Thursday, March 28, 2024

APEC & Chuyến sang thăm của TT Trump: Việt Nam tận dụng được lợi ích gì?

Việt Nam – Tổng thống Hoa Kỳ ông Donald Trump sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 12/11/2017, trước đó sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 ở Đà Nẵng từ ngày 10-11/11/2017. Dư luận quan tâm đặt câu hỏi liệu Việt Nam sẽ tận dụng được lợi ích gì từ chuyến đi này của Tổng thống Trump. Theo nhà quan sát, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, thì điều này còn tùy thuộc vào khả năng khéo léo của Việt Nam…

Cần phải xem cái tài khéo léo của Việt Nam

Với sứ mệnh của Tổng thống Donald Trump đối với chuyến thăm Châu Á lần đầu trong đó có điểm đến là Việt Nam nêu ra tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, nhấn mạnh vai trò của khu vực trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế Hoa Kỳ, nhấn mạnh những cam kết với các đồng minh lâu đời và đối tác của Hoa Kỳ, tái khẳng định cam kết thúc đẩy một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Trùng thời gian này Việt Nam đang tổ chức Hội nghị APEC 2017 với nhiều công việc bận rộn nhưng đồng thời cũng không thể bỏ ngõ chuyến sang thăm của Tổng thống Trump. Rõ ràng đây là thời cơ, thuận lợi và cũng là thách thức đối với Việt Nam.

Việt Nam sẽ tận dụng được những gì để thu điểm lợi từ chuyến sang thăm của Tổng thống Trump? Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai tại Việt Nam, qua Cali Today đã chia sẻ, việc ông Donald Trump đến thăm là một điểm có lợi cho Việt Nam nhưng cái lợi này là như thế nào nên phân tích. Vì sao phải nói như vậy? Tình huống ông Donald Trump đến Việt Nam là ngay đầu nhiệm kỳ, có sự khác biệt so với các Tổng thống đời trước của Hoa Kỳ toàn là cuối nhiệm kỳ hoặc là hết nhiệm kỳ mới đến. Vậy thì phải xem Tổng thống Trump quan tâm đến những gì ở Châu Á đặc biệt là khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

+ Thứ nhất là vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, việc Bình Nhưỡng đẩy mạnh chế tạo và cho thử nghiệm vũ khí hạt nhân, đe dọa nổ chiến tranh. Có thể nói đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống Trump, lần đầu sang Châu Á ông sẽ tiếp xúc, quan sát, nghe ngóng và trực tiếp đánh giá. Hiện nay vấn đề Bắc Hàn cũng là một trong những vấn đề mà dư luận thế giới hết sức để ý và quan tâm.

+ Vấn đề thứ hai là Đông Bắc Á: Chuyến sang Châu Á lần này ông Trump phải xem xét mối quan hệ với Nhật Bản và Nam Hàn, là những nước đồng minh thân cận lâu đời của Hoa Kỳ, mục tiêu tái khẳng định những cam kết và đồng thời đặt nền móng vững chắc hơn về sự thịnh vượng của Hoa Kỳ với sự hiện diện tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương

+ Vấn đề thứ ba: Vấn đề an ninh Biển Đông và sự bành trướng của Trung Quốc trong bối cảnh tình hình sau Đại Hội XIX của Đảng CS Trung Quốc vừa kết thúc. Hoa Kỳ cần nêu bật sứ mệnh bảo vệ tự do hàng hải, cởi mở giao thương hàng hải với các quốc gia trong vùng tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc trong đó có Việt Nam.

“Vậy thì 03 vấn đề này, cũng là 03 mối quan tâm lớn của Hoa Kỳ và của riêng Tổng thống Trump đều có liên quan đến Việt Nam. Như vậy đây cũng là một thế lợi cho Việt Nam vì người ta cũng có thể thấy một Đại hội APEC với các cường quốc đang có mặt tại Việt Nam chứ chưa nói đến những vấn đề bàn bạc bên trong hoặc bàn bạc được cái gì? Ở đây là phải coi đến cái tài, cái khéo của Việt Nam, liệu có làm được gì hay không? Chứ sự hiện diện của Tổng thống Trump ở đây là có lợi”- Lời của Giáo sư Nguyễn Khắc Mai.

Photo Credit: AP

Cũng từ sự bành trướng và sự trỗi dậy đầy tham vọng và nguy hiểm cả về mặt kinh tế lẫn quân sự của Bắc Kinh trong khi nền kinh tế Việt Nam lâu nay lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, tranh chấp trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền lãnh hải thì thế giới thấy quá rõ Việt Nam đang ở thế yếu, không thể so bì với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Liệu chuyến sang thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump và việc Việt Nam tổ chức Hội nghị APEC 2017 có vạch ra cơ hội nào cho Việt Nam mạnh mẽ “Thoát Trung” hay không ?

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai chia sẻ:

“Việc Việt Nam lợi dụng được gì từ cơ hội là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị APEC 2017, đây là điều tốt. Những nền kinh tế lớn họ đã có mặt ở đây thế thì mình có thể tìm cách tiếp cận, bàn bạc, qua quá trình trao đổi để thấy những vấn đề nói chung của khu vực mà người ta quan tâm, có thể nói Việt Nam tìm cách thu được lợi ích trong tình hình hiện nay. Rõ ràng APEC cũng là dịp may, dịp tốt cho Việt Nam, mình tạo ra mối quan hệ sâu mạnh, sự quan tâm của những nền kinh tế lớn trên thế giới.”

Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp những thử thách, bất lợi; việc tiến hành đăng cai APEC 2017 trong tình hình Việt Nam đang yếu nhiều mặt như nợ công cao, “thẻ vàng” của EU dành cho một mặt hàng rất quan trong của ta là mặt hàng hải sản vào tháng 10/2017 vừa qua, tham nhũng vẫn tràn lan và dân chủ-nhân quyền yếu kém… Đây rõ là thể hiện thế yếu của Việt Nam mà Việt Nam cần phải thấy bởi vì nhiều nước lớn đến tham dự APEC đều là những đàn anh “già dặn” trong nền dân chủ, họ không thích trò độc tài, họ không thích trò mất dân chủ, họ không thích làm cái gì đấy mà vi phạm nhân quyền, dân chủ.

Ngoài ra, dư luận Việt Nam cũng có những lo toan khi mà Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố quyền lợi của nước Hoa Kỳ là trên hết, một cường quốc như Hoa Kỳ thì sẽ kiếm được lợi ích gì từ Việt Nam vốn dĩ là một nước có nền kinh tế nhỏ nếu không nói là trung bình yếu của thế giới.?

Giáo sư Mai cho rằng, thật ra nền kinh tế Việt Nam cũng không đến nỗi không có gì để quan hệ với thế giới như việc hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ có giá trị lên đến nhiều tỷ USD vậy thì con số này cũng không đến mức tệ, với EU, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thế. Thành ra Việt Nam là một trong những nơi họ muốn đặt mối quan hệ và thúc đẩy sự phát triển, điều này là một lợi thế của Việt Nam. Việt Nam hiện nay được đánh giá là một trong những điểm, một mắc xích trong những vấn đề lớn của thế giới thì Việt Nam cố gắng tận dụng và thúc đẩy. Nhưng vẫn có điều để Giáo sư Mai lo lắng và nhắc lại là:

“Nhưng tôi vẫn nói lại là Việt Nam thúc đẩy như thế nào đối với người ta nhưng phải tạo dựng một cái thế tức là phát triển kinh tế đừng đi đối nghịch với việc phát triển dân chủ, hai mặt này theo tôi phải đi song song với nhau. Không có bất cứ quốc gia, dân tộc nào trong thời kỳ hiện đại mà thiếu vắng dân chủ lại có thể phát triển được, lại có thể tạo dựng nên một sức mạnh mới của mình. Nếu có dân chủ thì sẽ tạo thành như một nội lực, như một tiềm năng biến thành ra sức mạnh vật chất.”

Hiện nay doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam rất èo uột, nông nghiệp thì khó khăn mà theo giáo sư Mai hai yếu tố này lại gắn liền với dân chủ, tức là luật pháp, sự điều hành và mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nhân, với nông dân …nạn tham nhũng, hối lộ tất cả đều liên quan đến vấn đề dân chủ. Đối với quốc tế Việt Nam cần phải nhìn nhận rõ ràng để tăng thêm uy tín trong giao thương kinh tế thông qua việc tận dụng đăng cai APEC 2017 và chuyến sang thăm của Tổng thống Donald Trump./.

QUÊ HƯƠNG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img