc không nhận xử, kể cả Tối Cao Pháp viện liên bang. Gây áp lực với các giới chức tiểu bang, như việc yêu cầu bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Georgia tìm giùm số phiếu ông Trump cần, hoặc xin chủ tịch Quốc hội tiểu bang Arizona gọi họp để hủy bỏ các phiếu bầu cho ứng viên Biden và đưa cử tri đoàn do phe mình chọn, cũng không thành, vì là vi hiến. Kẻ nào chống đối công khai hay chỉ làm phần sự của mình liền bị dọa nạt, hăm giết. Làm áp lực các viên chức trong Bộ Tư Pháp, có khi đêm hôm gọi điện thoại cho một viên chức, bảo “cứ tuyên bố là bầu cử bị mua chuộc, để tôi [ông Trump] và các dân biểu Cộng Hoà lo phần còn lại.”
Và cuối cùng là biến cố ngày 6 tháng Giêng, qua tiết lộ của cô Cassidy về những gì xẩy ra ở hậu trường mà ít ai, trừ các người trong cuộc, biết được.
Khác với nhiều người cho là cuộc đột nhập Điện Capitol trở nên bạo động là do bột phát của nhưng người ủng hộ ông Trump, không phải do có âm mưu dự tính. Thực tế, một tháng sau ngày bầu cử tổng thống, cô Cassidy nhớ có nghe Giám đốc Tình báo John Ratcliff tỏ ý lo ngại việc Nhà Trắng sẽ đối phó với thời kỳ hậu bầu cử, kể cả việc kiện tụng gian lận bầu cử tại các tiểu bang nơi không có bằng cớ gì về sự gian lận. “Ông ấy cảm thấy là có thể nguy hiểm và vuột ra khỏi tầm kiểm soát,” cô kể trong buổi điều trần.
Bốn ngày trước khi diễn ra cuộc bạo loạn, luật sư riêng của ông Trump là Rudy Giuliani, và là người dẫn đầu trong các kế hoạch lật ngược kết quả bầu cử, cũng hé cho cô biết là ngày 6 tháng Giêng sẽ là “một ngày lớn”, rằng ông Trump sẽ có mặt ở Điện Capitol, và rằng ông sẽ cho thấy sức mạnh của ông. Khi Cassidy hỏi xếp của mình có nghe biết gì, thì ông nói có nhiều việc đang diễn ra, và tiên đoán là mọi sự có thể diễn ra không tốt vào ngày 6 tháng Giêng.
“Đó là lần đầu tiên tôi nhớ là đã thực sự thấy hãi sợ. Và lo lắng về điều có thể xẩy ra vào ngày 6 tháng Giêng, và vô cùng lo âu,” cô nói. Cô cũng kể có nhiều buổi họp về vấn đề an ninh giữa xếp của cô và ban an ninh vào các ngày trước ngày 6, và quan ngại về bạo động có thể xẩy ra.
Vào sáng ngày 6 tháng Giêng, cô Cassidy ghi nhận buổi họp giữa xếp của cô và Tony Ornato, viên phụ tá chánh văn phòng về an ninh Nhà Trắng và nguyên là một nhân viên Mật vụ, là có nhiều người trong đám biểu tình mang theo võ trang gồm dao, súng, áo giáp, giáo mác, cột cờ có gắn mác nhọn. Nhiều người trong đám võ trang này đã từ chối không chịu đi qua máy dò vũ khí tại quảng trường Ellipse trước Nhà Trắng, nơi ông Trump sẽ đọc diễn văn. Biết được chuyện đó, ông Trump đòi ban Mật vụ gỡ bỏ máy dò vũ khí để họ tới gần sân khấu nghe ông nói.
Ông nhắn với đám người biểu tình là ông sẽ đến góp mặt với bọ tại Điện Capitol. Điều này đã không xẩy ra. Nhiều người đã thắc mắc tại sao. Cô Cassidy cho biết cô và phụ tá an ninh Nhà Trắng Ornato đã được lệnh sau bài diễn văn thì phải đưa tổng thống về thẳng Cánh Tây của Nhà Trắng. Luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone đã dặn Cassidy nhiều lần là bằng mọi cách phải cho xếp của cô biết, và không để tổng thống tới Điện Capitol vì các vấn đề pháp lý có thể xẩy ra, kể cả tội ngăn chặn công lý hay kiểm phiếu cử tri đoàn.
Do đấy có cảnh xẩy ra trong chiếc SUV từ quãng trường Ellipse mà cô Cassidy nói đã được phụ tá an ninh Ornato thuật lại.
Khi biết sẽ không được tới Điện Capitol để nhập bọn với đám phiến loạn, ông Trump đã nổi giận chụp lấy tay lái, ra lệnh tài xế đưa ông tới Điện Capitol, trong khi tay kia chặn cổ sĩ quan Mật vụ ngồi ghế bên cạnh, như lời kể của cô Cassidy. Không phủ nhận việc ông Trump biết nhiều người trong đám biểu tình mang vũ khí và ông Trump đòi chở ông tới Điện Capitol nhập bọn với họ, nhưng ông Trump lẫn ban Mật vụ phủ nhận là vụ việc trong chiếc SUV đã không xẩy ra, cho là cô Cassidy bịa đặt. Ông Trump cũng nói là ông đã không đòi Mật vụ phải để cho nhóm biểu tình tới gần sân khấu với vũ khí. Trong một thư cho CNN, qua luật sư riêng, cô Cassidy cho biết cô cam đoan những điều trình bầy trong buổi điều trần mà cô đã tuyên thệ nói thật.
Trong cuộc điều trần dài trên hai tiếng, cô Cassidy cũng cho biết xếp của cô, ông chánh văn phòng Meadowns, “hầu như bất động” không có phản ứng gì, có khi còn có vẻ như bảo đảm với ông Trump là ông sẽ được chở tới Điện Capitol. Ông Meadows đã từng nhận được trát đòi tới gặp Ủy ban 6/1. Ông nhận lời, rồi có lẽ vì áp lực của ông Trump, nên từ chối không ra, song có cung cấp khoảng 9,000 điện thư và text messages trao đổi giữa ông và nhiều người trong lúc cuộc bạo loạn diễn ra.
Cô Cassidy kinh hoàng theo dõi cảnh đám phiến loạn phá cửa, đánh cảnh sát, tràn vào toà nhà Quốc hội đi tìm Phó TT Pence để treo cổ. “Như thể nhìn thấy một cái xe sắp gây ra tai nạn, muốn chặn lại mà không được nhưng lại vẫn muốn làm một cái gì,” cô nói, vẫn giữ giọng bình tĩnh. “Tôi nhớ đã nghĩ lúc ấy: ông Mark [Meadows] cần làm một cái gì, nhưng tôi không biết làm cách nào để thúc đẩy ông ấy, nhưng ông ấy cần phải để ý tới chuyện đang xẩy ra.”
Đúng lúc ấy luật sư Cipollone bước vào văn phòng của ông Meadows. Cô Cassidy nghe ông luật sư nói với ông chánh là họ cần phải làm gì, lưu ý ông này là bọn biểu tình đang đòi treo cổ ông Pence. “Anh cũng đã từng nghe rồi đấy thôi, là ông ta [Trump] nghĩ là Mike [Pence] đáng bị vậy,” cô Cassidy kể là cô nghe thấy ông Meadows nói với ông Cipollone như vậy, rằng theo tổng thống “đám biểu tình không làm điều gì sai quấy cả.”
Khi được hỏi cô nghĩ sao khi thấy cái tweet của ông Trump chê vị phó của ông là “không có can đảm làm cái điều lẽ ra cần làm”, cô Cassidy trả lời: “Với tư các là một nhân viên đã tận lực làm việc trong phạm vi khả năng tốt nhất của mình và đã luôn xiển dương những điều tốt đẹp ông [Trump] đã làm cho đất nước, tôi nhớ, một cách riêng tư, là mình đã cảm thấy vỡ mộng và thất vọng. Tôi thực tình buồn. Với tư cách là một công dân Mỹ, tôi cảm thấy ghê tởm. Đấy không phải là yêu nước. Đó không phải là hành xử của một công dân Mỹ. Chúng ta đang thấy tòa Capitol bị bôi nhọ chỉ vì một lời dối trá, và đấy là điều thật khó tiêu hoá vào lúc bấy giờ, trong khi nghe biết những gì dọc hành lang [Nhà Trắng] và những trao đổi về những gì đang diễn ra. Đọc cái tweet [của ông Trump] và biết những gì đang diễn ra trên Đồi [Capitol], và đó là điều mà tôi vẫn còn đang phấn đấu để xem xét lại các xúc động của mình về lúc bấy giờ.”
Theo cô Cassidy thì xếp của cô cũng nằm trong số những người xin vào danh sách để xin TT Trump ân xá. Nhưng cô không biết yêu cầu xin ân xá của của ông có được chấp thuận hay không.
Kết
Trong khi bao nhiêu người bị áp lực của ông Trump và đồng đảng đã không dám lên tiếng, động lực nào đã thúc đẩy một cô gái mới 25 tuổi dám đứng ra công khai kể lại những điều mắt thấy tai nghe bất chấp cả có thể bị đe doạ tới an ninh bản thân, chưa kể tới sự nghiệp tương lai có thể tàn lụi, tôi không ngừng tự hỏi.
Tôi chỉ có thể nghĩ đó là lý tưởng của tuổi trẻ đã thúc đẩy cô.
Cách đây bốn năm, khi cô trúng tuyển vào chương trình nội trú tại Nhà Trắng, cô đã tâm sự với tờ Newport News của trường: “Tôi tin là tôi sẽ trở thành một người lãnh đạo hữu hiệu trong việc tranh đấu gìn giữ giấc mơ Mỹ quốc cho các thế hệ tương lai, để họ cũng có được những cơ hội phong phú và các quyền tự do làm cho Mỹ quốc vĩ đại.”
Liệu sau khi tận mắt chứng kiến những gì các vị đàn anh của cô đã làm, hay cả không làm bất chấp quyền lợi và danh dự của đất nước, liệu cái lý tưởng ngời sáng như trong phát biểu trên của cô sẽ còn nguyên vẹn? Việc cô nhận lời ra điều trần công khai cho phép tôi tin là lý tưởng còn đó. Song cô chắc sẽ thận trọng hơn trong việc chọn mặt gửi niềm tin. Tôi biết cô không cô đơn khi nhìn Dân biểu Cộng hòa Liz Cheney, một thành viên của Ủy ban 6/1 và là người công khai không chấp nhận “lời dối trá lớn” của ông Trump, xuống ôm cô sau buổi điều trần. Tôi cầu mong cô được bằng an. [TD2022-07]
Trùng Dương
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img