Thursday, March 28, 2024

BÁO CHÍ MỸ & TRÒ CHƠI ĐỔ LỖI VỀ KẾT THÚC CHIẾN TRANH AFGHANISTAN

Khi Afghanistan sụp đổ, các phương tiện truyền thông chính thống không hề tự nhận thức về việc họ đã từng thành kiến ủng hộ chiến tranh, và những hành động của họ đã gián tiếp dẫn đến tình trạng lộn xộn này như thế nào.

Chứng kiến sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan vào tay Taliban vào cuối tuần này, phản ứng của nhiều người Mỹ có thể đúng với hầu hết người dân của các nước đồng minh của Mỹ khi chứng kiến thảm họa này diễn ra, vì hầu như ai cũng nghĩ rằng: Nếu 20 năm chiếm đóng không đem được thành công cho đất nước Afghanistan, vậy nếu kéo dài thêm 20 năm nữa thì sao? Có thể Afghanistan sẽ có một chính phủ ổn định và một quân đội vững mạnh. Đó là những quan điểm của những người dân bình thường như chúng ta, nhưng người lãnh đạo cao nhất của đất nước này có nghĩ giống như chúng ta không?

Tổng thống Joe Biden, người có những quan điểm và suy nghĩ không giống như hầu hết người Mỹ đang đặt trọng tâm chú ý đến một quân đội thiếu tinh thần và ý chí chiến đấu và một chính phủ tham nhũng đã dẫn đến thất bại của cuộc chiến tại Afghanistan, ông đã cho biết trong một tuyên bố rằng: “Tôi là Tổng thống thứ tư chủ trì sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan — hai Tổng Thống thuộc đảng Cộng Hòa, hai Tổng Thống thuộc đảng Dân Chủ. Tôi sẽ không và sẽ không chuyển cuộc chiến đến vị Tổng Thống thứ 5 của nước Mỹ. Đối với đất nước Afghanistan, thì dù quân đội Mỹ có ở lại thêm năm năm nữa, hoặc 20 năm nữa, thì sự hiện diện của quân đội Mỹ cũng không thể tạo ra sự khác biệt nếu quân đội Afghanistan không có tinh thần tự chủ và ý chí chiến đấu để giữ gìn đất nước của họ.” 

Các phương tiện truyền thông chính thống, thì không cần phải nói, họ không hề suy nghĩ giống như Tổng Thống Joe Biden. 

Hầu như các phương tiện truyền thông dòng chính chỉ thấy sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan và quy trách nhiệm chính trị lớn đối với Tổng Thống Mỹ hiện tại là ông Joe Biden, họ hầu như quên hết chuyện quá khứ từ nguyên nhân nào đã dẫn đến cuộc chiến này, họ cũng quên luôn những cách giải quyết cuộc chiến qua tay mỗi vị Tổng Thống, hệ thống truyền thông đã không công bằng khi lên tiếng đổ tội, xét xử một ông Tổng Thống chỉ mới tại nhiệm được 7 tháng cho cả một chính sách kéo dài 20 năm qua 3 đời Tổng Thống trước đó, nếu tính sổ công bằng, chẳng lẽ 3 vị Tổng Thống trước ông Biden hoàn toàn rũ bỏ trách nhiệm, phủi tay hay sao?

Jake Tapper của CNN thì mô tả: “Một thảm họa chính sách đối ngoại bi thảm đang bày ra trước mắt chúng tôi“.

Còn tiêu đề chánh lớn trên trang nhất của tờ Washington Post thì ghi rằng: “Một tổng thống được biết đến với sự tiếp cận lạnh lùng đối với tình trạng thất bại ở Afghanistan“.

Còn tờ Politico thì chạy tựa đề: “‘Rõ ràng là bịp bợm. Tòa Bạch Ốc của Tổng Thống Biden đang bị tấn công vì thất bại ở Afghanistan,”.

Và một dòng tiêu đề phụ trên New York Times: “Tổng Thống Biden sẽ đi vào lịch sử, dù công bằng hay không công bằng, với tư cách là tổng thống đã chủ trì một hành động cuối cùng nhục nhã trong cuộc thử nghiệm của Mỹ ở Afghanistan,”. 

Nhà phân tích Stephen Collinson của CNN thì mở đầu bài phân tích của ông ta có viết rằng: “Thất bại của Mỹ và cuộc rút lui hỗn loạn ở Afghanistan là một thảm họa chính trị đối với Joe Biden“.

Đối với những người dân bình thường như chúng ta, những người còn nhớ rõ sự nhiệt tình của các phương tiện truyền thông chính thống đối với chiến tranh đã giúp thúc đẩy không chỉ cuộc chiến tồi tệ này ở Afghanistan hai mươi năm trước, mà thậm chí còn lớn hơn ở Iraq, họ chỉ giống như những con kềnh kềnh nhăm nhe lao vào cấu xé một con thú đang bị thương, các tiêu đề và các bài phân tích, tường thuật của các phương tiện truyền thông hiện nay đều gây hoang mang và mệt mỏi cho tất cả mọi người.

Hãy đánh giá công bằng đi, hãy đưa ra những gì mà một vị Tổng Thống can đảm có thể làm khi quyết định chấm dứt một cuộc chiến vô nghĩa. Những lời chỉ trích tập trung vào việc người Afghanistan cố gắng chạy trốn khỏi đất nước mà không có sự giúp đỡ từ người Mỹ là đúng 100% và cần phải cố gắng hết sức để đưa người tị nạn đến nơi an toàn. 

Tuy nhiên, sự phẫn nộ của giới truyền thông về việc rút quân này là một lời nhắc nhở đen tối về thành kiến ủng hộ chiến tranh trên báo chí đã tạo ra những mớ hỗn độn này ngay từ đầu: khiến công chúng Mỹ nghĩ rằng một cuộc chiến ở Afghanistan có thể kết thúc theo bất kỳ cách nào khác với hiệu quả tốt hơn.

Tổng Thống Joe Biden hầu như đã dành cả 8 năm trong cương vị một Phó Tổng Thống để theo dõi các nhà lãnh đạo quân sự đã đánh lừa thành công Tổng Thống Barack Obama, để ông tin rằng có nhiều cách để giành chiến thắng trong cuộc chiến tại Afghanistan, như đổ thêm tiền, quân lực và vũ khí sẽ tiêu diệt được Taliban trong khoảng 5 năm nữa thôi.

Chính những quan điểm rộng rãi với khuynh hướng ủng hộ chiến tranh từ phía giới truyền thông dòng chính từ những ngày đầu trước khi cuộc chiến bắt đầu, các nhà báo đã đưa ra sự tin cậy quá mức đối với các ý kiến của phe diều hâu quân sự và chính sách đối ngoại khiến công chúng ai cũng thấy cuộc chiến tranh là cách tốt nhất để đánh Taliban và sẽ kết thúc nhanh, gọn chỉ trong một vài năm.

Thật dễ dàng chỉ qua một số bài phân tích, bình luận hấp dẫn để nhiều nhà báo coi những nhà lãnh đạo quân sự này như những chuyên gia kinh nghiệm sừng sỏ, tiên liệu thời gian để giành chiến thắng dễ dàng cho một cuộc chiến không khác gì một bữa barbecue, khiến các tướng lãnh quân đội từng vạch ra những chiến lược trình lên Tổng Thống đi cùng với cái tôi của chính họ đã khiến họ phải chấp nhận cuộc chiến phải kéo dài mãi mãi để tránh thừa nhận thất bại.

Chính những bài báo cổ võ, ủng hộ chiến tranh của hệ thống truyền thông dòng chính đã đẩy tư tưởng và cái tôi của các nhà quân sự lên mây, đã phần nào khiến một Tổng Thống người da đen, Barack Obama, người nhậm chức với một thông điệp phản chiến, lại dễ dàng sa vào những lời đường mật của giới quân sự diều hâu và những lời tô vẽ một màu hồng lên cuộc chiến tranh tại đất nước Nam Á cũng phải sập bẫy, và chính ông đã chấp nhận lời khuyên của các tướng lãnh để tăng quân và dấn sâu thêm vào cuộc chiến tại Afghanistan trong 2 nhiệm kỳ của mình.

Cách giải thích ít rộng rãi hơn là các phương tiện truyền thông chính thống với những nhà báo kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm sau khi đọc quá nhiều lịch sử chiến tranh của Thế chiến thứ II và luôn tưởng tượng thật dễ dàng về những chiến thắng của quân đội Mỹ ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Kết quả là những gì chúng ta đã thấy vào cuối tuần qua: Một hệ thống báo chí dường như không hề quan tâm hay biết gì về sự nguy hiểm của việc ủng hộ chính sách đối ngoại diều hâu và những cái giá phải trả cho một cuộc chiến tranh sau đó 5 hay 10 hay 20 năm sẽ lớn như thế nào, cả về tiền bạc và sinh mạng của những người lính.

Hệ thống báo chí chỉ luôn hà hơi, tiếp sức để thêm sức cho một cuộc chiến tranh bắt đầu nhưng sẽ sẵn sàng quy tội và trách nhiệm lên bất cứ ai muốn kết thúc những điều vô nghĩa đó.

Không công bằng chút nào.

Hầu hết người Mỹ không biết hoặc không quan tâm đến vấn đề chiến tranh khi nó bắt đầu và đang kéo dài, nhưng họ chỉ quan tâm đến ngày kết thúc, với chiến phí đã tiêu tốn bao nhiêu, bao nhiêu người lính đã ngã xuống và quốc tế nhìn về nước Mỹ với đánh giá gì, một chiến thắng hay một thất bại của cường quốc số một thế giới.

Chỉ một số ít người liên quan mới nghĩ rằng, cuộc xung đột kéo dài này ở Afghanistan không thực sự phù hợp với những gì người Mỹ bình thường, dù phải hay trái, dù ủng hộ Dân Chủ hay Cộng Hòa. Nhưng hệ thống truyền thông báo chí lại không hề nhắc đến những gì người Mỹ phải tốn phí cho một cuộc chiến tranh, về bao nhiêu sinh mạng bị mất mát đến khi giàng được chiến thắng, rằng sẽ có bao nhiêu tổn thất sinh mạng của những người dân không hiều gì về chiến tranh, chỉ biết chạy trốn, tìm đường lánh nạn qua những năm tháng dài.

Thực tế là hệ thống truyền thông báo chí không hề nói đến những khía cạnh này, họ cũng bị cái tôi đè nặng lên trách nhiệm và chức năng làm việc của những nhà báo, rằng không thể bị thất bại được, quân đội Mỹ là mạnh nhất thế giới, rồi sẽ thắng thôi, mà muốn thắng thì phải kéo dài thêm nữa thời gian của cuộc chiến, phải đổ tiền thêm, phải tăng quân thêm, nhưng không phải là dành chiến thắng mà là để tránh thất bại sớm quá.

Hầu hết người Mỹ đều sẽ nhớ về sự kết thúc một cuộc chiến tại Afghanistan khác với việc người Mỹ đã kết thúc Chiến tranh tại Việt Nam và Iraq – tất cả những lần kết thúc đó đều là những kết thúc đáng buồn, là những bài học vô cùng quý giá để người Mỹ nhận thức rõ thêm về những cái giá quá lớn của bất cứ một cuộc chiến tranh nào để tránh mạo hiểm cho một cuộc phiêu lưu chiến tranh khác trong tương lai. 

Phản ứng của giới truyền thông tại Mỹ về việc rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm hầu như không đem lại những nhận thức cởi mở, sáng suốt hơn để người Mỹ có thể hy vọng rằng, trong tương lai hệ thống báo chí Mỹ sẽ khôn ngoan hơn vào lần tới khi những con diều hâu bắt đầu đánh trống trận để đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến mới. 

Tổng Thống Joe Biden sẽ không bị coi là một người thất bại, vì ông đã sẵn sàng đứng ra lãnh trách nhiệm để chấm dứt một cuộc chiến vô nghĩa, không để ngân sách quốc gia tiêu tốn tiền vô ích, không để có thêm những người lính Mỹ phải ngã xuống trên vùng đất khô cằn, nóng bức, ông đã có đủ can đảm để làm điều mà 3 vị Tổng Thống tiền nhiệm của ông đã không có đủ can đảm thực hiện.

Việt Linh

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img