Thursday, March 28, 2024

NẮNG ĐẸP MIỀN NAM, MỘT CHƯƠNG TRÌNH NHIỀU XÚC CẢM.

Chu Tất Tiến.

Cali Today News – Trải qua nhiều thập niên với các thăng trầm thế sự, các “Show” văn nghệ “Thúy Nga Paris” vẫn hoạt động không ngừng nghỉ, ngay cả khi “Mùa Covid” chưa thực sự chấm dứt, Thúy Nga Paris, dưới sự chỉ đạo của Cựu Giáo Sư Tô Văn Lai, đã mở màn rất sớm, với ba chương trình đặc sắc tổ chức tại Saigon Performing Arts Center, thành phố Fountain Valley, California để vinh danh các nhạc sĩ: Phú Quang, Phạm Mạnh Cương và Trường Sa, và mới đây, ngày 20 tháng 3, năm 2022, chương trình “Nắng Đẹp Miền Nam” nhằm vinh danh cố nhạc sĩ Lam Phương.

Một sự may mắn lạ lùng mà Thúy Nga Paris đã nhận được, đó là ngày Chủ Nhật 20 tháng 3 cũng đúng là ngày Sinh Nhật của Nhạc Sĩ Lam Phương, và như thế thật thuận tiện cho một buổi trình diễn các bản nhạc của ông vào cuối tuần. Vì vậy, sau khi giới thiệu đôi lời về tác giả, các MC Anh Dũng, Lê Xuân Trường, và Đỗ Vinh đã mời toàn thể khán giả đứng dậy hát bài “Happy Birthday” để kính dâng lên hương hồn người nhạc sĩ đã quá cố. Tiết mục hiếm có này thật cảm động, làm cho cử tọa có nhiều cặp mắt ứa lệ.

Điều đặc biệt nữa, chương trình này mang tính chất thời sự của người dân miền Nam, nói đúng ra là tinh thần Việt Nam Cộng Hòa đã được dàn trải qua tâm tình của người nhạc sĩ, một chiến sĩ Miền Nam, lúc nào cũng ưu tư đến vận nước.

Theo một “clip” chiếu trên màn ảnh rộng, Nhạc Sĩ Lam Phương, tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh tại Kiên Giang trong một gia đình nông dân không khá giả. Do đó, tuổi thơ của ông đã in đậm dấu ấn của quê hương, của đồng ruộng với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, với các cô thôn nữ áo nâu dịu dàng, mịn màng như bông lúa chín. Điều không thể ngờ là cậu bé từng là bạn với trâu cầy, gầu sòng, và những nhánh sông hiền hòa, chuyên chở các câu ca dao ngọt ngào, lại bất ngờ sáng tác được bản nhạc đầu tay lúc 15 tuổi: “Chiều Thu Ấy” có những câu thật lãng mạn: “Chiều thu ấy, ngồi bên em dưới ánh trăng vai kề vai. Nhìn mây bay, hồn lâng lâng theo gió lay hương mùa saỵ. Chiều thu ấy, nhìn nhau tay nắm tay, mắt hoen lệ tràn. Buồn ngao ngán, nàng xa cách, duyên tình ta ôi bẽ bàng. Ngày nào còn thơ, say sưa trong mơ, nơi đây ta chung cùng vui sống. Rồi ngày dần qua, duyên xưa phôi pha, sang ngang em đã quên tình ta. Chiều thu ấy, lòng say sưa ước mong chung xây mộng vàng. Rồi hôm nay nàng xa cách duyên tình ta ôi bẽ bàng.” Một thiếu niên mới 15 tuổi đầu, mà đã lãng mạn, tình tứ như thế, tự cho mình là kẻ thất tình khi chưa biết nếm mùi ái tình, thì phải nói Lam Phương là một nhân tài kiệt suất.

Điều đặc biệt mà tất cả các khán giả, dù khó tính đến đâu, cũng phải công nhận Chương Trình Nắng Đẹp Miền Nam, bên cạnh tính chất chan chứa tình tự quê hương, mà còn chất đầy những cảm tính của người Miền Nam trước 1975. Hai bản nhạc mở đầu chương trình đã chứng minh điều này: “Tình Anh Lính Chiến” và “Chiều Hành Quân” do ba giọng ca trữ tình trình diễn: Tuấn Vũ, Ngọc Ngữ, và Châu Ngọc Hà. Những giọng ca điêu luyện này lại được hát trước những “background” có hình người lính miền Nam đang ngồi trên rẻo đất miền quê và hình ảnh chiếc tầu di cư 1954 với hàng chữ “đây là con đường tự do của các bạn” làm cho kỷ niệm xót xa tràn về. Cảm động lắm là những hình ảnh thân thương này được nhắc lại vài lần trong suốt chương trình.

Người MC Anh Dũng cũng là một nhân vật lạ: anh vừa giới thiệu chương trình vừa giải thích ý nghĩa của bản nhạc “Bài Thơ Không Đoạn Kết” mà anh trình diễn rất trữ tình. Và, bản nhạc chủ đề “Nắng Đẹp Miền Nam” liên tục với “Đường Về Quê Hương” do hai giọng ca Châu Ngọc Hà và Ngọc Ngữ trình diễn thật trẻ trung và tràn đầy sức sống làm người xem cảm động, nhớ lại thời xa xôi ấy: Khi người lính chiến đã đấu tranh hiến hòa bình cho Đồng Tháp, Cà Mau. Ta người nông thôn Quên sương gió góp gian lao lo được mùa mong cầu. Nhờ tình quân dân gây bao niềm thương ấm cúng. Non sông đón bình minh, Gắng lên với ngày này ta cùng tưới đồng xanh. Rồi sống no lành”(Nắng đẹp miền Nam). Rồi đến bài Đường Về Quê Hương cũng làm cho những ai từ nhiều năm, chưa về thăm lại Saigon, Huế, Đà Lại cảm thấy nghẹn ngào:

“Quê hương ơi, Việt Nam nước tôi, tôi mong ngày về từng phút người ơi. Quê hương tôi nằm cạnh biển khơi, cho tôi tiếng khóc từ khi ra đời. Bây giờ mình đã đôi nơi, bây giờ buồn lắm người ơi.”

Chương trình được tiếp nối với tiếng đàn Guitar rất truyền cảm của Phương Thảo làm cho không khí ấm áp hẳn lên. Đến đây, cần phải ghi nhận một điểm son rất lạ của Thúy Nga Paris: Tiếng đàn Guitar của Nhạc Sĩ Phương Thảo, một khám phá mới lạ của 3 chương trình “show” nhạc này, đã dựng lại hình thái Nhạc Thính Phòng sang cả, trong đó, khán giả thả hết tâm hồn thưởng thức từng điệu nhạc trong khi nhạc sĩ là những người dàn trải cả tấm lòng mình qua điệu nhạc. Chương trình hôm nay lại được phong phú thêm bởi Dương Cầm Thủ Nguyễn Quang, người con của Nhạc Sĩ Nguyễn Ánh 9, từ Việt Nam sang thăm California. Nghe âm thanh rộn ràng của Piano, rồi âm thanh  lãng mạn của cây đàn Guitar quyện trên sân khấu, hờ hững bao bọc vóc dáng thanh tao của người nghệ sĩ Guitarist Phương Thảo, khán giả tưởng chừng như đang thưởng thức một chương trình Thính Phòng tại Paris, hay Vienna, những thủ đô âm nhạc trên thế giới.

Cũng hòa trong tiếng đàn “romance” của Phương Thảo, các ca sĩ Thiên Tôn với “Chờ Người”, “Lạy Trời cho con được bình yên”, và rồi Tuấn Vũ với “Thành Phố Buồn”, Trần Thái Hòa với “Xót xa”, Mạnh Quỳnh với “Như Giấc Chiêm Bao” và “Giọt Lệ Sầu” – nhắc nhớ Phi Nhung, chương trình văn nghệ “Nắng Đẹp Miền Nam” như xa cách hẳn với các “show” nhạc khác tại hải ngoại. Dĩ nhiên, bên cạnh “tiếng đàn thiên thai” của Phương Thảo, tiếng dương cầm vi vút của Nguyễn Quang, chương trình văn nghệ vẫn được cả ban nhạc rất “professional” phụ họa, ngân vang như tiếng chuông chiều, trong một buổi chiều lộng gió. Đình Bảo dựa vào hòa âm, phối khí của ban nhạc mà cất giọng hát bài “Biết Đến Bao Giờ” rất ngọt. Cùng với các ca sĩ chuyên nghiệp “pros” và được cảm tình của tất cả người Việt Nam hải ngoại như Ngọc Anh – trữ tình, nồng nàn, hát bằng cả trái tim mình, Chung Tử Lưu, thật ấm áp với “Mùa Thu Yêu Đương”, Ý Lan, cực kỳ lãng mạn, với hai bản nhạc bất hủ: “Em Đi Rồi” (solo) và song ca với “ông xã” Anh Tuấn bản “Cho Em Quên Tuổi Ngọc”, lời Pháp do Ý Lan sáng tác. “Cho em quên cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây ngày nào.Em quên được phút trong tay mưa bay dạt dào. Ðến muôn đời sau em không còn nhớ yêu thương bên nhau lần đầu. Cho em trao một lời cuối ăn năn quê hương tội tình. Em xin được khóc cô đơn, ôi thân phận mìn. Thế gian còn ai? Em xin từ giã thơ ngây xuôi theo dòng đời…”

Rồi dòng nhạc trôi đều đến Thế Sơn điêu luyện với hai bài “Cỏ Úa”, “Tình chết trong mùa Đông”… Tất cả đã làm nên một kỳ tích cho giới thưởng ngoạn văn nghệ.

Thích thú hơn nữa là có một số ca sĩ trẻ như Tuấn Quỳnh, Mai Thanh Thúy, Gerald William (Người Mỹ hát tiếng Việt), Phương Yến Linh, Quỳnh Giang (và cũng là MC duyên dáng), hát nhạc Lam Phương rất tuyệt. Riêng Ngọc Hạ, người ca sĩ trẻ nhưng chuyên nghiệp, nói chuyện rất vui, tự nhiên, và dí dỏm. Ngọc Hạ hát bài “Chuyến đò vĩ tuyến” rất hồn nhiên, nhưng lại tha thiết quá, làm trái tim như thắt lại, vì tưởng chừng như  mình vẫn đang ở trong năm 1954.

Thúy Nga Paris – Nắng Đẹp Miền Nam là một tác phẩm rất lớn cả về chiều sâu lẫn phong thái thật lạ, đã đem lại cảm tình không bao giờ phai nhạt trong lòng khán giả.

Chu Tất Tiến. 22 tháng 3 năm 2022.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img