Saturday, June 10, 2023
spot_img

Bắc Hàn cảnh cáo chớ gây rối trong khi Mỹ muốn nối lại đàm phán

Cali Today News – Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết, Hoa Kỳ đang tìm cách gây áp lực Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân trong khi truyền thông chính phủ Bắc Hàn cảnh báo Mỹ về một cuộc tấn công kinh hoàng, vậy nên “Chớ kiếm chuyện gây rối!”

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tỏ ra cứng rắn với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un – người phớt lờ chỉ trích từ đồng minh duy nhất là Trung Quốc, vẫn tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Bắc Hàn ngoan cố  vẫn thường xuyên đe doạ phá huỷ Nhật, Nam Hàn và cả Hoa Kỳ và không hề giảm hung hăng sau cuộc phóng thử hoả tiễn thất bại vào chủ nhật vừa qua, một ngày sau khi biểu dương hoả tiễn hùng hậu tại Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi đang xem xét lại mọi vị thế của Bắc Hàn, kể cả đưa nước này vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố cũng như những cách khác nhằm gây sức ép khiến Bình Nhưỡng đối thoại với chúng ta, đối thoại trên cơ sở khác với những cuộc đàm phán trước đây,” ông Tillerson tuyên bố hôm thứ tư.

Phó Tổng thống Mike Pence trong chuyến công du đến các quốc gia đồng minh Á châu lặp đi lặp lại, kỷ nguyên “kiên nhẫn chiến lược” đối phó với Bình Nhưỡng của Hoa Kỳ đã chấm dứt.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Paul Ryan đang có mặt tại London cũng cho biết, chọn lựa hành động quân sự là một trong những biện pháp gây sức ép. Ông Ryan đánh giá cao kết quả nỗ lực hợp tác với Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng nhưng một Bắc Hàn ngoan cố có thể dùng vũ khí hạt nhân tấn công đồng minh.

Bắc và Nam Hàn trên nguyên tắc vẫn còn chiến tranh kể từ cuộc xung đột vào năm 1950-1953 kết thúc bằng ngừng bắn chứ không phải bằng một hoà ước.

Vào hôm thứ 5, Quyền Tổng thống Nam Hàn Kwang Kyo-ahn trong cuộc họp với các viên chức đứng đầu chính phủ liên tục kêu gọi quân đội và các cơ quan  an ninh phải đề cao cảnh giác.

Bộ Quốc phòng cho hay, Không lực Hoa Kỳ và Nam Hàn đang tiến hành một cuộc tập trận chung thường niên có tên là Max Thunder cho đến ngày 28 tháng 4. Bắc Hàn vẫn thường gọi những cuộc tập trận như vậy là hành động chuẩn bị xâm lược.

Vào hôm thứ hai đầu tuần, Phó Tổng thống Mike Pence và Quyền Tổng thống Hwang tái khẳng định kế hoạch tiếp tục triển khai Hệ thống Phòng thủ Hoả tiễn THAAD ở Nam Hàn, tuy nhiên quyết định này phụ thuộc vào Tổng thống Nam Hàn tương lai.

Việc triển khai hệ thống THAAD khiến Trung Quốc tức giận. Trung cộng  thẳng thắn phản đối kế hoạch này, đặc biệt quan ngại về hệ thống radar do thám rất mạnh của THAAD có thể giúp Mỹ theo dõi hoả tiễn Trung Quốc, đe doạ an ninh nước này.

Bình Nhưỡng cảnh báo một cuộc tấn công Hoa Kỳ nếu bị khiêu khích.  Bắc Hàn cũng tuyên bố đã phát triển hoả tiễn có thể bắn trúng lục địa Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo các chuyên viên, tuyên bố này không có cơ sở vì cần nhiều thời gian để nắm vững kỹ thuật cần thiết, bao gồm cả kỹ thuật thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và Nga cũng đụng độ tại Liên Hiệp Quốc vào hôm thứ tư về nghị quyết Hội đồng Bảo an do Mỹ soạn thảo nhằm lên án hành động phóng hoả tiễn đạn đạo thất bại của Bắc Hàn mới đây. Các nhà ngoại giao cho biết, Trung Quốc đồng ý với  tuyên bố này. Những tuyên bố như vậy của Hội đồng Bảo An phải được cả 15 thành viên đồng thuận.

Những tuyên bố lên án các vụ phóng hoả tiễn trước đây ghi, “hoan nghênh các nỗ lực của thành viên Hội đồng Bảo an cũng như các quốc gia khác đã đưa ra những giải pháp hoà bình và toàn diện thông qua đối thoại.” Tuy nhiên, bản thảo tuyên bố mới nhất đã cắt bỏ “thông qua đối thoại” và Nga yêu cầu đưa cụm từ này vào tuyên bố.

“Khi chúng tôi yêu cầu khôi phục lại ngôn ngữ đã được thoả thuận trên bản thảo, ngôn ngữ có tầm quan trọng về chính trị và diễn đạt được cam kết tiếp tục công việc thì phái đoàn Mỹ đã huỷ việc này mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào,” phái đoàn Nga ghi trong thông báo.

Hương Giang (Theo Reuters)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT