Friday, March 29, 2024

Trục xuất Will Nguyen: Rốt cuộc CSVN cũng biết sợ Quốc hội Mỹ!

Thiền Lâm

Việt Nam – Cali Today News – Will Nguyễn – người thanh niên Mỹ gốc Việt đã tham dự một cách quá nhiệt tình vào cuộc biểu tình ngày 10 Tháng Sáu phản đối dự luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng tại Sài Gòn – là một bằng chứng sống động cho thấy rốt cuộc, chế độ cộng sản ở Việt Nam đã biết phải sợ Quốc hội Hoa Kỳ như thế nào và theo cách nào.

Trong khi tác động từ Chính phủ Mỹ là quá mờ nhạt, chỉ còn một tác động quốc tế từ Quốc hội Mỹ mà có thể đã gây sức ép đủ lớn đến ‘yêu cầu đối ngoại’ của chính thể Việt Nam, để thay vì chính thể này xử Will Nguyễn một số năm tù thì cuối cùng đã bắt buộc phải xuống thang áp dụng hình thức trục xuất đối với anh – một chế tài hành chính chứ không phải theo luật Hình sự.

Hàng chục nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là các dân biểu liên bang Hoa Kỳ như Alan Lowenthal, Jimmy Gomez và Lou Correa yêu cầu phải can thiệp đối với Will – không chỉ bảo đảm an toàn cho một công dân Mỹ mà còn thể hiển giá trị dân chủ và nhân quyền của người Mỹ từ thời George Washington.

Chỉ vài giờ trước phiên tòa xét xử William Nguyễn diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, một dân biểu liên bang Hoa Kỳ là Alan Lowenthal đã cảnh cáo nếu Việt Nam kết án tù anh Will Nguyễn một cách bất công thì ‘sẽ có những hậu quả nhanh chóng và dứt khoát từ Quốc hội Hoa Kỳ’, và ‘Hãy nhớ là tất cả các bộ phận từ Ủy ban Phân bổ Ngân sách, đến Ủy ban Đối ngoại đều tham gia vào vụ việc này’.

Alan Lowenthal là đồng chủ tịch của nhóm Vietnam Caucus (Nhóm làm việc về Việt Nam) trong Quốc hội Mỹ. Ảnh: Báo Trẻ Online

Cho tới sát thời điểm Will Nguyễn bị đưa ra xét xử tại Tòa án TP.HCM vào ngày 20/7/2018, vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam muốn nương nhẹ bản án bỏ túi về tội ‘gây rối trật tự công cộng’ có thể lên đến 7 năm tù giam đối với Will Nguyễn.

Thậm chí báo chí nhà nước còn cho biết quan điểm của Viện kiểm sát TP.HCM là “hành vi của Nguyen William Anh đã xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên phải xử lý nghiêm nhằm cải tạo, giáo dục và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội”.

Một khả năng có thể đã xảy ra là chỉ đến những giờ phút cuối cùng của phiên tòa xét xử Will Nguyễn, án chỉ đạo mới đột ngột thay đổi theo cách ‘trả tự do ngay tại tòa’.

Will Nguyen. Photo Credit: ABC

Ở Việt Nam đã từng có tiền lệ về ‘trả tự do ngay tại tòa’: nhà hoạt động trẻ Nguyễn Phương Uyên.

Phương Uyên bị bắt vào cuối năm 2012, bị án sơ thẩm đến 6 năm tù giam. Đến tháng Tám năm 2013, tòa Việt Nam xử phúc thẩm Phương Uyên và đã đột ngột tuyên án trả tự do cho cô ngay tại tòa. Sau đó có tin cho biết Phương Uyên xếp thứ năm trong danh sách 5 tù nhân lương tâm mà phía Mỹ đã đề nghị Việt Nam trả tự do nhân cuộc gặp Barak Obama – Trương Tấn Sang tại Washington vào tháng Bảy năm 2013.

Tuy nhiên vào năm 2018 này, tác động nhằm ‘trả tự do ngay tại tòa’ có lẽ không đến từ chính phủ, mà lại từ Quốc hội Mỹ. Xem ra, nước Mỹ vẫn không quên lãng giá trị dân chủ, chỉ là địa chỉ biểu hiện cho giá trị này không còn theo cái cách như trước đây.

Alan Lowenthal lại chính là đồng chủ tịch của nhóm Vietnam Caucus (Nhóm làm việc về Việt Nam) trong Quốc hội Mỹ.

Vietnam Caucus của Hạ viện Hoa Kỳ, bao gồm những nghị sĩ có tên tuổi và quen thuộc như Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Chris Smith, Frank Wolf, Alan Lowenthal, Ed Royce…, cùng vài chục nghị sĩ khác của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ, là một nhóm quan tâm đặc biệt đến chủ đề đối ngoại và nhân quyền ở Việt Nam trong nhiều năm qua như tự do tôn giáo, tự do báo chí, xã hội dân sự, thả tù nhân lương tâm. Nhưng đáng ngại hơn cả đối với giới lãnh đạo Việt Nam có lẽ là những dự luật liên quan đến nhân quyền mà các nhà lập pháp của Vietnam Caucus đã soạn thảo và vẫn tiếp tục thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua, đó là các Dự luật nhân quyền Việt Nam, Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, và gần đây nhất là một văn bản yêu cầu đưa Việt Nam trở lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.

Nếu Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam được thông qua, sẽ tương tự tình trạng chế tài nhân quyền đối với Nga và Syria khi hàng loạt nhân vật cao cấp và kể cả trung cấp của giới lãnh đạo Việt Nam bị đưa tên vào “sổ đen nhân quyền” của Mỹ và Liên minh châu Âu, để từ đó những người này sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ, cùng lúc tài khoản, tài sản của họ, kể cả của người thân của họ, sẽ bị Mỹ và Liên minh châu Âu phong tỏa tại bất kỳ ngân hàng hoặc địa điểm quốc tế nào mà nước Mỹ có thể với tay tới.

Sự thật là Nhóm Vietnam Caucus đã cất lên tiếng nói vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Obama vào cuối năm 2016, như một tín hiệu đặc biệt báo trước cho giới lãnh đạo Việt Nam về giai đoạn “làm mình làm mẩy” đã qua hẳn, nhường chỗ cho một thời kỳ mà tù nhân lương tâm ở Việt Nam không thể bị xem là món hàng để mặc cả cho những lợi ích kinh tế và quốc phòng của chế độ.

‘Mềm nắn rắn buông’ chính là như vậy. Một bài học kinh nghiệm rất đắt giá cho người Mỹ và cả Liên minh châu Âu trong các cuộc đàm phán nhân quyền với chính thể Việt Nam.

Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, nếu không bị chế tài về lợi ích cá nhân, bản chất sẵn sàng vi phạm nhân quyền của chế độ toàn trị và giới quan chức ở Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img