Cali Today news – Lực lượng có trách nhiệm đã khám phá ra một vụ chặt phá rừng với số lượng rất lớn tại vùng núi biên giới huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Điều đáng nói là trong đường dây chặt phá rừng này lực lượng bộ đội biên phòng tham gia với tư cách là những người bảo kê, chia chác với nhóm lâm tặc.

Vụ chặt phá rừng mang tính hủy hoại này được phanh phui nhờ vào tin báo của người dân. Trước ngày 9/7, sau khi nhận được tin báo của người dân, công an đã phát hiện ra 280 phách gỗ pơ mu trong rừng. Nơi số gỗ nói trên được tập kết chỉ cách đồn kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang khoảng 500m. Mở rộng điều tra, công an đã phát hiện hơn 60 cây pơ mua trong rừng bị chặt hạ. Đây là khu rừng thuộc quyền kiểm soát đặc biệt của lực lượng biên phòng, do đó công an nghi ngờ có sự tiếp tay của lực lượng bộ đội biên phòng La Dêê. Chưa hết, ngay tại khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, công an phát hiện 115 phách gỗ pơ mu.
Vụ chặt rừng trở nên nghiêm trọng đến nỗi ngày 20/7, ông Lê Trí Thanh-phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phải đích thân băng rừng để mục sở thị cánh rừng bị tàn phá. Từng gốc cây pơ mu hàng trăm tuổi bị sát hại không thương tiếc. Phía lực lượng có trách nhiệm phỏng đoán, với số cây pơ mu bị đốn hạ có khoảng 600 phách pơ mu. Để đưa được số phách trên ra ngoài đòi hỏi phải có sự “làm ngơ” của lực lượng biên phòng tại đây, với số người khuân vác lên đến nhiều người.

Cánh rừng bị chặt phá không chỉ nằm trên phần đất của Việt Nam, mà có rất nhiều cây thuộc địa phận của nước Lào.
Ngày 21/7, Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn yêu cầu Bộ công an phải vào cuộc điều tra vụ phá rừng tại tỉnh Quảng Nam. Việc chặt phá rừng diễn ra ngay sau khi có lệnh đóng cửa rừng từ ông Nguyễn Xuân Phúc trước đó.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam sau đó đã nhanh chóng phối hợp với chính quyền tỉnh Sekong (Lào) để điều tra vụ phá rừng sau chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Ngày 22/7, trả lời báo chí, ông Dương Hoài Nam, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết họ đã đình chỉ 3 cán bộ liên quan đến vụ phá rừng.
Ông Nam cho hay, ba người này gồm: Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc, Đồn trưởng biên phòng La Dêê; thiếu tá Đỗ Hoành Minh, chính trị viên và đại úy Lê Xuân Chính, Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc. Trong ba người này, đại úy Chính được biết là người có “quan hệ thân thiết” với nhóm lâm tặc và giữ “vai trò đặc biệt” trong đường dây phá rừng.
Việc điều tra để làm rõ vụ án không đơn giản. Trong rất nhiều lần, lực lượng công an đã bị bộ đội biên phòng gây khó dễ nhằm ngăn cản không để cho công an điều tra. Phía biên phòng viện cớ khu rừng nơi công an muốn điều tra là rừng cấm, là nơi không được vào…
Vụ tàn phá rừng pơ mu ở Quảng Nam lại trùng vào thời điểm báo Dân Trí khám phá ra tòa biệt thự có giá hàng trăm tỷ đồng của con gái thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc công an tỉnh Đắk Lắk. Tòa biệt thự này được xây toàn bằng gỗ quý. Con gái của tướng Rơi lại chính là thượng úy công an, thuộc cấp của cha mình.
Cả tướng Rơi và cô Trần thị Thúy Hằng, con gái tướng Rơi đều phản bác tòa biệt thự của mình có giá hàng trăm tỷ và cho biết sẽ khởi kiện tờ báo đã “bôi nhọ” mình.
Cũng tại Đắk Lắk, phóng viên báo Dân Việt cung cấp cho độc giả thấy tòa nhà “khủng” của ông Trần Thọ Quang, Chủ tịch huyện vừa về nghỉ hưu. Căn nhà của ông Quang cũng được xây toàn bằng gỗ.
Từ lâu nay, rừng trên vùng Cao nguyên Trung phần đã trở nên cạn kiệt. Người dân chặt phá thì ít, trong khi cán bộ và đám quan chức chính quyền tàn phá thì nhiều. Không chỉ chặt cây để làm giàu, đám cán bộ này còn dùng cây rừng trang trí cho sự giàu có của mình qua việc xây dựng những dinh cơ, biệt thự toàn bằng gỗ.
Tuy thế, báo chí nhà nước vẫn hằng ngày đổ thừa việc tàn phá cây rừng là do người dân, nhất là những sắc dân bản địa.
Nguoi Quan Sat