Thursday, March 28, 2024

“Bớt phàn nàn về chính trị” hay sự vô tâm hiện thực?

Nguyễn Hiền

VNTB – Xã hội Việt Nam có tương lai hay không, chính là dựa vào sự quan tâm các khía cạnh của đời sống kinh tế – chính trị – xã hội. Khi giá xăng tăng cao, các nhà phân phối xăng sử dụng tiền lãi để đầu tư ngoài ngành và tham nhũng, thì sự “than thở” lại có tác dụng như một lưu tâm hiện thực. Và quả vậy, tương lai của quốc gia không hề được bỏ rơi từ chính sự “than thở” đó.

A Flying Andrew, một fanpage của Nguyễn Đức Anh, một du học sinh đang sống ở Châu Âu, người mà đầu tháng 3 đã tung ra video “Chính trị Việt Nam cho người trẻ – Điều cần biết”.

“Mình cảm thấy người Việt nên trân trọng đất nước mình hơn và cố gắng làm tốt nhất trong hoàn cảnh của mình thay vì chỉ phàn nàn”.

Tình hình kinh tế, chính trị Việt Nam tốt hơn bởi Việt Nam thường xuyên được tổ chức các sự kiện lớn của thế giới trong thời gian gần đây và trong mắt bạn bè thế giới, qua quan sát của Đức Anh trên Youtube, Việt Nam là một đất nước “ôn hòa và không có nhiều tỷ lệ tội phạm cao.”

Còn những vấn đề khác, sẽ “dần dần dần dần sẽ được giải quyết”. Và đề cao giá trị của đồng tiền, bởi theo quan điểm Đức Anh, “và khi người Việt Nam có nhiều tiền hơn, tất cả mọi thứ ở Việt Nam sẽ tốt lên rất nhiều. Bởi vì đồng tiền rất quyền lực. Khi bạn có tiền thì bạn có những quyền lực khác là đi kèm”.

Tất cả là điều tốt!

Quan điểm biểu đạt của Nguyễn Đức Anh dù đúng hay sai, nhưng nó ôn hòa và mang góc nhìn cá nhân, và điều này hoàn toàn là điều tốt. Cách Đức Anh chia sẻ video, quan điểm về cái sự “than thở chính trị” đã cho thấy sự lưu tâm, ít nhất – là một người con xa quê hương đối với quốc gia và xu hướng giới trẻ.

Thế nhưng, góc nhìn của Nguyễn Đức Anh chỉ là góc nhìn mơ mộng hơn là thực tế, là góc nhìn qua youtube và của những người EU vốn chịu tác động bởi các hệ quả phi lý của vấn đề nhập cư hơn là một góc nhìn thực tế. Và cả hai góc nhìn gián tiếp này đều không đầy đủ.

Một người ở EU, hay thậm chí ở Mỹ đến hiện nay vẫn còn giữ ý thức “Việt Nam đang chiến tranh”, và đây là chuyện rất bình thường, bởi sự giao tiếp xã hội bên ngoài của họ còn hạn hẹp. Một người Tây phương có thể nhận thấy Việt Nam là nơi đồ ăn rẻ, công an Việt Nam dễ dãi hơn, không có tình trạng thảm sát bằng súng,… nhưng tất cả chỉ nằm ở mức góc nhìn của một người du lịch, và trải nghiệm môi trường sống. Nó không đủ lâu để nhận ra rằng, không khí thành phố lớn ngột ngạt vì ô nhiễm, không có thảm sát bằng súng nhưng lại có hàng trăm ngàn vụ đâm chém nhau, đồ ăn rẻ nhưng lại là thực phẩm bẩn,…

Việt Nam là quốc gia “ôn hòa” trên bình diện quốc tế, nhưng trong nước hòa toàn “bất ôn hòa”, vì thế mới sinh ra những cái chết trong đồn công an, nạn nhũng nhiễu trong hành chính công, dân oan…

Khi Đức Anh quan sát trên Youtube, thì có lẽ bạn mới quan sát ở một khía cạnh là các video giới thiệu du lịch hoặc là video tổ chức hội nghị, ở nơi đó, tất cả trở nên hoàn hảo hơn rất nhiều so với thực tế xã hội. Còn ngược lại, khi bạn bật vị trí là Việt Nam, thì xu hướng của Youtube Việt Nam là giang hồ và sex, những thứ mà khiến tầng lớp thanh thiếu niên chìm vào và quên đi thực tại. Ở nơi đó, nó cổ vũ cho quyền lực đồng tiền, cổ vũ cho đâm chém hơn là cổ vũ một trật tự xã hội bằng pháp luật và nơi mà pháp luật được ngự trị.

Nhưng Đức Anh đã có một quan điểm rất thực tế, đó là “đồng tiền rất quyền lực”, và tại Việt Nam nó càng chứng tỏ sự quyền lực hơn. Đồng tiền có thể bẻ cong mọi thứ, kể cả chính trị lẫn số phận một con người. Giả như rằng, Đức Anh dưới lớp vai công nhân, Đức Anh sẽ thấy bất công xã hội ở một xã hội mà đồng tiền chi phối và làm nên mọi thứ như thế nào. Lúc đó, hẳn nhiên, Đức Anh sẽ không còn thấy Việt Nam “ôn hòa và tươi đẹp” như lúc nhận xét ở trời Âu. Và rằng, Đức Anh buộc phải “than thở về chính trị”.

Những góc nhìn hẹp

Quan điểm của Đức Anh tồn tại rất nhiều ở những Tây Balo tại Việt Nam, nơi họ sử dụng đồng tiền có giá để chi tiêu ở một đất nước mà giá cả có phần thấp hơn. Họ nhìn cái hình thức được “chiêu đãi” đối với người nước ngoài để đánh giá một quốc gia hoàn hảo hơn tại quốc gia mình đang sống.

Ngay cả ở Việt Nam, một lớp người sùng bái quyền lãnh đạo độc tôn vẫn ngày ngày đem việc tổ chức Hội nghị quốc tế và tăng trưởng GDP ra để đáp lại những lời “chỉ trích”. Tuy nhiên, họ không biết rằng, tiềm lực quốc gia (tài nguyên thiên nhiên, cơ cấu dân số vàng,…) không tương xứng với giá trị mang lại.

Sẽ chẳng ngạc nhiên khi nhóm người đó vẫn hằng ngày sùng bái và ca tụng Triều Tiên như một biểu tượng kiên cường chống Mỹ, mà bỏ qua những cái chết vì thiếu ăn của công dân Triều Tiên. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi một công dân Mỹ , vào năm 2014 – người đã xâm nhập trái phép vào Triều Tiên đã tổ chức một cuộc họp báo tại Bình Nhưỡng, tuyên bố từ bỏ quốc tịch và lên án chính hệ thống kinh tế và chính trị Mỹ.

Tất cả chỉ cho thấy một “góc nhìn hẹp”, một góc nhìn được viết ra và nói ra trên đệm ghế salong. Đó là vì sao, Đức Anh đánh giá một “sự chia sẻ hay vote” sẽ không thay đổi được gì. Trong khi, tại Việt Nam, nếu không xuất hiện sự “chia sẻ hay vote” đó, thì có lẽ, bất công xã hội càng nặng nề hơn hiện tại.

Sự “than thở chính trị” suy cho cùng, không phải là làm xao lãng khả năng tạo ra “giá trị xã hội”, mà ngược lại, trong một nhà nước độc tôn quyền lực, chính nó đã tạo ra mầm mống giá trị xã hội mà chính Đức Anh chưa đủ sự tinh tế và trái nghiệm để nhận ra: quyền tự do ngôn luận và sự chỉ trích Chính phủ. Hai yếu tố làm nên cuộc cách mạng tư sản và một nền tảng vật chất đủ đầy tại Tây Âu – nơi mà Đức Anh đang theo học.

Xã hội Việt Nam có tương lai hay không, chính là dựa vào sự quan tâm các khía cạnh của đời sống kinh tế – chính trị – xã hội. Khi giá xăng tăng cao, các nhà phân phối xăng sử dụng tiền lãi để đầu tư ngoài ngành và tham nhũng, thì sự “than thở” lại có tác dụng như một lưu tâm hiện thực. Và quả vậy, tương lai của quốc gia không hề được bỏ rơi từ chính sự “than thở” đó.

Theo VNTB

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img