Cali Today News – Sau hơn 4 tháng, kể từ ngày xảy ra thảm họa cá chết, sáng ngày 22/8, tại Quảng Trị, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã chủ trì một hội nghị để thông báo kết quả nghiên cứu về môi trường biển ở miền Trung. Kết quả không nằm ngoài dự đoán của dư luận, Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết 16 bãi tắm ở 4 tỉnh duyên hải miền Trung đã “đạt chuẩn”, có thể tắm và nuôi thủy-hải sản.
Dựa theo những nghiên cứu, các thông số có được do quan trắc có được, các nhà khoa học của Bộ Tài nguyên-Môi trường và Viện Hàn lâm khoa học-Công nghệ Việt Nam khẳng định nước biển ở các vùng duyên hải miền Trung “đạt chuẩn” tắm và chơi những trò chơi trên biển được.
Mặc dù nói 16 bãi biển ở miền Trung đã tắm được, nhưng các nhà khoa học cũng cho biết, hiện nay tại khu vực như Sơn Dương (Hà Tĩnh), phía đông biển Nhật Lệ (Quảng Bình) và hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế) chất độc không thể phân tán nên đã tích lũy trong trầm tích thành ra độc tố cao hơn những nơi khác. Các nhà khoa học cảnh báo không nên tắm những nơi này.

Song, điều quan trọng mà người hàng vạn ngư dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường do tập đoàn Formosa thải ra là cá biển đã ăn được hay chưa? Trước câu hỏi này, phía Bộ Tài nguyên-Môi trường đành ngậm tăm và đá quả bóng trách nhiệm sang cho Bộ Y tế. Theo ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết, hiện nay vẫn chưa thể biết được hải sản ở 4 tỉnh duyên hải miền Trung đã ăn được hay chưa, phải chờ kết luận của bộ Y tế.
Cho dù hải sản ở miền Trung vẫn chưa thể ăn được, nhưng trong chiều ngày 22/8, ông Trần Hồng Hà cùng những quan chức khác vẫn ra tắm biển bất chấp trời đang mưa. Nguy hiểm hơn, ông Hà còn ăn hải sản tại địa phương, cho dù chính miệng ông này chưa thể trả lời hải sản đã ăn được hay chưa.

Việc làm này của ông Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường khiến cho dư luận lên án. Nhiều người coi đó là hành động của kẻ lưu manh, muốn lừa dân ăn hải sản độc hại và tắm biển bị nhiễm độc. Một khi chưa có kết luận cuối cùng, những hành động của những quan chức như ông Trần Hồng Hà thật đáng bị lên án.
Đây không phải là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp Bộ trưởng như ông Hà lại có những việc làm mang tính mị dân, tuyên truyền. Còn nhớ sau khi thảm họa cá chết hàng loạt xảy ra, ông Trương Minh Tuấn-Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, bà Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế đã có mặt tại Quảng Bình, Hà Tĩnh để ăn hải sản nhằm tuyên truyền cho Formosa rằng nước biển ở nơi này không bị nhiễm độc.