Thursday, March 28, 2024

3 trong 1,1 triệu: ‘Chống tham nhũng’ của ông Trọng phá sản?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Chiến dịch mang tính chiến lược “chống tham nhũng” và một chiến dịch nhỏ hơn mang tính chiến thuật “kiểm tra tài sản 10000 quan chức” của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư đảng CSVN – đang tiệm cận với nguy cơ phá sản bởi một “cái tát” từ chính cơ quan Thanh tra chính phủ.

Mãi đến tháng tám năm 2017, Thanh tra chính phủ mới công bố kết quả thống kê các trường hợp quan chức kê khai tài sản năm 2016. Theo đó, trong số 1.113.422 người kê khai tài sản, chỉ có 77 người được xác minh, đặc biệt chỉ 3 trường hợp bị xem là “thiếu trung thực”.

“Không thể tin được!” – nhiều cán bộ về hưu và cả quan chức đương nhiệm thốt lên khi nghe thông tin trên, trong một chế độ mà tham nhũng và thất thoát đã từ lâu trở thành quốc nạn.

Nhưng chưa phải hết. Phó tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn còn tự tin đến mức đưa ra một dự báo là “tham nhũng năm 2018 sẽ giảm”.

Cũng ngay lập tức, giới chuyên gia phát ra câu hỏi: “Cơ sở nào để dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ giảm?”.

Đơn giản là không có một cơ sở nào hết.

Thậm chí ngay cả khối biệt phủ khổng lồ của nhân vật Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, em ruột của bà Phạm Thị Thanh Trà bí thư tỉnh ủy Yên Bái – dù đã bị dư luận trưng ra hình ảnh cùng những chi tiết về tài sản rất cụ thể, phẫn nộ lên án suốt mấy tháng qua, nhưng vẫn bị Thanh tra chính phủ “ém” không chịu công bố kết quả thanh tra tài sản của nhân vật này.

Dư luận vẫn đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ về tài sản “khủng” của ông Phạm Sỹ Quý – giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái – Ảnh: NAM TRẦN

Cơ quan Thanh tra chính phủ đã từng có tiền lệ về “thành tích chống tham nhũng”. Trần Văn Truyền – Tổng thanh tra chính phủ – đã từng bị dư luận phát hiện ra ông này sở hữu những ngôi nhà lớn, tọa lạc ngay bên cạnh một xóm nhà lụp xụp rách nát của những người lao động nghèo.  

Sau Trần Văn Truyền là Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh. Có lần trong một hội nghị, ông Tranh còn phát ra cụm từ không thể hiểu nổi “tham nhũng vẫn ổn định”.

Trước năm 2016 là năm 2015. Cứ nhìn vào hiện tượng gần một triệu cán bộ kê khai tài sản trên toàn quốc, mà chỉ phát hiện có 5 trường hợp “kê khai không trung thực” là đủ biết mật độ tham nhũng và bao che tham nhũng dày đặc đến thế nào. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng cũng quá thấp. Chẳng hạn như ở Sài Gòn, chỉ thu hồi được 5 tỷ trong số 2.000 tỷ đồng bị thất thoát, tức chỉ có 0,25%, thua rất xa tiêu chuẩn của thế giới là 30% trở lên.

Hẳn đó là “truyền thống” của Thanh tra chính phủ, dắt dây cho đến ngày nay. Cơ quan này rất hiếm khi chủ động phát hiện hoặc chủ động làm rõ một vụ việc tiêu cực nào. Ngay cả vụ “Mobifone mua AVG” mà bị dư luận tố cáo có nhiều dấu hiệu thất thoát đến 8000 tỷ đồng của nhà nước, một phó tổng thanh tra chính phủ khác là Ngô Văn Khánh cũng bị tố cáo đã cố ý chây ì không báo cáo sự thật về con số chênh lệch khủng khiếp này. Ông Khánh cũng là nhân vật đã và đang bị một số báo nhà nước, mạng xã hội phanh phui khối tài sản rất nhiều tỷ đồng “từ trên trời rơi xuống” của ông ta.

Ảnh: Seatimes

Tham nhũng không chỉ là “quốc nạn” mà còn là “quan nạn”. Bởi chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới tham nhũng được. Còn người dân, cán bộ công chức bình thường khó có thể tham nhũng. Một tổng kết cho thấy gần 80% vụ tham nhũng do quần chúng phát hiện chứ không phải từ các cơ quan chức năng phanh phui.

Trong hai năm 2015 và 2016, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế đánh giá Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng, nhưng phát hiện và trừng trị được tham nhũng thì rất ít.

Vào tháng 5/2017, trùng thời gian ông Trọng “xử” Đinh La Thăng, chủ trương “kiểm tra tài sản 1000 cán bộ” đã được Văn phòng tổng bí thư tung ra và Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông Trần Quốc Vượng công bố khá ồn ào. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chiến dịch này đã chìm hẳn.

Vì sao thế?

Trong thực tế, hồ sơ tài sản “bề chìm” quan chức không chủ yếu đến từ các cơ quan tham mưu của đảng – vốn chỉ quen nắm hồ sơ “bề nổi” theo kê khai. Chỉ có hai cơ quan có thể nắm được cơ bản hồ sơ tài sản quan chức: Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai cơ quan này có sẵn những cục, vụ nghiệp vụ để làm chuyện đó.

Nhưng lại chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trọng “nắm” được Bộ Công an, dù rằng mối quan hệ chỉ đạo của ông với Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng có vẻ “cơm lành canh ngọt” hơn.

Kể cả việc ông Trọng có vẻ không mấy thực tâm trong việc kiểm tra tài sản các quan chức dưới quyền của mình. Nhiều dư luận đang cho rằng ông Trọng chỉ chăm chăm ngó vào tài sản của giới quan chức thời Nguyễn Tấn Dũng mà bỏ qua giới quan chức thời ông Trọng. Nếu dư luận này là đúng, toàn bộ chủ trương kiểm tra tài sản quan chức mà ông Trọng đưa ra sẽ rất thiếu công bằng, chông chênh và rất dễ sụp đổ khi đụng phải “bức tường” đầu tiên.

Cơ quan Thanh tra chính phủ là một trong những “bức tường” đó.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img