Tưởng niệm 48 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Cộng cưỡng chiếm phi pháp (19/1/1974- 19/1/2022) diễn ra trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cũng như bao lần tưởng niệm trước, người dân Việt Nam ở khắp mọi nơi cùng hướng về với tấm lòng và nghĩa cử tri ân thiêng liêng nhất…
Ngược dòng lịch sử Việt Nam 48 năm về trước, lợi dụng tình hình Chính Phủ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đang gặp khó khăn vì cuộc nội chiến với những người cộng sản, bành trướng Trung Cộng đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động khiêu khích, xâm phạm lãnh hải của VNCH tại quần đảo Hoàng Sa. Không thể chấp nhận thêm sự xâm phạm phi pháp nào khác từ Trung Cộng, hải quân VNCH và hải quân Trung Cộng đã có cuộc nổ súng tại quần đảo Hoàng Sa. Chung cuộc, Trung Cộng đã thành công việc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hôm ấy nhằm vào ngày 19/1/1974.
Tính đến nay, đã 48 năm qua, quần đảo Hoàng Sa vẫn còn bị Trung Cộng chiếm giữ và ngày càng gia cố thành tiền đồn quân sự quan trọng trên biển Đông. Và cũng chừng ấy năm, quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa thể về lại với đất mẹ Việt Nam.
48 năm qua (19/1/1974- 19/1/2022), người dân Việt Nam dù sống bất cứ nơi đâu, ngoài hay trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam vẫn hướng về ngày này với nỗi đau không quên, niềm tri ân thiêng liên nhất, tri ân 74 tử sĩ VNCH hy sinh vì quần đảo Hoàng Sa thân yêu.
Ngay sau ngày Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm, vào ngày 14/2/1974, Chính phủ VNCH đã ra tuyên cáo lên án hành động cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và khẳng định chủ quyền lãnh hải đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo ngoài khơi Biển Đông.
Nguyên văn Tuyên cáo được Cali Today chia sẻ từ bạn bè Cộng đồng mạng xã hội:
“TUYÊN CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA TRÊN NHỮNG ĐẢO Ở NGOÀI KHƠI BỜ BIỂN VIỆT NAM CỘNG HÒA
Nguyên văn:
Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết của một Chánh phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia. Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết làm tròn nghĩa vụ này, bất luận những khó khăn trở ngại có thể gặp phải và bất chấp những sự phản đối không căn cứ dầu phát xuất từ đâu.
Trước việc Trung Cộng trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng:
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy.
Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình.
Kẻ xâm chiếm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi tình trạng căng thẳng có thể do đó mà có.
Trong dịp này, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những hải đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Phần và bờ biển Nam Phần Việt Nam, từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không chối cãi được.
Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.
Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất này.
Làm tại Saigon, ngày 14 tháng 2 năm 1974.
.
Nguồn: Tập san Sử Địa, tập 29.”
Tưởng niệm 48 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Cộng cưỡng chiếm phi pháp diễn ra trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, như đã nói trên, tuy không rầm rộ tổ chức các hoạt động tưởng niệm nhưng người dân Việt Nam cũng vẫn hướng về với tấm lòng, nghĩa cử tri ân thiêng liêng nhất.
Khá nhiều người sinh hoạt mạng xã hội đã chia sẻ và đăng bài nhắc nhớ với nhau về ngày này. Đơn cử như tài khoản Facebook cá nhân Luu Trong Van có đăng 2 tấm hình, một người đàn ông và một người phụ nữ kèm theo dòng status hết sức xúc động rằng:
“Người nhái Đỗ Văn Long là người lính VNCH hy sinh đầu tiên trong Hải chiến Hoàng Sa. Người đàn bà này 48 năm trước là cô gái Sài Gòn xinh đẹp, trước khi ra Hoàng Sa, Đỗ Văn Long đã ngỏ lời yêu với chị. Chị hỏi sao anh yêu em, Đỗ Văn Long nói: vì tên của em là Ái Dân. Thế rồi họ hẹn nhau sau chuyến đi Hoàng Sa sẽ về cưới… Và, ngày cưới ấy không thành. Chị Ái Dân từ ngày người yêu hy sinh bảo vệ Tổ quốc đã ở vậy cho đến nay.”.
Một chia sẻ khác là bạn Huỳnh Khánh Kim Long sinh sống tại TP.Đà Lạt với Cali Today rằng, việc Việt Nam mất quần đảo Hoàng Sa một sự kiện lịch sử hết sức đau buồn, mất mác rất là lớn.
“Khi tìm hiểu hoàn cảnh về việc Việt Nam mất Hoàng Sa thì thật sự là điều đáng tiếc và đau buồn mà thế hệ trẻ tụi em khi nhận thức được thì thấy nó là một mất mác rất là lớn. Tìm hiểu kỹ hơn nữa về việc có được Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn, với những xương máu mà cha ông đổ ra, những cái gì mình đi sâu vào tìm hiểu thì mình càng thấy đau xót hơn”
“Cần tách biệt rõ ràng cái nào là văn hóa Việt-Nho, Hán– Nho. Bởi vì khi có mặt trận văn hóa đối với Trung Cộng mà mình cứ nhầm lẫn khái niệm này thì chắc chắn chuyện giành lại chủ quyền về biên cương lịch sử, địa giới dân tộc thì mình sẽ rất là khó.”
“Rất là buồn khi mà toàn bộ những dữ liệu đó (hải chiến Hoàng Sa-nv) bị xóa sạch khỏi tư liệu dạy học và trong các giáo khoa lịch sử. Do vậy, chuyện trả lại tên chính thể VNCH cũng như trả lại luôn cho những tử sĩ hy sinh vào thời điểm đó dưới sự nắm quyền của chính quyền VNCH thì cần phải đáp ứng càng nhanh càng tốt, để việc khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng- Trường Sa thật sự là cấp bách”./.
THIÊN HÀ