WASHINGTON – Tổng thống Joe Biden hôm thứ Bảy đã công nhận việc sát hại hơn một triệu người Armenia bởi Đế chế Ottoman  hơn một thế kỷ trước là một “tội ác diệt chủng”, một hành động có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những người tiền nhiệm của Biden đã thừa nhận việc giết hại hàng loạt người Armenia nhưng đã ngừng sử dụng thuật ngữ “diệt chủng” do bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối. Một nhóm lưỡng đảng gồm các thành viên của Quốc hội đã thúc giục Biden hành động trước Ngày tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Armenia, diễn ra vào thứ Bảy.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo chính quyền Biden rằng việc cộng nhận này sẽ gây tổn hại đến quan hệ với Mỹ và vấp phải phản ứng mạnh mẽ. Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ, nhưng Biden đã chỉ trích nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong chiến dịch tranh cử.

Biden đã nói chuyện với Erdogan lần đầu tiên trên cương vị tổng thống vào thứ Sáu. Trong cuộc gọi, ông ấy đã chuyển tải “sự quan tâm của mình đối với mối quan hệ song phương mang tính xây dựng với các lĩnh vực hợp tác được mở rộng và quản lý hiệu quả các bất đồng”, Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố. Tòa Bạch Ốc cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6.

Trong những tháng đầu của nhiệm kỳ tổng thống, Biden cho biết ông đang cố gắng đi đến ranh giới giữa sự cần thiết phải có lập trường chống lại các vi phạm nhân quyền trong khi duy trì mối quan hệ với các đối tác chiến lược của Mỹ.

Việc giết hại hàng trăm nghìn người Armenia bắt đầu từ năm 1915 khi họ bị trục xuất đến sa mạc Syria. Có những tranh cãi về số người đã thiệt mạng, nhưng Hiệp hội các học giả diệt chủng quốc tế đưa ra con số thiệt mạng là “hơn một triệu”.

Các viên chức Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận các vụ giết người là diệt chủng, nói rằng chúng không đại diện cho một nỗ lực có hệ thống nhằm xóa sổ người Armenia. Các học giả không đồng ý, và hơn 20 quốc gia đã chính thức công nhận các vụ giết người là tội diệt chủng.