Friday, March 29, 2024

BA TÔI

Viết để thương nhớ Ba nhân ngày lễ Father

Cali Today News – Cứ mỗi lần ngày lễ Father đến là mỗi lần tôi cảm thấy thương nhớ Ba tôi vô cùng, mặc dù biết rằng Ba tôi đã mất hơn hai năm nay. Tôi thương nhớ Ba tôi cũng vì giữa Ba tôi và tôi có rất nhiều kỷ niệm thương đau mà có lẽ các chị em của tôi không mấy ai biết được.

Suốt nửa đời người Ba tôi chỉ biết lo làm để lo cho chúng tôi ăn học. Sau năm 1978, Ba tôi nhìn thấy tương lai của chúng tôi rất mù mịt cho nên Ba tôi đã đưa ra một quyết định rất táo bạo, đó là vượt biển ra thế giới tự do bên ngoài. Sau chuyến vượt biển kinh hoàng ba ngày bốn đêm bềnh bồng, trôi nỗi, dạt dào trên biển cả, gia đình chúng tôi cũng đến được bến bờ tự do. Chúng tôi được đón nhận vào Ma-Cao và sau đó qua tạm trú tại khách sạn Kung-Sheng ở Cửu-Long. Thời gian khoảng chín tháng sau thì gia đình chúng tôi được định cư tại thành phố Orlando, tiểu bang Florida, một thành phố nắng rất ấm và mưa rất ngâu… và người dân bản xứ ở đây rất hiền hòa.

Lúc đầu Ba tôi không nói được một chút tiếng Anh nào cả, nhưng Ba tôi là một người rất năng động và biết cố gắng để học. Ba tôi là người rất nhanh trí và rất thành thật. Trong sáu tháng đầu chúng tôi nhận được tiền trợ cấp hàng tháng do chính phủ tiểu bang cấp dưỡng. Lợi dụng cơ hội này, Ba tôi ghi danh đi học tiếng Anh ở một trường Adult Education Center. Mỗi ngày hai buổi, Ba tôi đến trường bằng chiếc xe đạp rất mới của một người Mỹ da trắng hàng xóm mua tặng. Đường từ nhà đến trường dài hơn hai cây số nhưng Ba tôi đạp rất cừ, Ba tôi đạp không nghỉ. Ba tôi học rất nhanh. Thật may mắn, sau khi hoàn tất chương trình English Level II thì Ba tôi có được việc làm ngay tại một hãng bán xe hơi cũ.

Công việc của Ba tôi bắt đầu mỗi sáng là phải nổ máy xe hơn 30 chiếc để warm up. Sau đó, Ba tôi phải lau bụi ở bên trong và ngoài xe cho thật sạch sẽ. Thỉnh thoảng vài ba ngày thì Ba tôi lại rửa xe. Đây là một giai đoạn khá gian nan vì trời lúc này đã khá nóng và độ ẩm rất cao. Nhiệt độ trung bình ở Orlando là vào khoảng 89 độ F vào mùa hè. Ba tôi nói cứ mỗi lần lau xe như vậy là mồ hôi, mồ kê Ba tôi vã ra như tắm. Thật tội nghiệp cho Ba tôi.

Kế đến, Ba tôi phải đi quét dọn bãi đậu xe từ trước ra sau rộng hơn 16,000 square feet cho thật sạch sẽ. Sau cùng, Ba tôi lau bàn ghế, hút bụi văn phòng và dọn dẹp nhà sửa xe cũng như nhà sơn xe trước khi ra về. Công việc của Ba tôi hàng ngày là như vậy đó.

Vào một ngày mùa thu, Ba tôi kể: Có một lần Ba tôi đi vào phòng vệ sinh thì Ba tôi lượm được tờ $100 nằm dưới sàn nhà ($100 hồi đó rất lớn vì minimum wage Ba tôi đang làm là $2.90 một giờ và giá xăng lúc đó chỉ có 80 xu cho một gallon). Ba tôi lau tờ bạc sạch sẽ rồi mang lại văn phòng đưa cho ông chủ người Mỹ da trắng, tên ông là Mark. Ông chủ móc ví của ông ra coi qua loa rồi ông nói ông không có mất tiền, có lẽ đó là tiền của Ba tôi, ông nói.

Nhưng Ba tôi nói làm sao Ba tôi có được $100 mà mất. Đưa tờ $100 qua lại, sau một hồi ông chủ nhét tờ bạc vào tay của Ba tôi rồi ông nói, bây giờ ông không biết tiền của ai mất, nhưng Ba tôi lượm được thì Ba tôi cứ giữ nó. Sau cùng, Ba tôi nói với ông chủ là cứ cất nó trong văn phòng, nếu mai mốt có ai hỏi tới thì đưa cho người ta. Ông chủ gật đầu nhìn Ba tôi với ánh mắt cảm mến rồi ông nói “gút ai-đia” mà lúc đó Ba tôi chẳng hiểu good idea là cái chi chi. Sau chuyện này, ba ngày sau ông chủ gọi Ba tôi lên văn phòng, ông nói sẽ cho Ba tôi học nghề sửa body xe và sơn xe. Cả nhà chúng tôi rất vui mừng vì Ba tôi được tăng lương từ $2.90 lên $5.00 một giờ, đó là một mức lương tăng khủng nhất mà tôi là người rất hảnh diện vì tính thành thật của Ba tôi.

Sau khi Ba tôi được nhận vào làm sửa xe thì cô thư ký của ông chủ mới kể lại cho Ba tôi biết là ông chủ rất thương Ba tôi. Cô thư ký nói $100 bữa hôm đó là ông chủ cố ý làm rớt để thử lòng Ba tôi trước khi cho vào học nghề. Sau dạo đó, cả gia đình ông chủ thường hay đến nhà chúng tôi chơi vào dịp cuối tuần. Mỗi lần đến, ông bà lúc nào cũng mang quà lại cho chúng tôi và cũng không quên mua luôn cả thức ăn mang đến.

Chúng tôi được ông bà chủ Mark rất thương, nhất là hai đứa em gái út của chúng tôi. Ông bà cứ nằng nặc đòi xin tụi chúng về làm con nuôi, mặc dù ông bà đã có hai đứa con ruột một trai và một gái rất xinh, nhưng Ba Mẹ chúng tôi không cho vì không nỡ đành xa con.

Vào những ngày về hè, ông bà chủ thường hay đưa gia đình chúng tôi đi nghỉ mát ở những vùng đồi núi có sông, hồ. Quang cảnh ở những nơi đây thật bình yên và tuyệt đẹp. Chúng tôi rất ưa thích. Mỗi lần như vậy, chúng tôi thường hay ở lại trong những căn nhà Vacation House rất xinh và có đầy đủ tất cả các tiện nghi. Chúng tôi cũng được đưa đi tham quan những nơi như Disney World, Sea World và nhất là hay đi coi những trận banh bóng chày của đội Jacksonville Suns. Lúc đó chúng tôi coi banh mà chẳng biết chi tê mô nớ như thế nào. Có những lần chúng tôi vỗ tay ủng hộ lộn đội banh bên kia làm ông bà chủ nhìn chúng tôi mà phải phì cười. Dĩ nhiên bao nhiêu tiền chi phí cho những chuyến đi chơi như vậy ông bà chủ của Ba tôi đều bao hết.
Cuộc sống tưởng chừng như vậy đã quá yên ổn và hạnh phúc, nhưng sau khi ra trường

Edgewater High School thì tôi quyết định qua học ở Los Angeles làm Ba Mẹ chúng tôi phải chuyển về ở Cali. Những ngày chuẩn bị dọn nhà sang Cali, ông bà chủ cứ khuyên chúng tôi không nên đi vì qua bên đó người dân không được tốt và thường hay bị động đất. Nhưng quyết định đã rồi, chúng tôi đành phải chia tay ông bà trong những giọt nước mắt không ngăn được.

Thật đúng như lời ông bà chủ của Ba tôi đã cảnh báo, chưa đầy ba năm ở Cali thì Ba tôi bị bọn cướp đánh đến tắt thở. Rất may mắn, Ba tôi được cứu bởi một bác sĩ giải phẫu não nổi tiếng đang trong chuyến công du từ bệnh viện Johns Hopkins đến San Francisco. Trước khi giải phẫu để hút hết tất cả các vết máu bầm trong não, bệnh viện có giải thích cho tôi hay là Ba tôi đã tắt thở, tuy nhiên nếu tiến hành cuộc giải phẫu nhanh có thể sẽ cứu mạng sống của Ba tôi, nhưng cơ may thành công không cao lắm, chỉ là 20% mà thôi. Biết rỏ nếu không giải phẫu thì Ba tôi cũng phải ra đi, cho nên không cần suy nghĩ tôi đã tự quyết định để bệnh viện giải phẫu cho Ba tôi mà không thông báo gì cho gia đình chúng tôi hay biết. Sau hơn hai tiếng đồng hồ cầu nguyện, cuối cùng Ba tôi đã được cứu sống nhưng Ba tôi phải chịu liệt hết nữa người và cũng không nói được như người bình thường.

Kể từ khi Ba tôi bị liệt, tánh tình của Ba tôi nhiều lúc trở nên gắt gỏng. Tôi nhìn thấy nửa cuộc đời còn lại của Ba tôi coi như đã chết, cho nên tôi lại càng thương Ba nhiều hơn. Những lần bên cạnh, tôi hay nắm tay Ba và Ba cũng hay ghì chặt tay tôi như không muốn rời xa. Nhiều lúc nhìn Ba, tôi không nói nhưng thương Ba nhiều lắm.

Mỗi lần tánh gắt gỏng của Ba tôi nổi lên, tôi thường hay khuyên Mẹ tôi và các em tôi hãy nhịn. Hãy xem Ba như một người bệnh để dễ dàng chăm sóc cho Ba hơn, nhất là về mặt tinh thần. Nếu nghĩ được như vậy thì chắc chắn mình sẽ bớt bực nhọc và sẽ dễ dàng thông cảm cho Ba hơn.

Có một lần Ba tôi nói chở Ba đi mua một ít trà xanh để về nhà hai cha con uống cho vui. Chủ tiệm trà là một người bạn thân của Ba, hai người gặp nhau nói chuyện rất vui vẻ mặc dù nói và nghe rất khó khăn cho cả hai bên. Ba tôi đặt mua 5 lạng trà, tôi dành trả tiền nhưng Ba tôi một mực từ chối không cho. Ba nói hôm nay Ba có tiền. Tay trái Ba móc bót trả tiền mà cả hai tay run lên giật giật. Những đồng tiền kẽm trong bót của Ba rớt xuống nền nhà kêu loảng xoảng. Tôi cúi xuống lượm lên mà lòng xót thương Ba vô hạn.

Một lần khác, trong lúc đang đẩy xe lăn vô tình tôi làm một ngón tay của Ba bị cọ vào tường và tróc đi một mảnh da tay, máu chảy khá nhiều. Tôi cúi xuống ghì chặt ngón tay của Ba rồi hỏi Ba đau lắm không. Ba tôi trả lời không đau, nhưng tôi biết Ba tôi đau lắm. Ba tôi là như vậy đó. Tôi ôm tay Ba trên đường về nhà mà ứa nước mắt.

Nếu các bạn hỏi tôi những giây phút nào tôi thấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời đã qua của tôi, tôi xin thưa với các bạn một cách không suy nghĩ, đó là những giây phút mà tôi được sống cùng Ba và được chăm sóc cho Ba trong những tháng ngày mà Ba tôi bị bệnh, đi sớm về khuya với tôi.

Với sự chống chọi đến cùng để lo cho Ba và được sống bên cạnh Ba, mặc dù hoàn cảnh của tôi rất khó khăn. Nhưng, cuối cùng cũng không vượt qua khỏi áp lực của số phận, tôi đành gạt nước mắt để đưa Ba vào nhà dưỡng lão.

Khu nhà dưỡng lão mà Ba tôi ở không xa cho lắm, nhưng con đường từ nhà đưa Ba đến đó sao mà nó dài vô tận. Ngày đưa Ba đi, Ba tôi khóc nức nở, còn tôi lái xe, miệng mím chặt môi mà nước mắt như muốn tuôn trào.

Cuộc sống thật trớ trêu và nhiều điều bất hạnh thường hay xảy đến cho chúng tôi. Trong khi niềm hạnh phúc của Ba và tôi chưa được bao nhiêu thì cuộc đời chia rẽ tôi và Ba tôi ra hai lối. Ba tôi đi vào nhà dưỡng lão còn tôi thì mỗi tối đi về thật trống vắng, cô đơn. Nhiều đêm suy nghĩ, tôi hồi hộp, phập phùng, lo sợ, hoang man không biết rồi đây những gì sẽ xảy đến cho Ba tôi trong những ngày tháng tới khi không có tôi bên cạnh.

Rất nhiều lần trong những đêm dài trăn trở không ngủ được, lắm lúc chập chờn trong những cơn ác mộng, những cú điện thoại lại vang lên lúc hai, ba giờ sáng là những lần như những nhát dao cứa vào trái tim tôi. Tôi vã mồ hôi, sợ sệt, không muốn bắt điện thoại lên vì linh cảm báo hiệu cho tôi những điều bất hạnh đang ập đến vào những đêm khuya. Bên kia đầu dây thoại giọng người y tá lạnh nhạt báo tin: Ba cậu bị té đang ở phòng cấp cứu bệnh viện. Mỗi lần như vậy, tim tôi nhói đau như cắt. Tôi hoảng loạn vội vàng phóng xe ra đi trong đêm như một kẻ không hồn trong khi thế giới chung quanh tôi người ta vẫn còn yên giấc…ngủ ngon.

Hằng ngày đi sớm về khuya, bằng mọi cách tôi cũng phải ghé vào thăm Ba hai chuyến. Những lần vào thăm như vậy, Ba tôi thường hay ôm tôi mà khóc. Tôi cố khuyên Ba, nhưng nhiều lần cũng không chịu nổi, rồi tôi cũng ôm Ba mà khóc theo.

Thấm thoát thế đó mà đã hơn 10 tháng trôi qua không biết bao nhiêu cơn ác mộng đã đến với chúng tôi. Ba tôi nay đã không còn khóc nữa khi mỗi lần tôi ghé qua thăm. Có lẽ nước mắt của Ba đã cạn hết rồi và nỗi đau của Ba cũng đã chai lì. Sau này, những lần gặp tôi Ba hay vẫy vẫy tay, cười cười, mừng mừng, tủi tủi nhưng tuyệt nhiên Ba không còn khóc nữa. Những lần như vậy, tôi bắt thấy trong ánh mắt của Ba đã mất đi phần hồn và những nỗi buồn u uẩn cứ hiện ra, linh cảm cho tôi biết Ba sắp sửa rời xa tôi. Tôi quỳ gối bên Ba mà chỉ biết gục đầu…khóc!

Hôm nào lại thăm, không thấy Ba ra đợi ở cửa trước là tim tôi đập loạn lên. Linh tính cho tôi biết những chuyện không lành đang xảy ra. Tôi chạy nhanh vào phòng của Ba và quả nhiên…Ba tôi đang bị té.

Không biết bao nhiều lần đã xảy ra như vậy tôi không còn nhớ nổi. Tay chân và thân mình của Ba tôi đều bị bầm tím và thâm đen. Nhìn những vết máu tươi vẫn còn ra rỉ chảy ra mà lòng tôi đau như cắt. Tôi bất lực, gục xuống bên cạnh Ba, khóc gào lên thật to mà những người y tá chung quanh tôi nghe thấy, nhưng họ cố tình đi qua chẳng thèm…bận tâm hay biết.

Lần sau cùng gặp Ba tôi ở cửa trước như thường lệ, Ba tôi vẫy tay và cười. Sau một hồi ngồi cạnh bên nhau, Ba nói nhiều chuyện đâu đâu mà tôi chẳng hiểu. Ánh mắt của Ba như mờ dần, mờ dần vào khoảng trống mênh mông. Một lúc sau Ba nói cho Ba về nhà. Tôi rất ngạc nhiên hôm nay Ba muốn về nhà. Tôi đang loay hoay để đẩy Ba ra xe chở về nhà tôi, nhưng Ba chỉ tay về phía phòng của Ba mà nói: Về nhà Ba.

Ừ, về nhà Ba. Mắt tôi bỗng dưng ướt. Cổ tôi như nghẹn lại. Ôi! căn nhà của Ba tôi. Căn nhà của Ba tôi rất to, rất lớn, rất rộng. Căn nhà của Ba tôi có đến mấy mươi phòng và có đến hàng chục người phục vụ và chăm sóc. Nhưng than ôi, tất cả họ là những con người, những con người…vốn dỉ cũng chỉ là những con người… và, không biết vô tình hay cố ý họ đã không chăm sóc nổi cho một con người, người đó chính là Ba tôi.

Ba ơi!

Tạo hóa gây chi cảnh trớ trêu,
Để cha con phải đôi đường biệt ly!
Trên có trời,
Dưới có đất,
Hai bên có thiên hạ,
Trời đè xuống.
Đất vùng lên.
Thiên hạ siết chặt vòng gông.
Ba oằn lưng…để sống.
Than ôi!
Ba của con,
Ba oằn lưng để sống,
Để nuôi năm con
Ròng rã suốt mấy mươi năm trường.
Công ơn của Ba quá lớn.
Ba nuôi con không tính ngày, tính tháng,
Còn con lo cho Ba thì tính tháng, kể ngày
Thật nghiệt ngã trớ trêu quá Ba ơi!
“Hởi ôi!
Một chuyến Ba ra đi,
Trăm năm vĩnh biệt có còn gì nữa đâu?
Ngẫm số phận Ba mà trách quyền tạo hóa
Nhớ Ba xưa kham khổ nhiều bề
Tảo tần một kiếp, một thân
Quản gì gió Bắc với mưa Đông”
Ba ra tay vẫy vùng trên biển cả
Rồi một ngày vận nước nổi trôi
Trong con đường tuyệt vọng
Ba đã kéo đàn con lên thuyền
Vượt sóng ngàn khơi
Mở màng cho một phong trào vượt biển
Rồi từ đó…
Hàng ngàn người bỏ nước nối chân Ba.
Ba có biết?
Họ đời đời nhắc tên Ba đó.
Long Vân Tự là nơi Ba sáng lập,
Để mọi người đến học đạo từ bi.
Để chúng sanh quên hết cả sân si
Tìm về nơi cửa Phật.
Hôm nay đây,
“Ngoài kia mây Cali hồi tụ, hồi tan,
Đời sanh diệt là thế, sao thế?
Nước Tam Giang khi vơi khi đầy
Cuộc dâu bễ đành vậy…sao đành?”
Ngày xưa Ba ru con ngủ,
Bây giờ Ba NGỦ, con ru:
Ầu ơ…chiều chiều Ba ngóng trông con,
Trông mòn mỏi mắt mà con đâu rồi?
Bây giờ con ngóng trông Ba
Nhạt nhòa mắt lệ mà Ba đi rồi.
Ôm tay, hôn má cha già,
Thân gầy đau đớn gọi bầy con thơ:
M, C, D, Đ, Th ơi!
Sao con chưa đến để Ba…chơi vơi một mình?
Biết rằng một kiếp phù sinh,
Mà sao lòng vẫn thắt, ruột vẫn đau muôn phần.
Thôi thì một kiếp phù vân,
Ba về bên nớ… mộ phần Ba ơi!
“Ôi, …thôi thôi.
Sinh là kí, tử là qui,
Đường âm dương đôi ngã.”
Ba ơi!
Bao nhiêu cơ cực đoạn trường,
Ba ôm tất cả vào đường tử sinh.
Cuộc vui chưa trọn,
Ba vội chia lìa,
Lòng con quặn thắt nỗi buồn tiễn đưa.
Ôi,
Tạo hóa xoay vần gây chi cảnh trớ trêu?
Để cho kẻ ở, người đi…lắm đọan trường!

Charlie Huynh

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img