Thursday, March 28, 2024

43 năm ngày chiến cuộc Việt- Trung, vắng lặng tưởng niệm khi kẻ thù ngày càng quá mạnh

Tưởng niệm 43 năm ngày mở đầu cuộc chiến biên giới Việt Nam- Trung Quốc (17/2/1979 – 17/2/2022), vắng lặng các hoạt động trên phương tiện truyền thông thuộc Nhà nước CSVN, kể cả mạng xã hội tại Việt Nam. Đậu đó, chỉ còn vài lời nhắc nhớ với nhau về một vài hoài niệm của thời khói lửa, đau thương…

Tháng 2 hằng năm lại về, năm nay đã là năm thứ 43 tưởng niệm ngày 60 vạn quân Trung Quốc tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam gồm: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn và Quảng Ninh (17/2/1979- 17/2/2022). Nhà cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ cho rằng, cuộc chiến này là Trung Quốc muốn “dạy cho Việt Nam một bài học” do trước đó Việt Nam tiến quân vào Campuchia lật đổ tập đoàn Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo, một đồng minh thân cận của Trung Quốc. Về phía Việt Nam, nhà cầm quyền Việt Nam cho đây là cuộc chiến vệ quốc, chống quân xâm lược, bảo vệ lãnh thổ. Tuy nhiên, dù như thế nào thì đây là cuộc chiến của những người theo ý thức hệ Cộng sản, những người từng là “anh em” chia sẻ máu đạn trong chiến tranh đặc biệt chiến tranh tại Việt Nam.

Nói về cuộc chiến biên giới Việt- Trung 1979, sau khoảng một tháng giao tranh khốc liệt, nhiều thời điểm quân đội Trung Quốc tiến khá sâu vào lãnh thổ Việt Nam, đến tháng 3/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành sứ mệnh, rút quân về nước. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn 1. Bởi lẽ, sau đó tiếng súng vẫn vang rền trên bầu trời biên giới Việt- Trung cho đến nữa cuối năm 1989.

Và sau sự kiện Liên Xô tan rã, bằng cuộc gặp mặt ở Hội nghị Thành Đô (hay còn gọi là Mật ước Thành Đô) tháng 9/1990, giữa lãnh đạo hai nước Việt –Trung đã tuyên bố: Việt Nam – Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, tiếng súng biên giới hai nước chính thức kết thúc cho đến hiện tại.   

Mặc dù sử sách của Việt Nam và Trung Quốc có những cách viết khác nhau về cuộc chiến biên giới nhưng có điểm chung, khẳng định đây là cuộc chiến khốc liệt, diễn ra trong khoảng thời gian không dài nhưng đã cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng của hai phía, hàng triệu căn nhà đổ nát, tiềm lực kinh tế quốc gia sụt giảm…

Tưởng niệm 43 năm ngày mở đầu cuộc chiến biên giới Việt Nam- Trung Quốc năm nay 2022, nhìn chung khá vắng lặng các hoạt động trên phương tiện truyền thông thuộc Nhà nước CSVN và kể cả mạng xã hội tại Việt Nam lẫn ngoài cuộc sống.

Sự vắng lặng ở đây có thể hiểu nhiều nguyên nhân, đại dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp, người dân hạn chế tập trung, giới hoạt động dân sự Việt Nam thời gian gần đây bị bắt bớ, tù đầy khá nhiều nên một, hai năm gần đây hầu như vắng những đoàn người dâng hương tưởng niệm hoặc tuần hành hướng về tượng đài.

Một vài trang Facebook cá nhân tại Việt Nam có để hình ảnh “17/2 Nhân dân không quên” hoặc chia sẻ những status của người từ cuộc chiến hồi tưởng lại những kỷ niệm năm tháng khói lửa, niềm đau. Và đau đáu đặt câu hỏi “Tại sao kể từ sau Hội nghị Thành Đô cho đến hiện tại thì cuộc chiến này, khốc liệt thế kia nhưng nhà cầm quyền Việt Nam khá hạn chế đưa vào sách sử, giáo dục?”. Thế hệ mai sau của Việt Nam hiểu như thế nào cho đúng về cuộc chiến này?.

Nhân ngày này, một vài trang truyền thông thuộc Nhà nước CSVN có đăng một vài thông tin về cuộc chiến như tờ VOV nói về cuộc chiến ở huyện Vị Xuyên- tỉnh Hà Giang (giai đoạn 1984- 1989). Đây được xem là giai đoạn 2 của cuộc chiến biên giới Việt- Trung, Trung Quốc huy động khoảng 50 vạn quân từ 8 trong 10 đại quân khu với hơn 20 sư đoàn bộ binh, 171 trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 3 sư đoàn pháo binh và các đơn vị pháo binh của các sư đoàn bộ binh (tổng cộng hơn 400 khẩu pháo lớn các loại), trên 1000 xe cơ giới phục vụ cho chiến đấu … tấn công ác liệt vào xã Thanh Thủy, Minh Tân, Thanh Đức … thuộc huyện Vị Xuyên, xã Bạch Đích, Phú Lũng thuộc huyện Yên Minh (Hà Giang). 5 năm của cuộc chiến khiến Việt Nam tổn thất 4000 quân và dân, hàng ngàn người bị thương, hàng trăm thôn bản bị xóa sạch.

Cũng xin được nhắc thêm, ngày 26/1/2022 vừa qua, Thủ tướng CSVN ông Phạm Minh Chính cùng đoàn tháp tùng đến dâng hương tại khu tưởng niệm các liệt sĩ Pò Hèn, tỉnh Quảng Ninh.

Trước đó, ngày 8/12/2021, Chủ tịch nước CSVN ông Nguyễn Xuân Phúc đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên.

Có thể nói, trong “bộ Tứ quyền lực” của CSVN, thì cựu Chủ tịch nước CSVN ông Trương Tấn Sang là người nhiều lần lên biên giới phía Bắc thắp hương mộ các tử sĩ hy sinh tại chiến cuộc biên giới Việt-Trung nhất.

Những hoạt động này của các lãnh đạo CSVN đương thời có lẽ cũng an ủi phần nào linh hồn người đã khuất vì Tổ quốc. Tuy nhiên, đó có phải là đủ? Kẻ thù phía Bắc của Việt Nam hiện vẫn chưa hết mộng bành trướng và đang là cường quốc lớn mạnh đáng sợ./.

 

THIÊN HÀ

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img